Mấy ngày nay bà học tiếng Anh từ cô cháu gần nhà. Bà nhất quyết phải biết ít nhiều để phân biệt thức uống chứ không phải lúng túng làm dấu kiểu cà phê đen thì bà sẽ đưa tay chỉ lên tóc làm ông tây chưa hiểu cứ ngơ ra thì bà đưa tay chỉ vào ngực xem ông ta có phải uống cà phê sữa không? Nhờ anh hướng dẫn viên “thuyết minh” nên cả đoàn cười lăn sảng khoái.
Rồi thì như thích vậy nên vài ngày sau lại có vài ông tây quen vẫn ra hiệu như thế và rất ư là thích thú!
– Bờ lắc cóp phi (black coffee)
– Miu cóp phi (milk coffee)
“Cũng dễ mà, đen là đi trên bờ vừa đi vừa lắc, sữa là con mèo, khà khà, cứ đại khái vậy…”.
Bà Dung kiên nhẫn đánh vần cho đúng và tìm cách học bằng giả dụ dễ nhớ nhất mỗi khi rỗi việc. Bà vui lắm. Khi được phỏng vấn về cái tên quán lôi cuốn thì bà lên ngay một câu vọng cổ thật mùi.
Mùa này khách du lịch ngày một đông, họ đến để ngắm san hô ở Hòn Yến đẹp mê hồn. Từ khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ được công chiếu, người dân nơi đây mới biết thế nào là làm du lịch. Họ bắt đầu dựng chòi bán buôn đủ thứ, trẻ nhỏ cũng biết kiếm tiền để mua thêm dụng cụ học tập từ việc bán những món đồ thủ công bằng vỏ ốc.
* * *
Người dân hiền lành bao đời sống nhờ biển khơi. Lúc trước, bà cũng là một tay cân cá có hạng ở bến phường tư mỗi chiều. Những đoàn tàu và cái bến kè ấy chỉ còn là kỷ niệm khi năm 1993, cây bão Koryn đã làm bà trở thành góa phụ.
Ngày mai, đoàn sẽ đi gành Đá Đĩa, cái gành đá đen quyện sóng nhấp nhô mỗi ngày, những cột đá nhô lên cao bằng phẳng đẹp đến lạ kỳ…, chắc chắn họ sẽ tha hồ mà bấm máy.
Sáng nay, quán bà tiếp một đoàn trai gái từ Sài Gòn ra. Họ hỏi bà đường đến nhà thờ Mằng Lăng sau khi chụp hình những rạn san hô đủ màu sắc ngoài kia. Mấy cô gái vui sướng như được đặt chân đến miền cổ tích vì vẻ đẹp hoang sơ nơi này.
Nhà thờ Mằng Lăng mang màu xanh xám cổ kính nằm trên vùng đất bằng phẳng bên sông Kỳ Lộ. Sự uy nghiêm đưa hồn ta thoát tục khi bước vào thánh đường với những mái vòm được chạm trổ kỳ công. Nơi khoảng sân rộng của nhà thờ, bà và chồng thường đứng lặng nguyện cầu mỗi khi hai người đến đây.
– Lê mon su ga ai si… (lemon sugar ice)
Hôm nay, bà đã thuộc lòng tên thức uống bán chạy thứ hai. Chanh được hái từ vườn căng mọng chua thanh, lúc trước không tiêu thụ nhiều thì bà làm chanh muối cũng ngon lành không kém.
Gió luồn vô quán mát lạnh không thèm xài máy quạt. Buổi chiều bà đặt một thùng đất nung đầy than hồng, bày ra mấy thức nhấm như khô mực, bò một nắng – đặc sản Phú Yên – bán kèm chứ ở biển thì phải ăn hải sản mà món gỏi sứa là một ví dụ. Chân sứa được trộn với mắm ớt chanh, lá húng lủi và đậu phộng rang nửa hạt còn nguyên thành món gỏi thượng hạng, uống với duy nhất loại rượu nếp tự tay bà làm thơm ngon khó cưỡng. Cô gái được dịp đỏ hồng đôi má, cậu trai thì hỏi:
– “Chất quá, không say thì sao mà về, bà ba?
Bà được dịp lại cất cao giọng hát:
– “Em say men rượu, anh say men tình…”. Cậu không say rượu thì cậu say cái khác! Hát vậy mới đúng “hình minh họa” chứ!
Duyên quá, hỏi sao quán bà không đông khách mới lạ!
– Sugar tea ice!
Và đây là món thứ ba đắt hàng nên bà học nhanh nhất, không cần tượng thanh tượng hình. Bà vào thành phố Tuy Hòa mua cho bằng được loại trà Minh Tâm từ Đà Lạt, pha một bình thơm lựng để bán vào buổi trưa với nước đường phèn và đá bào mát rượi.
