Kỳ 7
Lạc Hầu, một trong những đại thần của triều đình Cổ Loa được An Dương Vương tin dùng nhưng sự tin dùng đó chưa bằng được Cao Lỗ, Cao Tứ, Thái sư Võ Quốc, Nồi Hầu…Nay nhân cơ hội này, Lạc Hầu thấy phải ủng hộ An Dương Vương để mưu lợi riêng cho mình. Lạc Hầu đứng dậy nói:
-Tâu Thục Vương, thần cho rằng cho Phò mã Trọng Thủy ở gửi rể vừa có thể giải quyết được tình cảm Công chúa với hoàng gia vừa là biện pháp giữ nước hiệu quả. Trong cục diện Xuân thu Chiến Quốc ở phương Bắc, nước mạnh giao hảo với nước yếu thường bắt nước yếu đưa con tin đến kinh đô nước mình để bảo đảm, nếu phản bội mà gây sự con tin chết đầu tiên. Nay Trọng Thuỷ đến ở gửi rể Âu Lạc thì cũng là một dạng con tin. Nếu Triệu Đà bội ước xâm lược thì Trọng Thủy là người chịu tai họa đầu tiên. Nên lưu ý đó là con tin đắt giá, là Hoàng Thái tử của Nam Việt, là vua tương lai của Nam Việt.
An Dương Vương thích thú với sự phân tích của Lạc Hầu:
-Thừa tướng Lạc Hầu nói phải lắm.Ha!ha!ha!
Những người thân cận thuộc phái Lạc Hầu cùng hô to:
-Đúng lắm, con tin đắt giá, phải lắm.
Cao Lỗ đứng dậy:
-Lời của Lạc Hầu chỉ là sự chủ quan, xem thường kẻ địch, đánh giá thấp Triệu Đà, Lữ Gia và các mưu sĩ của y.
Các quan đại thần, các võ quan như Thống lĩnh bộ binh Hoàng Trị, Thống lĩnh thủy quân Thiên Đá, Chiêu Công Đại Tướng quân, Quốc cữu Thánh Cả, Thánh Hai, Đại công thần Nồi Hầu, Đinh Công Tuấn tướng quân, Đại Tướng quân Phan Giác, Đại tướng quân Phò Mã Cao Tứ, em Cao Lỗ, thần y Vương Ứng… can vua, đồng thanh bẩm tấu:
-Bẩm Thục Vương không thể coi thường quân địch, không thể rước giặc vào nhà.
An Dương nổi giận đạp bàn:
-Sao lại gọi Phò mã là giặc. Các ngươi định làm phản chăng? Đây là việc riêng của hoàng gia.
Cao Lỗ lớn tiếng:
-Việc này có an nguy đến giang sơn xã tắc Âu Lạc mà giang sơn xã tắc không phải là của riêng Thục Vương và Hoàng gia. Cơ đồ này là của dân chúng Lạc Việt và Âu Việt, là cơ đồ của Hùng Vương gây dựng hàng nghìn năm để lại.
An Dương Vương quá giận dữ, không kiểm soát được mình nữa, đập bàn:
-Ta đã quyết, nhà ngươi đừng nói nữa. Ta có thể đuổi nhà ngươi khỏi Cổ Loa.
Cả triều đình im lặng. Lần đầu tiên họ nghe thấy An Dương Vương gọi khai quốc công thần số một Cao Lỗ là ngươi. Triều đình Cổ Loa từ sau cuộc hôn nhân của Trọng Thủy với Mỵ Châu đã rạn nứt và bây giờ chính thức bị phân liệt vì sự can thiệp của ngoại bang. An Dương Vương nói với sứ giả Nam Việt:
-Các ngươi về Phiên Ngung nói với Chúa công các ngươi ta đồng ý cho Phò mã Trọng Thủy sang Âu Lạc ở gửi rể, sớm thu xếp càng nhanh càng tốt, đừng để ta đợi lâu và thất vọng.
Những tên sứ thần Nam Việt ranh mãnh vui mừng:
-Dạ đa tạ Thục Vương. Chúng thần sẽ nhanh chóng đưa Phò mã và Thái tử Phi về nước ạ.
Sau hai ngày đường gian nan vất vả hành trình từ Phiên Ngung, kinh đô của Nam Việt, cuối cùng Trọng Thủy, Mỵ Châu cùng đoàn tùy tùng cũng về tới Cổ Loa, kinh đô Âu Lạc vào lúc hoàng hôn đang buông xuống. Những ánh nắng cuối cùng hắt những ráng đỏ hồng rực lên bầu trời u tối. Những rặng cây xanh nhóm màu đen xào xạc. Kinh đô Cổ Loa đã bắt đầu lên đèn, những ánh sáng màu vàng hiu hắt.
