Bài thơ như sau:
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng.
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau...
Biết đi đâu về đâu
Con đò không bến đợi
Ơi cây xanh tình đời
Có nghe lòng ta gọi
Những mùa xuân đã qua
Tiếng ve về thổn thức.
Gió thổi vào đêm hè
Kể chuyện mười năm trước.
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng.
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau...
Nơi tình yêu bắt đầu
Cũng là điều khó nhất.
Trái tim dù biết hát
Nhưng tình đời dễ đâu
*
Những đôi lứa yêu nhau
Hãy nghe tôi kể lại
Chỉ một lần trót dại
Thế mà thành chia phôi
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng…
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã kể lại rằng: Vào những năm cuối của thập niên 1970, anh cũng đã chép bài thơ này vào sổ tay thời còn đang là sinh viên và cũng như tôi anh lầm tưởng là của Becxonop tặng Ongabecgon. Anh kể tiếp: Tôi là đàn em, được cùng làm báo Nhân Dân với anh Nghiêm Thanh trong một thời gian dài. Trong thời gian đó, khi làm phóng viên thường trú ở Quảng Ninh hay Phó Trưởng ban gowin99 – Văn nghệ, không thấy anh Nghiêm Thanh đăng một bài thơ nào. Thậm chí, anh còn có vẻ “dị ứng” với thơ ca và các nhà thơ. Anh nổi bật ở những bài viết bình luận nghệ thuật, nhất là sân khấu và tiểu phẩm. Ấy vậy mà anh chính là tác giả của bài thơ từng nằm lòng nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và giới trẻ!
Anh Nghiêm Thanh kể: Khoảng mùa thu 1972, sắp kết thúc khóa 13 khoa Ngữ văn, trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1968 – 1972), sinh viên thường sưu tầm những bài thơ hay để chép tặng nhau khi chia tay. Vào giờ nghỉ giữa hai tiết học, tôi ngồi trong lớp, bỗng cao hứng phóng bút viết tại chỗ bài “Chuyện tình mười năm trước”. Là cán bộ đi học, đã lập gia đình và là đảng viên, làm lớp trưởng, ngại mang tiếng “lãng mạn”, tôi không dám ghi danh, liền nghĩ cách mượn tên nhân vật đa tình cũng có tên là Bét-xô-nốp cũng làm thơ trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của nhà văn A. Tôn-xtôi, bịa ra tên người dịch, chuyển lên bàn trên cho Đoàn Thị Hương (tức Đoàn Hương, sau là Tiến sĩ Văn học) và ra hiệu đưa cho một bạn gái ngồi phía trái. Cũng là trêu nghịch thôi, không ngờ bài thơ được nhanh chóng lưu truyền và nhiều người lầm tưởng “Chuyện tình mười năm trước” là của một nhà thơ Nga. Năm 2008, tôi sửa lại và đưa in trong kỷ yếu “Dấu ấn một thời” nhân kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường khóa 13 khoa Ngữ văn, trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1968 – 2008)”.
Sau khi nghe anh Nghiêm Thanh kể, tôi hết sức kinh ngạc. Bởi bài thơ được nhiều thế hệ yêu chuộng, tác giả mà tôi tôn kính không phải ông “ốp”, “ép” nào mà lại là anh Nghiêm Thanh, người tôi vẫn gặp hàng ngày, người tôi vẫn nghĩ là khá “dị ứng” với thơ ca! Nhà báo Trương Cộng Hòa, nguyên phóng viên Đài TNVN, nguyên sinh viên Văn Tổng hợp khóa 16 cũng đã chép tay bài này và nhớ một số bài thơ khác của anh Nghiêm Thanh. Anh Hòa viết trên Facebook của mình với nickname Thanh Vũ: “Nghe nói, bài thơ là của anh Nghiêm Thanh, sinh viên K13, sau này là phóng viên báo Nhân Dân. Cũng là theo thể chép tay, khoa Văn còn lưu truyền một bài thơ khác của Nghiêm Thanh nhan đề “Chiều xanh” với 4 câu thơ mở đầu:
Chiều nay xanh như buổi chiều nào
Anh cùng em về miền quê ca dao
Chưa gặp Hội Xuân nghe bài Quan họ
Nhưng hồn anh tiếng hát đã bay vào...
Kể ra đây, nếu các anh các chị lớp trước, các bạn lớp sau biết rõ hơn, xin nhuận sắc hộ”... Thoạt đầu, tôi không dám tin. Nhưng tác giả, một người trung thực trong chuyện bút mực, một người đã được rèn luyện mấy chục năm làm báo, không thể không tin được. Tôi nhớ lại những ngày sinh viên. Ở khoa Văn Tổng hợp những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thường chép tặng thơ cho nhau. Và có hiện tượng để dễ lưu truyền thơ mình – hoặc vì những lý do khác, phải mượn tên một nhà thơ nổi tiếng nào đó. Như trường hợp bài thơ “Bông huệ trắng” (Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng/Sao bóng hoa trên tường lại đen…) được phổ biến là của Hen-rích Hai-nơ – nhà thơ Đức; sau này đã được khẳng định là của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Rồi tôi đọc lại văn bản bài thơ. Đọc kỹ, tôi thấy có một số hình ảnh và ngữ liệu văn học hoàn toàn thuần Việt, không thể là ở nước ngoài, vậy mà bao nhiêu năm nay mình đọc không ra. Đó là Con đò không bến đợi, và còn cả một khổ nói về mùa hè đặc trưng Việt Nam:
Năm tháng đã đi qua
Tiếng ve về thổn thức
Gió thổi vào đêm hè
Kể chuyện mười năm trước…
Nguyên gốc bài thơ của anh Nghiêm Thanh viết năm 1972 là Chuyện tình mười năm trước:
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng.
