Dạo này, sắp đến mùa thu hoạch đông tôm nuôi trên cát. Trước cửa nhà tôi bữa nào cũng có một hai đứa con gái xin ngồi để bán tôm.
Nhà tôi, ở ngã tư đường có hai mặt tiền, một đường rộng 35m và một đường 17m, là con đường đi lại gần nhất của bảy xã biển ngang lên thành phố Hà tĩnh.
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, xóa bỏ nhà nước cộng hòa dân chủ Đức (DDR). Hồi ấy, tôi đi lao động xuất khẩu bên đó. Thống nhất hai miền đông Đức và tây Đức, nhiều xí nghiệp bắt đầu đóng cửa. Công nhân không có việc làm trên khắp cộng hòa.
Lúc bấy giờ người Việt nam ở Đức có khoảng 40 ngàn, thời gian này đã có đội lao động rục rịch về nước, sau khi bà Nguyễn Thị Hằng, thứ trưởng, thay mặt bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam ký với bộ lao động Đứ Hiệp định hủy bỏ Hiệp đồng, đưa người lao động Việt Nam về nước trước thời hạn.
Trong Hiệp đồng đó có ghi các điều khoản: Ai muốn ở lại cũng được, nhưng phải tìm việc làm, phải đi thuê nhà ở và hưởng chế độ bảo hiểm 300 Đê mác (tiền tây Đức) mỗi tháng. Còn người về nước thì một người được 3000 ngàn đê mác. Trong khi đi đó, cũng là xuất khẩu lao động nhưng công nhân Cu ba được bồi thường 5000 đê mác (DM) hoặc các nước châu phi là 7000 DM. Người Việt Nam đi đến đâu trên thế giới cũng chịu thua thiệt.
Vào một ngày, sau khi họp đội xong (hồi đó tôi là bí thư chi bộ, chi bộ tôi có 27 trên 45 người công nhân toàn đội), thằng Manpheet là betroier (quản lý người lao động Việt Nam) đưa cho tôi một tờ giấy hủy hiệp đồng, lao động về nước trước thời hạn, nội dung đã ghi sẵn các điều khoản phải trả lời chẳng khác gì bài thi trắc nghiệm của học sinh bây giờ.
Manpheet nói: "Oan! (nó không nói được đúng tên Oánh mà chỉ gọi được là Oan)! Mày xem! Thích ở lại thì đánh dấu nhân chỗ ở lại, không thích mà về Việt Nam thì đánh dấu vào chỗ về nước, xong ký tên vào nộp cho her Phúc copchleiter (ông Phúc đội trưởng).".
Thôi! Về thì về. Như thế đủ rồi. Cũng ba năm sống dưới trời Âu, cũng biết nhiều điều mới lạ.
Tôi bồi hôi nhớ lại lần đầu sang Đức. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Suyennerfef thành phố Ber lin, nhìn thấy một bãi ô tô con to như một cánh đồng (ở Đức người ta không để xe trong nhà, tất cả đều gửi ngoài bãi), đúng là "thiên đường" thật. Nhưng đến khi vào xí nghiệp làm việc thì chẳng thấy "thiên đường" đâu cả, chỉ thấy hoa mắt hoa mũi vì công việc. Sáng 5h dậy đi làm, ra bến tàu điện đón tàu, về mùa đông dưới nhiệt độ âm 20 độ rét cắt da, cắt thịt, chiều 5 h về vội vàng tắm rửa nấu ăn rồi đi ngủ để sáng mai mà đi "cày".
Tuy thế, tôi cũng được đến sân bóng RB thành phố Lei zig xem thần tượng bóng đá Ma rađona, Alemao, Careca, và đội Napoli của Ý đã cúp c2. Cũng đã đi xem FKK ( khu sinh hoạt văn hóa tự do). Đủ rồi. Về là đúng. Chỉ luyến tiếc một điều là người Đức đúng là một dân tộc thượng đẳng, họ văn minh lịch sự theo quan niệm của họ "dù da trắng hay da mầu đều là con người nên sống bình đẳng như nhau", đối với tôi đứa nào cũng quý, từ con Steephi chủ nhà xinh đẹp nhìn vào chỉ có khen ngất ngưởng, đến thằng Buahem quản đốc đều rất tốt.
