Bóc tờ lịch trên tường, ông lẩm bẩm “Mai là tôi lại được gặp bà rồi”, đoạn ông quay lại nói với con dâu:
- Mai tôi có việc đi thăm một người bạn, anh chị gửi thằng cu sang bên ngoại tạm một bữa nhé!
- Vâng, bố có việc thì cứ đi ạ, chúng con sẽ gửi cháu sang nhà ngoại, cũng đã lâu cháu cũng chưa về bên ấy.
Từ ngày vợ mất, ông vẫn ở một mình nhưng từ khi nghỉ hưu, ông dọn sang ở với vợ chồng anh con trai. Nhà của ông vẫn đóng cửa, cách mấy ngày, ông lại về thắp hương cho vợ. Năm bà đột ngột bỏ ông ra đi, ông mới hơn năm mươi tuổi, cái tuổi chẳng thể gọi là trẻ nhưng cũng chưa đến nỗi già. Ông bị suy sụp mất một thời gian, gần đây dường như ông lấy lại được phong độ. Người ta lại thấy cái lưng thẳng và những bước sải chân khỏe khoắn. Vừa rồi, tình cờ ông gặp lại một người cũ, 2 người đã quen biết nhau từ thời ông còn trong quân ngũ. Ngày mai, “người ấy” mời ông đến chơi nhà. “Đêm nay mình phải ngủ sớm mới được”, nghĩ vậy nhưng dù có tắt đèn sớm hơn thường lệ, ông vẫn phải trằn trọc hồi lâu mới ngủ.
Sáng dậy, ông chọn bộ quân phục cũ kỹ, bạc màu đã được cất kỹ ở đáy tủ ra mặc, ông muốn giành cho bà sự bất ngờ. Bộ quân phục này có từ thời ông còn là anh Hạ sĩ, bây giờ có tuổi, người có đẫy ra, mặc hơi chật nhưng ông nghĩ người ấy sẽ rất ngạc nhiên. Con xe 81 cũ kỹ “Kim vàng, giọt lệ” trông thế mà vẫn còn tốt lắm, nhiều người cứ bảo thay nhưng ông không chịu. “Ôi giời, cứ chạy tốt là được, việc quái gì phải thay”! Bây giờ nó đang là con chiến mã đưa ông đi gặp người ấy. Lần theo địa chỉ, ông đã tìm đến được. Một ngôi nhà cấp 4 xinh xinh, một mảnh vườn nhỏ và một hàng rào dâm bụt mà bên gốc vẫn còn lưu lại những nhát chổi.
Bà ra tận cổng đón ông. Hôm nay bà mặc chiếc áo cánh màu gụ bó sát người. Hóa ra không ai bảo ai, ông và bà đều mặc lại bộ đồ đã mặc từ mấy chục năm về trước, khi cả hai còn đương tuổi xuân thì. Cái áo mặc vẫn vừa vặn chứng tỏ bà vẫn giữ được vóc dáng của một thời thiếu nữ. Bà xăng xái xoay cái quạt về phía ông và đi rót nước trong khi ông chăm chú ngắm nhìn bà. Bỗng bà nhìn ra bắt gặp, làm ông cảm thấy ngường ngượng, bèn đánh trống lảng:
- Bà này, bà có nhớ là đã bao nhiêu năm không gặp rồi không?
- Ông tính cái ngày gặp lại ông hay cái ngày ông rời khỏi chỗ tôi?
Ông thở dài:
- Dễ cũng gần 5 chục năm rồi đấy? Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào... Nói xong mắt ông mơ màng như đang chìm vào quá khứ:
Ngày ấy, ông mới 20 tuổi, được điều về làm công tác phong trào tại một vùng Công Giáo toàn tòng. Đó là một địa bàn gay go và phức tạp, nổi cộm nhất là việc dân không vào HTX, không đóng thuế Nông nghiệp và thanh niên không chịu nhập ngũ nhưng lại lấy vợ, lấy chồng rất sớm. Trai 16, gái 14 đã có vợ có chồng, cô gái nào qua tuổi 16 mà chưa có đám hỏi coi như là ế. Muốn tranh thủ vị Linh mục tại đó nhưng xem ra rất khó. Đã có một vài vụ lộn xộn xẩy ra nhưng đều được lực lượng của Tỉnh về dập tắt, một vài người bị bắt. Trước tình hình đó, quyết tâm ở trên là giữ nguyên và ổn định thực trạng.
Ngày ngày, mỗi khi chiều buông, những hồi chuông lại gióng giả giục giã, người ta lại lũ lượt đến Nhà thờ trong bộ áo lễ. Sau buổi cầu kinh thì giàn Đồng ca bắt đầu tập dượt, các bản Thánh ca lại du dương, trầm bổng. Làng quê yên bình đến nỗi người ta quên mất rằng chỉ cách đấy 1 cánh đồng thôi, hàng ngày máy bay Mỹ thi nhau đánh phá ác liệt một cây cầu có vị trí chiến lược không kém gì cầu Hàm Rồng. Muốn xây dựng phong trào thì phải thu hút được lớp trẻ. Thế là sau nhiều lần đề đạt, Cấp trên đã chấp thuận cho ông thành lập Đội bóng chuyền tại địa phương. Ngày đầu chỉ vài thanh niên mon men đến tập, ngày sau thêm vài người nữa và cuối cùng đã có thể tổ chức được cả một trận bóng có nhiều người đến xem. Sân bóng lúc đầu cũng chỉ là một thửa ruộng mạ, về sau được chuyển vào hẳn góc vườn của Nhà thờ. Ông đã chiếm được cảm tình của người dân nhưng cũng thu hút ánh mắt của nhiều kẻ không ưa, nhất là những kẻ quá khích.
