Chương hai
ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY
Những miếng đòn hiểm độc
Khi những chiếc bẫy được giăng lên rồi, Đản và Lặng bắt đầu tổ chức tấn công. Mở đầu đợt tấn công là những lá đơn khiếu nại. Điều này là hợp pháp, mang tính thăm dò. Đản ký giấy riêng, Lặng ký giấy nhân danh toàn thể người lao động tại Khách sạn gửi ông chủ người Đài Loan yêu cầu ông ngay lập tức nâng mức lương của ông Lặng lên. Đây là người tiêu biểu cho lao động phía Việt Nam, các ông phải tôn trọng. Đối tác không thèm trả lời. Tống tiếp lá đơn nữa. Lần này là đơn của những người lao động, đại diện là tám nhân viên (không có Đản và Lặng). Đơn gửi cho Tổng Giám đốc để chuyển cho Chủ tịch Tập đoàn. Đơn gửi trực tiếp cả cho Đản. Lời lẽ trong đơn mang tính đe doạ: ‘’Các ông mà không trả lời chúng tôi trong vòng ba giờ thì các ông sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng !’’.
Sáng hôm sau, kịch bản đã dàn dựng xong, vở diễn bắt đầu. Tốp công nhân công trình phụ trách điện - nước được tổ trưởng thông báo: hôm nay nghỉ, các vị về nhà. Hai phóng viên ruột của Đản (Khánh Đô báo Việc Làm và Liên Thanh báo Trật Tự) đã có mặt từ khá sớm, uống cà phê với Đản tại nhà hàng Á rồi lên phòng Đản đợi. Họ được báo rằng hôm nay sẽ có một sự kiện quan trọng.
Ba giờ chiều, sự kiện quan trọng xảy ra thật. Đang ngồi phì phèo thuốc lá với Đản thì một phóng viên chỉ ra ngoài sân thượng hỏi: "Có chuyện gì mà ầm ĩ thế?". Mọi người nghe có tiếng người nước ngoài và tiếng động lạ. Một phóng viên nhìn thấy Tổng Giám đốc Trương đang sai bảo một số người ở phía ngoài, vội báo cho Đản. Chẳng nói chẳng rằng, Đản đóng sầm cửa lại. Sau đó ít phút, một phóng viên kêu lên: "Nước, nước tràn vào nhà rồi!". Quả vậy, một luồng nước trắng xoá xối ào ào từ bể nước trên tầng thượng, tràn qua sân, tràn vào nhà làm ngập các phòng làm việc, phòng khách. Đản mở cửa sau, dẫn ba phóng viên ra, chỉ về phía sân thượng: "Chụp ảnh đi, tay Tổng Giám đốc Trương Nha đấy!". Thực ra, tay này cũng vừa mở cửa phòng bên cạnh phòng Đản ra sân thượng và cũng đang chụp ảnh tơi tới.
Trương Nha là Tổng Giám đốc người Hồng Kông, được Chu Dung thuê và cử sang đây từ đầu năm. Trương người gầy gò, mặt dài kiểu mặt ngựa, mắt lấc láo, da bềnh bệch. Đản từng mách với Bộ Nhân văn rằng Trương là xã hội đen Hồng Kông. Báo cáo láo về đối tác để mưu lợi riêng là phương châm hành xử nhất quán của Đản. Nhìn thấy Trương vừa chụp ảnh vừa múa may hò hét trên sân thượng, Đản đổ riệt ngay cho Trương là kẻ phá hoại.
Nước vẫn trào xuống xối xả, tràn vào tất cả những nơi mà nó có thể thâm nhập. Suốt từ tầng thượng xuống tầng ba ướt sùng sũng...
Khác với lần bắt mại dâm, lần này sự cố tại Khách sạn Bạch Liên được cấp báo về cho Tập đoàn. Nghe điện thoại xong, mặt Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ tái nhợt. Anh ta vội chạy qua tìm Minh rồi gọi điện thoại báo cho cảnh sát 113. Nhát tính, nghe đến sự cố là Ngộ tìm chỗ dựa. Cảnh sát là chỗ dựa thích hợp nhất lúc này.
Tới Khách sạn thì nước đã ngừng chảy. Tầng hai này ướt lép nhép những nước là nước. Nhìn thấy Tổng Giám đốc, Đản chào với sang: "Chào sếp", rồi lại chuyện trò với cánh phóng viên, lúc này đã đông, cỡ trên một chục người, cả nam lẫn nữ. Thích oai phong, muốn cấp dưới phải cúi rạp chào thưa, bẩm báo, nhưng trước thái độ vô lễ của Đản, Ngộ cũng chỉ hậm hực làu bàu một mình: ‘’Ù mẹ, làm tàng hả ?’’. Đản là một ngoại lệ. Đản nắm được đuôi của Tổng Giám đốc, mặc dù cái đuôi ấy giấu rất kỹ, ít người phát hiện ra. Cho nên Đản không việc gì phải khúm núm trước Ngộ. Loắng qua loắng quắng một lúc, trao đổi mấy câu với mấy chiến sĩ cảnh sát 113 rồi Lý Ngồ Ngộ ra xe chạy một mạch về Tập đoàn, để mặc Minh ở lại với đống bùng nhùng.
Minh sục đi các tầng. Nước dữ thật. Thế mới biết cái bể lớn cỡ nào. Nước làm ướt thảm, ướt những trang thiết bị đặt dưới sàn, làm chập, nổ mấy ổ điện. Hệ thống nước nóng, lạnh cũng bị trục trặc. Vặn vòi ra, nước lạnh không có, chỉ có nước nóng, bỏng cả tay. Hệ thống máy lạnh ngừng hoạt động, các phòng bí bì bi, ngột ngạt. Thấy Đản mải hầu chuyện các phóng viên, Minh xen vào:
- Chú Đản bảo anh chị em dọn dẹp đi. Bảo đội công trình đi kiểm tra, khắc phục cự cố.
