Lồng ghép giữa thực và mộng
Nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long sinh năm 1946 tại Hà Giang, quê gốc ở Ninh Bình. Ông đã nhận một số giải thưởng như: Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập sách “Bê trọc”; Giải C sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất - năm 2018 với tập sách “Bi Bi và Mặt đen”; Giải Nhất Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với tập sách “Hát mãi Trường Sa ơi”; Giải Khuyến khích Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với tập sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”. Tác phẩm mới nhất của ông là tập truyện “Phong lan về trời” (NXB Dân trí, 2020).
“Phong lan về trời” có thể được coi là sự đổi mới triệt để trong chính ngòi bút của nhà văn. Ông đã đi từ cuộc sống hiện thực trần trụi và biến chúng thành những câu chuyện mang tính nghệ thuật cao. Trí tưởng tượng của nhà văn ở tác phẩm này đã dẫn dụ người đọc đi vào cõi mộng, đi vào cổ tích.
Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng nhận xét: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”. Nhận xét này của nhà văn Ma Văn Kháng về nhà văn Phạm Việt Long rất đúng. Ở nhà văn khi mà tuổi đời không còn trẻ, khi mà sức khoẻ không được sung sức thì trí tưởng tượng lại đạt ở mức cao nhất.
“Phong lan về trời” là tập truyện ngắn đa sắc của tác giả Phạm Việt Long. Cái nhìn tinh tế của một người từng trải và sâu sắc được thể hiện rõ trong nhiều sáng tác của ông. Mỗi truyện ngắn làm một thanh âm khác nhau của cuộc sống với bao hỉ, nộ vô thường. Những câu chuyện rất thật, rất đời nhưng khiến người đọc luôn phải suy ngẫm.
Đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhà văn văn Phạm Việt Long đã trải qua nhiều vui buồn của kiếp nhân sinh, những trải nghiệm quý giá ấy đều được ông chắt lọc, đưa vào trang viết. Với “Phong lan về trời”, người đọc sẽ bắt gặp nhiều truyện ngắn thấm đẫm hoài niệm về đời sống như: Dạ hương, Hoa trắng tinh khôi, Ngờ vực. Dạ hương là một truyện ngắn giàu mỹ cảm. Con người ta vẫn rao giảng rằng cần trân trọng cái đẹp, nhưng thói đời những lời nói ấy chỉ hão huyền như gió thoảng mây bay mà thôi. Khi phần “con” trỗi dậy và lấn át phần “người”, cái đẹp thường bị vùi dập, bị áp bức chứ không hề được nâng niu, trân trọng. Chỉ người biết yêu cái đẹp, mới có diễm phúc được tận hưởng cái đẹp thanh thuần, rực rỡ và đạt đến độ cực thịnh của mỹ cảm.
Trong truyện ngắn này, tác giả Phạm Việt Long đã khéo léo lồng ghép giữa thực và mộng. Câu chuyện tang thương của cô gái đẹp bị lợi dụng, bị đối xử tàn tệ được kể rất khéo léo khi ẩn hiện trong câu chuyện về loài hoa dạ lan hương có mùi thơm nồng nàn. Người viết đã đem đến cho bạn đọc một cái kết nhẹ nhàng, đầy nhân văn, nhưng vẫn làm độc giả thấy day dứt.
Hướng đến cái đẹp, nhân văn
“Vợ chồng…6 tháng” là một tứ truyện giản dị, nhưng nó gửi gắm trong đó là bao thông điệp ý nghĩa. Hãy sống thiết tha với cuộc đời, trân trọng những gì mình đang có, và yêu thương người thân khi còn có thể. Hai vợ chồng già, đã bên nhau hơn nửa đời người, nhưng vì những nhiễu nhương đời sống, mãi sau này họ mới có được tấm giấy đăng ký kết hôn. Cứ tưởng sống với nhau từng đó năm, vượt qua bao nhiêu khó khăn, chuyện giấy tờ thủ tục không còn quan trọng nữa. Nhưng không có giấy tờ chứng thực, bao nhiêu phiền phức sẽ kéo đến với người ở lại, khi bạn đời của họ khuất núi. Một câu chuyện cảm động giữa tình và lý, giữa cái mênh mông của tâm hồn và cái chật hẹp của luật lệ, quy ước. Tất cả được kể một cách dung dị, đầy nhân văn.
