Kỳ 57.
Nghĩa quân gần đến trấn trị Mê Linh thì thám mã về báo:
-Dạ cấp báo, bẩm Đô Quân, huyện lệnh Triệu Tử Hàn đã bỏ thành trì chạy trốn, không biết chạy về đâu rồi ạ.
Phùng Hưng nói:
-Vẫn cho quân đội tiến vào tiếp quản, ăn uống nghỉ ngơi, sau đó xuất phát hành quân về thành Gia Ninh.
Nghĩa quân tiến tiếp về huyện lỵ Mê Linh, đến nơi thấy bốn cổng thành mở toang hoang, trong huyện đường, dinh thự không một bóng người. Huyện lệnh đã cùng gia đình và quan chức tùy tùng có lẽ chạy về Tống Bình. Vậy là không mất một mũi tên hòn đạn, nghĩa quân đã giải phóng toàn bộ huyện Mê Linh rộng lớn, trực tiếp uy hiếp Tống Bình. Đại tướng quân sư Đỗ Hàn Anh nói với Phùng Hưng:
-Bây giờ quân số đã tăng lên bốn vạn, giờ này Cao Chính Bình đã biết ta khởi nghĩa, có thể tấn công Đường Lâm là căn cứ của ta. Cho nên Đô Quân phải cho Đô Bảo Phùng Hải đem một vạn quân bảo vệ Mê Linh, bảo vệ Đường Lâm và trang viên của ta bằng mọi giá. Nếu Cao Chính Bình mà đánh phá được hậu phương của ta thì quân ta nguy to. Mặt khác, chúng ta phải nhanh chóng hạ được thành Gia Ninh, giải phóng Phong Châu, uy hiếp Tống Bình và cũng là bảo vệ cho căn cứ Đường Lâm.
Phùng Hưng nói:
-Quân sư nói chí phải
Phùng Hưng cho gọi Phùng Hải đến và truyền lệnh:
-Đại Tướng Đô Bảo lĩnh hai vạn quân bảo vệ Mê Linh và Đường Lâm. Đó là cái gốc của ba quân, căn cứ hậu phương, cơ nghiệp tổ tiên họ Phùng nên vô cùng quan trọng. Nếu Cao Chính Bình đánh tới, phải kiên quyết bảo vệ bằng được, mất Đường Lâm là mất cơ sở, sẽ thất bại.
Phùng Hải chắp tay thưa:
-Xin Tuân lệnh Đô Quân.
Sau khi Phùng Hải dẫn quân về bản doanh, Phùng Hưng dẫn các tướng và ba vạn quân hành quân thần tốc, tiến đánh thành Gia Ninh, trị sở Phong Châu. Sáng hôm sau, quân của Đô Quân còn cách Gia Ninh một dặm đã thấy Thứ sử Phong Châu Ngụy Hoành cùng hai vạn quân Đường dàn trận hình chữ nhất chờ tiếp chiến. Thứ sử Ngụy Hoành mặc chiến bào đen, giáp sắt đen, đội mũ đâu mâu đen, cưỡi ngựa nâu, cầm ngang thanh đại đao đứng đầu ba vạn quân. Cùng Thứ sử Ngụy Hoành, tả hữu có các tùy tướng cũng mặc chiến bào đen, giáp sắt, mũ nhọn đen, cưỡi ngựa đen, cầm những vũ khí tùy thân như giáo, đại đao, họa kích. Phùng Đô Quân cho dàn trận. Một tướng của ngụy Hoành cưỡi ngựa đen vác đại đao xông ra. Phùng Dĩnh tế ngựa nâu, múa gươm xông ra nghênh chiến. Cờ hai bên tung bay phấp phới, tiếng trống trận thúc liên hồi. Được 20 hiệp, Phùng Dĩnh cắt đại đao tướng Đường văng xuống đất, Phùng Dĩnh xáp vào dùng tay nâng bổng tướng Đường lên trời xoay mấy vòng rồi ném xuống đất, tướng Đường hộc máu chết tươi trước sự khiếp đảm của quân Đường, sự vui mừng và khâm phục của quân Việt. Ba tùy tướng Đường còn lại xông lên cùng vây đánh Phùng Dĩnh. Bên quân Việt, Bồ Phá Lặc, Phùng Hưng cũng xông ra trợ giúp Phùng Dĩnh. Được 10 hiệp, cả ba tướng Đường cũng bị ba tướng Việt nhấc bổng lên không trung trong tiếng reo hò vang động của quân Việt. Ba tùy tướng Đường bị ném tung lên trời và rơi xuống cách nơi giao chiến nửa dặm.