Một tối, ông đang hí húi ghi chép những việc đã làm được trong ngày thì nghe thấy có tiếng hát từ trong buồng của cô con gái nhà chủ nơi ông ở vọng ra, lúc đầu còn nho nhỏ, sau rõ dần. Cô bé con nhà chủ tên Mơ mới có 14 mà đã có đám hỏi, nhưng tiếng hát kia không phải của Mơ. Lạ nhất là còn như cố ý để cho ông nghe, bởi đó là một bài ca ngợi Đảng, một bài hát xa lạ ở một vùng Giáo hồi ấy. Từng lời, từng lời rành rọt: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng...”. Đợi cho hát xong câu tiếp, ông mới hát theo như để hòa giọng, khi kết thúc bài ở những nốt cao thì ông mới nói: “Mơ ơi, bạn của cháu đấy à, mời bạn ra ngoài này đi”. Một người con gái cúi đầu ngượng nghịu từ ngưỡng cửa buồng ôm vai Mơ bước ra, gần đến cái bàn nơi ông ngồi mới ngẩng đầu lên. Ông khêu to ngọn đèn dầu và sửng sốt “quả là một nhan sắc ở xứ Đạo này”. Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu hiện lên một gương mặt thánh thiện như một bản sao của Đức Mẹ, khuôn mặt thanh tú, cặp mắt mở to, cái nhìn bí ẩn, sống mũi dọc dừa nhô cao và cái miệng chúm chím xinh xinh mỉm cười e lệ. Cái nhìn đó đã làm ông lúng túng hồi lâu.
- Các cháu ngồi xuống đây đi, Mơ rót nước đi nào?
- Chú ơi chị ấy đã 17 rồi, gần bằng tuổi chú đấy!
- Thế à? Ngừng lại một tí rồi ông quay sang cô gái:
- Sao cháu, à em lại biết bài hát này?
- Em được người ta dậy.
- Ai dậy thế?
- Hồi nhỏ, có một đội công tác đã về đây, ở hẳn mấy tháng. Họ đã dạy em cả những bài hát khác nữa.
À ra thế, ông đã nhớ, trước đây khoảng 7, 8 năm gì đấy, Tỉnh đã từng đưa cả Đội Tuyên Văn (Đội Tuyên truyền gowin99 văn nghệ) về gây dựng phong trào ở đây, thậm chí đã thành lập được cả Chi Đội Thiếu niên Tiền phong.
- Thế em còn nhớ được bài hát nào nữa không?
- Em còn hát được cả bài “Em là búp măng non”, “Cùng nhau ta đi lên” nữa.
- À bài ấy là “Em là mầm non của Đảng” và bài “Đội ca”. Thế bây giờ còn nhiều người nhớ nữa không?
- Vẫn còn, nhưng họ có chồng con cả rồi.
- Em tên gì? Tuổi này chắc cũng có chồng rồi nhỉ, Mơ đây cũng có chồng rồi đấy?
Ông vừa hỏi vừa nháy mắt với Mơ, vẻ trêu chọc.
- Chồng chị ấy đi tù rồi. Mãi trong Thanh Chương.
Ông giật mình, hóa ra là vợ của đối tượng! Lập tức trong đầu ông xuất hiện hàng loạt câu hỏi: “Vậy thì sự xuất hiện của cô ta ở đây có phải là ngẫu nhiên? thảo nào mà cô ấy đã cố tình hát để cho mình nghe thấy, nhưng còn gương mặt thánh thiện và cái nhìn bí ẩn kia? Liệu nó còn ẩn chứa điều gì nữa không”? Sự hoài nghi đã khiến ông phải dè chừng, câu chuyện sau đó trở nên gượng gạo. Đấy là lần đầu tiên ông gặp bà. Những lần gặp sau, lần thì vô tình, lần thì gặp trong giàn Đồng ca của Nhà thờ, tất thẩy đều để lại trong ông những cảm xúc lẫn lộn và khó tả, lần nào ông cũng bắt gặp ánh mắt bí ẩn. Qua tài liệu ghi chép thì chồng bà là phần tử chống đối quá khích, hành hung cán bộ xã nên bị đưa đi cải tạo, cũng đã được hơn 2 năm rồi. Mà 2 người mới chỉ ăn hỏi thôi, chuẩn bị làm lễ Nhà thờ thì bị bắt, và như thế cũng đủ được coi là gái có chồng. Sau những kết quả của việc thành lập đội bóng chuyền, ông cùng với một số anh em muốn xây dựng một đội văn nghệ mà bắt đầu từ những hạt nhân còn sót lại như bà. Ông đã thử nói chuyện này với bà và được bà hưởng ứng nhiệt liệt. Bà đã rủ thêm được 2 người nữa tham gia và bài đầu tiên ông tập cho nhóm là “Việt Nam quê hương tôi”, sau đấy là những bài dân ca quan họ và một số bài về quê hương đất nước, đó là những bài không dính gì đến tuyên truyền chính trị. Cũng bắt đầu từ đấy, ông với bà năng gặp nhau hơn. Điều đáng nói là sau mỗi lần gặp là ông lại thấy trằn trọc, khó ngủ.
