Phiên âm:
Bạo Sở cường Tần tương kế tru,
Ung dung ấp tốn bá nam tu.
Tự ngu tận khả xưng hoàng đế,
Lạc thiện hoàn năng khuất thụ nhu.
Bách xích cao đài khuynh Lĩnh Biểu,
Thiên niên cổ mộ một Phiên Ngung.
Khả niên thế đại tương canh diệt,
Bất cập Man Di nhất lão phu.
Dịch nghĩa:
THĂM CẢNH CŨ CỦA TRIỆU VŨ ĐẾ
Sở và Tần là hai nước cường bạo, đã nối nhau diệt vong,
Ông cứ ung dung nhún nhường làm bá chủ phương Nam.
Tự vui đùa thừa sức xưng hoàng đế,
Ưa thích yên lành sao có thể chịu khuất anh nhà Nho ngu ?
Đài cao trăm thước bên ngoài Lĩnh Biểu đã đổ,
Ngôi mộ cổ ngàn năm ở Phiên Ngung không còn.
Thương thay các triều đại cứ lần lượt thay đổi,
Xem ra không ai bằng được một ông già Man Di !
Dịch thơ:
THĂM CẢNH CