Nghe "giang hồ đồn đại": con gái là người tình kiếp trước của bố. Ngẫm có nhẽ mà thật, gái út nhà ông nhõng nhẽo thôi rồi, phiền phức thôi rồi mà xa chút là ông nhớ nó thôi rồi luôn. Giận người yêu - ngồi vào lòng bố khóc, mặc váy cưới- ôm cổ bố khóc, đau đẻ - cầm tay bố ơi...
Thế nên khi út sinh cô công chúa thứ hai, mà cũng là út của nó thì ông ngoại là người đứng cạnh cầm tay nó. Và thế là chẳng cần chọn người đón trẻ ( mát tay cho bé hay ăn chóng lớn), cô y tá quấn cho công chúa xong là thả tõm vào tay ông. Từ nay gọi là Út mẹ và Út con nhé.
Ông mừng hú khi mẹ con nó được rể út cho về nhà ông sau sinh, cái thằng tâm lí ghê. Và ông ngoại được ôm công chúa Út con một tháng. Sẵn mất ngủ ông trông cháu luôn quá tiện. Ông lôi cái màn kỉ niệm thời quân ngũ ra, hai ông cháu nằm riêng, thấy sướng làm sao.
Thế là Út mẹ nhường chức vụ " người tình kiếp trước của ông" cho Út con. Nó khẳng định "chủ quyền" rất sớm.
Đầu tiên là khi hai Út về nhà nó, cách ông năm cây số thôi, ông lụi hụi đến ngắm cháu mòn cả đường. Chỉ một lần vui chuyện khi về ông quên không nựng Út con một tiếng mà tối ấy ( nghe kể lại) loạn cả lên với tiếng khóc con bé, bà nội nó phải hi sinh cái nón đốt vía mãi mới yên đấy.
Khi Út con biết nói thì là bắt đầu cái điệu "giật mình rồi tủm tỉm". Út con gọi đấy, chuông lâu là nó khóc nên ông vội , ông giật mình thôi, có gì đâu. Còn sau đó ông tủm tỉm cười thì có người ghen tị á, là bà ngoại đấy.
Hôm ấy mười giờ đêm là cuộc gọi từ điện thoại Út mẹ. Chắc lại "con nhớ ông ngoại , ông nhớ con không?" chứ gì. Nhưng không phải, nghiêm trọng lắm. Tiếng quát của mẹ, tiếng dỗ của bố và tiếng khóc Út con. "Ông đón con đi, con không ngủ được đâu". Hơ...
"Bố đưa con đi nhé" tiếng bố nó.
"Không ! Ông cơ..."
Tháng Chạp, mưa phùn, thế mà ba người lớn phải chịu nó đấy. Ra mở cổng, giọng bà nó kéo dài: "cho sướng, chiều lắm vào". Tự nhiên muốn khóc và ông khóc thật. Chắc vui vì được cháu yêu ấy mà. Đến đã thấy con bé nai nịt gọn gàng, líu lo lên xe là ông cháu lại cười như mấy năm chưa gặp.
Còn bình thường "ông ơi cháu nhớ ông lắm , ông không đến là cháu không ăn cơm đâu"... xảy ra suốt ấy mà. Bà ấm ức chút là phải. Nó đến là bà ra rìa luôn.
Thực ra Út con ấy cũng quấn lấy bà ngoại một ngày. Nó lên lớp Một rồi và bắt đầu chịu kỉ luật. Tối thứ sáu hôm ấy chuông điện thoại reo lúc 21h." Con vừa viết bài xong, mai được sang nhà ông rồi, ông đón con sớm nhé". Bận quá, điện thoại chục cuộc gọi nhỡ, gần trưa ông vội đi đón nó. Đứng sẵn ở cổng với ba lô rồi mà nhất định " con ứ đi nữa". Cái chân dẫm bạch bạch nhìn xót cả ruột, hai bím tóc lắc lư. Phải chiến thuật thôi, ông quay xe về. Ui nhót một cái đã sau lưng ông rồi, và lần này không chuyện trò gì cả.
Thế là bà ngoại có được nửa ngày chơi với Út con, đòi bà bón ăn nữa ( cho ông nhìn), rồi tối ngủ với bà luôn. Ông nó kệ. Chả được lâu, lát sau một con Cún khe khẽ lấy tay ông gối đầu. Nó quên à, ông nó là bên chính trị quân sự đấy, khôn lắm.
Mười năm quân ngũ chủ yếu là đánh trận, may thằng Tàu rút quân chứ đơn vị ông đã từ chiến trường K rút về trực sẵn sàng gần biên giới rồi. Ông ra quân và sống chung với những mảnh đạn không lấy ra được. Bà thật dũng cảm khi đồng hành cùng ông, cùng chịu nỗi đau thân thể và cả tinh thần của người lính chiến. Chất khai quang của Mĩ trong rừng Tây nguyên tổn hại thế hệ sau và ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội.
Mấy hôm nay mảnh đạn ở đầu giở quẻ, ông mà nói đau là bà biết rồi. Thằng rể, bố nói còn tự đi được không cần, mà cứ lùi lũi theo ông đến viện làm thủ tục vào viện xong mới chịu về, tối đầu còn đến ngủ cùng ông. Nói vậy chứ ông vui lắm. Còn hôm nay cả lũ con cháu đến, chà chà cứ như ông nguy lắm rồi á. Thích nhất là được ôm "người tình kiếp trước" Út con. Ông ước gì hết đau để về cùng chúng nó. Nghe Út mẹ kể bà nó đòi đến chăm ông, Út con ngửa mặt lên: "Con ở chăm ông cơ" làm cả phòng cười quên cả nội quy "Đi nhẹ nói khẽ".
Đứng cửa phòng bệnh, tay ông nắm chặt quà của Út con : hai cái kẹo ngô ... nhìn theo cái tay bé xíu của nó cứ quay lại vẫy vẫy.
9/10/2021
Theo Chuyện làng quê
Dì Pig
Link nội dung: //revcat.net/ong-ngoai-a7256.html