Kỳ 6
Cả triều đình lặng im nín thở, không khí đột nhiên căng thẳng. An Dương Vương nói giọng gay gắt tức giận:
-Tướng quân nói vậy là suy diễn, không có căn cứ, có hại cho công việc hòa thuận giữa hai nước và hai triều đình. Tướng quân không nghe rõ sứ giả đã nói sao? Triệu Đà sau trận thua đã sợ vỡ mật, đã ngoảnh mặt về Nam cống lễ xưng thần. Còn việc cầu hôn là việc riêng giữa gia đình ta và gia đình Triệu Vũ Vương. Cuộc hôn nhân này nếu thành công càng tăng thêm tình hữu hảo giữa hai nước, hòa bình càng bền chặt là phúc của muôn dân, lại là sự liên minh để chống lại sự bành trướng của giặc Hán xuống phương Nam. Vả lại, nếu Đà trở mặt tấn công thì ta đã có nỏ thần và lực lượng quân sự hùng mạnh, lo gì không đập tan được chứ?
Cao Lỗ đáp:
-Khi không rõ được âm mưu bụng dạ của Triệu Đà thì lời Thục Vương cũng chỉ là giấc mơ tốt đẹp tưởng tượng mà thôi. Cuộc hôn nhân này là việc riêng của gia đình Thục Vương nhưng nó có quan hệ tới vận mệnh Quốc gia. Xin Thục Vương lấy giang sơn xã tắc làm trọng. Đặt quốc gia và xã tắc lên trên hết, lên trên quyền lợi gia đình.
Thái sư phò mã Võ Quốc cũng đứng dây:
-Tâu phụ vương, Tướng quân Cao Lỗ nói đúng, bọn người phương Bắc thường lắm mưu nhiều kế để thôn tính lẫn nhau và xâm lược nước người. Trong thời Xuân thu Chiến quốc có biết bao mưu kế thâm độc, kể cả lợi dụng hôn nhân để các nước chư hầu tiêu diệt lẫn nhau. Trong những cuộc sát phạt có những kẻ dùng nội công ngoại kích thường là thu được thành công. Mong phụ vương suy xét.
Sau Thái sư Phò mã Võ Quốc và các quan đại thần, các võ quan như Thống lĩnh bộ binh Hoàng Trị, Thống lĩnh thủy quân Thiên Đá, Chiêu Công Đại Tướng quân, Quốc cữu Thánh Cả, Thánh Hai, Đại công thần Nồi Hầu, Đinh Công Tuấn tướng quân, Đại Tướng quân Phan Giác, Đại tướng quân Phò Mã Cao Tứ, em Cao Lỗ, thần y Vương Ứng… can vua , đồng thanh bẩm tấu:
-Kính mong Thục Vương suy xét vì quyền lợi an nguy của Quốc gia xã tắc.
An Dương Vương nổi giận đập bàn:
-Sao lại bảo ta không vì giang sơn xã tắc. Ta làm như vậy chính là vì giang sơn xã tắc. Các ngươi không muốn cho Công chúa lấy chồng sao. Còn nếu Triệu Đà trở mặt thì ta đã có nỏ thần. Ta đã quyết, không bàn bạc nữa. Sứ giả Nam Việt nghe đây.
-Dạ
-Về bẩm với Triệu Vũ Vương ta đồng ý gã công chúa cho Trọng Thủy. Bảo chúa công nhà ngươi chọn ngày lành tháng tốt sang Cổ Loa đặt sính lễ và cưới xin theo phong tục Âu Lạc.
Những tên sứ giả của Nam Việt mừng vui ra mặt vì quyết định nhanh chóng của An Dương Vương:
-Dạ, chúng thần cảm tạ Thục Vương. Chúng thần sẽ trình với Chúa công chúng thần và sẽ nhanh chóng quay lại làm nghi lễ để Công chúa và Hoàng tử sớm thành phu thê, hai nước sớm đi vào hòa hảo. Chúc Thục Vương vạn tuế.
An Dương Vương mệt mỏi đứng dậy:
-Bãi triều!
Kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt. Trong một căn phòng lộng lẫy sang trọng lấp lánh ngọc ngà vàng bạc trong cung điện của triều đình họ Triệu dành cho Thái tử Trọng Thủy và Thái tử Phi, Mỵ Châu ngồi im lặng thẫn thờ nhớ nhà, nhớ căn phòng thân yêu của nàng ở Cổ Loa, nhớ phụ vương và nhớ mọi người trong hoàng gia. Mới đó mà nàng đã xa Âu Lạc hơn sáu tháng trời và đã về kinh đô Phiên Ngung cũng bằng ấy thời gian, tất cả đối với nàng vừa là hiện thực lại như một giấc chiêm bao đi về trong ký ức của nàng.