Một hôm, bà đến gặp ông để chuyển lời mời của Linh mục Nhà thờ. Hóa ra vị Linh mục cũng là người yêu thích âm nhạc, ông có một cái máy hát quay tay, chạy bằng giây cót và một số đĩa than từ thời Pháp gồm nhiều bài tiền chiến. Ông ta mời ông đến nghe nhạc và ngỏ ý muốn tập những bài này cho giàn đồng ca Nhà thờ. Vị này cũng rất ngạc nhiên khi thấy ông cũng biết khá nhiều những bài đó. Sau nhiều đắn đo, ông khuyên ông ta không nên vì sẽ có thể gặp nhiều bất lợi. Từ đó bà lại kiêm cả chân liên lạc giữa ông và vị Linh mục. Thuở đó ông mới tuổi đôi mươi, còn chưa yêu ai, những rung động trước người khác giới cũng có nhưng chưa có gì là sâu sắc cả. Việc gặp gỡ người con gái đẹp như bà đã khiến ông trăn trở, nhiều lúc ông không thể cắt nghĩa được tâm trạng của mình. Có lần ông đã ước bà không đi Đạo và đừng vướng bận vào một đám ăn hỏi nào. Biết điều ấy là không tưởng nên ông đã quyết không nghĩ đến bà nữa. Nhưng cái sự đời thật éo le, cái gì ta cố quên thì nó lại cứ hay hiện ra. Chỉ cần nghe thấy tiếng bà từ đằng xa là lòng dạ ông đã xốn xang, mặt cúi xuống giả vờ không để ý nhưng con mắt lại cứ liếc về phía ấy, tai cứ giỏng về phía ấy. Còn bà chả biết có biết ý ông không nhưng ngày càng tìm cách gặp ông nhiều hơn, đôi khi cũng chỉ là để nói những câu chuyện vu vơ.
Rồi có 1 ngày, cái ngày mà ông không muốn nhớ nhất trong đời. Đó là một đêm Đông tối trời, ông từ Nhà thờ trở về sau khi nghe nhạc với Linh mục. Con đường dài hun hút gió, ông phải chăm chú rọi đèn pin để tránh những vũng bùn mà không để ý từ xa có một bó đuốc đang tiến tới gần mình. Mãi đến khi nghe thấy gọi, ngẩng lên mới biết đấy là bà. “Cô ấy đi đâu vào giờ này nhỉ” ông đã thoáng nghĩ trong đầu như vậy. Đến bây giờ ông không còn nhớ bà đã hỏi ông điều gì và mình đã trả lời thế nào mà chỉ biết là gần như ngay lập tức, có ánh sáng bật lửa lóe lên rồi khoảng chục bó đuốc nữa bất ngờ được đốt sáng cùng với ngần ấy người, đàn ông có, đàn bà có, già có, trẻ có quây chặt lấy ông và bà cùng với những tiếng quát tháo:
- Con này ghê thật, đêm hôm rồi còn đi đâu? Có chồng rồi còn đi với trai hả?
- Ai thế này? Ôi anh cán bộ? Tại sao anh lại đi hẹn hò với gái có chồng?
Đám đông mỗi người một câu, chẳng ai chịu nghe ông giải thích. Còn bà thì chỉ biết ôm mặt khóc. Hồi lâu có ai đó quát lên:
- Thôi, con này đi về và mọi người cũng về đi.
Đám đông giải tán, ông ê chề trở về nơi ở. Gieo mình xuống giường, cả đêm hôm ấy ông không ngủ, cứ chợp mắt là ông lại văng vẳng bên tai những tiếng la ó và quát tháo.
Ông ngẫm nghĩ lại toàn bộ câu chuyện và thấy “mình không có lỗi gì cả, chuyện tình cảm với cô ấy nếu có thì chỉ ở trong lòng mình thôi, đã thể hiện ra ngoài tí gì đâu. Rõ ràng là mình vừa từ Nhà thờ về chứ đâu có hẹn hò, điều này sẽ có Linh mục làm chứng. Nhưng dù gì thì mình cũng đã bị tai tiếng và mất uy tín”. Ông biết có nhiều người đã bị hệ lụy như thế nào khi dính vào những chuyện tương tự, thậm chí đã bị đưa ra khỏi ngành trừ khi chứng minh được đó là một âm mưu. Nhưng ông vẫn tin tưởng vào cấp trên của mình và tự nhủ “Mình sẽ nói hết trong báo cáo”. Sáng hôm sau, ông dạy thật sớm và tranh thủ đi dạo quanh vùng để nghe ngóng. Làng quê, cảnh vật vẫn như cũ nhưng hình như có điều gì khang khác. Ông bắt gặp nhiều ánh mắt đang dõi theo mình, thậm chí có mấy người đang đứng với nhau, khi thấy ông đi đến thì lảng ra. “Rõ ràng là họ đã biết chuyện, chuyện gì chứ chuyện trai gái ở xứ Đạo này thì lan nhanh khủng khiếp”!
