LẦU TRÊN SÔNG
(Năm Bính Thìn-1736)
Sừng sững đến cả trăm thước, lầu rất cao,
Nhìn xuống dòng sông trong, khí ban mai bồng bềnh.
Nhà ngọc chênh vênh, lâu đài nhả ra hơi nước huyền ảo,
Rèm ngọc óng ánh, ánh trăng nhuốm màu thu.
Khói mờ, núi và hoa khép mi,
Gợn nước lăn tăn, sóng cùng mắt say lóng lánh.
Cảnh trí xem ra hứng thú vô hạn,
Phóng bút viết câu thơ mới ghi lại cuộc chơi thú vị này.
Dịch thơ
Lầu cao sừng sững nguy nga,
Sông trong soi bóng, nhập nhòa sương mai.
Chênh vênh huyền ảo lâu đài,
Rèm châu lấp lánh, trăng cài vẻ thu.
Khép mi hoa núi khói mù,
Sóng say cùng mắt, làn thu điệp trùng.
Cảnh quan hứng thú vô cùng,
Mượn câu thơ tỏ riêng chung tình này
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là bài thơ thần đồng Lê Quý Đôn viết khi mới 10 tuổi, khi “cậu ấy” theo cha đi thăm thú một số nơi, trong đó, có cả vùng núi Chí Linh, tỉnh Hải Dương, núi Lạn Kha, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh và nhiều danh lam thắng cảnh khác ở vùng châu thổ sông Hồng, ra tới vùng An Bang mênh mông sông nước núi non…Sao biết điều này? Là vì căn cứ vào phần phụ đề, hoặc chú thích của các bài thơ của tác giả. Ví như bài thơ LẦU TRÊN SÔNG đây, tác giả viết năm Bính Thìn (1736). Lê Quế Đường tiên sinh ra đời năm 1726.
Lê Quý Đôn bẩm sinh đã có biểu hiện của một thiên tài. Sáu tuổi, “cậu ấy” đã đọc thông các sách kinh điển của Nho gia. Mười tuổi đã làm thơ vững vàng, chững chạc như một thi nhân có cỡ.
Tuy nhiên, cảnh thiên nhiên trong bài thơ LẦU TRÊN SÔNG là cảnh cụ thể ở đâu? Thực ra, đấy là cảnh một cái lầu trên sông, do chính thiên nhiên “sáng tạo” ra mà thôi. Cái gọi là “Đài thổ thận” là cái đài nhả ra hơi nước huyền ảo, chợt thấy, rồi nó lại bất chợt tan biến đi. Ánh mặt trời chiếu xuống lòng sông, trong khoảnh khắc nào đó, nó hiện lên hình ảnh một ngôi lầu sương khói huyền ảo, muôn màu muôn sắc, lung linh độc đáo vô cùng.
Dưới con mắt thi nhân “nhí” Quế Đường tiên sinh, hình ảnh ngôi lầu do ánh sáng ban mai và khói sương tạo tác, hiện lên thật lộng lẫy, sinh động lắm. Nó cũng chỉ xuất hiện trong nắng sớm ban mai trên sông trên biển. Này là “nhà ngọc chênh vênh, lâu đài nhả ra hơi nước huyền ảo”. Rồi thì “rèm châu óng ánh, trăng nhuốm màu thu”. Xa xa núi mơ mơ, núi và hoa như vờ khép mi. Thêm nữa, gợn nước lăn tăn, sóng cùng với mắt đều say lóng lánh…Quả là một kỳ quan tuyệt tác như đang tự mình huyễn hoặc, đang tự mình tôn tạo vẻ kiều diễm ngây thơ trong sáng ộng lẫy đến mê hồn.
Nhưng mà đấy chỉ là một cái lầu bằng bọt khí do hơi nước mà thôi. Nó không thể tồn tại mãi trên cõi thực. Nó là một giấc chiêm bao đẹp đến nao lòng. “Thận”, chính là hình ảnh con ngao, con sò phun bọt tạo ra hình ảnh kỳ thú, cũng đã thấy một số nhà thơ đưa vào thơ mình, dần dà trở thành điển tích văn chương. Nguyễn Trãi cũng đã từng tả cảnh này. Có sách ghi là “thẫn”. “Thẫn”, hay là “thận”, cũng chỉ là theo cách ghi, cách phiên ra đấy thôi.
Thi sĩ “nhí” thần đồng Quế Đường 10 tuổi đã sáng tạo được một bài thơ “già dặn” đến ngỡ ngàng. Nếu không có cái phần phụ đề, thì sao có thể phân biệt được thơ “trẻ” hay thơ “già”!
V-B-L
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: //revcat.net/tho-nhi-nhung-tinh-y-gia-a4831.html