Người lao động giải quyết quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng |
Các đợt dịch COVID-19 trong năm 2020, năm 2021 diễn biến rất phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân… Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này hết sức nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, có thể khiến nhiều người dân gặp khó khăn hơn, trở ngại hơn trên con đường thoát nghèo.
Từ thực tế đó, tại phiên họp chiều 25/6/2021, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện. Và 1 tuần sau, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết ước tính khoảng 26.000 tỷ đồng.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chính sách này thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động, với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó, được đánh giá là một chính sách nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, là một nghị quyết đi vào “lòng dân”.
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (năm 2020) và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới, gói hỗ trợ lần này (Nghị quyết 68) đã tháo gỡ nhiều “nút thắt”, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Cụ thể, một "điểm nghẽn" của gói hỗ trợ lần trước là tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, nhưng nay đã được tháo gỡ. Chính phủ cũng đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Chính phủ hoan nghênh các địa phương hỗ trợ cao hơn "mức sàn" quy định.
Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021, các ca bệnh F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng). Trẻ em bị COVID-19 hoặc cách ly y tế được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly. Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Cũng theo Nghị quyết 68, điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Gói hỗ trợ lần này cũng là lần đầu áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ra ngay các gói cứu trợ và từ đó đến nay, vẫn một tinh thần bền bỉ “khoan thư sức dân”, chính sách mới được ban hành ngày càng dễ hiểu, dễ làm, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân.
Tuy nhiên, chính sách được ban hành tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu các cấp chính quyền địa phương không thực sự sâu sát, trách nhiệm, thì sẽ còn một bộ phận người dân có thể bị thiệt thòi vì bệnh quan liêu, xa dân. Việc tổ chức thực hiện chính sách phải gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và người được thụ hưởng cũng phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương, chắc chắn rằng, Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Đức Tuân
Link nội dung: //revcat.net/mot-nghi-quyet-duoc-ban-hanh-kip-thoi-di-vao-cuoc-song-a4036.html