Lòng buồn bã, ông trở về và viết báo cáo, một bản báo cáo đầy đủ, tường tận và trung thực. Cuối bản Báo cáo, ông đã đề nghị cấp trên không đổi mình đi nơi khác, cho phép tiếp tục ở lại đây để khẳng định tấm lòng trong sáng. Báo cáo đã gửi đi và ông đã hy vọng. Những ngày chờ đợi thật nặng nề. Mấy ngày rồi, ông cũng chẳng buồn ra ngoài xem xét tình hình nữa. Ông biết rằng, giờ đây ở mọi nơi sẽ luôn có những ánh mắt dò xét kèm theo nụ cười nham hiểm của những kẻ đã bầy ra trò này. Bất chợt ông nghĩ đến bà, chắc giờ này bà cũng đang bị những người thân hành hạ. Nhưng cấp trên đã không tin tưởng ông, hoặc giả xét thấy để ông ở lại không có lợi nên đã quyết định điều ông trở về, chờ phân công việc mới. Ông đau đớn, âm thầm rời khỏi địa bàn. Trước khi đi, ông đã tranh thủ thăm thú lại tất cả những nơi đã đặt chân đến, lòng buồn bã và trĩu nặng khi phải từ biệt nơi đã đánh dấu một phần tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Khi đi đến con đê quai, chuẩn bị xuống đò để qua sông, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy có một người con gái đã đợi ông ở đó từ lúc nào. Đấy chính là bà.
Qua lời kể của bà xen với tiếng nghẹn nấc, ông đã hình dung ra toàn bộ câu chuyện. Đúng như ông cảm nhận, đó là một âm mưu để đẩy ông ra khỏi địa bàn khi thấy ông đã bắt đầu lôi kéo được những người trẻ tuổi. Nhưng đáng tiếc là bà đã bị sử dụng như một “Chim mồi” mà không biết. Tối hôm ấy, bà đã bị gia đình bên chồng và nhà mình thúc ép phải cầm đuốc ra gặp để “bẫy” ông và ông đã vô tình bị sập bẫy. Nhưng điều này giờ còn có ý nghĩa gì nữa? Đã quá muộn! Cấp trên đã quyết định, mà thời chiến thì “Quân lệnh như sơn”. Nhìn người con gái nức nở và ân hận, ông chỉ nói “Cám ơn em đã cho tôi biết! Đừng khóc nữa, hãy sống cho tốt, nếu có kiếp sau thì ta sẽ còn gặp nhau”. Nói xong ông bước vội xuống đò. Người lái cũng chỉ chờ vị khách cuối cùng xuống rồi cất ván, nhổ sào.
Nhưng rồi gần 5 chục năm sau, số mệnh đã dun dủi thế nào để ông đã gặp lại bà. Hôm ấy, ông đang lang thang vãng cảnh ở Nhà thờ Hàm Long. Khi đang còn mê mẩn với những nét kiến trúc Gothique thì nghe có tiếng ai đó gọi tên bà, ông ngoảnh ra thì bắt gặp bà cũng quay mặt lại. Bốn mắt nhìn nhau, cả 2 đều sững lại. Họ đã nhận ra nhau sau bao năm xa cách, khi cả 2 đều đã bước vào tuổi thất thập. Da đã mồi, tóc đã bạc và ánh mắt long lanh giờ đã chuyển sang đùng đục. Vừa hay bà cũng xong buổi lễ, 2 người thong thả bách bộ dọc theo con phố. Họ trao cho nhau địa chỉ và biết rằng cả 2 đều đang sống độc thân. Hôm nay, theo hẹn ông đã đến chơi nhà bà. Nhìn nếp nhà nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp giữa nơi phố phường chật hẹp, đông đúc và hỗn độn, chứng tỏ chủ nhân phải là người sống nghiêm cẩn và nền nếp lắm. Bà hỏi ông:
- Ông đến đây, các cháu có biết không?
- Tôi chỉ báo là đi thăm người bạn thôi. Thế còn bà, các cháu ở đâu mà bà sống một mình thế này?
Một tiếng thở dài đáp lại, rồi bà nói:
- Chúng nó đang ở bên Mỹ, cứ bảo đón sang nhưng tôi không chịu, chả đâu hơn quê hương mình. Chuyện tôi dài lắm, thôi ông xơi nước đi!
- Bà ra đây từ bao giờ vậy? Sao mãi giờ tôi mới gặp bà? Nếu hôm ấy mà tôi không vào đấy thăm thú thì chả biết có còn gặp lại bà không?
- Ôi Chúa lòng lành lắm, tôi lại không lúc nào nghĩ là sẽ không gặp lại ông. Nói xong bà cúi xuống làm dấu Thánh và mỉm cười. Ông như bắt gặp lại vẻ e lệ ngày nào.
- Từ cái dạo ấy, bà sống thế nào?