Nàng nhớ lại sau buổi thiết triều đầy sóng gió giữa Phụ Vương và các đại thần, phụ vương đã đồng ý cho nàng kết hôn với Thái tử nước Nam Việt là Trọng Thủy. Sau lễ ăn hỏi là lễ vu quy. Có lẽ ở Âu Lạc chưa có một buổi lễ vu quy nào hoành tráng, lộng lẫy và xa hoa như của nàng với Trọng Thủy. Khi đón nàng về đến Phiên Ngung, lễ thành hôn được tiến hành ba ngày ba đêm cũng không kém phần xa hoa vui vẻ và đầy hạnh phúc. Nhưng đối với nàng lễ vu quy và lễ thành hôn chỉ là một phần qua đi trong ký ức, phần quan trọng là nàng được Trọng Thủy, một người chồng đẹp trai, tài giỏi và rất mực thương yêu nàng. Cuộc hôn nhân này ban đầu đến với nhau không phải là tình yêu mà là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nhưng bây giờ thì nàng thật sự yêu Trọng Thủy và Trọng Thủy cũng thật sự yêu nàng, chiều chuộng nàng vì nàng thật sự là một thiếu nữ xinh đẹp, hiền thục cùng với sự ngây thơ, đài các của một nàng Công chúa vừa mới qua tuổi thiếu nữ. Nàng cảm thấy thực sự hạnh phúc, thực sự may mắn.
Nhưng trời thật sự không cho ai tất cả bao giờ cả. Trong tâm trạng mãn nguyện bên cạnh người chồng yêu quý nhưng nàng vẫn nhớ nước Âu Lạc, nhớ Phụ Vương và Quốc mẫu mẹ nàng, nhớ anh chị em trong hoàng tộc, nhớ hai công chúa chị nàng là Phượng Minh và Quỳnh Anh. Nàng lại còn nhớ cả căn phòng ấm cúng của mình ở Cổ Loa, căn phòng đã chứng kiến biết bao kỷ niệm thời thơ ấu và lớn lên của nàng.
Nỗi nhớ nhà, nhớ nước của Mỵ Châu theo thời gian ngày tháng tăng dần làm cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ giàu sang phú quý không trọn vẹn. Qua các sứ giả Âu Lạc thường qua Nam Việt công cán thì Thục Vương, cha nàng, anh em hoàng thất của nàng cũng rất nhớ nàng, đặc biệt là Thục Vương người rất thương yêu nàng. Khi quyết gả chồng xa cho Mỵ Châu ông tưởng là có thể chịu đựng được cảnh tử biệt sinh ly nhưng bây giờ đối với Thục Vương quả nhiên quá sức chịu đựng. Sau những buổi lo việc nước thiết triều, An Dương Vương thường ngồi một mình trong phòng nhớ con, thở dài và uống rượu một mình.
Qua những mạng lưới do thám, qua những tên sứ giả của Nam Việt công cán ở Âu Lạc, triều đình Phiên Ngung theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Âu Lạc. Việc hôn nhân giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu đã gây mối bất hòa chia rẽ sâu sắc trong triều đình Âu Lạc, giữa An Dương Vương và những đại thần ủng hộ ông ta với các đại thần phản đối cuộc hôn nhân. Triệu Đà, Thừa tướng Lữ Gia hài lòng với sự thành công bước đầu của kế hoạch mà quan trọng nhất là bước đầu chia rẽ được triều đình Âu Lạc. Một đất nước, một dân tộc, một triều đình mà bị chia rẽ, không đoàn kết nội bộ thì trước sau cũng bị ngoại bang khuất phục. Qua các sứ giả và do thám, Triệu Vũ Vương còn biết Thục Vương rất nhớ con gái Mỵ Châu. Ngược lại, qua Trọng Thủy và những người hầu cận Mỵ Châu, Triệu Đà cũng biết Mỵ Châu rất nhớ cha, nhớ hoàng gia và nhớ Âu Lạc. Đây là nguyên nhân quan trọng để thuyết phục An Dương Vương đồng ý cho Trọng Thủy sang Âu Lạc ở gửi rể, cắm người của Nam Việt trực tiếp tại Cổ Loa để thực hiện những bước tiếp theo của kế hoạc nội công để nhanh chóng ngoại kích thôn tính Âu Lạc.
Tại kinh đô Cổ Loa, khi An Dương Vương vừa ra lệnh cho các quan an tọa chuẩn bị buổi thiết triều thì một viên quan phụ trách lễ nghi vào báo:
-Tâu Thục Vương có đoàn sứ giả Nam Việt tới đang chờ xin vào yết kiến
An Dương vương nóng lòng muốn biết tin công chúa Mỵ Châu nên lập tức ra lệnh:
-Mau cho đoàn sứ thần vào!
Đoàn sứ thần của Nam Việt bước vào. Triều đình và Thục Vương nhìn ra thì không phải ai xa lạ, chính là những sứ thần đã sang đặt vấn đề xin Mỵ Châu về làm vợ Hoàng Thái tử Trọng Thủy, ăn hỏi và đóng vai trò chính trong việc đón Mỵ Châu về Nam Việt. Vẫn là tên mặt choắt, nhỏ thó nom nham hiểm và bốn tên dáng bộ rất ranh ma khác. Chúng không còn dáng bộ sợ sệt như buổi ban đầu mà bây giờ vì là người một nhà nên chúng đi rất hiên ngang tiến vào trước long sàng, trước mặt An Dương Vương. Tên mặt choắt cất tiếng:
-Cúi lạy Thục Vương, chúc Thục Vương vạn tuế, vạn vạn tuế…
Cả năm tên cùng đồng thanh hô như hát:
-Chúc Thục Vương vạn tuế, vạn tuế…
An Dương Vương sốt ruột:
-Miễn lễ, nói đi, Thái tử phi Mỵ Châu thế nào, có khỏe không?