Rồi, Minh bắt xe ôm, trở lại cơ quan. Chị là Phó Chủ tịch Tập đoàn, không có quyền điều hành. Quyền ấy thuộc Tổng và Phó Tổng Giám đốc Liên doanh. Chị sầm mặt, thở dài - điều hành kiểu này thì chết có ngày.
Khi cảnh sát 113 thấy không có sự cố gì lớn đã rút, thì mấy anh ở cơ quan A25 tới. Các anh đề nghị Đản phối hợp khám nghiệm hiện trường. Đản trả lời bằng giọng lạnh nhạt:
- Tổng Giám đốc đi vắng, tôi không có quyền. Các anh về đi, khi nào Tổng Giám đốc về tôi sẽ báo.
Chiều hôm ấy, Đản, Lặng và nhà báo Khánh Đô gặp nhau ở quán nhậu Dũng Xồm. Đây là quán nhậu mang tính bình dân, xô bồ. Giá bình dân, một cuộc nhậu ngoắc cần câu, mỗi người chưa hết dăm chục ngàn. Cho nên, khách đông vô kể. Đản thuê riêng một phòng máy lạnh để dễ bàn bạc. Với cánh nhà báo, Đản biết chỉ cần "mua" với giá rẻ. Nhất là với những tay đã làm ăn với nhau thường xuyên, trở thành một cạ. Chỉ một bữa nhậu bình dân, nốc bia là chính, kèm theo phong bì triệu bạc, là có thể có một bài điều tra theo ý muốn. Nếu nói về mình, thì tâng bốc, tô vẽ. Nếu nói về địch thủ, thì bới móc, bôi nhọ. Thiếu gì những tờ báo lá cải chỉ cần câu độc giả bằng các loại tin bài giật gân, không quan tâm đến tính chính xác, trung thực của báo chí. Thiếu gì những nhà báo sẵn sàng bán rẻ lương tâm, tự nguyện làm bồi bút cho mọi thế lực trong xã hội, không kể đó là chính hay tà, miễn là họ chịu chi. Thực ra, có không ít kẻ xấu xa, bẩn thỉu sử dụng báo chí làm vũ khí đấu đá... Họ vẫn dương dương tự đắc nhân danh công luận để thực hiện những mưu đồ cá nhân. Đản tự động viên mình rằng hãy mạnh tay mở hầu bao, sử dụng mấy tay nhà báo ham tiền làm người phát ngôn của mình, lời nói của gã sẽ trở thành công luận tấn công tơi bời kẻ thù, sợ gì tốn kém. Bây giờ, có ai thực sự đi phân xử những đơn kiện của những người bị báo chí viết sai đâu. Nhiều khi, ngay cả những nơi có chức trách quản lý báo chí cũng còn nể, sợ báo chí nữa là. Chuyện cải chính là một đòi hỏi viển vông. Đang viết mà ngừng viết tấn công họ, họ đã mừng hú rồi, nói gì đến cải chính với cải tà. Cho nên, Đản vững tâm chiến đấu.
- Dô! Dô!
Đản, Lặng và Đô nhại tiếng miền Nam hò nhau uống hết vại bia này đến vại bia khác. Đản là thằng tạp ăn (Chơi gái cũng tạp, ăn tiền cũng tạp. Cho nên nhân viên Khách sạn đặt cho hắn cái biệt danh là Đản sực ka ka,có nghĩa là Đản xơi cả cứt). Bia bọt bình dân cũng được. Rượu Tây sang trọng cũng được. Quán cóc cũng xong. Mà Khách sạn năm sao cũng tốt. Kiểu nào Đản cũng chiều. Đối với mấy thằng nhà báo quèn này, thì chỉ cần quán bình dân thôi. Phải tiếp mấy Đại Sư phụ mới đáng vào chốn thiên đường.
- Anh cung cấp thêm tài liệu cho em nhé!
Cái vỗ vai mạnh và lời nói to làm Đản giật mình, dứt khỏi dòng suy nghĩ.
- Tất nhiên rồi! Tất cả tài liệu, anh Lặng đã chuẩn bị đầy đủ, chú khỏi lo.
Đản khẳng định và cười với Khánh Đô. Tay nhà báo này có dáng người hơi cao, gầy, mặt xương xương, da mai mái, để bộ ria mép lởm chởm.
- Nhưng chú phải làm thật bài bản, đăng nhiều kỳ, trên trang nhất, rút tít hấp dẫn vào.
- Đó là nghề của chàng, bác yên tâm đi! Nhưng mà này, mụ Minh có nhiều ô dù không?
- Chú yên tâm. Anh sẽ đem tiền đi rải những nơi cần thiết. Tại Tập đoàn, chỉ ngại thằng cha Chủ tịch thôi. Còn thì cho qua hết. Tổng Giám đốc, ta điều khiển được. Các Phó Tổng thì một thằng bệnh tật ốm đau coi như chết rồi, mấy thằng khác đứng ở dưới Công ty, khỏi lo.
