Lò của anh bạn. Nó ái ngại khi tôi đến làm thuê cho nó. Mặc kệ. Tôi cứ xấn xổ đến nhận việc. Không có chuyên môn, tôi đảm đương việc quay vít me, là quay cái vô lăng ép vành khuôn phía trên xuống chiếc đế đang nóng hừng hực. Để tiết kiệm thời gian, nửa dưới của khuôn luôn được làm nóng sẵn bằng hệ thống dây mai so bên dưới. Mùa đông, không đến nỗi cởi trần nhưng chỉ mặc chiếc áo phông cũng đủ ấm. Vừa rồi tôi đến thăm anh bạn. Những tấm ảnh thời quay vít me bằng tay không còn. Ông chủ chỉ giữ những tấm ảnh hệ thống máy ép đời sau, được ép bằng thủy lực khi ông chủ khấm khá, quyết định nâng đời máy.
Người đầu tiên làm nghề này tại Hà Nội là ông Nguyễn Văn Chẩn sinh năm 1926 ở Nga Sơn, Thanh Hóa, nhưng ra Hà Nội từ năm 1954. Lúc đầu ông làm công cho cơ sở sản xuất dép cao su, đến năm 1959 tích lũy được kinh nghiệm và tích góp được dấn vốn, ông mở xưởng riêng của mình.
Ông làm ăn phát đạt nhưng đến những năm đầu thời bao cấp, ông bắt đầu vướng vào vòng lao lý vì sự giàu có của mình. Nếu cứ làm thuê, nếu cứ nghèo thì tài sản nhà ông đã không mấy lần bị tịch thu khi kiểm tra hành chính. Thời gian khó, những tài sản có trong nhà mà không chứng thực được nguồn gốc chính đáng đều bị coi là tài sản bất minh.
Đầu những năm 1980, ông sản xuất ra nhựa vá săm. Từ đó ông mày mò dán thêm cao su sống vào những lốp xe đạp tanh mành còn tốt rồi cho vào khuôn ép nóng lại. Chiếc lốp được dỡ ra, lại đầy đặn chắc chắn. Vân lốp nổi rõ và những chiếc gai lốp vẫn bám quanh, thơm mùi cao su mới như chiếc lốp vừa lấy ở cửa hàng mậu dịch mang ra. Ông đã sản xuất hoàn chỉnh chiếc lốp xe đạp, từ tanh, vải mành bó lốp đến loại cao su sống chất lượng đặt mua từ miền Nam mang ra. Lốp xe đạp mang tên “Quyết Thắng” của ông đã được cấp “Giấy chứng nhận chất lượng” ngày 5/3/1982. Năm 1983 ông mang lốp đến Hội chợ Triển lãm Giảng Võ và đoạt Huy chương Đồng. Cuộc đời ông đã được nhà văn Nguyễn Trần Thiết kể trong tác phẩm “Vòng trầm luân oan nghiệt”, nói về ông và những người lao động sáng tạo như ông, khốn khổ vì những thu nhập chính đáng khi tiên phong làm giàu thời bao cấp. Đến thời đổi mới, tháng 1 năm 1990 ông mới được trả lại tài sản và ngôi nhà ở làng Ngọc Hà. Khi đó ông đã già, không còn đủ thời gian để phục hưng nghề làm lốp, ông chuyển sang nghề bốc thuốc, chữa bệnh cho người đời.
Lò ép lốp tôi đến làm thêm nằm ở đường Giải Phóng bây giờ, khi đấy là quãng đồng không mông quạnh, biệt lập với nhà dân.
Lốp xe đạp hồi đấy là của hiếm và lốp xe máy còn hiếm hơn. Lò này chuyên làm lốp xe máy, dùng cho loại Babetta, Sim-sơn hoặc Mô-kích.
Dây thép nhỏ được cuộn theo vòng, bện vào nhau theo cỡ vành từng loại xe máy. Đường kính nó là bao nhiêu tôi không nhớ nhưng bộ dưỡng để đan dây thép thì cố định theo từng loại khuôn. Đan lỏng hay chặt tay, cũng chỉ từng đấy cân lạng dây thép được xuất ra.
Hai cái vòng dây thép được bộ dưỡng tròn căng đều. Vải mành, loại vải được kết bằng những sợi chỉ to, tráng qua lớp mủ cao su, bện thành những dải vải hẹp cỡ rộng bằng hai đốt ngón tay. Chúng tôi tỷ mẩn đan sợi mành từ sợi tanh này sang sợi tanh phía bên kia. Thường mỗi lốp xe máy phải đan tới 2 hoặc 3 lớp vải mành. Trong lốp xe bắt buộc phải có vải mành. Nó có chức năng cố định cao su lốp xe, không cho nó phình ra hoặc tóp lại khi định hình lốp. Vải mành quyết định chất lượng lốp xe.
Khuôn gồm 2 nửa rời ra, được tiện tròn hình lòng máng, có những chỗ được khoét sâu để tạo hoa lốp hay còn gọi là vân lốp.
Khuôn thường được đặt ở xưởng cơ khí trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở đấy, những người thợ tài hoa căn cứ bộ vân lốp mẫu, chế ra chiếc khuôn mà khi định hình xong lốp, người không chuyên môn khó nhận biết được đâu là lốp gốc và đâu là hàng ép tại Việt Nam.
Khó nhất khi ép lốp không phải việc dùng sức như bọn tôi mà tùy thuộc ông thợ rải cao su sống bọc quanh lớp vải mành định hình lốp. Cho thiếu, lốp bị vẹt, khi đấy chỉ có nước vứt đi vì cao su đã bị lưu hóa, không phục hồi được. Lo xa, tống đầy cao su sống khi ép vít me cũng rất cực. Khuôn lốp bị kênh, khó ép khít được với nhau. Chính vì vậy ở cái lốp xe ép tại Việt Nam, những cái gai - cao su thừa phòi ra qua những lỗ khoan nhỏ bên thành lốp - thường to và dài hơn lốp mẫu.
Khuôn làm lốp được đốt nóng bằng điện. Thời bao cấp đang ép lốp mà bị mất điện thì cả chủ lẫn thợ mặt dài như cái bơm.
Xưởng ép lốp tôi làm có 2 cái khuôn. Suốt ngày suốt đêm, kỳ cạch cũng cho ra tới hơn chục cái lốp. Vậy là đủ để có tiền công đỡ đần gia đình hồi bao cấp và cũng được nếm trải cảnh làm công.
Theo Chuyện làng quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: //revcat.net/nhung-nghe-muu-sinh-thoi-bao-cap-a7753.html