Ở Cao Bằng, số lượng người Dao chiếm khoảng 10% dân số với hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Người Dao tiền thường trang trí trang phục bằng những đồng bạc; còn người Dao đỏ thì chủ yếu sử dụng hai gam màu đen và đỏ, với chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ cùng nhiều chi tiết thể hiện sự khéo léo và tài năng thêu thùa. Vẻ đẹp rực rỡ trên trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ luôn gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của mọi người.
Người Dao Cao Bằng chủ yếu sinh sống ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, nhưng tập trung đông nhất là huyện Nguyên Bình. Trong đó, xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình) là điểm đến hấp dẫn nếu du khách muốn tìm hiểu về trang phục và nét gowin99 truyền thống của người Dao đỏ.
Bà Lý Mùi Lai (xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình) đã gắn bó với nghề may trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ hơn 20 năm qua. Trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm 2 loại là thường phục và lễ phục. Đối với nam giới, trang phục hàng ngày đơn giản với áo chàm đen; lễ phục thì cầu kỳ hơn gồm áo dài đỏ với họa tiết hoa lá sặc sỡ. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, bộ trang phục của người phụ nữ còn là sản phẩm của nghệ thuật, kỹ thuật thêu thùa. Các hoa văn chủ yếu là thêu tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên phần lớn do nữ giới đảm nhận.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Họ thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Mỗi bộ trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó màu đỏ là chủ đạo, vì theo quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Điểm nhấn trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ là các họa tiết bằng bạc, được đính vào phần ngực áo một cách rất tỉ mẩn và khéo léo. Bà Lý Mùi Lai cho biết, những "bông hoa mặt trời" bằng bạc này sẽ được gắn song song đầy trên 2 mảnh vải, được vòng qua cổ tựa như chiếc áo yếm. Chiếc áo yếm này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc. Thân trước của áo bắt đầu từ viền đỏ ở cổ áo đính 2 hàng hoa bạc, từ cổ áo trở xuống nẹp một dải vải đỏ để đính một hàng cúc bạc gồm có 7 đến 9 cúc, trong đó trên mặt cúc được chạm khắc hoa mặt trăng và mặt trời. Áo yếm là bộ phận được trang trí nhiều bạc hơn cả, bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, dùng bạc trang trí vừa để bảo vệ sức khoẻ, vừa thể hiện sự sung túc của mỗi gia đình.
Không chỉ phục vụ gia đình và người dân trong xóm, trang phục do bà Lý Mùi Lai thêu may được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích đặt hàng. Từ năm 2020, gia đình bà Lý Mùi Lai đã xây dựng không gian thêu, may, trưng bày sản phẩm trang phục, thổ cẩm để du khách đến tham quan, mua hàng tại nhà. Bên cạnh gia đình bà Lý Mùi Lai, tại xã Vũ Nông còn có nhiều hộ gia đình thêu may trang phục dân tộc Dao đỏ cho gia đình hoặc bán tại các chợ phiên trong huyện.
Với mong muốn gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, sau những giờ làm việc trên nương rẫy, các bà, các mẹ, các chị truyền kinh nghiệm, hướng dẫn con gái, em gái cách chọn và cắt vải; cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận của trang phục. Đặc biệt theo phong tục truyền thống, các cô gái Dao đỏ phải dành nhiều năm để học thêu, may, tự chuẩn bị trang phục cưới của riêng mình trước khi đi làm dâu.
Bằng sự khéo léo và nâng niu các giá trị truyền thống, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Nguyên Bình đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ đến từng đường kim mũi chỉ, với hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Cùng thời gian, bộ trang phục sẽ theo người Dao đỏ đi suốt cuộc đời. Theo tín ngưỡng của người Dao đỏ, bộ trang phục sẽ được chôn theo người mất để tổ tiên nhận diện và đón nhận.
Theo Nam Anh/VOV.VN/dulichcaobang.vn
Link nội dung: //revcat.net/doc-dao-trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-dao-do-tai-cao-bang-a6799.html