Ra vẻ thán phục, phóng viên Khánh Đô hỏi:
Còn vì sao Lê Đản nắm được đuôi Lý Ngồ Ngộ ư? Đơn giản thôi, cũng từ các chuyện chơi bời mà ra. Cái lần còn ở miền Nam, Ngộ ra Hà Nội đãi Hoàng Phu bằng cái buổi Karaôkê hạ đẳng ở phố Mai Hắc Đế ấy, có Đản. Nhờ vậy, Đản biết sự ham gái của Ngộ cao đến cỡ nào. Chính vì vậy, khi Ngộ ra làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tri thức, Đản đã mời Ngộ xuống Khách sạn Bạch Liên mát xa nhiều lần. Khi đã trở nên thân tình, Đản bố trí cho Ngộ mát xa tại chính phòng làm việc của gã. Gã giao cho Lan, cô nhân viên mỏng mày hay hạt lại biết chiều sếp, phục vụ riêng Ngộ (Đản còn biết tính Ngộ thích chơi các em mình hạc xương mai, mặc dù tay này cao to như hộ pháp). Sau buổi ấy, Đản có hẳn một bộ ảnh và một đĩa hình DVD dài bốn lăm phút ghi lại toàn bộ cảnh mây mưa của ngài Tổng Giám đốc, xem còn gợi cảm hơn cả phim sex bán rong trên đường Tràng Tiền. Ra vẻ rất vô tư, Đản gửi tặng Ngộ bản sao cái DVD. Để anh ghi nhớ mãi mối thân tình của chúng ta. Quen hống hách, thống trị người khác, bị Đản bắt hèm, Ngộ điên tiết vô cùng. Tổng Giám đốc dạt xa khu vực đầm Bạch Liên, cắt đứt các mối quan hệ với Đản, nhưng trong đầu luôn luôn lửng lơ câu hỏi: bao giờ thì thằng cha ba trợn Đản này ra tay với ta. Do vậy, Ngộ cũng vô cùng cảnh giác.
Sáng hôm sau, một loạt báo đăng trên trang nhất tin và ảnh về Vụ phá hoại tại Khách sạn Bạch Liên. Riêng báo Việc Làm đăng bài của Khánh Đô với hàng tít: Tổng Giám đốc người Hồng Kông xả nước tấn công nhà báo. Sau hàng tít là lời dẫn đầy chất câu khách: ‘‘Vào hồi 15 giờ chiều ngày 15, tại phòng làm việc trên tầng thượng, khi phóng viên các báo Việc Làm, Liên Thanh, Xã Hội đang làm việc với ông Lê Đản, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Liên doanh Bạch Liên, thì ông Tổng Giám Đốc Trương Nha đã ra lệnh cho người đi tháo van bể nước của Khách sạn. Mấy chục ngàn lít nước đã chảy xối xả vào phòng Phó Tổng Giám đốc và ào ào tuôn xuống các tầng tiếp theo... ". Hôm sau nữa là tin về Vụ đình công tại Khách sạn Bạch Liên để phản đối ông chủ Đài Loan sa thải Chủ tịch Công đoàn.
Minh đôn đáo với công việc nhằm ổn định hoạt động ở Liên doanh. Sau vụ mại dâm bị bắt quả tang, Câu lạc bộ tạm thời đóng cửa, nguồn thu giảm hẳn đi, chắc chắn năm nay sẽ lỗ. Nhưng chị không có nhiệm vụ tham gia điều hành Khách sạn. Chỉ là nhắc nhở Đản chú ý việc này, quan tâm việc nọ. Đản vâng dạ nhưng cứ lờ lớ lơ, mặc cho mớ bòng bong vương vào ai người ấy gỡ. Bên Đài Loan phản ứng dữ dội. Làm ăn với nhau bao nhiêu năm, họ biết quá rõ ai là người như thế nào. Họ quyết tâm triệt bằng được Lặng và Đản. Chờ đúng dịp hết ba tháng, phải ký lại hợp đồng lao động, họ chỉ đạo Tổng Giám đốc Trương Nha không ký tiếp hợp đồng lao động với Nguyễn Tuấn Lặng. Lý do rất thuyết phục: do công việc giảm, phải thu gọn bộ máy, nhập phòng Nhân sự với phòng Hành chính, những người làm ở phòng Nhân sự đều không được ký tiếp hợp đồng.
Một cuộc "giao ban" chớp nhoáng giữa ba người hùng đầm Bạch Liên diễn ra tại phòng đặc biệt của quán nhậu Dũng Xồm, gồm Đản, Lặng, và Khánh Đô. Bức xúc đến đỏ mặt mặc dầu chưa tợp hớp bia nào, Lặng dằn cốc bia xuống bàn:
- Bọn này dám vuốt râu hùm. To gan thật!
Vốn căm Minh, nhân đà này muốn mượn gió bẻ măng, Đản thẽ thàng:
Đô cười đầy tự hào, tu hết vại bia này đến vại bia khác. Bí quyết cái con khẹc gì. Tiền là bí quyết vạn năng. Các ông anh chịu chi thì em cũng phải chia sẻ bớt quyền lợi cho Thư ký toà soạn và Phó Tổng Biên tập trực. Không phải là Tổng biên tập đâu. Tổng Biên tập thường chỉ đạo chung, không làm cụ thể. Làm cụ thể nhất là Thư ký toà soạn - xếp bài nào vào, loại bài nào ra, xếp ở trang nào... đều từ tay Thư ký toà soạn mà ra. Rồi đến tay Phó Tổng biên tập trực duyệt cho in. Gắn bó với hai tay này, thì bài vở cứ đi thun thút, viết không kịp. Bây giờ, nhuận bút cũng kha cao. Chia làm ba là xong. Còn các khoản do các anh thù lao, em xin hưởng trọn.
Trong khi nhóm Đản bàn bạc mưu ma chước quỷ thì Minh tới gặp Tổng Giám đốc Trương. Qua phiên dịch, Minh khuyên gã không nên chấm dứt hợp đồng với Lặng. Đừng nên đổ dầu vào lửa lúc này. Mọi sự sẽ rối lên đấy. Lặng có thế mạnh là Chủ tịch Công đoàn, thể nào anh ta cũng lấy thế Công đoàn đấu tranh quyết liệt. Trương nói bằng giọng lạnh lùng:
- Tôi chỉ là người làm thuê, phải theo lệnh ông chủ. Bà làm việc với ông chủ, ông chủ bảo sao tôi sẽ làm vậy!