Trông thấy cảnh đó, Thứ sử Ngụy Hoành khiếp sợ bỏ chạy về thành. Đại quân Đường tan vỡ, cũng chạy theo chủ nhân, đại quân Việt xông lên chém giết. Quân Đường thây chết ngổn ngang, máu chảy thành suối. Số còn lại chạy vào thành nhưng quân Việt đuổi sát sau lưng, không kịp đóng cổng thành. Quân Việt tràn vào thành chém giết, quân Đường nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng. Thành Gia Ninh mất vào tay quân Việt. Phong Châu được giải phóng. Huyện lệnh ở các huyện Phong Châu đem vợ con, tùy tùng bỏ chạy về Tống Bình hoặc là trốn về Trung Quốc. Phùng Đô Quân làm chủ Phong Châu.
Quan đô hộ Cao Chính Bình ở thành Tống Bình đã được thám mã về báo rằng Phùng Hưng ở Đường Lâm Phong Châu làm phản, đã làm chủ Đường Lâm, Mê Linh. Quan tri huyện Mê Linh và tùy tùng đã bỏ trốn đi đâu không rõ tung tích. Cao Chính Bình chưa biết đối phó thế nào thì lại có thám mã về báo:
-Dạ cấp báo Quan độ hộ, quân Phùng Hưng đã tiến đánh và chiếm được thành Gia Ninh, làm chủ Phong Châu, ba vạn quân ta, quan Thứ sử Ngụy Hoành và tất cả các tướng đã tử trận.
Cao Chính Bình hoảng sợ, cho gọi quan Tư mã Hà Tấn Lương đến bàn cách đối phó. Tư mã Hà Tấn Lương nói:
-Mạt tướng sẽ dẫn năm vạn quân đến thành Gia Ninh chiếm lại thành, bắt bọn phản tặc về trị tội. Quan đô hộ cùng 2 vạn quân giữ thành chờ tin thắng trận của mạt tướng.
Cao Chính Bình nói:
-Bản quan chờ quan Tư mã chiến thắng trở về.
Tư mã Hà Tấn Lương cùng các tùy tướng dẫn 5 vạn quân tiến về thành Gia Ninh, cách thành Tống Bình về phía Tây khoảng 100 dặm. Quân Đường không theo đường thủy Sông Hồng mà chỉ hành quân theo đườngg bộ. Đường bộ từ Tống Bình lên Gia Ninh là con đường nhiều cây cối rậm rạp như rừng. Một tùy tướng nhắc nhở:
-Đường nhiều cây cối rạm rạp rất dễ bị quân Việt mai phục, mong Tư mã lưu ý.
Hà Tấn Lương nói:
-Ngươi nói chí phải. Tướng Võ Mang đâu?
-Có mạt tướng.
-Ngươi dẫn 1000 quân đi trước dò đường xem quân Việt có mai phục không!
-Mạt tướng tuân lệnh.