- Từ ngày ông rời đi, tôi bị la mắng, diếc móc nhiều lắm. Chúng bạn cũng xa lánh, ai cũng oán trách tôi là gái có chồng mà vẫn hẹn hò. Mà tôi đã thực là có chồng đâu, 2 bên gia đình nhận lễ với nhau bất chấp việc tôi có đồng ý hay không. Nhưng bên tôi là như thế, 2 năm sau, người gọi là chồng của tôi ra tù, tôi đã dứt khoát bắt gia đình trả lễ mặc dù trong lòng tôi lúc ấy chưa có một ai. Nói đúng ra là chỉ có một người nhưng người ấy lại ở nơi xa lắm. Bà dừng lại một lát rồi lại tiếp:
- Tôi vẫn ở thế, cương quyết không nhận lễ một ai. Chừng 2 năm sau, trên xã cử tôi đi học lớp Hộ sinh, học xong vì không muốn trở về nơi đã bạc đãi mình nên quyết định trốn khỏi quê. Ra luôn ngoài này, tá túc ở nhà một người bà con nhưng chỉ báo về gia đình là vẫn sống chứ không cho ai biết nơi ở. Tôi được nhận vào làm ở một Trạm xá rồi lấy chồng, cũng là người công giáo nhưng là người có học. Có một năm, bên Công giáo chọn người sang Vaticăng đào tạo, ông ấy được chọn. Xong khóa học, ông ấy được cử sang Mỹ giúp việc cho Hội Thánh. Ông có về đón vợ con nhưng tôi không sang, thuyết phục mãi không được nên 5 năm sau, chúng tôi đã ly hôn giờ ông ấy đã có vợ mới. Việc ly hôn phải nhờ cậy các đáng Bề trên và đã lấy đi của tôi biết bao sức lực, tiền của vì bên Công giáo việc này được quy định ngặt nghèo lắm, chứ không đơn giản như bên Đời.
- Thế sao bà lại không chịu sang bên ấy, tôi biết nhiều người mong đi mà chả được?
- Tôi cũng chả biết tại sao nữa, chắc là vì vẫn còn nhớ tới một người.
Ông giật mình, vội hỏi:
- Ai thế? ai là người có được may mắn đấy?
- Người đó là..., người đó là...,thôi sau này tôi sẽ nói!
- Nếu bà không muốn cho biết thì tôi cũng sẽ không hỏi nữa.
- Tôi chưa muốn cho ông biết vì cũng chưa biết người ấy có còn nhớ gì tới tôi nữa không?
- Thế sao bà không tìm gặp người ta?
- Ôi dào! “Bóng chim tăm cá” biết đâu mà tìm? tôi thương người ta bởi vì tôi mà người ta mang họa. Suốt đời tôi vẫn mắc nợ người ta.
Ông đáp lại bà bằng một tiếng thở dài. Bỗng bà nói:
- Hôm nay, ông ở lại đây dùng bữa với tôi nhé! Cũng đơn giản thôi, tôi đã đặt người ta món bún chả rồi, chỉ có nước chấm là tôi sẽ tự pha. Cái món bún chả ở ngoài này là tinh tế lắm!
Nói rồi, bà đứng lên đi pha nước chấm. Nhìn bà nhanh nhẹn và khéo léo chẳng khác gì một người phụ nữ nơi kẻ chợ. Có tiếng người gọi cổng, bà bước ra, lát sau bê vào một khay bún chả với rau sống. Ngoài ra còn có 1 chai bia Hà Nội, thứ bia mà ông ưa thích. Trong suốt bữa, bà luôn rót bia và gắp chả cho ông. Mỗi khi ngước lên, ông đều bắt gặp một ánh mắt trìu mến đang nhìn mình. Xong bữa, ông giúp bà thu dọn. Sau đó 2 người lại ngồi vào bàn tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở.
- Thế sao giờ bà vẫn ở một mình, tôi thấy bà vẫn còn duyên dáng lắm?
Bà nhoẻn cười rồi nói:
- Ông cũng khéo khen nhỉ, cũng có nhiều người để ý đấy, nhưng tôi chả đồng ý một ai. Ở một mình quen rồi, tôi sợ sự xáo trộn lắm. Thôi ông cứ để tôi kể nốt câu chuyện.
Sau khi ông ấy và các con đi rồi, qua giới thiệu của mấy người bạn, nhờ đức tính cẩn thận và chữ viết đẹp mà tôi xin được làm giúp việc bàn giấy cho các Đức Cha ở Tòa Giám mục, Sau nhiều năm, tôi cũng gom góp đủ tiền mua được căn nhà này. Mươi năm trước, xét thấy mình đã không còn đủ sức, tôi xin phép được nghỉ rồi về đây sống. Tôi vẫn được hưởng trợ cấp của Nhà thờ đấy. Thấy ông ngồi trầm ngâm khi nghe xong câu chuyện, bà hỏi:
- Ông đang nghĩ gì đấy?
- À, tôi định hỏi bà là thời gian tới bà định sống thế nào, nếu bây giờ bà gặp lại người ta, cái người mà bà mắc nợ, mà người ấy lại vẫn nhớ và yêu thương thì bà sẽ làm gì?