Đành liên lạc với Đài Loan qua mạng. Chu Dung nhất quyết không nghe lời khuyên của Minh. Minh hiểu rằng ông ta căm vô cùng cái việc Đản và Lặng cố tình đưa ông ta vào vòng lao lý, ông ta không thể bỏ mất thời cơ loại trừ Lặng lúc này. Minh đành bó tay. Tập đoàn Tri thức cũng không thể có ý kiến gì với phía Đài Loan, bởi vì nhân sự cấp thấp như Lặng, là thuộc quyền Liên doanh quản lý. Lặng hậm hực rời khỏi Khách sạn, không quên cầm theo con dấu Công đoàn.
Sự việc diễn biến nhanh với tốc độ điện tử. Lặng vừa phải rời khỏi Liên doanh thì sáng hôm sau, trên trang nhất báo Việc Làm, đã có tin, ảnh về việc Liên doanh Bạch Liên vi phạm luật lao động, trù úm, sa thải Chủ tịch Công đoàn vì đã tố giác vụ kinh doanh thân xác phụ nữ tại Khách sạn Bạch Liên. Nguyễn Tuấn Lặng ngự trên trang nhất báo Việc Làm, tay cầm tờ đơn phản ánh sự vi phạm Luật lao động của Liên doanh.
Cũng trong thời gian này, sóng gió lại nổi kên dữ dội ở khu vực Bạch Liên. Sau khi những má mì bị bắt ngay lúc xảy ra vụ việc, hàng loạt người lao động Việt Nam bị bắt tiếp. Đó là những nhân viên thu tiền, những nhân viên bảo vệ. Khốn khổ, họ thu tiền ở quầy, khách nộp thì thu, họ có biết đó là khoản tiền gì đâu. Họ cũng bảo vệ chung Khách sạn, có biết chỗ nào bố trí đón khách mại dâm đâu. Cả một hệ thống ngầm hoạt động ra sao, thực chất do ai cầm đầu, họ mù tịt. Tiếng kêu khóc của họ thê thảm quá. Vào cái ngày một loạt nhân viên Khách sạn Bạch Liên bị bắt ấy, trời đang yên ả bỗng nhiên nổi gió dữ dội, những cơn lốc cứ xoáy tròn làm cho đầm Bạch Liên nổi sóng cuồn cuộn. Tan cơn sóng gió thì mặt đầm nổi trắng xác cá. Cá chết tươi nhưng cứ nổi phềnh phềnh bởi bong bóng con nào con nấy phình lên hết cỡ, còn hai mang thì ứa máu đỏ lòm. Đau xót thay những con người thấp cổ bé họng. Những kẻ tai to mặt lớn, lắm quyền nhiều tiền, phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này đều mất dạng. Chủ tịch Tập đoàn Chu Dung, Tổng Giám đốc Chin Thục Phương, Giám đốc câu lạc bộ Lu Xìn đều đã yên thân ở phương trời xa. Rồi còn Lê Đản, Nguyễn Tuấn Lặng, những kẻ đầy uy quyền, trực tiếp điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm về an ninh trong, ngoài Khách sạn thì trách nhiệm đến đâu?
Chưa thoả nỗi tức giận, Chu Dung thông báo sa thải toàn bộ mười một công nhân công trình trực ca xảy ra vụ xả nước. Lý do ông ta đưa ra là họ đã vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ việc cho nên để xảy ra sự cố tại Khách sạn gây thiệt hại tiền của, uy tín của Liên doanh. Thế là trên báo Việc Làm có ngay tin: "Liên doanh thanh trừng công đoàn: Sau vụ án mại dâm tại Khách sạn Bạch Liên, phía Đài Loan đã thực hiện nhiều biện pháp trả đũa, thanh trừng công đoàn và người lao động". Tình hình căng quá rồi. Minh phải báo cáo anh Trực và Ngộ.
Mới nghĩ như vậy, chưa kịp thực hiện thì Minh được tin phóng viên báo Việc Làm đăng ký gặp. Với thiện chí chân thành, Minh vui vẻ nhận lời. Đến gặp Minh là hai chàng phóng viên mà hình dáng giống như Đônkikhôtê và Xăngxô. Một, là Khánh Đô, cao gầy, để ria mép. Hai, là một phóng viên ảnh không rõ tên, thấp đậm, mắt một mí, vẻ mặt lúc nào cũng lìn lịt, miệng câm như hến. Độp một cái, Khánh Đô tấn công luôn:
- Tại sao chị không bênh vực người lao động tại Liên doanh?
Tuy hay nổi nóng những khi bị xúc phạm, Minh vẫn ôn tồn:
- Anh nghe có đầu có đuôi đã nào.
Chị trình bày một mạch tình hình Liên doanh, những việc làm tích cực của Tập đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhưng hai phóng viên chẳng thèm ghi chép gì cả. Thỉnh thoảng, Đô lại chọc một câu, đại loại như: Tại sao lại cắt hợp đồng đồng loạt. Tại sao lại ký hợp đồng lắt léo như thế. Tại sao để đối tác sa thải người lao động sai pháp luật. Và nhiều nữa những câu hỏi xóc hông, áp đặt. Nổi bật trong phương pháp làm việc của cậu phóng viên hợm hĩnh này là phương pháp siêu hình. Cậu ta tách mọi sự việc ra khỏi mối liên hệ với toàn bộ sự việc, cắt đoạn sự việc, không nhìn nó trong sự phát triển và không nhìn đến kết quả cuối cùng của nó. Nếu cậu Khánh Đô này cố tình vi phạm những nguyên tắc mang tính sơ đẳng của người làm báo như vậy, thì ắt cậu ta có ý đồ xấu. Còn nếu vô tình mà phạm phải, thì đó là phóng viên dốt nát. Cậy có mặt báo, cậu này vênh vênh ngạo mạn, coi một cán bộ lãnh đạo của một Tập đoàn Nhà nước như một tội phạm, còn cậu ta là công an đang điều tra can phạm. Trong giới làm báo ngày nay ở nước ta, sao lại lọt vào loại "nhà báo" dốt nát và hợm hĩnh như tay Khánh Đô này. Cuối buổi làm việc, Khánh Đô đề nghị chụp ảnh chị Minh. Tay phóng viên mặt lìn lịt đứng lên định lấy máy ảnh ra, thì chị Minh xua tay: "Tôi làm việc cả ngày, mệt nhọc, nhầu nhĩ lắm, xin các anh đừng chụp". Kết quả của cuộc gặp mặt này là một bài báo xúc phạm nặng nề Minh; kèm theo là một bức minh hoạ nhỏ vẽ một phụ nữ có dáng vẻ khá giống Minh.