Cung điện Cổ Loa rộn ràng đón tiếp Công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy. Mỵ Châu ôm Thục Vương, ôm Quốc mẫu, ôm hai chị là Công chúa Phượng Minh và Quỳnh Anh. Các chị lau nước mắt sung sướng đoàn tụ cho Mỵ Châu. Mỵ Châu và Trọng Thủy ngồi ăn tiệc đón nàng, chuyện trò rộn ràng như không dứt. Mỵ Châu nói hơi nhiều, tiếng của nàng nghe êm tai như những nốt nhạc thánh thót khiến người nghe phải say mê và thả hồn vào cõi mơ hồ.
Sau bữa cơm đón mừng của Hoàng gia và gia đình, nàng xin phép về phòng nghỉ sớm vì mệt mỏi sau hai ngày ngồi trên xe ngựa. Nàng cảm thấy sung sướng khỏe mạnh khoan khoái hẳn lên sau khi bước vào căn phòng lộng lẫy sang trọng quen thuộc của nàng nằm sâu trong cung điện. Không cần ý tứ với Trọng Thủy, Mỵ Châu ngả người lên chiếc giường êm ái quen thuộc của mình và nhắm mắt thanh thản khoan khoái.
Trọng Thủy ngắm nhìn Mỵ Châu đang thanh thản nghỉ ngơi. Trọng Thủy biết qua hai ngày đường đi xe ngựa, Mỵ Châu hẳn là rất mệt. Chàng rất thương nàng. Cho đến bây giờ hắn mới có thời gian nhìn kỹ Mỵ Châu. Nàng vốn xinh đẹp rồi nhưng bây giờ hắn mới thấy nàng thật sự xinh đẹp. Trọng Thủy càng cảm thấy yêu nàng hơn và cảm thấy hạnh phúc dâng tràn. Hắn đã có người vợ đẹp như tiên giáng trần, lại có một phụ vương và cả Hoàng gia Âu Lạc hết lòng yêu quý hắn. Nhưng chợt đôi mắt của Trọng Thủy tối sầm, hắn lê chân lại ngồi xuống ghế có bộ bàn uống nước sang trọng. Một tâm tư hổ thẹn day dứt hắn. Hắn đang ôm trong lòng một kế hoạch và phải thực hiện bằng được âm mưu độc ác gian xảo do Triệu Vũ Vương, cha hắn trao cho để phục thù và chiếm Âu Lạc, mở rộng bờ cõi Nam Việt xuống phương Nam.
Trọng Thủy còn nhớ như in trong căn phòng lộng lẫy của Triệu Vũ Vương ở Phiên Ngung, phụ vương đã gặp hắn trước khi hắn lên đường sang Âu Lạc ở gửi rể. Triệu Vũ Vương nói, giọng hạ thấp như sợ ai nghe thấy:
-Con sang Âu lạc lần này không phải là ở gửi rể, xây dựng gia đình trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão mà là vì sự nghiệp lớn, vì sự hưng thịnh và tồn tại muôn đời của Nam Việt, vì sự rửa hận thù nhục nhã cho cha, cho Quốc gia vì sự thua trận lần trước.
Trọng Thủy lo sợ đáp:
-Thưa phụ vương, con nghĩ là con đã tìm được hạnh phúc vì đã có một người vợ là nàng Mỵ Châu xinh đẹp, nết na hiền thục. Vả lại con nghĩ An Dương Vương chắc là một vị nhạc phụ tốt. Còn việc lớn ư, con không có gan cũng không có tài cáng đáng được. Còn trận thua nhục nhã đâu phải do Thục Vương, do Âu Lạc đem đến cho Phụ Vương mà tự Phụ Vương đem quân đánh người ta trước. Tốt nhất đã là thông gia rồi thì hai nước nên sống hòa thuận hòa bình với nhau, có hay gì gây ra cảnh núi xương sông máu cho cả Nam Việt lẫn ÂU lạc.
Triệu Vũ Vương nén giận:
-Con là trang nam tử hảo hán phải có chí khí, phải làm việc lớn, đừng như lũ đàn bà nhút nhát. Như cha đây chỉ là một viên Hiệu úy nhỏ bé của nhà Tần. Khi nhà Tần diệt vong, Trung Nguyên rối loạn, nếu cha không có chí lớn làm sao có được nước Nam Việt như ngày nay. Tuy nhiên, sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang và Hạng Vũ đang chiến tranh với nhau để tranh giành bá chủ Trung Nguyên. Bất chấp Hạng Vũ hay Lưu Bang chiến thắng, sau khi xác lập ngôi vị làm chủ Trung Nguyên, dứt Khoát họ sẽ tiến quân xuống tiêu diệt Nam Việt ta. Nam Việt chỉ là nước nhỏ không thể chống lại được. Cho nên cha muốn thôn tính Âu Lạc, mở rộng đất đai, dân số để có nguồn lực đủ sức chống lại cuộc xâm lăng của Lưu Bang hoặc của Hạng Vũ. Như vậy thôn tính Âu Lạc là sự tồn vong của họ Triệu, của Nam Việt ta. Con không vì họ Triệu, không vì giang sơn Nam Việt sao?