Những năm tháng lao động khó nhọc, tôi nhận thấy một điều là: Ở bất kỳ một nước nào trên trái đất này làm ra đồng tiền cũng đều khó nhọc, mồ hôi trộn nước mắt cả.
Thế rồi chúng tôi về nước. Với đồng tiền dành dụm được cộng với 3000 DM (tương đương với 1700 USD, tôi mua được mảnh đất hai mặt tiền, nay đang ở. Cảnh hai vợ chồng về hưu rồi, để có công ăn việc làm, tôi mở một cửa hàng tạp hóa, bên trong bán bia rượu bánh kẹo, phía ngoài là quần áo. Cũng chẳng giàu có gì.Nhưng cũng có đồng ra đồng vào để nuôi con ăn học.
Vì là chỗ buôn bán thuận lợi, dạo này các cháu dưới biển ngang hay lên để bán tôm, chuẩn bị cho mùa thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Có một lần tôi ra xem các cháu ngồi bán hàng, tôm được bỏ trong rổ, mỗi rổ như thế cũng vài chục cân, trên có một cái mẹt đậy lại không để tôm nhảy ra ngoài, mỗi đứa có một cái cân loại cân đồng hồ nhãn hiệu Nhơn Hòa, loạí 5 kg.
Tôm còn sống cả- "tôm sống bống chết"- nhìn vào là muốn mua rồi. Bữa nào cũng thế, chừng ấy tôm bán hai ba giờ là hết, mỗi kg là 120k.
Xem các cháu bán thấy hay hay tôi liền hỏi:
- Tôm này nuôi ở đâu hả cháu?
- Dạ! Tôm làng mới chú ạ.
Nghe hai tiếng "làng mới", tôi lại nhớ đến vợ chồng anh chị cháu Tam.
- Thế làng mới các cháu có biết gia đình anh cháu Tam không?
Tôi hỏi.
- Nhà cháu đi bán tôm cho bác cháu Tam đó. Tôm lớn rồi, ít bữa nữa xe đông lạnh vào rồi mới thu hoạch cả ao.
- Chú biết bác cháu Tam ạ?
- Chú là bạn bộ đội cùng bác ấy.
- Bác ấy dạo này giầu lắm. Cả xã ai cũng khen vợ chồng bác ấy giỏi.
Thế thì, hôm nào chủ nhật nói với đứa con gái chở xuống chơi với gia đình anh cháu Tam. Tôi nghĩ bụng.
Đến ngày chủ nhật, hai cha con tôi xuống nhà thăm anh chị cháu Tam, con nhỏ mua mấy cân hoa quả để làm quà. Từ nhà tôi xuống đó khoảng tám cây số, đường sá dạo này dễ đi, mất vài chục phút xe đã đậu trước cửa. Nhà cháu Tam mới được xây dựng lại. Ngôi nhà hai tầng kiến trúc kiểu mới thật khang trang bề thế. Làng mới bây giờ có nhiều nhà như vậy.
Nghe tiếng ô tô, anh cháu Tam ra mở cổng, mời cha con tôi vào nhà. Dạo này anh ấy già đi nhiều, nhưng khỏe lắm, nước da ngăm đen, chân tay rắn chắc. Chúng tôi vào trong nhà, đồ đạc tiện nghi đầ́y đủ, mới tinh, còn thơm mùi vecni.
Anh mời hai cha con ngồi lên bộ sa lon, rồi mở tủ lạnh lấy ra mấy lon bia mới khách.
Tôi hỏi :
- Chị và các cháu đi đâu cả anh?
- Các cháu đi lấy chồng cả rồi, nhưng ở gần đây, mẹ con đang ra hồ cho tôm ăn.