Trong buổi họp lãnh đạo Tập đoàn, Minh nêu những vấn đề phức tạp ở Liên doanh và bàn cách xử lý. Ngộ thấy tình hình rắc rối quá, liền đánh bài chuồn - tôi bận đi miền Nam tổ chức đợt kinh doanh trọng tâm sắp tới, có gì anh Trực lo giùm. Trực bảo Minh một mặt báo sang Đài Loan để trì hoãn việc sa thải công nhân, một mặt mời mười một công nhân bị thông báo thôi việc lên hỏi kỹ thực chất vấn đề.
Nhìn những người công nhân mặt mày ảo não, thái độ khúm núm, Minh thấy vừa thương vừa giận. Đã khổ còn không biết cái thân, nghe xúi bẩy để bây giờ phiền luỵ. Từng người viết bản tường trình. Ai cũng viết rằng mình không tham gia cái gọi là đình công như báo đưa tin. Hôm ấy, họ được tổ trưởng thông báo nghỉ việc thì họ về, đình công là gì, họ không hiểu.
Tài liệu thu thập được cho thấy trong số mười một người viết đơn và bỏ việc hôm đó, có ba người là chủ mưu và cố tình phá kỷ luật, còn tám người bị ép buộc. Minh yêu cầu cả tám người này viết đơn xin được tiếp tục làm việc và hứa không vi phạm kỷ luật nữa. Chủ tịch Trực ký giấy bảo lãnh cho tám lao động này gửi sang Đài Loan. Thế là họ được trở lại làm việc. Một ngòi nổ nguy hiểm đã được tháo đúng lúc. Thế nhưng, khi đó, báo Việc Làm đã đăng lên trang nhất tin "Lại một vụ vi phạm nghiêm trọng Luật lao động tại Khách sạn Bạch Liên: Chủ Liên doanh người Đài Loan sa thải 11 công nhân tham gia đình công." Trong bài, Khánh Đô lặp lại lối viết của những bài trước: "Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Tuấn Lặng đã đến toà soạn báo với đầy đủ bằng chứng tố cáo việc làm phạm pháp của Liên doanh và bà Nguyễn Thu Minh... Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Tuấn Lặng là người đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Liên doanh và có công tố cáo vụ mại dâm tại Khách sạn Bạch Liên".
Những ngày tiếp theo, cũng vẫn báo Việc Làm độc diễn nhiều màn vu cáo, bôi nhọ. Nào là Tập đoàn Tri thức đi sai hướng, không biết bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam. Nào là Liên doanh vi phạm nghiêm trọng luật lao động, sa thải hàng loạt người lao động. Bài nào cũng nêu gương Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Tuấn Lặng, cũng nói rõ tài liệu báo có được là do Chủ tịch đem đến tận nơi cung cấp... Cái mác Chủ tịch Công đoàn được trưng lên khắp nơi, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức độc giả rằng đây chính là người đại diện chân chính cho toàn bộ những người Việt Nam làm việc tại Liên doanh.
Có lẽ từng động thái ở Việt Nam đều được báo sang Đài Loan, cho nên những thông tin thất thiệt đăng trên báo càng chọc tức Chu Dung. Ông ta ra roi tiếp: Thông báo đình chỉ lương, chức vụ Lê Đản, yêu cầu Lê Đản lập tức rời khỏi Khách sạn. Thế này thì quá thể rồi - Minh nghĩ. Đản là người do Tập đoàn Tri thức cử sang đại diện cho phía Việt Nam tham gia Liên doanh, rút về hay để lại là quyền của Tập đoàn chứ không phải là quyền của đối tác. Minh soạn văn bản cho anh Trực ký phản đối thông báo của Chu. Anh Trực sửa khá kỹ văn bản, rồi nhẹ nhàng bảo Minh: "Làm đối ngoại, ý chí phải kiên định, nhưng lời lẽ phải mềm mỏng." Nhận được công văn của phía Việt Nam, ngay hôm sau, Chu Mail sang rút lui bản Thông báo hôm trước, đồng ý để cho Đản tiếp tục làm việc tại Liên doanh.
Đối với Trực, việc xảy ra ở Liên doanh là việc nhỏ. Tập đoàn phải lo những việc lớn hơn, liên quan đến mấy chục thành viên của Tập đoàn nằm rải khắp đất nước. Vì vậy, thời gian qua anh chưa chú ý lắm đến Liên doanh này. Nhưng từ khi vụ mại dâm xảy ra, rồi những rắc rối trong nội bộ người Việt, những bài báo ác ý... anh bắt đầu bỏ thời gian chỉ đạo trực tiếp cách thức xử lý. Anh nhận thấy Đản đã không làm tròn nhiệm vụ, vi phạm phương châm đối ngoại, cần rút về Tập đoàn. Anh tham khảo ý kiến lãnh đạo Bộ, cán bộ chuyên quản của một số cơ quan, thì đều nhận được sự đồng tình. Anh tổ chức họp Ban Lãnh đạo. Việc rút Đản khỏi Liên doanh thế là được định đoạt. Để giữ thể diện cho Đản trước đối tác nước ngoài, lý do rút Đản về là đã tham gia Liên doanh quá lâu, cần luân chuyển công tác. Theo đúng Điều lệ, Tập đoàn thông báo bằng văn bản quyết định rút Lê Đản khỏi Liên doanh và quyết định cử người thay thế - đó là anh Nguyễn Thắng Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Sa Ba, cử nhân kinh tế, cử nhân luật, rất thạo tiếng Anh.