Hỏi xong mới thấy mình vô duyên vì ở trên bà đã chẳng nói là sợ thay đổi cuộc sống rồi là gì, nhưng ông lại cứ vẫn muốn hỏi bà lần nữa. Không ngờ bà cười buồn mà rằng:
- Cũng còn tùy sự sắp đặt của Chúa.
Bất giác ông ngước lên nhìn lên bức Tượng Chúa ở chính giữa nhà, ông thấy hình như Chúa đang mỉm cười. Kể từ hôm ấy, ông năng đi lại, lúc đến thăm bà, lúc lại rủ bà đi chơi. Lúc đầu bà cũng thấy ngại ngùng khi ngồi sau ông trên con chiến mã “Kim vàng giọt lệ”. Nhiều lúc, 2 người chỉ nói những câu chuyện vu vơ, chẳng đâu vào đâu, còn chủ yếu là ngồi ngắm nhau, dường như mọi câu chuyện muốn nói được thể hiện qua ánh mắt. Có một lần ở nhà bà, ông đánh bạo cầm lấy bàn tay, bà cúi đầu và để yên những ngón tay thanh mảnh nuột nà như con gái nằm gọn mãi trong bàn tay xù xì thô ráp của ông:
- Hay là bà về làm bạn với tôi đi?
Bà ngước lên nhìn thẳng vào mắt ông:
- Thế ông không sợ Tổ chức à? Còn tôi thì sợ Chúa lắm!
- Nhưng chúng ta còn là gì nữa đâu, chúng ta đã già rồi, cũng chỉ là những năm tháng cuối đời thôi. Hôm đầu tiên đến đây, tôi đã thấy Chúa mỉm cười.
Bỗng bà ngây người, ngước nhìn Tượng Chúa, làm dấu Thánh rồi lẩm nhẩm đọc:
“Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Không chút ngập ngừng, ông tiếp luôn:
“Như là có trước vô cùng, bây giờ hằng có và đời đời chẳng cùng, Amen”. Khi đến chỗ Amen thì cả ông và bà đều đồng thanh, rồi lại cùng nhau tiếp câu cuối:
“Xin tha tội lỗi chúng tôi đã phạm, và tất cả linh hồn lên thiên đàng hết thẩy...”
Bà quay lại sửng sốt nhìn ông:
- Ôi ông vẫn còn nhớ “Kinh Sáng danh” cơ à?
- Tôi quên làm sao được, cái ngày bà dạy cho tôi. Ngày ấy tôi chỉ thấy hay hay thì đọc cho vui, nào ngờ có ngày lại được đọc cùng bà thế này.
- Ông không quên tôi thật sao? Hôm ông mặc bộ quân phục ngày xưa đến nhà là tôi đã biết ông vẫn còn nhớ tôi mà.
- Thế bà không tiếc cái công vẫn nhớ đến người bà mắc nợ đấy chứ?
Nói xong, cả 2 người đều cười, ông lại thấy ánh mắt bí ẩn của năm xưa đang thấp thoáng. Phải 2 ngày sau ông mới nói với vợ chồng anh con trai về chuyện ông có ý định tục huyền. Không ngờ lại không gặp trở ngại gì, cô con dâu còn nói “Chúng con chỉ mong bố tìm được người xứng đáng thôi. Chứng kiến bao nhiêu năm bố sống thui thủi như vậy, chúng con cũng ái ngại lắm”. Ông liền kể lại câu chuyện giữa ông và bà thì bọn chúng đồng ý ngay và còn tỏ ý mong được đón bà tới chơi. “Vậy là đã qua được cửa ải thứ nhất, Cửa ải thứ 2 mới nan giải đây”, ngày mai ông sẽ quyết đưa vấn đề ra Chi Bộ. Trong cùng Tổ, ông có một người bạn, có thể nói là chiến hữu. Ông đã đem chuyện này ra ướm thử, Sau một hồi ngẫm nghĩ thì bạn ông phán:
- Chuyện này gay đây, có thể phải đánh đổi cả sinh mệnh chính trị đấy, xem thử việc đó có đáng không? Nhưng tao thấy bây giờ già rồi, vấn đề là tấm lòng đối với Đảng chứ công sức đóng góp có còn được gì nữa đâu. Vả lại bây giờ chuyện Lương - Giáo cũng thoáng nhiều rồi, mày cứ mạnh dạn đưa ra cuộc họp ngày mai. Có gì tao vận động cho!
Ông nghe mà chưa hết lo âu. Hôm sau, đợi cho kết thúc xong các nội dung của cuộc họp, ông đã đứng lên xin phép Chi Bộ ít phút để báo cáo. Đợi cho những xì xào, bàn tán lắng xuống, ông Bí thư mới nói “Việc này có lẽ phải thông qua cấp ủy và xin ý kiến Đảng Bộ cấp trên”. Một số người còn nán lại để trao đổi thêm với ông, cũng không ít người tỏ ý ủng hộ. Mấy hôm sau, ông Bí thư đến chơi nhà. Sau tuần trà, ông ta nói:
- Việc của ông về phía cá nhân thì tôi ủng hộ, vì suy cho cùng mình vào Đảng, làm Cách mạng cũng là để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, trong đó có cả hạnh phúc của mình, nhưng về phía Tổ chức thì không đơn giản. Có cách này sẽ đơn giản hơn, hiện một số đồng chí già yếu hay bệnh tật được nghỉ sinh hoạt, chỉ đóng Đảng phí thôi. Hay là...
