Kỳ 40.
Ngày hôm sau, Lý Nam Đế dẫn 2 vạn quân rời thành Long Biên đi về hướng Đông Nam, về đất Hồng Châu. Nữ Tướng Dương Khoan Khoáng đi tiên phong, Lý Nam Đế đi trung quân, Triệu Quang Phục đi tả quân, Đại tướng Phạm Lạng đi hữu quân, các Đại tướng Triệu Chí Thành, Trịnh Đô đi hậu quân. Nắng mùa hè chói chang, quân đi bụi cuốn mù mịt theo gió. Trên đầu họ, cờ vàng tung bay phần phật. Đi sâu vào địa phận Hồng Châu, phía Đông Lục Đầu Giang 2 dặm vùng Kiếp Bạc đã thấy quân Lương dàn trận. Trần Bá Tiên và các tùy tướng cầm vũ khí chờ đợi. Trên đầu vô số cờ quạt rợp trời, lớn nhất là lá cờ chữ Soái bay trên đầu Trần Bá Tiên .
Lý Nam Đế cho dàn trận. Trần Bá Tiên thấy Lý Nam Đế cưỡi ngựa nâu, áo bào vàng, bên ngoài mặc áo giáp vàng, mũ đâu mâu vàng, trên đầu che lọng vàng, trên lọng có lá cờ chữ Soái, oai phong lẫm liệt, tay cầm kiếm cán mạ vàng. Bên tả là Đại tướng Triệu Quang Phục, bên hữu là Đại tướng Dương Khoan Khoáng. Trần Bá Tiên quát:
-Ai dám ra bắt bọn phản tặc cho ta?
-Có mạt tướng.
Mọi người nhìn ra thì đó là tướng Lưu Chí Bình. Lưu Chí Bình múa đại đao, cưỡi ngựa đen xông ra. Nữ tướng Dương Khoan Khoáng múa hai thanh gươm xông ra thét:
-Lũ giặc Lương xâm lược hãy đền tội.
Hai người và ngựa xáp nhau, gươm chạm đại đao tóe lửa, vang lên những tiếng kêu khô khốc. Chưa đầy 10 hiệp, gươm của Dương Khoan Khoáng lùa qua cổ Lưu Chí Bình làm đầu hắn đẫm máu rơi xuống đất.
Phía quân Việt xông lên chém giết. Phía quân Lương bỗng có một phát tên châm lửa bắn lên trời. 2 vạn quân Lương đột nhiên xuất hiện phía sau đánh tập hậu quân Việt. 4 vạn quân Lương ép quân Việt vào giữa chém giết. Quân Việt chiến đấu ngoan cường nhưng núng thế, thế trận dần dần tan vỡ và đại bại.
Như đã nói, Trần Bá Tiên cho 2 vạn thủy binh bí mật tiến theo sông Bạch Đằng đổ bộ lên Lục Đầu Giang, chờ cho quân Việt Tiến sâu vào trận địa Hồng Châu mới đổ bộ lên đánh tập hậu. Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng và các tùy tướng hết sức bảo vệ Lý Nam Đế mở đướng máu mới thoát về thành Tô Lịch. Gần 1,5 vạn quân Việt đã hy sinh, quân Lương dù lợi thế nhưng cũng để lại 1 vạn xác chết trên chiến trường. Trần Bá Tiên dù dùng gian kế chiến thắng nhưng hắn vô cùng khâm phục và khiếp sợ tinh thần chiến đấu của quân Việt. Trần Bá Tiên thấy rằng nhân lúc Lý Nam Đế vừa thất bại, chưa củng cố được lực lượng và thế trận cần phải truy kích quyết liệt, không cho Lý Nam Đế có chỗ đứng chân vững chắc, nếu không, hắn cũng sẽ thất bại như Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh trước đây.
Lý Nam Đế đem 5000 quân còn lại rút về cùng Đại Tướng Phạm Tu giữ thành Tô Lịch trên sông Hồng. Trần Bá Tiên thúc thủy binh và bộ binh đuổi tới bao vây thành. Thành Tô Lịch là một thành tạm bợ được rào chắn bằng tre và gỗ. Vì chiến tranh liên miên nên Lý Nam Đế chưa kịp cho gia cố thành bằng gạch và đá kiên cố. Quân Lương bao vây và tấn công thành ở hướng Đông và hướng Bắc. Hướng Tây và hướng Nam của thành cây cối rậm rạp, nhiều hồ nước đầm lầy, quân Lương sợ bị quân Việt tập kích. Đã ba lần trong 3 ngày, quân Lương tấn công vào nhưng bị tên và đá của quân Việt bắn ra, quân Lương chết như rạ. Cuối cùng sang ngày thứ tư, quân Lương dùng chất cháy đốt thành lũy gỗ và đốt nhà cửa doanh trại trong thành. Quân Lương tràn vào thành chém giết. Quân Việt kháng cự ngoan cường. Tiếng trống trận, tiếng reo hò, lửa cháy, khói mù trời đất, máu tuôn, những xác quân lính gục đổ. Thốt nhiên, hàng ngũ quân Lương vòng ngoài rối loạn. Thì ra quân Việt ở thành Long Biên do Triệu Túc đã chi viện kịp thời, phá dãn vòng vây quân Lương. Nhân cơ hội đó, Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng mở đướng máu đưa Lý Nam Đế vượt ra ngoài thành, chạy về hướng Tây Bắc. Trong hỗn chiến, lão tướng Phạm Tu và 1 vạn nghĩa quân đã anh dũng hy sinh. Đó là ngày 20 tháng 7 Ất Sửu (tháng 8 năm 545). Phía quân Lương cũng để lại thành Tô Lịch 1 vạn xác chết.