Cùng lúc, bên đối tác thông báo bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới thay Trương Nha. Đó là Nghiêm Kỳ Giang. Hôm họp với đối tác tại Đài Loan, con người cao to, da ngăm đen, hay cười mỉm, mà Chủ tịch Chu giới thiệu là một nhân vật đặc biệt, chính là anh chàng này đây. Trực không hài lòng lắm khi nghe thông báo nói trên. Đối tác tỏ ra non tay. Thay một loạt người cùng một lúc, đâu phải nước cờ hay. Lẽ ra, phải dùng tay Tổng Giám đốc Trương thực hiện trọn vẹn các ý đồ quản lý, rồi thay sau cũng được. Đằng này, cắt hợp đồng của Trương trước thời hạn, giữa lúc tình hình đang rối ren, khác nào xua nó vào phe chống đối mình.
Đản uất đến nghẹt thở. Làn da sần sùi những mụn của gã căng ra, làm cho những nốt mụn càng trồi lên, lởm chởm như gai mít. Mầu da vốn đã sạm càng sạm. Thế này thì quá thể. Trăm sự là vì con mụ Minh chết tiệt này. Ta phải tiếp tục tấn công. Trước hết, ta bồi tiếp đòn bôi nhọ mụ trên báo, bôi đậm hơn. Đản lại sai Lặng đi gặp Đô, cung cấp tài liệu kèm theo hai trăm đô la (chẳng cần đưa phong bì, móc ví xỉa ra hai vé cho nhanh, khỏi cần lịch sự). Báo Việc Làm đã lên khuôn. Khánh Đô dúi vào tay Phó Tổng trực một vé, vật nài xin bóc một bài ở trang nhất, điền bài của gã vào: "Sa thải Phó Tổng Giám đốc thứ nhất người Việt, Liên doanh Bạch Liên lại vi phạm Luật lao động". Trong bài, Khánh Đô chỉ trích đích danh bà Nguyễn Thu Minh vì ăn tiền của đối tác nước ngoài mà tiếp tay cho họ trị người Việt Nam, những người có công phá ổ mại dâm lớn tại Khách sạn Bạch Liên. Báo đăng thì cứ đăng. Công việc tiến triển thế nào thì cứ tiến triển như thế. Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến, hình như câu nói này ở trong một vở kịch nổi tiếng mà Minh đã xem từ thời bao cấp. Báo đấu tranh cho Đản. Đản vẫn phải rời ngai vàng về xứ. Tức đến uất nghẹn, đến bầm gan tím ruột. Đản viết đơn gửi Tổng Giám đốc - tôi chấp hành quyết định của Tập đoàn, nhưng tôi sẽ kiện Liên doanh ra toà án. Trước mắt tôi nghỉ ở nhà ít ngày. Nếu ông cần đến tôi điều gì tôi sẵn sàng lên trợ giúp và giải đáp. Một văn bản tối nghĩa và xấc xược như vậy, nhưng Lý Ngồ Ngộ đọc nó một cách nhẫn nhịn.
Trực chỉ đạo Minh tiếp tục thực hiện ý kiến đã thông báo cho bên đối tác là yêu cầu Chủ tịch Liên doanh thôi chức, thay bằng người khác. Muốn có cơ sở pháp lý rõ ràng, Trực ký văn bản đề nghị Cơ quan Chức năng cung cấp bản sao Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Dung. Chờ mãi không thấy cơ quan này phúc đáp, Trực cho làm văn bản thứ hai, yêu cầu văn thư đem tới tận nơi, lấy chữ ký xác nhận của văn thư Cơ quan Chức năng. Cùng lúc, Trực nhận được công văn của Sở Kế hoạch về vụ Liên doanh, trong đó có câu: "Yêu cầu Liên doanh Bạch Liên họp Ban Lãnh đạo để xử lý các vấn đề như sau: Tạm thời đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên doanh của ông Chu Dung để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo điều 25, điều 34 và điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam". Nhận thấy có thể sử dụng công văn này làm cơ sở pháp lý, Trực ký văn bản gửi cho Chu, yêu cầu ông ta thôi chức Chủ tịch Tập đoàn. Ngày mười sáu tháng mười một năm hai nghìn lẻ năm, Chu Dung đã có văn bản gửi Tập đoàn Tri thức tuân thủ pháp luật Việt Nam, "tạm thời ngưng quyền Chủ tịch Liên doanh, uỷ quyền cho Uỷ viên Liên doanh là bà Chin Thục Phương thay mặt chấp hành chức vụ và quyền hạn của Chủ tịch Liên doanh Bạch Liên". Trực mừng vì tay Chu này đã tỏ ra biết điều, nhanh chóng làm theo yêu cầu của phía Việt Nam. Nhưng anh lại băn khoăn: Chắc gì Chin Thục Phương được các cơ quan pháp luật Việt Nam công nhận là Chủ tịch Liên doanh, vì bà ta cũng có liên quan đến vụ mại dâm tại Bạch Liên. Minh xin ý kiến Trực về việc làm thủ tục đề nghị Sở Kế hoạch công nhận chức danh của bà Chin. Trực căn dặn:
- Làm việc phải kín kẽ Minh ạ. Trong trường hợp này, cần giữ được quan hệ bình thường với đối tác, nhưng phải chặt chẽ trong thủ tục hành chính. Không thể chối từ yêu cầu của Chu, vì hiện nay bà Chin vẫn là đại diện hợp pháp của đối tác. Nhưng cũng không thể đơn giản chấp nhận bà Chin, vì bà ta đang liên quan đến vụ án. Do vậy, cần làm văn bản cho Sở Kế hoạch nói rõ: Việc bà Chin làm Chủ tịch, theo Điều lệ, là thích hợp, nhưng về nhân thân bà Chin, Tập đoàn không có điều kiện nắm rõ, do vậy đề nghị Sở Kế hoạch thẩm tra và quyết định.
