Cha hắn lâu không về, ở xa, nghe nói còn ở ngoài đảo nữa đấy! Nhà hắn chỉ có hai mẹ con, mẹ hắn làm việc ở xã, bận đi trực cả ngày, hắn hay sang chơi với tôi. Đó là năm 1969, sau khi tham gia chiến dịch mùa khô bên Lào, giờ đã là mùa mưa, đơn vị kéo pháo về đóng ở thôn Liêm Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đơn vị có nhiệm vụ: Cũng cố, bổ sung lực lượng trang bị, cho anh em tranh thủ thăm nhà, để chuẩn bị cho mùa khô mới. Trận địa các đại đội, đóng ở các ngọn đồi xung quanh thôn, còn tiểu đoàn bộ thì ở trong nhà dân. Thời kỳ này máy bay Mỹ ngừng ném bom miền bắc cuộc sống hòa bình nên thoải mái hơn nhiều. Tuy nhiên, về vật chất nhân dân ở đây còn khổ.
Xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình dưới chân đèo Đá đẽo. Đây còn có tên Thác dài. Ai đã từng học cấp ba, thì tất cả đều biết truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu "Mảnh trăng cuối rừng" viết về một người con gái thanh niên xung phong, và chiến sỹ lái xe binh trạm, xẩy ra chính cái ngầm Thác dài này, trong những năm chiến tranh phá hoại. "Quảng Bình có động Phong Nha, có đèo Đá đẽo, có Phà Xuân Sơn". Tôi đã biết từ lâu, nhưng tôi không biết xã Trung Hóa này có bao nhiêu thôn? Chỉ biết mỗi thôn Liêm Phủ nơi tôi đang ở. Chúng tôi đóng trong nhà ông Thái văn Quyết là bác ruột của anh Thái Văn A, cha Thanh, thằng mà thường hay sang chơi với tôi. Hắn năm đó khoảng 10 tuổi, người cao gầy da bánh mật, cái trán dô, nhưng có cặp mắt đen nhìn lanh lợi, tôi năm đó 18 tuổi làm liên lạc tiểu đoàn 44 pháo cao xạ 37li. Tiểu đoàn trưởng là cụ Đoàn Văn Mã, cụ quê ở huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên, là lính tái ngũ. Chính trị viên tiểu đoàn là cụ Trần Tri Lương, cụ đi lính khi tôi mới hai tuổi. Cụ có một bài thơ mà cả tiểu đoàn ai cũng biết:
"Trần Tri Lương quê hương cửa Hội.
Đi vào bộ đội, tháng chín năm ba.
Vắng xóm xa nhà, đi làm nhiệm vụ".
.........
Tuy thế, tôi với cụ bây giờ lại là đồng đội của nhau, mỗi lần cụ xuống kiểm tra đơn vị là tôi hay đi cùng cụ, thấy chúng tôi lính tráng lại bảo nhau: "Hai cha con ông Lương đã xuống". Công việc của tôi hàng ngày, là xuống lấy bếp lấy cơm nước, ngày ba bữa, chiều có thư báo thì đưa xuống đơn vị, không thì trực nghe máy điện thoại. Có một lần, tôi đi vắng, chuông điện thoại đổ, cái máy điện thoại 0743 có tên là "cửu long" (mật danh máy ban chỉ huy tiểu đoàn). Chuông réo liên tục, ông Quyết chủ nhà không biết làm sao, (hồi đó không có hệ thống tự động như bây giờ). Cứ thấy có chuông đổ mà không ai cầm máy, là bên kia đầu dây cứ quay, ông đứng dưới bếp nói vọng lên:
"Cửu long đi vắng, Cửu long đi vắng" cứ thế chuông càng đổ thì ông càng nói to. Đến khí tôi về, tôi giải thích cho ông rõ: "Muốn họ nghe được, thì phải nhấc tổ hợp này lên, nói vào đó, tôi giải thích cho ông cụ, ông cụ im lặng. Từ khi tôi về đây, thằng Thanh có thêm bạn mới, tôi đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo sau như cái đuôi vậy, chẳng khi nào chịu ở nhà, mẹ nó đi ủy ban, là nó đóng cửa lại đi luôn, mà tôi chưa bao giờ nghe nó nói về việc học hành cả. Hàng ngày, hai bữa trưa và chiều hắn đi lấy cơm với tôi, tôi xách cơm, còn hắn tôi giao cho xách nước. Những buổi đầu xách bình nước về thật khó nhọc cho hắn. Nhưng "có làm thì có ăn" nó được ăn cơm trắng, có thức ăn, thế thì bảo làm gì, nó chẳng phải làm! Nhân dân ở đây không biết là dân tộc gì? Có người bảo là bộ tộc người Rục, nhưng có ngôn ngữ riêng, khi nói chuyện với mình, họ nói tiếng kinh, còn họ nói với nhau họ bằng tiếng dân tộc. Tiếng họ nói có âm phát hơi giống tiếng người kinh nhưng người kinh không hiểu. Chẳng hạn hỏi: đi mô về (đi đâu về) thì họ nói: "Ty nô viề" hoặc đi chơi gọi là: "Ti rậu".