Võ Mang đem 1000 quân đi tiên phong dò đường. Qua địa phận Hương Canh, địa thế hiểm trở, cây cối bạt ngàn như rừng rậm nhưng 1000 quân Võ Mang đi qua an toàn. Hà Tấn Lương yên chí thúc quân đi sau. Khi quân Đường lọt vào nơi đất trũng và thấp, hai bên cây cối um tùm, thốt nhiên có hai phát tên châm lửa sáng bắn lên trời. Quân Đường chưa hiểu có chuyện gì xẩy ra, còn đang ngơ ngác thì từ hai bên sườn hàng nghìn mũi tên như mưa dội xuống, hàng nghìn quân Đường gục ngã. Chiêng trống thanh là và tiếng hò reo vang trời. Quân Đường kêu lên:
-Có mai phục, có mai phục.
Thì ra quân Việt theo kế của quân sư Đỗ Hàn Anh đã để cho quân tiên phong của Võ Mang đi qua, không đánh để dụ đại quân Đường vào bẫy. Lại những trận mưa tên dội tới tấp xuống quân Đường, hàng nghìn thân xác quân Đường lại đổ gục, máu tuôn xối xả. Quân Đường thực sự hoảng loạn chạy như ong vỡ tổ, như kiến bò trong chảo nóng. Khi đó trong những rừng rậm có tiếng hô:
-Xông ra giết, giết!
Khoảng ba vạn quân Việt từ trong các bụi rậm tả, hữu tràn xuống kẹp quân Đường vào giữa mà xả thịt. Hai canh giờ huyết chiến, năm vạn quân Đường bị chém sạch, kể cả quan Tư mã Hà Tấn Lương và các tùy tướng. Chỉ còn 1000 quân đi tiên phong của Võ Mang theo đường đê sông Hồng chạy về Tống Bình. Võ Mang vào quỳ trước Cao Chính Bình và báo:
-Bẩm quan đô hộ, quân ta bị mai phục ở Hương Canh, năm vạn người đã bị giết hết, kể cả quan Tư mã Hà Tấn Lương.
Cao Chính Bình là viên quan đô hộ nhát gan, lại bị bệnh tim hiểm nghèo, nghe xong tin, ngã vật xuống đất bất tỉnh. Võ Mang kêu:
-Bay đâu, bay đâu, mau gọi đại phu!
Quan đại phu tới bắt mạch cho Cao Chính Bình và nói:
-Quan đô hộ rồi sẽ tỉnh lại nhưng nếu gặp chuyện xốc như vừa rồi sẽ lại ngất và nguy cơ đến tính mạng.
Võ Mang hỏi:
-Đây là bệnh gì vậy đại phu?
-Đây gọi là bệnh đau tim, có thể nhồi máu cơ tim và chết đột ngột, gọi là đột tử.
-Có chữa được không đại phu?
-Không chữa được. Chỉ còn cách cho Quan đô hộ về nước, dưỡng lão ở nơi yên tĩnh. Bệnh này không làm quan được, làm quan nhiều sự kiện căng thẳng, sốc, tim ngừng đập, chết ngay.
-Chết rồi, Quan đô hộ lại cho gia đình về nước hết rồi, lấy ai mà chăm sóc bây giờ.
Lại nói Phùng Đô Quân theo kế của Đỗ Hàn Anh mai phục, thắng một trận lớn ở Hương Canh. Chủ lực của quân Đường ở Tống Bình chỉ có 7 vạn mà 5 vạn đã bị tiêu diệt, lại còn mất đi những võ quan có khả năng chiến đấu bảo vệ Tống Bình. Trận Hương Canh mở ra khả năng cho quân Việt tấn công lấy Tống Bình. Đang khi đó thám mã về báo:
-Bẩm Đô Quân, tin tức chính xác từ Tống Bình đưa ra là Cao Chính Bình sau khi nhận được tin thất bại ở Hương Canh, ngất đi và nay nằm liệt giường sắp chết.
Quân sư Đỗ Hàn Anh nói:
-Đây là thời cơ để quân ta tấn công Tống Bình, Phùng Đô Quân không nên chậm trễ.
Phùng Hưng nói:
-Đúng, đây là cơ hội trời trao Tống Bình cho ta.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-57-a7282.html