Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải thích như sau: "Cau vừa phơi tái qua một nắng (thì ăn ngon hơn); gái vừa mãn tang chồng (thì ăn nằm cùng sẽ thích hơn); chim vừa ra ràng (thì ăn sướng miệng hơn); gà gại ổ (lần đầu thì ăn sướng miệng hơn). (tr. 129).
Chắc nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới câu Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà gại ổ. Và cũng chính Nguyễn Đức Dương (trong sách trên, tr. 260) giải thích: "Cơm vừa chín tới (thì ăn mới ngon); cải vừa trổ ngồng non (thì ăn mới đã); gái mới có một con (thì trông mới bắt mắt); gà mới gại ổ lần đầu (thì ăn mới khoái mồm)".
Câu sau rõ ràng là quen thuộc hơn. Vì nó xuất hiện với tần số cao hơn và cũng dễ được chấp nhận hơn. Bởi ăn "cơm chín tới" (để cảm nhận là ngon) thì đa số mọi người đều đã từng biết trong đời thường, chứ ăn "cau phơi tái" (để phân biệt sự ngon với các loại cau khác, như cau mới bổ, cau khô...) thì chỉ mấy bà ăn trầu biết với nhau thôi.
Tựu trung, mấy biến thể tục ngữ này đều xoay quanh một suy luận ngữ nghĩa đồng hướng: "Mỗi sự vật, mỗi đối tượng chỉ thể hiện giá trị tốt nhất trong một thời điểm, một giai đoạn, một hoàn cảnh (cơm nấu, rau cải, thịt gà, thịt chim, quả cau cần chọn thời điểm nào sử dụng là thích hợp nhất, ngon nhất; những cô gái sau khi sinh lần đầu (con so) thường có sự nhuận sắc về ngoại hình, nom tươi trẻ, đầy sức sống và hấp dẫn, còn những cô gái vào thời điểm "đoạn tang" (hết thời kì để tang) thường khao khát tình cảm (và tình dục)". Đây là những kinh nghiệm đúc kết từ dân gian mà có lẽ qua thời gian, người đời đều nghiệm thấy là đúng.
Ở đây, tôi muốn bàn thêm tới 2 ý nhỏ, liên quan tới 2 vế trong các câu tục ngữ mà có thể còn phân tán về cách hiểu.
Đó là vế 2 trong 2 câu "cau phơi tái, gái đoạn tang..." và "cơm chín tới, vợ mới về". Cũng bởi nó liên quan tới phụ nữ và sự đánh giá phụ nữ.
Có đúng là "gái đoạn tang" theo Nguyễn Đức Dương lí giải là "gái vừa mãn tang chồng" thì "ăn nằm sẽ thích hơn"?
"Ăn nằm" là một tổ hợp nói "sự chung đụng thể xác giữa nam và nữ". Nói khác đi là "giao hợp", "ân ái" hay "quan hệ tình dục". Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, người thân của ai đó bị chết (như con cái, vợ, chồng, anh em thân tộc...) phải chịu đại tang trong khoảng thời gian 3 năm (thường chỉ 27 tháng). Trong thời gian đó, người đang chịu tang phải kiêng tránh: không tổ chức việc cưới hỏi, thi cử, chúc tụng (chúc Tết chẳng hạn), khai trương cửa hàng hay kinh doanh buôn bán, không đi xa... Riêng với phụ nữ trong thời gian chịu tang chồng, không được quan hệ thân tình với người ngoại tộc khác giới, đặc biệt, không được kết hôn hay quan hệ xác thịt (với ai đó) nếu chưa mãn tang (xả tang).
Quy định này quả là khắt khe với người phụ nữ, nhất là những cô gái trẻ. 3 năm rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc đời họ, nhất là khi còn đang xuân sắc (Hai mươi bảy tháng chàng ơi/ Bao giờ cỏ mọc cho tôi lấy chồng - ca dao). Nhưng cách giải thích của Nguyễn Đức Dương nghiêng về đánh giá cảm xúc của người đàn ông (thích thú khi ăn nằm với cô gái vừa qua đoạn tang, chắc là cô sau một thời gian chịu đựng, bị dồn nén nên bộc lộ "cao trào" hết cỡ?). Thực tế, tâm trạng của "gái đoạn tang" biểu hiện qua nhiều mặt: 1) yên lòng, thoải mái về tâm lí sau khi thực hiện một nghĩa vụ cao cả (theo giáo lí phong kiến) là giữ tròn đạo nghĩa; 2) trở thành người tự do trong việc "đi bước nữa" (nếu có cơ hội “làm lại cuộc đời”); 3) khát khao tình cảm nói chung trong đó có cảm xúc tình dục. Tất nhiên, các cô gái này dù có thèm khát tình cảm và sinh lí đến mấy cũng phải qua các bước lựa chọn và cưới hỏi (các cô không thể "mở cửa xả trại" và các chàng trai cũng đừng vì thế mà lợi dụng để bờm xơm).
Còn Cơm chín tới, vợ mới về được Nguyễn Đức Dương giải thích: "Cơm thì chẳng có thứ nào ăn ngon như thứ vừa chín tới; vợ thì chẳng có thứ nào ăn nằm thích thú như mới cưới về". Vẫn theo hướng cắt nghĩa nghiêng về "sự thưởng thức cuộc sống": Cơm đến vừa độ chín (chín tới) là cơm ở độ chín vừa phải, giữ được sự tươi ngon, ăn rất hấp dẫn. Cũng như các cô gái trẻ mới lấy chồng đang "hăng", đang sung sức nên đáp ứng cao nhất những ham muốn tình dục của phía đàn ông. Về chủ đề này, trong mọi biến thể của câu tục ngữ, không hiểu sao phụ nữ luôn được đem ra làm "tiêu bản" ví dụ. Như thế có "công bằng và dân chủ" không nhỉ? Bởi quan hệ nam nữ là quan hệ hai chiều cơ mà. Nói thế là có hàm ý coi sự thưởng thức phái đẹp cũng giống như sự thưởng thức những sự vật khác trong cuộc sống.
Chàng ơi, phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
(ca dao)
Phạm Văn Tình
Link nội dung: //revcat.net/cau-phoi-tai-gai-doan-tang-a5084.html