Lần này vào Mũi Né không chỉ đi thăm nhiều phong cảnh đẹp ở đây, gia đình tôi còn tìm về Khu căn cứ CM Lê Hồng Phong của tỉnh Bình Thuận nơi chiến trường xưa của chồng tôi thời kháng chiến chống Pháp. Khu căn cứ bây giờ đã thành khu dân cư sầm uất, chỉ dành lại một khu đất là chỉ huy sở của ban chỉ huy khu căn cứ là nơi đóng quân của chồng tôi từ năm 1950 ~ 1954 ngày xưa, giờ có dựng một tấm bia ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Khu căn cứ gọi tắt là Khu Lê. Anh cán bộ Ủy ban được cử đưa gia đình tôi vào thăm khu căn cứ kể lại hoàn cảnh chiến đấu ở đây vô cùng gian khổ ác liệt vì là vùng tự do giữa bốn bề đồn bốt địch. Nhưng quân và dân Khu Lê đã chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường. Đến nỗi giặc Pháp chỉ nã pháo, bỏ bom suốt ngày đêm, nhưng không dám tấn công vào vì sợ quân ta bao vây không ra được sẽ bị tiêu diệt. Đặc biệt cứ từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau đoạn đường quốc lộ I do quân ta kiểm soát các loại xe quân sự của đich không dám đi qua sợ trúng mìn và du kích phục kích. Trước cảnh cũ nơi ghi lại chiến công hiển hách của quân và dân Khu Lê trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của người thân của mình, mẹ con tôi không cầm được nước mắt kính cẩn đặt trước tấm bia một bó hoa, thắp một tuần nhang tưởng nhớ, chụp một kiểu ảnh lưu niệm trước khi chia tay anh cán bộ UB mà mừng tủi khôn cùng.
Một chuyến đi thật trọn niềm mong ước. Từ ngày chồng tôi đi xa tôi vẫn thầm mong được một lần vào thăm chiến trường xưa của anh. Hôm nay đã trở thành hiện thực mong rằng ở nơi xa anh cũng vui lòng. Đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ thì tiếng cô tiếp viên đã vang lên thông báo máy bay sắp khởi hành. Khi chiếc máy bay từ từ lăn bánh trên đường băng để lấy đà cất cánh bay vút lên tầng không qua bàu trời Thành phố, qua bao sông, bao núi để đi vào khoảng mây trời mênh mông, bát ngát bềnh bồng mây trắng chơi vơi cho tôi cảm giác mình như một cánh chim đang chao lượn giữa mây trời. Bất chợt tôi bắt gặp bóng hoàng hôn đang trôi về phía chân trời. Hoàng hôn ở đây không mờ mờ sương khói như ở vùng rừng núi Mộc Châu cũng không chói chang màu vàng chanh se lạnh như ở miền biển nước Úc giữa đại dương. Hoàng hôn ở đây một màu hồng ửng, rực lên niềm đam mê khao khát đến vô cùng. Vạt nắng chiều hồng ửng ấy bồng bềnh trôi theo những làn mây trắng từ từ rớt xuống cuối trời Tây. Đến khi vạt nắng ấy chạm vào giải ngăn cách giữa trời và biển thì kết lại thành một quầng sáng khổng lồ ở chân trời. Quầng sáng ấy bừng lên chói lọi, rực rỡ, long lanh huyền bí đến diệu kỳ như một niềm khát khao cháy bỏng, luyến tiếc khôn nguôi hắt lên bàu trời ánh hào quang chói lọi mà ta gọi là nắng quái chiều hôm. Vạt nắng mộng mị ấy đắm say đến mê hồn...
Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy vạt nắng ấy giũa không trung, nhìn tận mắt vầng hào quang chói lọi bừng lên giữa mây trời lồng lộng. Ánh nắng ấy không mong manh như giọt nắng ban mai, không gắt gay cháy bỏng như cái nắng giữa trưa hè, mà nồng nàn mộng mị làm sao. Tôi mới hiểu vì sao người ta gọi nó là nắng quái chiều hôm... Tự nhiên tôi nhớ đến câu: "Trai thương vợ nắng quái chiều hôm" mới thấy cách ví von của tiền nhân sao mà thâm thúy thế. Các cụ ta thường nói "Đàn ông nông nổi giếng khơi / Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" mà . Tôi chợt ngộ ra vì sao bờ vai lính ngày xưa đã âm thầm, lặng lẽ dắt tôi qua trăm sông, ngàn suối để đi trọn con đường đầy nắng gió đến tận phút tàn hơi. Người lính ấy chưa bao giờ nói với tôi những lời có cánh, kể cả lời ngỏ ban đầu cũng phải giãi bày trong một lá thư trao lén với lời hứa mộc mạc chân tình: "Anh sẽ cùng em đi trọn đường đời, sẽ đem lại hạnh phúc cho em" mà thôi. Nhưng suốt năm mươi năm chung sống anh âm thầm hứng nhận, chở che dành mọi niềm vui, ngọt ngào cho vợ con. Trong tình yêu thương ấy như gói cả tấm lòng người anh trai dành cho em gái nhỏ của mình. Vì thế, anh đi xa đã hơn chục năm rồi, tôi vẫn không quên được những gì anh đã dành cho mình. Anh như vạt nắng quái chiều hôm của đời tôi, mà tôi đã gặp trên đường đời. Cảm ơn số phận đã ngọt ngào ban phát cho tôi một tia nắng nhỏ nhoi mà ấm áp cả bầu trời.
Theo Trái tim Người lính
Bài và ảnh Lê Anh
Link nội dung: //revcat.net/nang-quai-chieu-hom-a7291.html