Nếu trời nóng mà ta đi theo chiều gió thổi ngược lại, hay gió thổi ngang thì ta sẽ có cảm giác dễ chịu, mát mẻ. Còn gió thổi xuôi chiều ta đi (thổi sau lưng) thì hiển nhiên, không được mát bằng. Đem chuyện gió thổi sau lưng để “chất vấn” chả hợp lí chút nào.
Nhưng dân gian đã cố ý biến chuyện “gió thổi” vu vơ kia thành một sự tình bất bình thường để nói một sự tình bất bình thường khác (mà cái này mới là điều đáng nói): Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?
“Người dưng” là ai thế? Đây là từ ghép hai thành tố. “Người” là thực thể ai cũng biết, “dưng” có nghĩa “không liên quan gì”. “Người dưng” là “người không có họ hàng thân thích gì”. Anh em chả phải, bạn chả phải, người dưng đúng là thứ “nước lã” trong câu thành ngữ “người dưng nước lã”. Mà nước lã là thứ nước thường thấy quá nhiều trong tự nhiên. Nước ở hồ ao, nước ở sông ngòi, kênh rạch… thật nhiều vô thiên lủng. Hơi đâu mà để ý tới nước lã và hơi đâu mà quan tâm tới người dưng vốn có khắp mọi nơi trong thiên hạ.
Ấy thế mà lại có một “người dưng” chen ngang vào cuộc đời của ai đó. Người ấy có thể là một cô gái (hay một chàng trai) đột nhiên “lọt mắt xanh” một chàng trai (hay một cô gái) nào đấy. Thế là thành chuyện.
Đây người dưng đó cũng người dưng
Cớ chi nước mắt rưng rưng nhỏ hoài.
(ca dao)
Thế đây, hai “người dưng” xa lạ từ phương nảo phương nào “bắn đại bác không tới” lại tự nhiên cảm mến nhau, đem lại cho nhau nỗi niềm “thầm thương trộm nhớ”. Gay go rồi. Thế là “sóng khuynh thành” đột nhiên nổi lên và kéo theo là chuyện “đổ quán xiêu đình” đang đến rất gần.
“Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?” là một câu hỏi. Nhưng bản thân câu hỏi này đã hàm ẩn một câu trả lời quá rõ. Cái “dạ” kia đã “nhớ người dưng” tức là chàng (tạm cho là như thế) đã “phải lòng” nàng mất rồi.
Người dưng giờ trót “nhớ” rồi
“Tơ hồng” đã trói ông trời cũng thua.
Phạm Văn Tình
Link nội dung: //revcat.net/gio-sao-gio-mat-sau-lung-a6902.html