Anh lấy ra ba cái cốc rồi rót bia ra, con nhỏ nhà tôi không uống, hai anh em cụng ly. Anh đặt cốc xuống bàn rồi kể: “Nói thật với chắt Oánh, có cơ ngơi như hôm nay, vợ chồng vất vả lắm, bữa đầu thì đi phụ hồ, sau đó tập rồi làm thợ xây. Ngày đi xây, những đêm tối trời thì ra biển câu mực. Người ta thì ra khơi vào lộng chứ mình thuyền bè chẳng có, có mỗi một cái thuyền thúng thì chỉ ở trong lộng thôi, ra được dăm ba sải nước là cũng liều lắm rồi. Trời tối còn được, chứ trăng sáng chả câu được con nào.
- Một buổi tối như anh câu được mấy cân mực?
- Làm gì có mấy cân chắt Oánh! Nhiều lắm được hai cân. Bằng một ngày đi xây đó.
Mực biển ngang câu được, tôi đã được ăn nhiều rồi, không có mực ở đâu so sánh được. Kể cả "mực nháy" của các nhà hàng nổi trong cảng vũng Áng. Mực biển ngang con không to, con nào lớn cũng chỉ bằng ngón chân cái, khi luộc bằng nước biển, con nào con nầy bụng căng tròn, trong bụng toàn trứng (mà ta gọi là mực cơm), mực không ướp đá, chỉ luộc rồi đem đi bán, giá bao giờ cũng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi các loại mực khác.
Tôi bảo:
- Việc gì anh cũng làm nhỉ!
- Có việc không làm đấy!
- Thì cứ có tiền là làm, miễn là đừng vi phạm pháp luật rồi vướng vào lao lý.
- Có một nghề mà mình không bao giờ làm- Nói xong, anh ta làm một ngụm bia rồi đặt cốc xuống bàn kể tiếp.
Đó là nghề bẫy chim, bắt chim bắng đánh nhựa. Con cò, con vạc là bạn của đồng quê. Mỗi mùa bão lụt hay bay về đây tránh trú. Nhiều lắm! Nó đậu trắng cả những dãy phi lao sau nương đó! Chỉ cần ít nhạ (nhựa cây) quẩn lên hai que như que hương cắm lên cây phi lao, khi chim đậu vào nhạ dính vào cánh không đập được là rơi xuống đất, chỉ có đi nhặt, vặt lông thui qua lửa là đưa đi bán, mỗi con cũng vài chục ngàn. Mình thì không bao giờ đánh, cho nên năm nào nó về cũng nhiều.
Tôi bảo: "đất lành chim đậu ". Anh ta cười: “Có lẽ thế!”.
Lúc này, chị cháu Tam cũng đã về. Chị chào hai cha con tôi rồi mở tủ lạnh, lấy cái hộp gì đó, đi xuống bếp.
Bia trong cốc đã cạn, anh đổ tiếp vào, nhấp một ngụm kể tiếp.
- Năm 2008, bảy xã biển ngang và cả huyện Cẩm Xuyên nữa có dự án "Nuôi tôm trên cát" to lắm, mấy chục triệu đô la.
Tôi bảo:
- Của công ty Việt Mỹ. Thành viên của tập đoàn ATi có trụ sở tại 26 Phạm Văn Đồng quận cầu giấy Hà nội do ông Đinh Đức Hữu, Việt kiều Mỹ làm Tổng giám đốc, dự án 50 triệu đola, tương đương 750 tỷ đồng tiền Việt Nam.
- Thế chắt Oánh cũng biết ạ?
- Em có xem, ti vi nói thế.
- Mình được nhận vào đó làm bảo vệ (ưu tiên cho bộ đội phục viên).
Sau một mùa thu hoạch chẳng được cái gì cả, do việc quản lý kém, đành phá sản, phải thanh lí vật tư vật tư kỹ thuật, lỗ hàng trăm tỷ đồng. Nghe nói tỉnh Hà tĩnh chỉ thu được 1 triệu đồng về thuế môn bài. Đúng là "chuột bấy không đào được lỗ".