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau...
Biết đi đâu về đâu
Con đò không bến đợi!
Ơi cây xanh tình đời
Có nghe lòng ta gọi?
Và tháng ngày đi qua
Tiếng ve về thổn thức.
Gió thổi vào đêm hè
Nhắc chuyện mười năm trước.
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng.
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau...
Khi tình yêu bắt đầu
Cũng là điều khó nhất.
Trái tim dù biết hát
Nhưng cõi người dễ đâu?
*
Những đôi lứa yêu nhau
Có nghe tôi kể lại
Thoáng ưu tư khờ dại
Thế mà thành chia phôi!
Chỉ có một lần thôi
Em hỏi, anh im lặng…
Đến năm 2008, anh Nghiêm Thanh sửa lại một vài câu chữ. Tôi không thể nói bản nào hay hơn bản nào, nhưng tôi thì vẫn yêu bài thơ đã sống cùng tôi trong nhiều năm tháng. Rõ ràng, bài thơ đã có một đời sống riêng, vượt khỏi tầm “kiểm soát” của tác giả; đã an ủi hàng triệu trái tim; đã làm nên cái đẹp của tình yêu, của hồn người. Không cần một giải thưởng danh giá nào, “Chuyện tình mười năm trước” đã có một chỗ đứng trong số những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20. Và tác giả, dù không chọn thơ là một nghề; đã là một nhà thơ trong lòng bạn đọc, một tên tuổi không thể quên!
Có cái chốt trong bài thơ này: Câu hỏi của người con gái là gì? Tác giả không nói rõ, chỉ nói người con trai vì “thoáng ưu tư khờ dại” mà thôi. Tất nhiên, về mỹ cảm, sự phán đoán này là không cần thiết. Cái mà người đọc day dứt, cảm nhận được là sự mong manh của tình yêu, nhiều khi chỉ một điều rất nhỏ, rất vô tình cũng có thể làm tan vỡ hai trái tim và một tình yêu thánh thiện. Càng đẹp đẽ, thánh thiện bao nhiêu, càng dễ vỡ bấy nhiêu! “Chỉ có một lần thôi” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài thơ chính là điều nhắc nhở tất cả mọi người, mọi thời; có lẽ đã giữ cho nhiều lứa đôi không phải chia tay nhau vì những điều không phải lẽ, những điều rất nhỏ nào đó. Giá trị nhân văn là khi mất mát của người này tạo nên tấm biển chỉ đường để làm cho người khác không bị mất mát.
Anh Trương Cộng Hòa có nhắc đến bài thơ Chiều xanh thuở sinh viên của Nghiêm Thanh. Rất là Tổng hợp khi hiện đại hóa thơ, tây hóa thơ bằng những cách nói lập thể, tượng trưng, đồng hiện… Và rất nhiều bóng dáng của các thi nhân trước đó – hoặc vô tình quên mất, hoặc cố ý viết theo thi pháp của các bậc thầy. Ta thấy trong bốn câu Chiều nay xanh như buổi chiều nào/Anh cùng em về miền quê ca dao/Chưa gặp Hội xuân nghe câu Quan họ/Nhưng lòng anh tiếng hát đã bay vào… Hai câu đầu bị “ám” Huy Cận thời Thơ mới, bài “Đi giữa đường thơm”: Một buổi trưa không biết ở thời nào/Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao. Càng đi xa, người ta sẽ dễ tránh được cái bóng của người đi trước. Tôi không chú ý nhiều về sự ảnh hưởng này – tất nhiên không thể khuyến khích – mà chú ý hơn cái tâm hồn anh luôn để “tiếng hát bay vào”.
Vào năm 1966, trong bài thơ Nữ tự vệ Thành Tô của anh có đoạn:
Trận địa đây mây sà ngang đầu súng
Vòng ngụy trang sém lá khô cong
Sương ướt đầm vai suốt phiên trực chiến
Em giữ bình yên cửa Nước - Hải Phòng…
(Nữ tự vệ Thành Tô)
Ngày nay, anh vẫn thao thiết:
Dòng đời trôi thao thiết
Chân trời xa ửng hồng
Gọi những câu, những chữ
Tìm phía sáng hừng đông…
Anh Nghiêm Thanh làm thơ từ năm 1962, và nay vẫn làm thơ. Không có tâm hồn tự hát và rộng mở đón tiếng hát cuộc đời thì không thể có đời thơ bền bỉ ấy. Anh là một điển hình “nhà thơ của một bài”. Và một bài không chết!
Theo Chuyện Làng quê
Bài và ảnh: Quoc Toan Son Tay
Link nội dung: //revcat.net/chuyen-muoi-nam-truoc-ai-la-tac-gia-bai-tho-tinh-noi-tieng-chuyen-muoi-nam-truoc-a7763.html