Lương thực chủ yếu là bắp (ngô) buổi sáng chừng 4,5 giờ cả xóm dậy giã ngô ( gọi là đâm pồi) lúc đầu một nhà giã sau đó là cả xóm, thường khi đâm pồi một cối, có hai người giã bằng chày tay, động tác hai chân chụm lại như bộ đội đứng nghiêm. Cứ thế sáng nào cũng thế cái âm thanh đó râm ran khắp cả xóm. Bộ đội chúng tôi gọi là: "bản giao hưởng số 5" vì kết thúc là 5 giờ sáng. Pồi sau khi giã xong, sú nước cho vào hông đồ lên như ta đồ xôi, họ ăn quanh năm như thế không có gạo. Tuy thế nhưng mà dân rất khỏe nhiều cụ già 80, 90 tuổi mà còn khỏe lắm. Bữa nào cũng vậy, mỗi lần đi lấy cơm về là phải cất phần cơm cho gia chủ, mặc dù họ không muốn nhưng nhìn cảnh hai ông bà già, 80 tuổi bữa nào cũng ăn pồi tôi nghĩ họ như bố mẹ mình bớt tý không sao, hơn nữa các ông ban chỉ huy tiểu đoàn ăn ít. Tuy là có thằng Thái Văn Thanh là "đệ tử" trung thành nhưng mỗi dọn cơm ra ăn phải lấy cho cả nó, một bữa thì cũng được, đây bữa nào cũng thế. Chị Bình vợ anh A mẹ thằng Thanh đã nhiều lần bảo nó: "Đến bữa ăn thì về nhà, đừng ở bên đó". Nhưng nó không chịu nghe. Nhiều khi tôi cũng bực. Hơn nữa thằng này cũng láo lắm nó không khi nào gọi tôi bằng chú cả mà chỉ gọi ngang là Oánh vì mấy ông cán bộ tiểu đoàn hay gọi thế nên nó bắt chước. Ban đầu thấy nó gọi cũng thấy hay, tôi im lặng sau nó quen dần. Thực ra tôi hồi đó dại lắm "vô tư như nghé". Mới mười tám tuổi lại ở với ban chỉ huy tiểu đoàn, các cụ vẫn thương.
Trong một lần phát quân trang cho sỹ quan, cụ Lương cho tôi cái áo xuân hè tiêu chuẩn của cụ,vì biết tôi rất thích. Chiếc áo bằng vải phin pha ni lon màu có úa. Mỗi khi giặt tôi cứ trông cho nó khô để mặc. Cho dù quần áo gaba đin, hoặc quần áo Tô Châu, tôi có mấy bộ còn mới. Kể ra cũng đã biết làm "đỏm". Thế rồi cụ Lương được điều lên trung đoàn nhận nhiệm vụ mới. Tôi đưa cụ đi, rồi ngủ lại với cụ một đêm, sáng mai ra về. Quãng đường từ trung đoàn bộ về tiểu đoàn khoảng 30 cây số phải đi bộ. Trước khi ra về cụ đưa cho tôi phong lương khô 702 tiêu chuẩn của cụ (lính tráng chỉ có lương khô 701). Ra đến đường15 thì gặp một người con gái, cô ta là thanh niên xung phong quê Hà Tây vừa về quê, nay trở về đơn vị. Thấy tôi cũng đi về hướng đó cô ấy hỏi tôi: "Anh về tận đâu?". Tôi bảo: Tôi về xã Trung Hóa. "Thế em cũng về gần đó, đơn vị em ở dưới chân đèo Đá Đẽo". Lần đầu tiên trong đời, được một người con gái gọi bằng anh. Tôi cảm thấy mình cũng đã lớn lên chút ít, dặm đường đi gần 30 cây số tôi cũng không biết nói gì. Cô đó hỏi câu gì thì trả lời câu đó! Không hỏi thì cứ lầm lũi mà đi. Đến buổi trưa, trời nắng to, phần thì đói phần thì mệt. Cô đó bảo tôi tìm một chỗ nào có con suối thì nghỉ ăn trưa đã. Chiều đi tiếp vì cũng gần nhà rồi. Tìm được con suối bên đường chúng tôi nghĩ lại. Cô ấy giở ra nhiều loại bánh gai, bánh tày mời tôi ăn, trong túi quần tôi vẫn có một phong lương khô cụ Lương đưa cho, mà tôi không giám đưa ra vì xấu hổ. Ăn xong cô ấy bảo ta đi hái sim đi anh, hồi đó là tháng chín sim chín đen cả một cánh đồi. Càng xa đường sim càng nhiều, ăn xong ít quả thì chán. Chúng tôi lại về chỗ cũ, tôi đi bẻ lá trải ra rồi hai đứa ngủ. Giữa cánh rừng hoang vắng, không môt bóng người hai đứa ngủ một giấc ngon lành.