Trời hôm nay nắng giòn thơm mùi của biển từ gió bấc… Bà có vẻ buồn buồn dù khách vẫn đông.
* * *
Đời bà cứ trôi dạt mãi rồi mới đậu chốn này, sau khi chồng bà mất. Buồn quá, bà vào chùa Thanh Lương xin đi tu nhưng sư cô khuyên bà nên về! Lúc bấy giờ, bà không còn ai thân thuộc, quê thì xa lơ, tận miệt Cà Mau. Trước khi bà gặp Tư Huỳnh, bà nghĩ đàn ông trên đời này đều giống nhau, bạc tình bạc nghĩa. Nhưng khi đối diện với một người đàn ông chân chất, thật thà, thêm chút cù lần kiểu trai vùng biển quanh năm chỉ biết đến gió và nắng, hoặc đương đầu cùng sóng dữ thì bà biết mình đã nghĩ sai. Tư Huỳnh nghèo, đi biển thuê cho thuyền ông Lĩnh. Huỳnh lớn lên cùng người cô trong một ngôi nhà nhỏ bên cồn cát trắng….
Hai người đến với nhau vì bị ghép đôi. Cô Dung người Nam trắng như bông bưởi còn Tư Huỳnh đen như cột nhà cháy sao mà dám ước? Lúc đấy, Dung bán hột vịt lộn mỗi tối, sau khi được chuyến cá trở về, Huỳnh lên bờ và tìm đến cây đèn hột vịt thắp mờ mờ nơi gốc dương mà kêu: Cho tui hai trứng! Mấy người ngồi bên nhìn anh cười vì anh có vẻ quê mùa cứng nhắc, họ ghẹo anh:
– Mày có… rồi, mua làm gì?
Anh cúi mặt ăn vội vàng rồi về không nói không rằng vì xấu hổ, về đến nhà lục trong trí nhớ thì có nghe tiếng cười khúc khích của cô chủ…
Anh không đến chỗ cây đèn mờ mờ ấy mấy đêm liền. Mấy đêm mà sao dài ghê gớm, mình có cảm giác này từ bao giờ?”, Dung tự hỏi lòng rồi đứng phắt dậy xỏ dép đi một mạch về phía biển như có tiếng ai gọi… Sau này, Dung đọc tiểu thuyết cho anh nghe thì mới biết, văn vẻ người ta nói đó là tiếng gọi của con tim!
Cũng nên cảm ơn cây đòn gánh gãy mà Huỳnh mới có dịp bưng phụ hàng về nhà trọ cùng Dung. Cây đòn gánh sau đó được cất kỹ trên mái rầm làm kỷ niệm khi Huỳnh đã gia cố lại bằng mấy buộc mây mềm.
Rì rào như sóng biển
Tình đầy như trăng sao.
Vậy mà…
* * *
Bà ở lại quê chồng vì bà cũng không còn ai để về, nhưng bà luôn canh cánh bên lòng rằng, nếu ngày ấy bà không bị người ta giành giật đứa bé trên tay thì bà đã không ra đi. Bây giờ nó cũng gần bốn mươi rồi, có khi nào nó tìm về với bà không, hay người ta sẽ giấu nhẹm nó vì có một người mẹ nghèo?
Hôm nay là ngày nó sinh ra đời… Bà cũng chưa kịp đặt tên con, buồn đến thế là cùng!
– Super woman!
Bà chùi tay vô tạp dề ngước lên nhìn ông Jack, người đang ở đây dài hạn để nghiên cứu về môi trường biển.
Làm như quen kiểu gọi, ông vẫn “hồn nhiên” chỉ lên đầu.
– Cà phê đen, OK. Ông khỏe chứ? Bà tự tin hỏi thăm ông bằng tiếng Anh, tuy cũng còn vấp váp.
Ở đây ai cũng quý bà, ngay cả ông tây cũng gọi bà bằng biệt hiệu rất chi là đủ nghĩa.
Đồng miệt U Minh làm sao quên khi đó là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng nơi đất Phú đã cho bà – từ một người con gái lỡ làng trôi dạt có được một quãng đời yên bình – sự thân thiện gần gũi và thiệt thà làm bà yên tâm gửi gắm phận đời. Bà nhớ tiếng nói miền biển của chồng:
– “Nhớ mua hành lé dìa kho con cé…”.
– “Mình đi mau dìa để nẫu chờ!
Nẫu là Tư Huỳnh, mới đầu nghe rất lạ.
* * *
Chắc là mưa sắp kéo đến rồi, mưa ở biển buồn lắm ai ơi, buồn trong nỗi đợi chờ vô vọng…
Theo Chuyện quê
Lê Mỹ Thạnh
Link nội dung: //revcat.net/bien-doi-a7622.html