HÀ NỘI - PHỐ VÀ CÂY
Hà Nội đẹp về nhiều điều, nhưng nói về cảnh quan thì phải nói Hà Nội đáng yêu với biết bao cây cối um tùm, lung linh như trong cổ tích vậy. Ai đã từng qua Hà Nội, dạo trên các phố cũ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình hay quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên... mới thấy hết nét đẹp lạ lùng của Hà Nội ẩn chìm qua những lùm cây xanh trầm lặng bốn mùa. Cây đường Thanh Niên, cây Hồ Hoàn Kiếm, cây Quảng Bá - Nghi Tàm, cây dọc chân cầu Long Biên, Thăng Long, Nhật Tân... Nhiều vô kể. Có thể nói, Hà Nội đúng là một vườn bách thảo muôn màu. Có nhiều cây quen thuộc, như phượng vĩ, xà cừ, sấu,... Nhưng còn có biết bao cây xanh mà một người chỉ sống ở nông thôn như tôi mới biết tới lần đầu. Chẳng hạn, cây lộc vừng, cây cơm nguội, cây hoa sữa, cây sao, cây sưa, cây trứng cá, lim xẹt, bằng lăng tím, cọ dầu, bàng Đài Loan, muồng hoàng yến, hoàng hậu (móng bò tím), osaka đỏ, anh đào Nhật... Cả cây chò cao vút mới được đem đến từ đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ) trồng tại Lăng Bác đầu năm 1975. Tôi bao lần từng đi trong mưa dưới nắng, ngắm rừng cây xanh hoài không biết chán và trong hồn tôi, ngập tràn một Hà Nội bạt ngàn rừng cây muôn hồng ngàn tía.
CÂY - HỒN VÍA THĂNG LONG
Cây xanh đã làm nên một nét đẹp Hà Nội không lẫn vào đâu được. Bởi một thành phố cổ không thể không có bóng dáng cây cổ thụ. Nhà cửa, lâu đài đẹp mấy mà không có cây xanh tô điểm cũng sẽ vô hồn. Di tích Hà Nội ngàn năm văn vật còn đó với những công trình kiến trúc lâu đời, như nhà cửa, đường sá, đình đài, miếu mạo... Song còn một di tích sống động nữa là những bóng cây cổ thụ bao đời. Cây là hồn của đất. Cây là chứng tích của quá khứ, hiện tại và tương lai. Cây hồn nhiên tươi xanh qua biết bao những thăng trầm của lịch sử. Tôi thích những hàng cây xà cừ cao lừng lững, có mặt ở rất nhiều đường phố. Xà cừ cao to, tán lá rộng, ken dày và xanh tươi bốn mùa. Tôi thích hàng me xanh đen xếp hàng đều đặn trên phố Trần Phú mà tôi đã từng biết qua bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu. Rồi những cây đa ở đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, cây đa Nhà Bò (Lò Đúc), cây đa trong sân Toà báo Nhân Dân (Hàng Trống), cây đa đình Cổ Vũ (Hàng Gai), hay những cây đa do Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo trong nước và thế giới trồng rải rác khắp Thủ đô Hà Nội, chính là những dấu ấn thiêng liêng không thể quên của đất Hà Thành. Và có lẽ, mọi người dân Việt Nam không thể quên khu vườn Phủ Chủ tịch, nơi có Nhà sàn Bác Hồ đã ở khi Người về Thủ đô. Ở đó có vườn cây, ao cá với cảnh sắc thiên nhiên thật tuyệt vời. Bao nhiêu cây cối ở đây qua tay Người chăm sóc. Mỗi một năm, theo thời gian, cây lại lớn lên và thêm một tuổi: Sáng sớm nay cháu đến thăm vườn Bác/ Cháu bé Tây Nguyên đến thăm vườn Bác Hồ/ Mà nghe tiếng chim, tiếng chim hót trong veo/ Tiếng chim chào mùa xuân đẹp lắm. (Lời bài hát “Tiếng chim trong vườn Bác” của Hàn Ngọc Bích)
Qua dáng cây Hà Nội, ta nhìn ra bề dày lịch sử thời gian với bao nhiêu nỗi niềm sướng khổ, buồn vui, hạnh phúc... Tôi không thể quên được lời của một đồng đội (anh vốn là người Hà Nội chính gốc) trong một lần thổ lộ: “Ồ, sắp đi xa rồi, mình ước ao hôm nào mình được tranh thủ về thăm nhà ở cuối đường Lý Thái Tổ. Mình sẽ đứng thật lâu dưới bóng cây trứng cá ngay trước ngõ. Cậu chưa biết cây trứng cá đâu. Phải đợi giữa đêm khuya, phố phường im ắng, ngước nhìn tán lá cây rung rinh dưới ánh đèn, ta mới thấy Hà Nội của ta thân thương, gần gũi biết nhường nào”.
Cây, đúng là một sắc màu làm nên hồn vía Thăng Long. Ta yêu cây nhưng cũng phải có ý thức giữ gìn cho thảm xanh thiên nhiên này xanh và tươi mãi. Cũng không ít người Thủ đô ta chưa thực sự hiểu hết giá trị này. Bởi cũng còn khá nhiều người thiếu ý thức chăm chút, bảo vệ cây cối. Họ dửng dưng trước nhiều hàng cây mới lớn, bẻ cành hái lá, chăng dây điện dây thép vào cây. Thậm chí, có người còn ngang nhiên đổ nước thải, cặn xăng dầu, hoá chất... vào gốc cây mà không biết rằng làm như vậy sẽ góp phần huỷ hoại cây cối và môi trường. Nhà thơ Đinh Xuân Tửu từng viết: Xanh, cây làm bức tranh/ Cho vườn ta thêm xinh/ Già, cây làm chiếc ghế/ Chúng ta ngồi học hành/… Loài cây cũng suy nghĩ/ Loài cây cũng có tình... Vậy thì bạn hỡi, hãy biết chung tay bảo vệ những người bạn thân thương bao đời đồng hành cùng ta bạn nhé. Đó chính là một phần không thể thiếu của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
Phạm Văn Tình
Link nội dung: //revcat.net/ha-noi-pho-ha-noi-cay-a6135.html