Nhân dịp 20 tháng 10 - Ngày phụ nữ Việt Nam. Xin kính chúc các bà, các mẹ cùng toàn thể chị em luôn vui khỏe, hạnh phúc và bình an! Đã qua bao thế hệ, trên các sách báo, các trang mạng, trên truyền thông đại chúng không đủ những ca từ, mỹ từ để ca ngợi về phẩm hạnh, tình cảm của người phụ nữ Việt Nam dành cho chồng, cho con. Khi đọc lại bài thơ "BÀ BỦ" của cố nhà thơ Tố Hữu sáng tác đã lâu viết về bà mẹ vùng Trung du quê mình, mình lại nhớ và liên tưởng đến mẹ.
Mẹ mình cũng như bao bà mẹ khác có chồng con đi chiến trường. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mình có anh tham gia bộ đội. Sau đợt huấn luyện tân binh để biên chế đi B (vào miền Nam), mẹ mình cùng các ông bà có con cùng đơn vị với anh đã lặn lội lên tận Hà bắc thăm. Bởi vì ngày mai các anh phải vào chiến trường nơi "Rừng thiêng nước độc" và đương đầu với "Mũi tên hòn đạn" thì chẳng biết sống chết ra sao. Hằng ngày đi làm, bà con hỏi thăm về anh mình, mẹ lại giấu đi hai hàng nước mắt. Mỗi khi nhận được thư của anh, mẹ lại đem đọc cho bà con trong tổ đội cùng nghe. Sau niềm vui vì biết anh mình vẫn bình an lại là những giọt nước mắt của mẹ, tối tối mẹ lại thút thít khóc thầm vì nhớ anh, thương anh. Những lần đi xem chiếu bóng, có chiếu cảnh chiến tranh, thấy các anh bộ đội dầm mưa dãi nắng, trèo đèo lội suối, bắn nhau với giặc bị thương vong và chết chóc. Đêm về mẹ mình lại sụt sịt khóc thầm vì lo và thương anh. Hiểu nỗi lòng của mẹ, thương mẹ nên mình an ủi nhẹ để cho mẹ nguôi đi nỗi nhớ: - Đấy là xem trên phim ảnh thôi Bầm ạ! Anh không khổ thế đâu, Bầm ngủ đi kẻo mai lại ốm!
Năm 1971 ở Lâm Thao, Phú Thọ quê mình bị lụt lớn, nước ngập chìm hết nhà cửa. Mọi nhà phải đóng bè, đóng mảng và chuyển chạy đồ đạc, thóc gạo lên đê. Nhà mình chỉ có mẹ và mấy chị em còn nhỏ (bố mình đi công tác xa), không chuyển kịp đồ đạc. Mẹ vừa chạy chuyển đồ, vừa sụt sịt khóc: - Lúc này mà có thằng anh các con ở nhà nhỉ? Và cứ mỗi khi có công việc gì nặng nhọc mẹ mình lại nhắc đến anh, mắng yêu chúng tôi: - Thằng anh mà ở nhà nó làm loáng cái xong, mấy đứa chúng mày làm không bằng nó làm rốn. Có lần mẹ bảo mình biên thơ cho anh, thương anh mẹ kẹp giấu tờ 5 đồng vào. Mình bảo như vậy là vi phạm quy định của bưu chính người ta thu mất, và anh là bộ đội chiến đấu ở Tây Nguyên có gì mà mua đâu, nhưng mẹ không nghe.
Thời gian sau làng mình có các đơn vị bộ đội về đóng quân, huấn luyện cấp tốc để vào Nam. Nhà mình cũng có mấy anh ở nhờ, mẹ mình quý các anh lắm gọi các anh là con và xưng bằng Bầm, vì câc anh cùng độ tuổi anh mình. Có lần anh tên Thanh khi luyện tập bị sai khớp tay, mẹ bảo chúng tôi đi kiếm lá về để bó tay cho anh. Hôm chia tay các anh để đi Nam, mẹ rối rít giục mình đi kiếm tem thư, phong bì và giấy cho các anh mang theo. Bịn rịn lưu luyến, mẹ lại sụt sịt khóc, mếu máo mẹ dặn:
- Đi đến đâu các con nhớ biên thơ về cho Bầm và các em nhé! Vào trong đó có gặp thằng con của Bầm thì bảo nó cứ yên tâm chiến đấu đừng lo nghĩ gì. Giải phóng xong là về luôn, ở nhà Bầm và các em vẫn khỏe, nhớ bảo nó biên thơ ngay về cho Bầm nhé! Bầm nhớ nó lắm!....
Đó là tình cảm của mẹ mình cũng như bao bà mẹ khác dành cho chồng con. Mong rằng những ai còn mẹ thì hãy quan tâm, kính trọng và yêu thương mẹ của mình hơn! Xin đăng lại bài thơ của cố nhà thơ Tố Hữu:
BÀ BỦ
Bà Bủ nằm ổ chuối khô
Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời...
Đêm nay tháng chạp mồng mười
Vài mươi bữa nữa Tết rồi hết năm.
Bà Bủ không ngủ bà nằm
Bao giờ thằng út về thăm một kỳ?
Từ ngày nó bước ra đi
Nó đi giải phóng đến khi nào về?
Bao giờ hết giặc về quê?
Đêm đêm Bà Bủ nằm mê khấn thầm...
Bà Bủ không ngủ, bà nằm
Càng lo càng nghĩ, càng căm càng thù
Ngoài hiên gió núi ù ù
Mưa đêm mưa tự chiến khu mưa về...
Đêm nay bộ đội rừng khe
Mưa ướt dầm dề, gió buốt chân tay
Nó đi đánh giặc đêm nay
Bước run, bước ngã, bước lầy, bước trơn
Nhà còn ổ chuối lửa rơm
Nó đi đánh giặc, đêm hôm sưởi gì?
Năm xưa cơm củ ngon chi
Năm nay cơm gié nhà thì vắng con!
Bà Bủ gan ruột bồn chồn
Con gà đã gáy đầu thôn sáng rồi...
Theo Chuyện Làng quê
Thuật Nguyễn
Link nội dung: //revcat.net/nho-nhung-dem-bam-khoc-tham-a7552.html