Nói đến đây, ông ta ngập ngừng. Ông cắt ngang luôn:
- Tôi hiểu ông nói gì rồi, ông bạn già ạ. Hãy để cho tôi suy nghĩ, cái chính là ở tấm lòng.
Thế là cửa ải thứ 2 cũng coi như đã mở. Bây giờ nan giải nhất lại là ở phía bà. Ai cũng biết việc hôn phối hay quan hệ nam nữ bên Công giáo có nhiều quy định ngặt nghèo. Những vụ gian dâm, ngoại tình là bị rút phép Thông công. Trước đây vợ chồng cũng không được bỏ nhau, Người vợ hoặc chồng chỉ được tái hôn khi người kia đã chết. Con trai, con gái lấy vợ, lấy chồng không được bỏ đạo mà người hôn phối với mình phải cải đạo để theo về... Vậy là ông và bà muốn về với nhau thì Ông phải theo đạo mà việc này thật quá sức ông. Nhiều hôm, thấy ông ngồi lặng hàng giờ trầm ngâm suy nghĩ mà lòng bà thắt lại. Cứ mỗi ngày trôi qua là bà lại thấy lưng ông còng thêm một ít, tóc lại bạc thêm mấy sợi. Một hôm, bà tới Nhà Thờ, gặp Cha Bề trên:
- Thưa Đức Cha tôn kính, gần đây con đã gặp phải một việc khiến lòng con rất đỗi hoang mang, con muốn xin Đức Cha cứu giúp!
Và thế là bà đã kể lại chuyện của ông và bà cho Cha Bề trên nghe, chỉ riêng lỗi lầm của bà khi còn trẻ là không kể. Đức Cha là người mà bà đã giúp việc bao năm, đã chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời bà và cũng là người giúp đỡ bà trong việc ly hôn với người chồng cũ. Sau khi nghe hết câu chuyện, đã hỏi bà:
- Này con, Cha muốn biết người đó đối với con quan trọng như vậy sao?
- Vâng rất quan trọng, thưa Cha
- Và con có thể sẵn lòng hy sinh tất thẩy vì người ấy?
- Con nghĩ là sẽ như vậy.
- Còn người ấy đối với con?
- Người đó cũng thế, thưa Cha
- Thế sao người ấy không thể từ bỏ tất cả để cải Đạo như bao người khác?
- Không thể Cha ạ, và con cũng không muốn thế. Bởi người ấy đã cống hiến cả đời, không tiếc máu xương cho lý tưởng đó. Con không muốn nhìn người ấy đau khổ.
- Vậy thì con hãy quyết định làm theo con tim mình mách bảo.
- Nhưng con sợ, Cha ạ!
- Chúa lòng lành luôn ở bên con, Chúa biết trong lòng con luôn có Chúa, Người sẽ độ lượng.
- Thật không Cha?
- Cha tin, bởi con là con chiên ngoan, con cũng đã phụng sự hết đời vì Nước Chúa, đã đến lúc con được nghỉ ngơi.
- Cha có buồn không?
- Một chút thôi.
- Vậy con xin phép ra về, Xin cúi lạy Đức Cha, A men!
- Amen!
Bà ra về, nửa con tim trĩu nặng, nửa con tim còn lại lại muốn nhảy ra ngoài. Bà đâu biết ông đã sốt ruột đi tìm bà, một chiếc xe máy đi ẩu phi lên vỉa hè đã xô ông ngã xuống lòng đường. Giờ ông đang mê man trong Viện. Lúc bà biết tin để vào thì bên giường ông đã có mấy người. Một cặp vợ chồng còn trẻ mà chàng trai thoạt nhìn đã biết ngay là con ông, gương mặt anh giống hệt ông hồi còn trẻ. Nhìn thấy bà, họ liền lui ra, chắc đã nhận ra bà qua lời ông kể. Nhìn mắt ông nhắm nghiền mà lòng bà đau như cắt. Ông nằm đấy, đầu quấn đầy băng, da tái xanh, phải thở máy, trên ngực miếng dán chi chít, dây dợ lằng nhằng. Máy móc chạy ro ro, các chỉ số thi nhau nhảy múa. Hộ lý, Bác sỹ, kỹ thuật viên chạy ra chạy vào, thì thào to nhỏ, trông bộ mặt người nào cũng rất nghiêm trọng. Chờ cho một người trông dáng vẻ là Bác sỹ đi ra bà mới đánh bạo tiến đến hỏi:
- Thưa, tình trạng bệnh nhân như thế nào, Bác sỹ có thể cho biết được không?
- Thế bà là như thế nào với bệnh nhân?
- Tôi là người nhà ạ.
- Thế không phải là vợ à?
- Dạ phải... à chưa... à phải ạ!
