Trong dòng chảy của nền thơ ca hiện đại, có rất nhiều nhà thơ đam mê, tìm tòi những mảng đề tài khác nhau, người chọn chủ đề thế sự, người thì chọn thể loại trữ tình… để gửi gắm, kí thác tâm sự của mình qua ngôn ngữ thơ ca. Dùng ngôn ngữ thơ ca để giãi bày tâm sự, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước hoặc nói lên những khát vọng của tương lai dân tộc…
Những năm gần đây, công chúng yêu thơ ghi nhận và đánh giá cao chân dung một nhà thơ đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền thơ ca hiện đại. Đó là nhà thơ Nguyễn Hòa Bình, một người lính trở về sau chiến tranh, một nhà báo năng động trong nhiều mảng đề tài, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và đã vinh dự giành giải A cuộc thi Thơ tình năm 2006-2007 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Tập thơ LỬA THAN do Hội Nhà văn xuất bản năm 2018 khi ra “lò” đã được công chúng yêu thơ ghi nhận, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đánh giá tập thơ này đã rất “chững chạc” đến tầm triết lý về sự sống nhân sinh. Tập thơ LỬA THAN của Nguyễn Hòa Bình gồm 54 bài, có thể nói chủ đề xuyên suốt tập thơ là gợi mở cảm hứng về sự sống và tình yêu. Ông đã dùng bài thơ LỬA THAN đặt cho tên tập thơ này. Thật ngạc nhiên khi ta đặt câu hỏi là tại sao tác giả lại đặt cho tên cho đứa con tinh thần của mình với cái tên bằng một bài thơ với ý nghĩa xuyên suốt là ngọn lửa? Lý giải về điều này, có lần ông tâm sự với bạn bè: “Ai cũng khát khao sự sống, nhưng sống thế nào cho thật ý nghĩa, hãy thắp lên cho mình một ngọn lửa thật khát khao như ngọn lửa than để sống và cống hiến…”. Trong bài thơ LỬA THAN ông viết: “Ta nhận về mình cực nhọc/ Ta nhận về mình cay đắng thời gian/ Ủ thành than/ Mơ cháy”. Đọc những câu thơ này độc giả cảm nhận được cái ý tứ sâu xa – trước khi hóa thành ngọn lửa hãy ủ kỹ, ủ từ than hừng hực nóng, từ sức nóng vô biên đó mới có thể “mơ cháy”. Ai sống trên đời mà chẳng mơ mình cháy lên thành ngọn lửa. Nhưng nếu không được chuẩn bị kỹ càng thì biết đâu là lửa rơm, bùng phát, bốc cao, nhưng chóng lụi, chóng tàn. Ngọn lửa của sự sống tất nhiên phải xuất phát từ chính giữa cuộc đời, dẫu cho giữa dòng trong – đục. Nếu không từ mạch nguồn đời sống thì khó có thể bùng lên lửa than như câu thơ kết “Mai ngày về chốn không không/ Từ trong hư ảnh có bùng lửa than?”. Lửa than là một bài thơ đậm chất triết lý. Cái khát khao sự sống với bao tin yêu và hi vọng đã giúp nhà thơ khắc họa chân dung cuộc sống dù còn nhiều gian khó cũng rất đẹp trong thơ. Ấy là lần nhà thơ đi thực tế ở một huyện miền núi Thanh Hóa mà ngày ấy một huyện miền núi còn rất khó khăn, đường giao thông đi lại trắc trở, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thiếu thốn trăm bề nhưng cảnh quan thiên nhiên, bản chất cần cù đôn hậu, vẻ đẹp của những thiếu nữ Thái đã làm nhà thơ thốt lên: “ Sông Lò chảy vắt ngang chiều Thanh Hóa/ Có lẽ nào không về với Quan Sơn/ Ta tìm lại Na Mèo phiên chợ ấy/ Mắt ai cười nghiêng ngả cả hoàng hôn”. ( Về với Quan