Miền quê ấy, cũng có rất nhiều thứ mà tôi muốn viết, muốn kể ra đây, tuy nhiên, vì tôi không sinh ra và lớn lên ở đó như mẹ tôi, cho nên, chỉ những có câu chuyện chả ra đầu, chả ra cuối. Thôi thì, nhớ gì viết đấy, vui là chính.
À, đầu tiên, mỗi khi nghĩ tới quê ngoại, ngoài ông bà, cô gì, chú bác, các người anh em thì tôi vẫn hay nhớ đến một sự rắc rối không hề nhỏ, mà với người Việt chúng ta chả lạ gì, đó là cái sự rắc rối theo kiểu gia phả họ hàng dưới quê.
Vâng, họ hàng nhà ngoại tôi, cũng như bao họ dưới xuôi khác, đông đúc và loằng ngoằng lắm. Không như những đứa trẻ sinh ra ở miền núi, lớn lên, chỉ biết loanh quanh vài chi, cành gần gần, còn đâu, họ xa xa thì cũng thể tất cho nhau, cứ thằng nào sinh ra trước là anh là chị, có khi còn chả biết nhau nếu qua một vài đời. Nhưng dưới quê thì không vậy, gia phả, nguồn gốc các cụ giữ và truyền lại cho các thế hệ sau đầy đủ, họ tộc từ xa tới gần cấm thiếu một ai. Chính vì vậy, mỗi lần về quê, chuyện xưng hô tôi như gà mắc tóc. Cái thứ bậc trong họ mọi người tuyệt đối tuân thủ, dù ông già đến tám mươi tuổi là bậc dưới thì gặp thằng trẻ con là bậc trên, vẫn phép tắc lễ nghĩa đàng hoàng, dù thời nay, chuyện đó cũng phiên phiến, không đến nỗi phải khoanh tay chào. Có một lần, trong đám giỗ ông cụ Tổ của họ, một bác trung niên sai tôi đi lấy chén đũa, vừa dợm người đứng dậy thì một ông cụ, chắc là bố, ngồi mâm trên quay xuống mắng bác trung niên ngay: "Hỗn nào, chú ấy là... ông trẻ của mày, chỉ nhờ chứ không được phép sai thế!". Nhìn gương mặt tưng bừng vì rượu, hơi ngượng nghịu của " thằng cháu" tôi ái ngại quá, dù sao, mình là bên ngoại. Đấy chỉ là một ví dụ thôi, còn câu chuyện vui tôi kể dưới đây, mới là “khoai” cho tôi.
Năm ấy, tôi về quê, giúp cậu mợ làm nhà, khoảng vài tháng hè. Thanh niên thì ngày làm việc có vất vả như nào, tối ngủ sớm có vẻ không hợp lý. Cơ mà tôi cũng không khoái môn chắn cạ hay ngồi cạnh ấm nước vối cùng cái điếu cày chém gió như các cụ. Tôi thích cái gì vui hơn, lãng mạn hơn cơ, cả ngày vác gạch xách vữa mà như thế chán chết. Thế là tôi đi tán gái.
Khổ nỗi, cái làng ấy, lại toàn là bà con họ hàng. Cứ nhắm đến em nào thì y như rằng là cô, là dì, là cháu chắt không gần cũng xa. Cũng có vài em xinh xinh không phải, nhưng họ lại không để ý đến tôi, hoặc tôi không rung động với họ. Bà bác của tôi vốn kỹ tính, suốt ngày đe: "Chơi đâu thì chơi, đừng vướng vào họ hàng, phiền lắm cháu ạ!". Hừm, đã thế, tôi đi cách hẳn một xã cho nó chắc chắn.
Loanh quanh và trải qua mọi thử thách của trai làng cũng làm quen được một em, xinh đáo để mọi người ạ, là cán bộ xã hẳn hoi nhé. Tôi say em như điếu đổ, chỉ mong trời mau tối để nhảy lên xe phi tới nhà em, có hôm chả kịp ăn uống, xong việc tắm ù cái là lượn luôn. Ngày đó tôi còn trẻ, đẹp trai toàn diện chứ không đẹp chai ngật ngưỡng như bây giờ, chắc em cũng chết đứ đừ, dù biết rằng, xong cái cầu này... à nhầm, xong cái nhà cậu mợ là tôi ngược. Thôi, bỏ qua chuyện tình yêu tình báo như nào, để tiếp chủ đề cho nó liền mạch, trong một lần đèo em đi đâu tôi không nhớ, thì vô tình bà bác nhìn thấy, ngay tối hôm đó, ngồi cửa chờ tôi đi chơi về, chưa kịp thở thì nghe luôn: "Mày biết đứa ấy là ai không", cũng chưa để tôi kịp nói là tôi không biết, bà tiếp luôn: "Nó là con của bác Chum, anh bác Vại, mà bác Vại thì là chồng của cô Ngót, còn cô Ngót con bác Ngọt, bác Ngọt lại là anh họ con chú con bác với ông Đường nhà bác Mật, bác Mật thì là..." Loanh quanh một lúc tôi nghe ù cả tai mới thấy nhắc tới tên ông Ngoại mình, chốt lại theo gia phả tôi là cháu gọi em í bằng cô.