Trực đoán chắc Sở Kế hoạch không dám ra quyết định công nhận bà Chin. Thế thì sẽ dây dưa, phiền toái. Anh cảm thấy lo thay cho đối tác. Phía chúng ta, tiền gì thì cũng là tiền của Nhà nước góp vào Liên doanh, cử ai đại diện thì Nhà nước cũng có người đại diện hợp pháp. Còn đối tác, tiền là của riêng họ, họ phải tự quản lý. Gia đình Chu lại neo người, chỉ có hai vợ chồng, và hai đứa con đang tuổi học sinh. Vậy nếu cả hai không được tham gia quản lý đồng tiền của họ tại Liên doanh, thì họ trông cậy vào ai đây? Hôm họp ở Đài Loan, Trực đã gợi ý Chu bán lại toàn bộ cổ phần, phía Việt Nam sẽ đảm bảo bán giúp một cách hợp pháp và có lợi cho Chu, nhưng ông ta chưa chịu nghe. Nay nhùng nhằng thế này, biết thoát bằng ngõ nào? Tuy vậy, về phía Việt Nam, anh yên tâm. Ngọc đã đứng vững ở vị trí mới, có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Chức năng, bắt đầu điều hành công việc trở lại nền nếp. Cứ đà này, Liên doanh sẽ đứng vững và phát triển, cho dù Chủ tịch Tập đoàn chưa được công nhận chính thức.
Điên cuồng, Đản lại sai Lặng đến gặp Khánh Đô. Lần này ba vé được bay ra dẫn đường. Lặng yêu cầu Đô đánh trực tiếp vào Thủ lĩnh Trực. Đô cười tít, móc điện thoại: "Số điện của lão Trực là bao nhiêu?". Rồi hắn bấm số.
Theo lời hẹn, Khánh Đô cùng phóng viên ảnh mặt lìn lịt đến làm việc với Chủ tịch Mai Chính Trực. Anh tiếp hai phóng viên trong không khí thoải mái, cởi mở. Anh những mong hai phóng viên này hiểu thực chất tình hình, sẽ phản ánh trung thực lên mặt báo, giúp Tập đoàn yên ổn làm ăn. Thấy anh nói anh tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp, Đô khoe cũng tốt nghiệp từ cái lò đào tạo ấy ra. Trực nói đùa:
- Tôi cũng là nhà báo, còn là bố nhà báo và thầy nhà báo!
Thấy Đô nghếch mặt lên không hiểu, Trực giải thích:
- Tôi xuất thân từ nghề làm báo, và bây giờ vẫn viết báo. Con gái tôi là phóng viên. Tôi tham gia giảng dạy báo chí tại Học viện Báo chí Quốc gia. Thế có đúng tôi là nhà báo, bố nhà báo và thầy nhà báo không?
Nói vui như vậy, một mặt Trực muốn lấy tình đồng nghiệp tạo sự thông cảm với hai tay phóng viên này, mặt khác cũng muốn nói cho hai nhà báo biết nghề làm báo chẳng xa lạ gì với anh. Rồi Trực lục hồ sơ, cung cấp cho hai tay này khá nhiều tài liệu liên quan đến Liên doanh Bạch Liên. Phóng viên mặt lìn lịt chẳng nói chẳng rằng, cứ chụp ảnh lia lịa. Trực cũng để cho phóng viên tha hồ chụp các kiểu ảnh ở mọi góc độ. Khánh Đô tấn công:
- Là lãnh đạo, anh phải bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam trong Liên doanh.
Trực chỉnh lại:
- Phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Liên doanh, trong đó có người lao động Việt Nam. Không nên đối lập người lao động Việt Nam với Liên doanh. Liên doanh cũng là một bộ phận hợp pháp, quan trọng của xã hội này.
Khánh Đô sỗ sàng:
- Chị Minh đang ăn tiền của nước ngoài để chống lại người Việt. Anh không được bênh chị Minh. Anh mà bênh chị Minh, chúng em tấn công cả anh.
Trực đáp lại:
- Chưa có cơ quan chức năng nào kết luận chị Minh làm như anh nói. Tôi phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật.
Rồi Trực cảnh báo:
- Qua mấy bài báo, tôi thấy anh hay cắt xén lời nói của người khác, làm sai lệch nội dung.
Đô chống chế:
- Anh biết rồi đấy, khuôn khổ tờ báo có hạn, làm sao mà đưa hết các nội dung vào.
Trực rành rẽ:
- Không thể đưa hết, nhưng phải đưa trung thực nội dung cơ bản.
