Cái kẻng có hình dáng rất đa dạng, được tận dụng từ những đồ vật làm bằng thép (thường là một mảnh vỏ bom hoặc cả vỏ quả bom), tiếng kêu keng keng vang rất xa, làng trên xóm dưới đều nghe rõ. Cái kẻng được treo ở gốc mít nhà bác chủ nhiệm hợp tác xã. Nó được dùng như một thứ âm thanh báo hiệu giờ giấc và công việc cho người dân quê tôi. Tiếng kẻng vang lên lúc 5 giờ sáng, lúc 13 giờ chiều để giục người ra đồng; lúc 10 giờ trưa, lúc 16 giờ chiều báo giờ tan tầm, gọi bà con nông dân trở về chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều; lúc 18 giờ tối, tiếng kẻng vang lên báo hiệu buổi họp dân... Tất cả đã trở nên mặc định vô cùng quen thuộc với người dân quê tôi và cũng rất quen thuộc với tuổi thơ của tôi. Chẳng ai bảo nhưng tôi cũng tự hiểu tiếng kẻng muốn nói gì khi mỗi lần nó cất tiếng.
Mong đợi nhất với tôi là tiếng kẻng lúc 10 giờ trưa và lúc 16 giờ chiều. Vì lúc đó tôi được vác cuốc, vác cào, quẩy quang gánh, tạm biệt thửa ruộng quen thuộc để trở về nhà. Tôi nhận ra một điều rất tuyệt là vào đúng lúc đó, chú chim chả (còn gọi là chim bói cá) có cái mỏ dài nghêu, nhọn hoắt và bộ cánh màu xanh biếc đang đậu im như phỗng trên cái cọc giữa ao làng cũng nghển cổ bay vút lên ngọn tre, cất tiếng kêu "chách chách" vang vang cả trưa, chiều. Âm thanh của tiếng kẻng và tiếng chim bói cá vang lên cùng lúc, có khi chỉ cách nhau vài giây. Thế là tôi học được cách xác định thời gian nhờ vào tiếng chim hoang dã trong tự nhiên. Vốn sống, kĩ năng sống của tuổi thơ miền quê lúa cứ thế được tích luỹ từng ngày. Những tháng ngày tuổi thơ gian nan chăn trâu, cắt cỏ, đi cấy, đi cày, đi bắt cua, bắt cá đã dạy cho người ta bao điều tuyệt vời mà trẻ con ngày nay không có được.
Trở về nhà sau những giờ lao động mệt nhọc, mâm cơm đạm bạc chỉ có canh, rau, cá kho nhưng nóng hổi, nghi ngút khói, thơm mùi gạo mới, tiếng chú mèo mướp kêu meo meo đòi ăn rất ấm cúng. Cứ thế, cuộc sống của người nông dân quê tôi trôi đi từng ngày với nhịp sống và công việc đồng áng quen thuộc, với cả tiếng kẻng keng keng vang xa lảnh lót, với cả tiếng chim hoang dã báo hiệu thời gian, báo hiệu mùa về... Tất cả như còn ngân vang mãi trong lòng tôi, trong kí ức của một thời xa xôi thương mến.
Ngày nay, cái kẻng không còn nữa. Tiếng kẻng và tiếng trống thu không gọi giờ cũng đã lặng lẽ rời xa chúng ta. Ruộng đồng cũng ngày một thu hẹp, dần vắng bóng người. Nhưng trong lòng tôi và bao nhiêu lớp người cũ đã từng đi qua một thời gian khổ đói nghèo, chật vật lam lũ với ruộng đồng, chắc sẽ không bao giờ quên được âm vang keng keng của tiếng kẻng.
Chợt thấy nhớ thương ông bà, cha mẹ.Thấy nhớ cả lũ bạn chơi chắt, chơi chuyền ngày xưa. Nhớ trọn vẹn cả một tuổi thơ đong đầy kỉ niệm. Lắng nghe câu hát: "Quê cho ta nhiều lắm, sông kia không ngừng chảy. Chim ơi mang lời nhắn, theo mây xa về nhà", lòng tôi lại bồi hồi nhớ cố hương tha thiết.
Chợt ngộ ra một điều: kỉ niệm cũng là một thứ tài sản vô giá, có một không hai, một khi đã trôi qua là không bao giờ trở lại, nó nằm sâu trong trí nhớ, trong trái tim ta, thỉnh thoảng hiện về để bồi hồi, xao xuyến, nhớ thương vơi đầy...
Theo Chuyện quê
Hiền Hòa
Link nội dung: //revcat.net/tieng-keng-mot-thoi-xa-vang-a7551.html