Theo tài liệu từ Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, một trong những nét đẹp văn hoá nghệ thuật vô cùng độc đáo của xứ Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thê và truyền khẩu của nhân loại. Theo sử sách, vào thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung gửi một đoàn đi sứ sang Trung Quốc thời vua Càn Long, trong đó có một dàn nhạc cung đình mà sử gia nhà Thanh gọi là “An Nam quốc nhạc”. Từ năm 1808, dưới triều Nguyễn, dàn nhạc đổi tên là “Việt Nam quốc nhạc”.
Nhưng đấy là khi dàn nhạc cung đình đã “quy mô hóa”. Các nhà khảo cổ học, sử học cho là từ thời Lý đã xuất hiện hình mẫu dàn nhạc cung đình. Trên mấy tảng đá dưới chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích tỉnh Bắc Ninh (đời Lý), có chạm hình 10 nhạc công đang dùng nhiều nhạc khí, như đàn tranh, đàn hồ, đàn tỳ bà, đàn ba dây có thùng tròn như đàn nguyệt, có sáo ngang, ống tiêu hay ống quản, có ống sanh, có phách và trống phong yêu có. Đây thường là những nhạc khí có thể dùng trong cung đình và trong các chùa khi có đại lễ. Đến đời Trần có dàn Đại nhạc trong cung đình.
Tác giả Minh Khiêm (TRT), cho biết: Nhã nhạc là một thuật ngữ liên quan đến âm nhạc cung đình có mặt tại 4 nước đồng văn: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Nhã nhạc là nhạc chính thống của triều đình được dùng ở các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu và trong các dịp triều hội; là sản phẩm kết hợp giữa Lễ và Nhạc.
Như vậy, có thể nói khi có triều đình phong kiến thì có Nhã nhạc. Tuy nhiên Nhã nhạc Việt Nam hình thành rõ nét và được sử sách ghi lại từ triều đại Lý - Trần, và theo đó các triều đại phong kiến tiếp theo giữ gìn, phát triển, bổ sung, sáng tạo ngày càng phong phú, tinh tế. Chúng ta hãy nghe vua Minh Mạng bàn với quần thần về Nhã nhạc, được sách Đại Nam thực lục ghi lại như sau.
Vua nói: “Trẫm thấy buổi đầu gầy dựng, lễ nhạc còn thiếu, thường muốn sáng chế mà chưa nắm được cốt yếu. Các khanh có từng nhờ được nhã nhạc của triều Lê không?”. Quan bộ Lễ Phan Huy Thực đáp: “Nhạc của triều Lê chỉ có đội bả lệnh mà thôi”. Vua nói: “Triều Lê có tiếng là thịnh vượng mà việc nhạc lễ thô bỉ như thế. Nay tuy nhạc xưa đã bỏ mất mà các đồ bát âm còn đó có thể khảo được. Nên tìm người hiểu âm nhạc cùng bọn các ngươi chế tác”. Thực tế là Nhã nhạc triều Nguyễn đã kế thừa và phát triển Nhã nhạc triều Lê, chẳng hạn nó bao gồm các loại nhạc dùng trong tế Giao, tế Miếu, lễ Đại triều, lễ Đại yến, lễ Thượng thọ... Vì thế có thể hiểu Nhã nhạc hay Lễ nhạc là loại nhạc được triều đình quy định một cách chặt chẽ, mang tính nghi lễ là chủ yếu, chứ không bao gồm các nhạc du hí trong cung đình. Nhã nhạc còn có nghĩa hẹp và nghĩa phụ là tên gọi của một tổ chức âm nhạc cung đình. Chúng ta hiểu Nhã nhạc là loại nhạc thanh lịch, tao nhã với nghĩa rộng như trên, với ý nghĩa là đối lập với tục nhạc là nhạc trong dân gian (theo cách hiểu và gọi của chế độ phong kiến).
Tác giả này cũng cho rằng, Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Ví dụ riêng dàn Đại nhạc có đến 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi. Riêng bộ gõ thuộc về loại màng rung có 20 trống.
Về bài bản cũng rất phong phú. Ví dụ thể loại Tiểu nhạc và Đại nhạc có các bài bản như sau:
- Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc.
- Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn cung đơn, Đăng đàn cung kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung Nam. Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ.
Tất cả các loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài bản âm nhạc, ca chương… đều do những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất của đất nước thực hiện. Âm nhạc đã trở thành một cặp song sinh với các đại lễ, trở thành tiếng nói huyền diệu, có khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là những giá trị vô giá và trường tồn của dân tộc. Nhã nhạc Huế - di sản văn hoá âm nhạc “cổ điển bác học Việt Nam” ẩn chứa những nguyên lý cấu trúc, những tư tưởng văn hoá triết lý phương Đông.
Trong bút ký Mười ngày ở Huế viết năm 1918 khi chứng kiến lễ tế Giao diễn ra trong 2 ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, nhà báo Phạm Quỳnh đã ghi lại cảm xúc của mình như sau: “Ngoài sân phường ca hát ca khúc An thành, vừa múa, vừa hát. Đương đêm hơn một trăm con người đồng thành hát ca, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm (…) cái tấm lòng thành của cả một dân, một nước”, “Cảnh giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp sáng trong đàn thành từng dãy dọc, dãy ngang, trông xa như một chữ Triện lớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lưng chừng trời. Tiếng đàn, tiếng sáo thì như nước chảy, suối reo, tiếng hát như tiếng thiên thần…”. Rõ ràng là Nhã nhạc, một thể loại của nghệ thuật cung đình Huế mà trong đó âm nhạc với một hệ thống kết cấu chặt chẽ đã đóng góp một phần hét sức quan trọng trên cả 5 lĩnh vực:
- Sự hoàn chỉnh của cấu trúc các dàn nhạc
- Hệ thống bài bản nhạc không lời hoà tấu.
- Nhạc đệm cho phần múa hát.
- Ca khúc trong các loại múa có hát.
- Các ca chương hát trong các hình thức của buổi lễ.
Hoa An (tổng hợp)
Link nội dung: //revcat.net/net-doc-dao-va-lich-su-hinh-thanh-cua-nha-nhac-cung-dinh-hue-a6191.html