-Thế là anh mất việc ạ?
- Không mất, chẳng có việc mà làm, lại phải trở về. Nhưng cũng có cái may, mình làm việc ở đó cũng biết về kỹ thuật nuôi tôm trên cát. Mấy ngày đầu về nhà buồn lắm, đi làm mấy tháng họ trả không đủ lương.
Đêm, mình không ngủ được, suy nghĩ nhiều lắm, chẳng lẽ mình chịu bó tay, chấp nhận cảnh đói kém này mãi, mình là cựu chiến binh dù sao cũng có 7 năm trong quân ngũ, nhất định "khó khăn nào cũng vượt qua". Mình quyết định đào ao nuôi tôm trong nương nhà mình, nương mình rộng lắm. Cứ phi lao đến mô là nương mình đến đó. Cả mấy ha.
Buổi đầu không có vốn. Phải đi vay của anh em rồi hai thằng con rể đi Đài loan đánh cá thuê.
- Sao anh không lên em giúp cho anh ít nhiều, em vẫn giúp đồng đội mà - Tôi bảo vậy.
- Không! Mình nghĩ là tình cảm anh em bộ đội nhiều năm gắn bó. Bây giờ vì vài đồng tiền vay mượn nếu làm ăn mất mát đi, rồi mất cả tình đồng đội.
Ban đầu mình đào một hồ đất cát dễ đào nuôi thử vì nhà mình sát bờ biển sát con lạch nên lấy nước từ biển vào và thoát ra thuận lợi. Mình không tham chỉ thả 120 con giống trên một mét vuông. Cho tôm ăn ngày 5 lần. Thức ăn thì chịu nhà phân phối.
Mùa thu hoạch đấu tiên trừ chi phí cũng được vài chục triệu.
Từ đó mình đào thêm hồ. Mấy đứa rể cũng về nước, tham gia nuôi tôm, giờ mình có 5 hồ, mỗi năm làm ba vụ, một vụ ba tháng, cả năm trừ chi phí đi rồi cũng kiếm được bảy, tám trăm triệu. Mẹ con chúng nó có việc làm ai cũng thích, chắt Oánh biết không? Đất đây bây giờ đắt lắm đấy! Trước cho không ai lấy, bây giờ mỗi sào có cả trăm triệu, người trên thành phố xuống mua nuôi tôm.
Đến trưa, chị cháu Tam bưng mâm cơm lên mời cha con tôi ăn trưa. Mọi người vui vẻ ngồi vào mâm cơm. Anh cháu Tam lấy thêm bia và nước ngọt. Khi bia đã rót đấy vào các cốc, chuẩn bị ăn, tôi bảo:
- Dạo này, không có cắt cổ mổ ruột làm ba món như bữa xưa hề!
Nghe tôi nói vậy, cả nhà cười vang.
Cháu Tam bảo: "Chắt Oánh nhớ lâu thật".
Đúng như các cụ vẫn nói: "Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời".
Cơm nước xong, cha con tôi chào gia đình ra về. Anh chị cháu Tam và các con ra cổng tiển cha con tôi về. Xe nổ máy, tôi lên xe. Nhìn chiếc xe của cha con tôi, anh cháu Tam hỏi:
- Xe này bây giờ bao nhiêu tiền?
Tôi bảo:
- 600 triệu đồng là lăn bánh.
Anh bảo.
- Đợi thằng út ra trường rồi mua cho nó một cái.
Nói xong thấy anh chị nhìn nhau rồi cười.
Chào gia đình. Xe lăn bánh khuất dần, không thấy anh chị nữa. Chỉ thấy những rặng phi lao xanh xanh lay động trước gió, như vẫy chào!
Thành phố Hà tĩnh, 15 tháng 9 năm 202.
Nguyễn Xuân Oánh
Link nội dung: //revcat.net/ba-co-a6446.html