Sau trận Tô Lịch, Lý Nam Đế chạy về thành Gia Ninh (xưa là kinh đô Bạch Hạc), thuộc đồi núi trung du, ngã ba sông Hồng, sông Lô, Sông Đà. Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử chạy về miền Tây Cửu Chân và chạy sang đất Ai Lao. Ở phía Bắc, Dương Phiêu đánh chiếm Hợp Phố, Ninh Hải và tiến vào Hoàng Châu, chiếm kinh đô Long Biên. Vận nước Vạn Xuân vô cùng nguy nan. Thủy Binh và bộ binh quân Lương truy đuổi ráo riết, bắt đầu công phá thành Gia Ninh. Trần Bá Tiên cho quân đi đầu dùng những tấm khiên đồng ghép lại che chắn tên đạn của quân Việt để hạn chế thương vong và tiến lên công thành. Quân Việt bắn tên, ném đá như mưa nhưng quân Lương thiệt hai rất ít. Quân Lương tiến sát cổng thành, dùng những cây gỗ to, nhọn, dài vài trượng do những tên lính lục lưỡng đâm mạnh vào cổng thành. Chỉ cần vài khắc, cổng thành Gia Ninh bị húc đổ. Quân Lương tràn vào đốt phá chém giết. Quân Việt rất ngoan cường chống lại. Một cuộc hỗn chiến trong và ngoài thành Gia Ninh diễn ra khốc liệt, thây người chồng chất, máu đỏ dòng sông Hồng Hà, Lô Giang và Đà Giang đậm đặc, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Quân Việt đại bại. Lý Nam Đế được các tùy tướng mở đướng máu, hộ giá chạy về thượng nguồn sông Lô. Đó là miền núi rừng hiểm trở, miền Động Lão, Tân Xương thuộc núi rừng Việt Bắc.
Tại núi rừng Động Lão, Lý Nam Đế nói với các tướng Dương Khoan Khoáng, Triệu Quang Phục, Triệu Túc, Lý Công Tuấn, Trịnh Đô:
-Nay vận nước lâm nguy, muốn cứu được Vạn Xuân, muốn thắng được quân Lương cần thêm một căn cứ ở đồng bằng để làm thế ỉ dốc, hỗ trợ cho nhau, xây dựng lực lượng. Cho nên ta trao binh quyền cho Thái phó Triệu Túc và Đại tướng Triệu Quang Phục trở về quê nhà Chu Diên, tìm một địa thế hiểm trở xây dựng căn cứ và lực lượng, chờ thời cơ phản công. Cuộc kháng chiến này không thể đánh nhanh thắng nhanh được mà phải đánh lâu dài. Tất cả nhờ vào Thái Phó và Đại tướng quân.
Triệu Túc và Triệu Quang Phục quỳ lạy nhận di mệnh của Hoàng đế Vạn Xuân rồi vua tôi gạt lệ chia tay. Triệu Túc và Triệu Quang Phục cùng 1vạn quân cải trang rời Động Lão, trở về Khoái Châu chiều hè năm đó.
Lý Nam Đế còn nói với các tướng:
-Trần Bá Tiên sở dĩ thắng được quân ta một phần là nhờ sức cơ động của thủy quân. Ở một nước nhiều sông ngòi như nước ta thủy quân thật là quan trọng. Cho nên ngoài bộ binh chúng ta phải đóng chiến thuyền và xây dựng thủy binh.
Các tướng nghe xong đều nói:
-Bệ hạ anh minh.