- Bệnh nhân bị chấn thương sọ não, đang hôn mê. Các kết quả chiếu chụp cho thấy có máu tụ trong hộp sọ. Nếu trong vòng 4 giờ nữa mà vùng máu tụ không lan rộng và bệnh nhân tỉnh lại thì khả năng sống rất cao, ít hoặc không để lại di chứng. Còn không thì tiên lượng sẽ rất xấu.
Bà cuống cuồng:
- Tiên lượng xấu có nghĩa thế nào ạ?
- Bây giờ thì chưa thể nói trước được điều gì.
- Xin các bác sỹ hãy chạy chữa cho ông ấy, phí tổn bao nhiêu chúng tôi cũng chịu.
- Gia đình thông cảm, nền Y học chỉ chữa được bệnh chứ không thể cứu được Mệnh. Không gì có thể vượt qua được số mệnh.
Nói xong vị Bác sỹ bỏ đi, có thêm một ca cấp cứu mới được chuyển vào.
Tự nhiên nước mắt bà chảy ra, vợ chồng anh con trai chạy vào hỏi:
- Bà ơi, bác sỹ vừa bảo gì đấy ạ?
- Chúng ta phải chờ 4 tiếng nữa mới biết các cháu ạ! Nếu qua khỏi thì ông sẽ nằm viện lâu đấy. Bây giờ một mình ta ở lại đây được rồi, các cháu hãy thu xếp lo liệu rồi vào với ông.
Tần ngần một lúc, rồi cả 2 vợ chồng mới rời đi. Chỉ còn lại một mình bà ở lại, bà nắm lấy bàn tay ông xanh xao, lạnh lẽo. Hồi lâu, hơi ấm từ tay bà truyền sang làm sắc hồng trở lại. Vừa nắm tay bà vừa thủ thỉ như nói chuyện với ông:
- Ông ơi, hãy mở mắt và tỉnh lại đi, ông đừng bỏ tôi đi nhé! Tôi đã được Bề trên đồng ý rồi. Tôi sẽ cầu nguyện các Đấng Bề trên phù hộ cho ông.
Nói xong bà cúi xuống làm dấu rồi lầm nhẩm đọc kinh cầu nguyện. Bà đọc đi đọc lại, trước mắt bà dường như hiện lên các Đấng Thiêng liêng, Họ đã nghe thấu tâm nguyện của bà và đang chung lòng phù hộ cho ông. Đã 2 giờ trôi qua, mà các chỉ số của ông vẫn chưa khá lên, lần này thì bà cuống thực sự. Bà nói giọng van lơn, khẩn thiết:
- Ông ơi, ông tỉnh lại đi, sao mà ông gan thế? Sao kiếp này tôi và ông khổ vậy? Trước đây muốn đến được với nhau thì còn có cái nọ, cái kia cản đường, phía ông cũng có mà phía tôi cũng có. Giờ ông đã vượt qua, tôi cũng mới vượt qua xong thì lại vướng vào hoạn nạn thế này. Đó có phải là số mệnh không hả ông?
Rồi bà lại tiếp tục cầu nguyện, giọng bà ngày một thiết tha, bà cầu xin Đức Mẹ nhân từ, bà cầu xin Đức Chúa hiển linh, Bà cầu xin mọi phép lạ. Một tay bà chắp trước ngực, một tay nắm chặt tay ông, không cần che dấu bà cất cao giọng đọc:
“Kính mầng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Jesus con lòng Bà có phúc lạ"!
Bỗng bà thấy ông cựa quậy rồi mở mắt. Như người vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, ông ngây người nhìn bà rồi thong thả nhấc cái chụp của máy thở ra, đọc chậm rãi, không sót một chữ, giọng yếu ớt:
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho tôi là kẻ có tội khi này và đến giờ lâm tử, Amen!
Bà cũng reo lên Amen và ôm lấy ông rồi khóc:
- Ông ơi, ông đã tỉnh rồi à, ông có làm sao không? Sao ông lại ra nông nỗi này?
Ông nhoẻn miệng cười, gượng nói:
- Bà đừng lo, tôi có làm sao đâu.
Nghe tiếng khóc của Bà, Hộ lý và Bác sỹ chạy ra, nhìn thấy người bệnh đã tỉnh dù thể trạng còn rất yếu, tất cả đều nhìn nhau cười sung sướng. Bác sỹ nắm chặt tay bà lắc lắc:
- Chúc mừng gia đình, ông nhà đã qua cơn nguy kịch, gia đình đã có thể yên tâm.
Ngoài cửa phòng, có 2 bóng người lao vào như cơn lốc, đó là vợ chồng anh con trai, họ đã hay tin cha mình đã tỉnh lại. Bà buông tay ông, rút khăn lau mặt rồi nhẹ nhàng bước ra. Khi quay lại khép của phòng, nhìn về phía ông nằm, bà nói đủ cho mình nghe:
- Ông ơi, vững vàng lên nhé, từ nay sẽ chẳng còn gì cản được ta nữa, chúng ta vừa đã vượt qua cả số mệnh.
Bà quay người, khoan thai bước đi. Khi ngước mắt lên, bà như nhìn thấy Đức Mẹ Maria đang mỉm cười./.
Theo Trái tim Người lính
CCB Dương Công Bắc
Link nội dung: //revcat.net/chieu-tan-thu-muon-a6430.html