Sơn). Thật vinh dự cho nhà thơ, bài thơ này được in trong cuốn Sổ tay Đảng viên của huyện ủy Quan Sơn hàng năm cung cấp cho mấy nghìn đảng viên ghi chép… Chính vì khát khao tình yêu cuộc sống nên đọc bất cứ bài thơ nào của Nguyễn Hòa Bình, ai cũng rung cảm cùng tâm hồn thi sĩ khi ông vẽ nên nét đẹp của một làng nghề Thủ đô bằng thể thơ lục bát rất đắc địa: “Nhớ về Cầu Giấy với anh/ Mùa này cốm mới đã xanh làng Vòng/ Nếp Nhung đã xếp chật nong/ Lửa thì ta nhén đã hồng má nhau…” ( Cốm Vòng). Là người lính trở về sau chiến tranh, chàng trai đất trung du Nguyễn Hòa Bình rất may mắn được tiếp tục bút nghiên trên giảng đường đại học trong khi đó bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường thì việc lỡ hẹn với người yêu năm nào chỉ là chuyện nhỏ, chiến tranh mà! Trong bài thơ Hoa cải ngồng, ông đã kí thác tâm sự ấy bằng những câu thơ thật nhân bản: (Anh có biết em đã chờ anh mà/ Mọi lầm lỡ thôi đừng trách chiến tranh/ Dù anh đã trở về và em đã/ Cái lõi ngồng hoa nở mãi trong anh). Với lợi thế của một người làm báo, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình đã từng phụ tránh chuyên san của Báo An ninh Thủ đô rồi chuyển sang làm Phó TKTS báo Hà Nội mới nên trong những chuyến đi công tác ông đã quan sát, khắc họa những miền đất, tên làng , tên phố… bằng những bài thơ rất tinh tế và hàm chứa bao cảm xúc mà rất đỗi nhân văn: (Xa Huế rồi ai có nhớ không/ Ai giữ lại chút màu chiều của gió/ Chút dìu dịu giấu trong lời của cỏ/ Mưa thế này xanh lại Huế chưa em ?) ( Huế xanh). Có người đã định nghĩa thơ là tiếng nói của trái tim, phát ra từ trái tim và trở về với trái tim, ở trường hợp ví von này, có lẽ rất đúng với nhà thơ Nguyễn Hòa Bình, chỉ bằng 4 câu thơ rất rung cảm, rất tinh tế ông quan sát bằng mắt thường nhưng đã phác họa rất chính xác khi miêu tả thành phố Sơn La chỉ bằng 4 câu thơ mà người dân phố núi và mọi người ai ai cũng thích thú: (Thị xã nhỏ mang hình cánh võng/ Nửa mắc vào mây nửa mắc vào rừng/ Chỉ chợt gió đã rối lòng phố núi/ Sơn La chiều đá cũng bâng khuâng). (Sơn La). Hơn bốn mươi năm làm báo và làm văn, bằng tình yêu văn chương cháy bỏng, sức lao động nghiêm túc, cẩn trọng, thành tựu của nhà thơ Nguyễn Hòa Bình thật đáng nể: Đến nay ông đã xuất bản 3 tập thơ riêng và 11 tập in chung với các tác giả khác với nhiều thể loại như truyện kí, thơ lục bát trữ tình… trong các đợt phát động do Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và các tỉnh, thành phố… tổ chức.
Khép lại tập thơ LỬA THAN người đọc cảm thấy ngân nga, ấm áp khi cảm nhận cái dư vị ngọt ngào nhân văn của những câu thơ trong tập như: (Thì một đời Phú Quốc một lần qua/ Ta được mặn chút hương nào của biển/ Để theo gió mơ chạm bờ lưu luyến/ Nhận ra mình mắc cạn giữa đại dương…) ( Phú Quốc một ngày). Những đóng góp của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hòa Bình cho nền văn học nghệ thuật thật đáng trân trọng.
Nguyễn Viết Hiện
Link nội dung: //revcat.net/cam-hung-ve-su-song-va-tinh-yeu-qua-tap-tho-lua-than-a7044.html