Nhiều năm vào sinh ra tử trên chiến trường, ký ức của một người lính đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều truyện ngắn của tác giả Phạm Việt Long như: Người mẹ và con chó nhỏ, Rắn thần, Hơi ấm rừng chò. Những kỷ niệm còn vương mùi thuốc súng dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già. Trải qua cơn binh lửa, người ta tưởng rằng điều đáng sợ nhất là cái chết, đã vượt mặt cả thần chết thì chẳng còn gì đáng sợ nữa. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Có những thứ đáng sợ hơn cái chết. Đó là sự tha hóa, biến chất của con người.
Những giá trị tốt đẹp trước kia không còn nữa. Đồng tiền đã làm con người ta tha hóa, biến chất. Bởi vậy, người quen hóa xa lạ. Tình cảm bạn bè, đồng chí trước kia cũng vì thế mà phai mờ. Là một người tin vào luật nhân - quả nên các truyện ngắn của tác giả Phạm Việt Long đều thể hiện rõ điều này. Ông luôn cho các nhân vật của mình một cái kết rất rạch ròi, người tốt được báo đáp, kẻ gian phải nhận sự trừng phạt thích đáng. Với tác giả, văn chương không đơn thuần là kể chuyện, dựa vào vốn sống và ngòi bút, người viết có thể gửi gắm những bài học đầy nhân văn tới độc giả.
Các truyện ngắn của Phạm Việt Long đều có kết cấu khá đơn giả, ông không theo đuổi thứ văn hoa mỹ, cầu kỳ, sự duy mỹ trong sáng tác của nhà văn này nằm ở các hình tượng và nhân vật mà ông theo đuổi. Là người từng trải, các trang viết của tác giả mang đậm hơn thở của đời sống. Có thể nói “chất đời” thấm đẫm trong từng trang văn của ông.
Với gần 300 trang, “Phong lan về trời” đã mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm, từ buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc, đến những chuyện tâm linh khó hiểu nhưng đã cho thấy, sự lương thiện, tốt đẹp của con người sẽ gặp điều tốt. Sống không ra gì, xấu xa, kết cục sẽ gặp chuyện đau lòng, không hay.
Ở tập truyện này, đáng chú ý có truyện vừa “Hơi ấm rừng chò” là truyện viết về chiến tranh, được nhà văn miêu tả sống động qua mỗi nhân vật. Cuộc sống đang bình dị, tình yêu sẽ có kết quả đẹp, nhưng chiến tranh đã lấy đi tất cả. Nhà văn đã đưa tính dục vào một cách khéo léo, nhưng đẹp và nhân văn. Ông đã vượt qua được lối kể viết về chiến tranh trong bộ “Bê trọc”, câu văn gọn và gợi hơn.
Nhà văn Phạm Việt Long từng nói về bút pháp đã sử dụng trong “Phong lan về trời”: “Cuốn này tôi viết 15 truyện ngắn, một truyện vừa. Dù rằng viết thời gian khác nhau nhưng tựu trung một ý tưởng. Trong bút pháp tôi tận dụng nhiều hơn phương pháp kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo, giữa vật chất cuộc sống bình thường và đời sống tâm linh”. Nhà văn đã vận dụng kinh nghiệm sống, bài học từ cuộc sống để đưa vào truyện. Vì vậy, tập sách còn mang tính giáo dục cao.
Ở ngoài đời, nhà văn sống giản dị, chuẩn mực. Có lẽ chính lối sống này đã ảnh hưởng nhiều đến những trang văn của ông. Qua tập truyện này, chúng ta mường tượng được rằng, nhà văn có lẽ sẽ không dừng lại ở đây, mà tiếp tục sáng tạo cống hiến cho văn học nghệ thuật. “Phong lan về trời” đã mang một Phạm Việt Long khác đến cho bạn đọc. Và qua đây, người đọc đã lấy ra được cho mình những cái thiết yếu nhất cho đời sống đẹp và lương thiện hơn.
Vũ Đoàn
Link nội dung: //revcat.net/nhan-sinh-quan-trong-phong-lan-ve-troi-cua-nha-van-pham-viet-long-a4121.html