Từ đó Lý Nam Đế cùng các tướng đốc thúc binh sĩ hạ gỗ, mời thợ về đóng chiến thuyền. Một năm sau đã đóng được 300 chiến thuyền. Lý Nam Đế chọn hồ Điển Triệt (đầm Miêng, Tứ Yên, Sông Lô, Phong Châu), cách thành Gia Ninh về phía Bắc khoảng 30 dặm. Với trên 300 chiến thuyền, 1 vạn thủy binh Việt ngày đêm luyện tập thủy chiến chuẩn bị đánh giặc. Lại nói Trần Bá Tiên đóng quân ở thành Gia Ninh hơn một năm mà không thể tiến vào miền Động Lão để tiêu diệt quân của Lý Nam Đế để hoàn thành cuộc chinh phục Giao Châu, nay nghe thám mã về báo:
-Dạ bẩm Đại Tư mã, thủy quân Việt đang tập trung hàng trăm chiến thuyền ở hồ Điển Triệt.
Trần Bá Tiên nghe báo mừng rỡ nói:
-Tốt, có thể kết thúc được việc tiêu diệt Lý Nam Đế.
Trần Bá Tiên liền kéo thủy binh ngước dòng sông Lô tiến lên nhưng gặp nước cạn không thể tiến vào hồ Điển Triệt, liền dàn trận ở cửa sông Lô chờ đợi. Bấy giờ là tháng 8 năm 546, niên hiệu Thiên Đức năm thứ 3. Tháng 8 là mùa mưa lũ của nước Vạn Xuân, nước sông Lô và nước các con sông khác dâng lên cuồn cuộn. Thế rồi, trong một đêm một ngày mưa như trút nước, nước sông Lô dâng lên và cửa sông Lô vào hồ Điển Triệt biến thành biển cả mênh mông. Trần Bá Tiên cho thủy binh tiến vào hồ. Đến hồ, thủy binh Lương rẽ làm hai hướng chạy vòng quanh hồ tạo thành thế bao vây thuỷ quân Việt. Thủy quân Lương chạy như bay bao vây bốn mặt hồ, xả tên như mưa và ném chất cháy vào chiến thuyền quân Việt. Quân Việt chống cự mạnh mẽ nhưng thuyền bốc cháy. Thủy quân Việt hoặc bị trúng tên, hoặc bị chết cháy. 300 chiến thuyền thành những bó đuốc rực lửa chìm dần xuống đáy hồ, mang theo khoảng 1 vạn quân Việt anh dũng hi sinh vì nước. Lý Nam Đế được các tướng phò giá lên bờ, chạy về miền rừng núi động Khuất Lão, Phong Châu.
Sau khi Lý Nam Đế đăng quang cho đến trận hồ Điển Triệt, nước Vạn Xuân gặp biết bao biến cố đau buồn: quân Việt liên tục thất bại ở Diên Châu, thành Tô Lịch, thành Long Biên, Thành Gia Ninh. Hàng vạn nghĩa binh, hàng trăm tùy tướng, trong đó có cả Đại tướng Phạm Tu hi sinh vì nước. Người anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo, người cháu họ là Lý Phật Tử cùng ba vạn quân bị tướng Lương Trần Pháp Vũ đánh tan tác phải chạy sang Ai Lao, bây giờ không biết sống chết ra sao. Cha con Thái phó Triệu Túc và Triệu Quang Phục về quê nhà Khoái Châu xây dựng lực lượng cũng không có tin tức gì. Nữ tướng Phạm Thị Toàn, người nữ tướng trí dũng và sắc đẹp song toàn, đã lập nhiều chiến công trong những trận chiến thắng quan trọng như Hợp Phố, Ái Châu, đánh Lâm Ấp ở Lợi Châu. Sau khi đăng quang, Lý Nam Đế có ý dành ngôi cung phi cho Phạm Thị Toàn nhưng bà từ chối và xin về quê hương chăm sóc mẹ già cho tròn chữ hiếu, đã lâu rồi cố nhân cũng bặt vô âm tín. Trận hồ Điển Triệt không chỉ làm tan vỡ cố gắng cuối cùng của Lý Nam Đế trong cuộc kháng chiến chống Lương mà trong trận đó, Hoàng hậu của Lý Nam Đế là Hứa Trinh Hòa, con ông Hứa Minh và bà Bùi Thị Quyên, người làng Đông Mán, Đông Phong, đất Vũ Ninh xưa, sau bao năm cùng ông chinh chiến nhưng bà đã hy sinh trong trận hồ Điển Triệt. Việc Hoàng hậu hy sinh tại hồ Điển Triệt là giọt nước tràn ly tăng thêm sự ưu tư buồn bã của Lý Nam Đế. Cho nên khi chạy vào động Khuất Lão, Lý Nam Đế thường xuyên đau ốm. Các tùy tùng đã tìm nhiều lang y miền núi chữa trị cho ông nhưng không qua khỏi. Lý Nam Đế từ trần ngày 13 tháng 4 năm Mậu Thìn (548) tại động Khuất Lão, Phong Châu, ở ngôi 5 năm, thọ 46 tuổi.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-40-a6767.html