Hôm sau, đang giảng bài ở giảng đường Học viện Báo chí thì Trực nhận được điện thoại của Ngộ: "Anh coi báo Việc Làm chưa? Trời ơi, phóng viên Khánh Đô lại bêu xấu anh!". Sau khi bảo Ngộ cứ bình tĩnh, Trực tiếp tục giảng bài. Là Tiến sĩ Ngữ văn, lại có kinh nghiệm làm báo, tuy nhiều việc, bận như thế, nhưng Trực vẫn bố trí thời gian tham gia giảng dạy đại học và hướng dẫn học viên cao học về văn học, báo chí. Anh cảm thấy ngày nay việc đào tạo nhà báo của chúng ta có vấn đề. Ngày xưa, quá nhấn mạnh vào lý luận chung chung, vào chính trị tư tưởng, ít rèn luyện cho sinh viên kỹ năng làm báo. Còn ngày nay, ngược lại, quá chú trọng đến kỹ năng mà ít giảng dạy cho sinh viên về đạo đức, tư tưởng, trách nhiệm của người làm báo. Đáng ngại là phương pháp hoạt động báo chí được giảng dạy quá sơ sài, không đủ trang bị cho người phóng viên trẻ một quan điểm đúng đắn, để khi vào nghề, họ có ý thức rèn luyện cho mình một bản lĩnh chính trị vững vàng, một đạo đức nghề nghiệp trong sáng, một phương thức hoạt động khoa học, khiến cho không ít phóng viên vi phạm các nguyên tắc nghề nghiệp. Trong bài giảng của mình, Trực cố gắng bổ khuyết những thiếu sót đó. Anh những mong góp được một phần, dù là rất nhỏ bé, đào tạo cho đất nước những nhà báo có đức có tài. Anh giảng bài bằng cả tâm huyết và nhận thức sâu sắc của mình về nghề, về đời bằng lối giảng dạy mở, tạo điều kiện cho sinh viên học một cách chủ động. Anh khẳng định với sinh viên: "Quan hệ thầy trò là quan hệ phi kinh tế. Các em có thể làm phiền tôi bất cứ lúc nào để học cho tốt và không bao giờ phải lo quà cáp cho thầy. Các em nên người, đó là món quà duy nhất tôi mong được nhận!". Trong thời buổi thị trường này, cái gì cũng được nhìn qua lỗ đồng tiền, thì lời nói của Trực quả thật là lạ với sinh viên. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn học thầy, các em hiểu ngay đó là lời nói chân thành, và các em luôn "làm phiền" thầy để được học một cách thực chất.
Trước hiện trạng quá nhiều báo đăng bừa bãi những bài sai sự thật hoặc gây bất lợi cho quốc gia, Trực đau lòng lắm. Khi còn ở Bộ, anh từng nêu vấn đề với cơ quan quản lý rằng cần có diễn đàn để phê bình báo chí, có cơ quan chuyên nghiên cứu, phê bình báo chí. Tại sao văn học có cơ quan nghiên cứu, phê bình, có hoạt động phê bình văn học khá sôi nổi, mà báo chí thì không? Tại sao một số báo xa rời tôn chỉ mục đích, chỉ thiên về nêu những mặt trái của xã hội, nhiều khi nêu không chính xác, lại không bị xử lý nghiêm minh. Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, thế nhưng nhìn trên rất nhiều mặt báo thấy một mầu đen kịt với những vụ tham nhũng, những tệ nạn xã hội. Những bài viết trên nhiều báo đánh tiêu cực, lại nặng về moi móc những chuyện vặt vãnh đời tư nhằm câu khách, với rất nhiều thông tin mang tính đồn thổi, bóp méo. Trên báo Việc Làm, chuyện hai xã mâu thuẫn nhau ở Nghệ An dẫn đến việc đốt cháy bẩy đống rơm, thì được viết thành đốt cháy bẩy căn nhà! Lối viết ấy, không những không chống được tiêu cực, mà còn mang tính kích động, gây thêm căng thẳng trong quan hệ dân sự.
Về cơ quan, Trực đã thấy tờ báo Việc Làm nằm trên bàn làm việc. Nhìn bài báo đăng ảnh mình cùng với hàng tít: "Lãnh đạo Tập đoàn Tri thức tiếp tay cho tội phạm nước ngoài", Trực cười khẩy. Cứ vu cáo, bôi nhọ đi, rồi hối không kịp đấy. Vừa lúc ấy, Minh gõ cửa và sầm sầm bước vào phòng Trực. Chị xồn xồn: "Thế này thì chịu làm sao được anh Trực ơi. Thằng nhà báo nhãi ranh này lại dám hỗn láo cả với anh à?". Trực bảo Minh ngồi xuống uống nước và trấn an chị: "Em cứ bình tĩnh, kiên trì và kiên định. Ta cần tập trung giải quyết thật tốt vấn đề nội bộ. Tất cả cũng từ nội bộ mà ra." Minh quày quả bước ra, về phòng ngồi ngẫm nghĩ.
*
* *
Nằm nhà, Đản đọc lại các bài báo nói về vấn đề Bạch Liên, có đến ba bốn chục tin bài cả thảy, riêng báo Việc Làm đã chiếm hai mươi sáu tin, bài. Suy tính, Đản rút ra kết luận vô tích sự. Bôi nhọ Trực và Minh liệu có đem lại kết quả gì? Kể ra, từ một bài báo nào đó, nhất là bài báo đánh lão Trực, Văn phòng Chính phủ, hoặc ít nhất là Bộ Nhân văn, phải có văn bản yêu cầu Tập đoàn kiểm tra, làm rõ vấn đề, báo cáo chậm nhất là sau 15 ngày, để từ đó, báo đăng tiếp Từ bài báo của báo... số... ngày... Chính phủ (hoặc Bộ) đã có văn bản chỉ đạo phải điều tra, xử lý nghiêm những người vi phạm... làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh nội bộ. Đằng này, cứ im như thóc, chẳng ai buồn quan tâm, chỉ đạo. Những người biết lão Trực, mụ Minh đều nói tôi không tin họ lại làm như báo nói. Tôi biết họ là người của công việc, vô tư và chí công. Báo chí bây giờ nhiều khi đăng tin lăng nhăng lắm, đừng tin. Còn những người không quen biết Trực, Minh, thì họ nghĩ thế nào sau khi đọc báo, có tác động gì đến cuộc đấu đá này đâu. Cuối cùng, Đản rút ra kết luận là phải chấm dứt chiến dịch bôi nhọ, vu cáo trên báo - chỉ tốn tiền của, thời gian vô ích. Đản nghĩ đến quan thầy của mình - Hoàng Phu, một chuyên gia đấu đá, Đại Sư phụ đủ thứ. Vùng dậy, Đản mặc quần áo, phi thẳng xe đến nhà Hoàng Phu.
Phạm Việt Long
Link nội dung: //revcat.net/gia-tu-tieu-thuyet-cua-pham-viet-long-chuong-hai-doi-tac-mat-nhan-nhum-a5135.html