Trong một lần đến chơi với nhạc sỹ kiêm nhà thơ Ngọc Thanh, chúng tôi được anh cho xem quả bàng vuông. Đây là món quà anh mang từ Trường Sa về trong một chuyến công tác. Quả bàng vuông đã khô, ngả màu vàng sẫm, có bốn cạnh vuông, chóp nhọn nhìn lạ mắt, trông nó giống cái lồng đèn vậy. Chúng tôi được anh kể sơ qua về xuất xứ của cây bàng vuông này. Sở dĩ có tên bàng vuông vì quả nó vuông chứ không thuôn tròn như quả bàng thường. Bàng vuông còn có tên là bàng bí, lá xanh sẫm, to bản hơn lá bàng thường, nó dài chừng ba mươi phân, rộng chừng mười lăm phân. Ngày tết thiếu lá dong, chiến sỹ ta vẫn dùng lá bàng vuông gói bánh chưng, bánh vẫn xanh và ngon.
Bàng vuông thích hợp nơi đất ngập mặn ven biển nhiệt đới và đảo, được trồng nhiều ở khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Ở nước ta cây bàng vuông được trồng ở Trường Sa.
Bàng vuông ra hoa vào mùa xuân. Búp hoa màu trắng muốt, thường nở ban đêm. Hương hoa thơm nhẹ, thanh khiết. Khi nở nhụy hoa bung thành những chùm tia màu trắng, phía trên màu tím có hạt phấn vàng tươi. Cả một mùa hè trên đảo Trường Sa những cây bàng vuông tỏa bóng mát mặc cho cái nắng, cái gió khắc nghiệt. Mùa đông đến lá bàng vuông lìa cành, giương lên trời những cánh tay khẳng khiu, ẩn chứa một sức sống mãnh liệt để khi xuân sang những cái mắt lá non lại bừng sáng.
Bàng vuông thuộc loại thân cây gỗ vừa, đã được mang về đất liền và được trồng như cây công trình cho bóng mát.
Cây là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ, dẻo dai chịu đựng thời tiết khắc nghiệt nơi hải đảo, là tượng trưng cho người chiến sỹ hải quân dũng cảm, bàng vuông còn có một cái tên trìu mến là CÂY BÀNG TRƯỜNG SA.
Huỳnh Hồng Điệp
Link nội dung: //revcat.net/cay-bang-vuong-a4914.html