Chiều tối tôi chia tay cô gái, cô hỏi tên tôi chỗ ở đơn vị, khi nào có thời gian rỗi cô sang chơi. Nhưng sợ các ông ban chỉ huy tiểu đoàn nên tôi đành từ chối. Rồi buổi chiều, tôi rủ thằng Thanh ra sông tắm, con sông này mùa khô trong vắt nước trong núi cháy ra rất sạch. Sông này chảy qua đường 15 nên thành một cái ngầm gọi là ngầm Thác dài. Dân ở đây không đào giếng, mọi sinh hoạt gì như tắm giặt, rửa ráy, đều ra sông, còn nước đun nấu thì gánh về nhà. Tôi nghĩ bụng phải cho thằng này một trận uống nước no nê để nó đừng theo mình nữa kẻo bữa nào cũng phải lấy cơm cho hắn. Ra đến bờ sông, hắn và tôi xuống tắm, nước mát rượi tôi ra giữa sông thằng Thanh không giám ra xa chỉ ở ven bờ. Tôi bảo ra nó không giám ra xa, tôi kéo nó ra rồi tát nước vào mặt nó, nó cũng tát lại, được một lúc tôi cầm vai hắn nhấn xuống, hắn uống nước ằng ặc tôi mới thả. Thả hắn ra tay hắn vuốt mặt, hắn nói: "Không tắm nữa". Rồi hắn lên bờ lấy quần áo mặc. Chắc lần này thì nó bỏ về không chơi với tôi nữa. Thế càng tốt! Đỡ phải lấy cơm cho mày! Mặc xong quấn áo tôi tưởng hắn về nhà, nhưng không! hắn ngồi đó đợi tôi tắm xong về xuống bếp đi lấy cơm. Tối hôm đó, một trận mưa giông to lắm cả sấm chớp nữa kéo dài gần hai giờ. Tạnh mưa tôi đang ngủ ngon thì có tay người cầm chân tôi kéo miệng gọi: dậy mày! dậy mày!". Tôi mắt nhắm, mắt mở: "Đã sáng đâu mà dậy!".
Tiếng ông Mã tiểu đoàn trưởng ông nói: "đi bắt ếch, đi bắt ếch. "Một tay ông cầm giỏ, một tay ông cầm đèn pin, thấy vậy tôi dậy ngay. Tôi cầm cái đèn pin theo ông Mã. Ông Mã trước đây là giáo viên trường trung cấp thủy lợi, ông rất nóng tính. Nhất là trong chỉ huy chiến đấu ông "hét ra lửa". Nhưng rất có tình nghĩa, cấp dưới rất quý ông. Ra đến bờ ruộng do mưa to nước đục ngầu tiếng chẫu chuộc kêu inh ỏi. Tôi thấy ánh đèn pin quét lia lịa, ông Mã chụp bỏ vào giỏ liên tục. Tôi bấm đèn khắp chả thấy con ếch nào cả. Một lúc sau ông Mã hỏi tôi: "Sao ếch nhiều thế mà mày không bắt đi?".Tôi bảo: "Tôi chả thấy con nào". "Ông đưa giỏ cho tôi xem! Trời ơi! toàn là con chẫu chuộc. Tôi nói: "Đây không phải ếch quê tôi con ếch to lắm". Ông bảo: "con này quê tao gọi bằng ếch thịt nó thơm lắm". Gần sáng, hai thầy trò tôi bắt được mấy cân rồi, ông Mã nói ta đi về thôi, xa xa cũng thấy ánh đèn pin chớp chớp, chắc là lính ta đi bắt chẫu chuộc. Trưa hôm đó có món chả rán chẫu chuộc do ông Mã tự tay chế biến, mời cán bộ đại đội lên liên hoan một đại đội hai người. Đại đội trưởng và chính trị viên. Thằng Thanh lại sang tôi lấy cơm và chả rán cho hắn, ăn xong hắn nói: "ngon mà cay quá". Còn tôi không ăn, cứ quen dần như thế khi nào nó cũng ở đây, nhiều đêm hắn và tôi ngủ trên tấm phản, khuya rồi không thấy, chị Bình đi tìm, thấy hắn ngủ với tôi chị đánh ra về. Một lần ăn cơm chiều xong tôi và Thanh nằm trên phản chơi, bộ phản đặt gần một cái tổ ong. Ở đây nhà nào cũng nuôi ong cả. Tổ ong là một cây gỗ rỗng ruột, đường kính khoảng 40 cm, dài hơn một mét hai đầu có nắp đậy lại, một đầu có những một lỗ để ong chui ra chui vào. Khi lên rừng phát hiện tổ ong, người ta bắt con ong chúa đem về cột dây cho vào tổ. Thế là đàn ong tìm về, để lâu đàn ong sinh sản cho ta mật ong. Đang nằm chơi thì một con tò vò rơi xuống tôi chộp được. Đợt này thằng Thanh có khiếp tận ba đời, không bao giờ giám sang nữa. Tôi gọi hắn lại gần tổ ong, ở nhà khi còn nhỏ mẹ tôi vẫn dặn đừng "Trêu ong, chọc rắn" thế lần này ta làm thử, tôi và hắn ghé sát tổ ong, tôi nhẹ nhàng dỡ tấm đậy ví ông chủ vẫn giở ra kiểm tra mật. Tôi ném con tò vò vào đàn ong xúm lại rồi bay ra, tôi chui xuống phản bị một hai con đốt còn thằng Thanh thì bị đốt nhiều, hắn vừa chạy vừa khóc miệng hô lớn: "Oánh ác, Oánh ác". Nghĩ ra cũng thương hắn thật. Sáng mai chị Bình đi ủy ban hắn lại sang, mặt sưng húp. Hắn nói: "Tối qua ong đốt đau không ngủ được". Tội cho thằng bé quá! Tôi ân hận mãi, giống nhà ong đi đốt xong một ai đó là lăn đùng ra chết. Thế rồi bước sang mùa khô 69-70 chúng tôi lại sang Lào rồi vào Nam không có dịp quay lại nữa, năm 2004 UBND tỉnh Hà Tĩnh cho cựu chiến binh trung đoàn tôi 30 triệu, chúng tôi quyết định thăm lại chiến trường xưa, tôi đến thăm lại Thôn Liêm Phú. Thăm lại gia đình chị Bình và thắp hương cho anh Thái Văn A đại tá anh hùng lực lượng vũ trang. Người anh hùng của đảo Cồn Cỏ. Đoàn chúng tôi có gần 100 cựu chiến binh tôi là trưởng đoàn trong đoàn l có nhiều anh cấp bậc cao hơn, có anh thượng tá, mà vẫn cứ bầu tôi là trưởng ban liên lạc có lẽ do "khéo miệng". Đến thăm lại chỗ ngày xưa, bây giờ khác lắm rồi đường vào xóm rải nhựa nhà ở san sát, nhân dân bây giờ không ăn pồi nữa. Đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua xã, xe dừng lại vào nhà chị Bình. Chị ôm lấy tôi khóc nức nở, nước mắt tôi rơm rớm chị bảo:
"Sao bây giờ mới trở lại, nhân dân ở đây vẫn nhắc luôn đơn vị em đó".
Tôi nói với chị:
"Mùa khô năm đó bọn em sang Lào rồi vào Nam chiến đấu, sau ngày giải phóng mỗi người mỗi ngả không có điều kiện quay lại nữa". Chị im lặng, tôi nhìn vào cặp mắt chị, chắc chị đang nghĩ về những ngày xa xăm, khi đơn vị tôi đóng quân trên mảnh đất này. Tôi thắp hương cho anh A. Anh mất 2001 vì bị bệnh ung thư. Cục chính sách tổng cục chính trị, đưa anh ra Hà Nội điều trị, nhưng sau đó anh mất. Thằng Thanh nay đã có vợ hai con rồi, nó làm xã đội trưởng. Sau này anh chị có thêm một cháu gái nữa. Lấy chồng gần đó, biết tôi đến thăm hai vợ chồng cũng về.
Thế rồi! tôi chào chị và gia đình chúng tôi đi, cả nhà tiễn tôi ra xe, thằng Thanh bắt cho hai con gà trống to bỏ lên xe. Xe leo dần lên đèo Đá đẽo đi về hướng Phong nha - Kẻ Bàng đến khi không nhìn thấy chị Bình và các cháu nữa./.
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Xuân Oánh
Link nội dung: //revcat.net/thang-thanh-a7238.html