Trọng Thủy nói:
-Tất nhiên là con rất muốn vì sự tồn tại lâu dài của họ Triệu, của Nam Việt nhưng con cũng không bất nghĩa, lừa dối vợ mình, lừa dối nhạc phụ mình, lừa dối những người đã tin tưởng con và tin cả cha nữa. Phụ vương dạy con làm điều bất nghĩa sao?
Triệu Đà dịu giọng:
-Cha đã tính toán cho con vừa trọn tình nghĩa lại vừa tròn chữ hiếu với cha. Sau khi con giúp cha lấy được Âu Lạc là con đã tròn chữ hiếu. Sau khi ta làm chủ Âu Lạc vẫn bảo vệ tính mạng cho Thục Vương và toàn bộ Hoàng gia. Mỵ Châu vẫn là vợ bên cạnh con. Vậy thì có gì là bất nghĩa. Lấy được Âu Lạc mà Mỵ Châu vẫn là vợ con, con không thấy hạnh phúc sao?
Trọng Thủy nghe Triệu Đà nói vậy như chợt tỉnh cơn mê:
Có thể như thế được không?
Triệu Đà chắc chắn:
-Phụ Vương thề với con là sẽ bảo vệ Mỵ Châu cho con, còn giữ lại An Dương Vương và Hoàng gia Âu Lạc miễn là ông ấy thần phục.
Trọng Thủy hỏi:
Vậy bên nước người xa xôi phụ vương bảo con phải làm những gì?
Triệu Đà thấy trọng Thủy đã nghe lời liền nói cho Hoàng Thái tử nghe những gian kế, những âm mưu thâm độc mà Đà đã cùng các mưu sĩ và thừa tướng Lữ Gia dày công nghiền ngẫm:
-Con đừng lo là chỉ có một mình. Sau khi con sang ở gửi rể, dưới vỏ bọc là những gia nô của con, cha sẽ phái theo con 100 mưu sĩ và võ sĩ bậc nhất, gian ngoan thông minh bậc nhất, những cao thủ võ lâm bậc nhất của triều đình Nam Việt giúp con. Có khi phần lớn kế hoạch là do họ thực thi.
-Vậy con phải làm gì?
-Nhiệm vụ của con là phải làm cho Mỵ Châu yêu say đắm con và từ đó con đưa ra yêu cầu gì Mỵ Châu cũng phải chiều theo. Hơn nữa con phải lấy được lòng An Dương Vương và Hoàng Gia. Từ đó nhiệm vụ của con là: Thứ nhất dò được bí mật quân sự và làm mất hiệu lực của nỏ thần khi quân ta tiến đánh Cổ Loa. Thứ hai, làm cho An Dương Vương ngày càng hiểu lầm và tiêu diệt những trung thần tài giỏi của Âu Lạc như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Phan Giác… Những tướng lĩnh tài năng của Âu Lạc phải bị An Dương Vương giết hết, không giết được thì bị đuổi về quê. Người tài bị diệt hết, Âu lạc sẽ trống rỗng. Quân đội giỏi, nỏ thần “Linh Quang thần nỏ” mà không có tướng tài thì Âu Lạc cũng sẽ sụp đổ dưới sức tấn công của quân Nam Việt ta. Thứ ba, thành Cổ Loa xây dựng kiểu xoáy trôn ốc với chín vòng thành, bên thành ngoài cùng lại có sông rộng bao bọc với thủy binh hùng mạnh, trên lại có nỏ thần uy lực. Nếu không có nội phản bên trong làm tê liệt nỏ thần, mở cổng thành khi quân ta tấn công thì không thể vào được thành. Cho nên, con không tiếc vàng bạc mua chuộc bằng được một số người Âu Lạc làm nội ứng. Đất nước nào thời nào chả có bọn tham vàng, tham chức vụ mà theo ngoại bang. Con cứ cho họ thật nhiều vàng bạc và hứa phong chức quan cho chúng khi đại nghiệp hoàn thành. Thứ tư, lấy cớ là con nhớ nhà cần có chỗ du ngoạn và chơi bời cho khuây khỏa, con phải nói với Mỵ Châu để Mỵ Châu nói Với An Dương Vương khoanh cho con và Mỵ Châu những vùng đất để lập những trang trại, hành cung săn bắn, chơi bời. Từ biên giới đến Cổ Loa cứ 50 dặm lập một trang trại hay một hành cung. Trong mỗi trang trại hay hành cung đó dưới vỏ bọc những người phục vụ cho con, quân đội Nam Việt sẽ trà trộn vào để khi ta tấn công, quân lính đó sẽ hỗ trợ đắc lực cho quân đội Nam Việt và nhanh chóng đột kích vào Cổ Loa làm quân Âu Lạc không kịp trở tay.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-7-a5707.html