Chỉ chờ câu hỏi đó, tên Chánh sứ mặt choắt tâu:
-Dạ bẩm Thục Vương, Thái tử Phi khỏe nhưng…
An Dương Vương hốt hoảng:
Nhưng thế nào? Có chuyện gì chăng?
-Dạ, không có chuyện gì. Chỉ có điều là Thái tử Phi rất nhớ Thục Vương, nhớ Quốc mẫu, nhớ anh chị em và nhớ hoàng gia, nhớ Cổ Loa và Âu Lạc.
Nghe đến đó sắc mặt An Dương Vương buồn thảm. Ông đang nén tiếng thở dài. Thục Vương hỏi tên Chánh sứ:
-Hôm nay các ngươi sang Cổ Loa có việc gì không?
Tên Chánh sứ đáp:
-Việc giữa hai quốc gia thì không có nhưng có việc quan trọng của gia đình Chúa công tôi với gia đình Thục Vương. Có thể không tiện bàn ở Triều đình, để chúng tôi sẽ gặp riêng Thục Vương.
An Dương Vương nói:
Chuyện của ta với Chúa công các ngươi cũng là việc Quốc gia đại sự, cứ tâu trình ở đây cũng được.
-Dạ là thế này ạ, hiện nay Thái Tử Phi rất nhớ Thục Vương, Quốc mẫu và Hoàng gia, e rằng tình cảnh này mà kéo dài thì Thái Tử Phi sẽ không chịu nổi mà sinh ra bệnh tật đau ốm thì rất nguy. Chúa công tôi coi Thái Tử Phi như con đẻ nên cũng rất lo lắng. Người đã tìm ra một giải pháp vượt qua cả luật tục của Nam Việt. Đó là cho Thái Tử Phi về sống ở Cổ Loa, còn Hoàng Thái Tử Trọng Thủy sẽ sang Âu Lạc ở gửi rể. Thái tử Phi vừa được gần Hoàng thái tử, lại vừa gần Thục Vương và hoàng gia, không còn nổi đau khổ nhớ nhà, nhớ nước. Việc này chỉ là ý của Chúa công tôi, có thực hiện được hay không thì do Thục Vương quyết định.
An Dương Vương mừng rỡ:
-Không ngờ Triệu Vũ Vương cũng thương con dâu đến như vậy mà vượt cả luật tục xưa nay của Nam Việt, tạo điều kiện cho Mỵ Châu gần hoàng gia của mình thì còn gì bằng.
Cả triều đình Cổ Loa quá bất ngờ với quyết định của Triệu Đà và của Thục Vương. Đại tướng Cao Lỗ đứng dậy nói:
-Tâu Thục Vương, người phương Bắc luôn nuôi tham vọng nuốt lãnh thổ của Âu Lạc, cho đến bây giờ dù Triệu Đà thông gia với Thục Vương thì đây chỉ là cái cớ cài cắm người vào để dò la bí mật của nỏ thần, của Quốc gia, để gây dựng lực lượng bên trong, thực hiện nội công ngoại kích. Kính mong Thục Vương xem lại.
An Dương Vương đáp gay gắt:
-Nay Âu Lạc và Nam Việt là một nhà, Âu Lạc Cổ Loa cũng là nhà của Phò mã Trọng Thủy cũng như Phiên Ngung là nhà của con gái ta Mỵ Châu, tại sao con rể ta không thể ở được. Vả lại Trọng Thủy rất yêu quý vợ nó, làm sao nó có thể hành động gì để hại đến người vợ thương yêu của nó. Đại tướng xem mới xa Hoàng gia có sáu tháng mà Công chúa nhớ nhà, nhớ nước gầy còm ốm yếu. Nếu không được về Cổ Loa thì nó sinh bệnh và ai biết nói trước được điều gì. Đại tướng không có con gái chăng?
Thái sư Phò mã Võ Quốc đứng dậy thưa:
-Tâu phụ vương, thần hiểu tình cảm của Phụ Vương với Công chúa Mỵ Châu. Giá như Trọng Thủy là người Âu Lạc thì không sao nhưng đây lại là người ngoại bang. Ai biết Triệu Đà thực lòng hay chỉ là giả dối thực hiện mưu kế xâm lược Âu Lạc , mong phụ Vương xét lại.
Thục Vương ngắt lời nổi giận:
-Thái sư là người trong nhà mà cũng nói vậy sao. Ngoại bang thì làm sao chứ, nay Nam Việt và Âu lạc đã là một nhà, Triệu Vũ Vương xa con trai không nhớ sao, nhưng ông ta đã biết nén tình cảm vì sức khỏe Mỵ Châu và cả vì ta nữa. Sao Thái sư lại phụ lòng tốt của người ta vậy?
(Còn nữa)
CVL
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-6-a5662.html