Một trong những câu chuyện đầu tiên được bố kể trong nhà là về người chiến sĩ báo tin. Chuyện xảy ra hồi kháng chiến chống Pháp. Đó là trận công đồn Tu Vũ, trong chiến dịch Hòa Bình.
Trận đó không thành. Điều bất ngờ là quân Pháp còn có xe tăng và bố trí quân phản công. Mất chỗ nào lại cho quân theo xe tăng đi kèm đánh chiếm lại ngay. Quân ta lạ lẫm lắm với xe tăng. Còn nhớ, hồi đó khi gặp anh hùng Cù Chính Lan từng gọi nó là cái lô cốt biết chạy.
Sáng hôm sau, cả một đại đội ta bị kẹt lại, lâu rồi, không nhớ phiên hiệu nữa. Chỉ nhớ, đơn vị quyết định cho người về báo để cho quân đến giải vây. Chính trị viên dặn đi dặn lại, phải về báo bằng được với chỉ huy ở nhà. Anh em nổ súng yểm người chiến sĩ vượt qua trận địa vây hãm.
Khi đó, bố ở trạm quân y tiền phương. Đang ở gần hầm phẫu bỗng có một thương binh. Khám thì thấy anh hi sinh đã lâu. Nghe kể, người ấy chạy về, báo cáo với chỉ huy xong mới ngã xuống. Anh em quân y đều ngỡ ngàng. Đạn trúng tim. Lí ra chết đã lâu rồi, sao còn chạy được. Nghĩ mãi không ra. Theo kể lại, khi bắn yểm hộ, thấy anh lao lên. Chợt chững lại một chút rồi lại lao đi tiếp.
Với vết thương như thế về sinh lí người lính ấy đã chết mới phải. Vì thủng tim, mất máu, làm sao máu đến não được. Lí ra anh đã chết từ lâu trước khi về đến đơn vị. Và sở dĩ anh còn chạy được chính là nhờ ý chí, phải làm cho xong nhiệm vụ. Bố bảo, khi đó người lính tồn tại nhờ năng lượng thần kinh. Sức mạnh của năng lượng thần kinh đã được thể hiện như vậy đấy.
Theo Trái tim người lính
Trịnh Xuân Tiến
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-bao-tin-a5099.html