Có lúc nhận ra rằng, chúng ta đã bỏ quên đi rất nhiều những điều tốt đẹp, đặc biệt là những giá trị văn hoá ngày xưa. Làng tôi ở vốn là một vùng quê thuần nông, đời sống rất lam lũ, người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Đó là tôi đang kể về hoàn cảnh trước kia của làng, chứ ngày nay quê tôi đã chuyển mình tiến lên một đô thị nhỏ, những nhà cao tầng, khu công nghiệp với đầy nhà máy... Đời sống vật chất nâng lên, cũng đồng nghĩa nhiều giá trị tinh thần xưa bị mai một hoặc gần như mất hẳn. Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết làng chẳng ai còn biết kể cho ai.
Tôi hồi nhớ những đêm khi còn nhỏ, bên ngọn đèn dầu leo lét, bà nội nằm trên võng cầm cái quạt mo cau phe phẩy gió cho tôi. Nội đố những câu đố giản đơn mộc mạc kiểu như "bụng thì to, hai đầu thì nhọn" (cái thuyền), bà kể những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết làng thấm đẫm tình người. Tôi lớn lên cùng những câu chuyện của bà về cha ông giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi. Sau cũng còn vài dịp, vào những hôm mất điện, bên đèn dầu lại đòi bà kể những chuyện như đã thuộc lòng từ lâu. Chỉ có điều, đến giờ nhớ lại, luyến tiếc những giây phút tuyệt vời đã theo dĩ vãng trôi xa. Không chỉ tôi, mà tôi nghĩ, rất nhiều người làng tôi dần quên đi, thậm chí chẳng biết gì về truyền thuyết của làng mình. Trẻ em nay chỉ đọc các câu chuyện nổi tiếng trong các sách như Tấm Cám, Thạch Sanh... Truyện cổ tích làng trước nay chỉ được giữ lại qua truyền miệng. Thế nhưng thời gian thay đổi, trẻ em nay chủ yếu cắm đầu vào học, rảnh chút chúng sẽ có những thú vui khác như lướt điện thoại, xem tivi, xem youtube chứ đâu còn phải nép mình vào lòng bà tìm chút gió quạt mo...
Tôi là người làng Thành Phú, cái làng nằm trên bãi bồi của con sông Mạn Định. Ngay cả tên sông, nhiều người trẻ quê tôi cũng không còn biết. Bởi nay sông đã biến thành hồ dọc từ sông Mã cho đến phía Thọ Xuân. Con sông đã một thời thông dòng sông Mã, là đường thủy truyền thống, cung cấp nước cho các cánh đồng lúa ở quê tôi. Nay thì không như vậy nữa, sông tựa con rồng bị chặt khúc, đau khổ biến mình thành những hồ ao. Con sông một thời oanh liệt, đã dần bị lãng quên, chỉ còn chút ít trong dư vãng của vài người. Hoạ chăng chỉ còn tồn tại trong cuốn Địa chí huyện nhà. Ngay như tôi từng được nghe kể, cũng chỉ còn nhớ mang máng câu chuyện của con sông cổ tích ấy. "Lúc bấy giờ ở sông Mạn Định có con cá chép thành tinh gọi là Lý Ngư. Lý Ngư từ Trung Quốc sang náu mình dưới sông tác oai tác quái. Nó thường ra sông Mã, sông Cầu Chày, sông Chu để quấy phá dân làng, bắt đàn bà, con gái, dâng nước phá hại mùa màng. Nó nuốt mất linh khí nước Nam nên bọn giặc Ngô mới hoành hành được. Bỗng một hôm trời đất mù mịt, ban ngày mà trời tối như đêm ba mươi. Trong gió bão nghe có tiếng khua gươm, tiếng gầm thét của Lý Ngư tinh. Nước sông Mạn Định dâng ngập hai bờ. Bỗng phía núi Quan Yên hào quang sáng cả một vùng và một thần nhân to lớn giương cung bắn vào Lý Ngư tinh. Lý Ngư bị thương phải lết về hồ Động Đình phục thuốc. Từ đó nhân dân khắp nơi ào ào theo bà Triệu đánh đuổi giặc Ngô. Các cụ xưa thường nói rằng: Thần Tản Viên đã về đây trị loài thủy quái".
Trẻ em ngày nay có nhiều vui thú hiện đại nhưng chẳng còn được trải nghiệm những trò đánh đáo, chơi khăng... Người lớn với bao bộn bề, cũng không còn dành nhiều thời gian kể chuyện cổ tích làng cho chúng nghe nữa. Dòng đời cứ trôi, con sông ở đâu đó vẫn chảy chứ dòng Mạn Định chẳng bao giờ được chảy nữa. Nó cũng dần bị lãng quên như những câu chuyện cổ tích ở quê tôi.
Theo Chuyện Làng quê
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: //revcat.net/mot-ky-uc-lang-bi-lang-quen-a7370.html