Tôi cảm thấy, gầm trời mình đang sống, bé bằng cái nong.
Định gân cổ lên cãi, họ hàng xa bắn mấy tầm đại bác như thế đâu ảnh hưởng thì bà đã: "Chết chết! Cấm, cấm tiệt nghe chưa con. Thiếu gì chỗ lại cứ đâm đầu vào anh em nhà, người ta cười cho".
Ông cậu thủng thẳng tra bi thuốc lào, rít sòng sọc rồi ngửa cổ lên trời nhả khói khoan thai: "Chúng nó chơi bời bạn bè, chị cấm làm gì!". Bà bác chì chiết " Chờ đấy, khi bén hơi, cậu xem chúng nó có giữ bạn bè không nhá". Nản quá, tôi thôi luôn. Bắn tin với em là tôi có việc, phải ngược sớm. Mỗi buổi tối ăn cơm, cố tình uống thêm nhiều nhiều rượu, rồi lăn ra ngủ, thế là cũng nguôi. Cũng phải, chả có nhẽ lại tiếp tục đến " Cháu sẽ đi cùng cô đến trọn cuộc đời " à, dù nói dối cũng ngượng chứ!
Còn gần một tháng, trong một lần đi ăn cưới cách đó hai chục cây số huyện bên, tôi lại quen được một em, cán bộ bưu điện, chỉ vài chén đưa đẩy, có vẻ bọn tôi thấy như mình quen nhau từ lâu lắm. Thế là mỗi tối, sau bữa cơm tôi lại mượn con xe máy cà tàng, chạy trên đường mọi cái đều kêu, trừ cái còi của ông cậu phi lên đó, tuy hơi xa nhưng nhằm nhò gì, tình yêu là thứ thuốc khiến con người ta vượt qua tất cả các trở ngại, kể cả những cây gậy và nắm đấm của các trai làng. Tôi dự định điện về, xin.... nghỉ thêm đôi tháng ở Công ty nữa.
Dù cố tình tránh mặt bà bác, nhưng chả hiểu thế nào, chuyện của tôi lại vẫn đến tai, loa làng kinh thật! Một hôm vừa về đến gần ngõ, nhác thấy bóng bà, tôi định quay xe ra nhưng không kịp, đành hiên ngang lao vào, sợ qué gì, tận huyện khác, lấy đâu ra họ hàng bên ấy. Bà húng hắng, hôm nay, bác thấy cháu chơi ở ...Tự nhiên tôi điếng người khi nhớ ra, bên đó, có bác Gương em bác Kính. Thôi bỏ mẹ, khéo tôi lại tán phải con nhà bác Pha Lê hay Thủy Tinh éo gì rồi!
Lúc này, tôi lại thấy, dưới gầm trời mình đang sống, có khi bé lọt thỏm trong cái niêu.
"Bác đừng nói nữa, cháu biết rồi!", tôi chặn ngay khi bà chưa kịp phát loa, và chui vào nhà ngủ. Mấy hôm sau ngược luôn. Không thèm bắn tin tức gì sất!
Mấy năm trước, tôi đưa vợ con về chơi thăm. Ngồi hỏi han bà xã nhà tôi. Khi biết nhà ngoại con cún bên kia sông Hồng, thuộc Nam Định, bà bác vỗ trán "À, cái xã ấy...". Chỉ nghe đến đó, tôi đã toát mồ hôi hột, lại chả có nhẽ, họ hàng nhà ngoại tôi rễ cọc rễ chùm bén xa thế cơ à. Xong đời rồi!. "...cái xã ấy, hồi trẻ bác hay đi chợ, sang đó mua hàng lắm!.". Phù. Nhẹ cả người.
Vợ quay sang, vội lấy dầu xoa: "Anh bị trúng gió à, đã nói lâu lâu về quê thời tiết khác, uống vừa thôi chứ!"
Theo Chuyện quê
Dũng Hà
Link nội dung: //revcat.net/ho-duoi-que-a6381.html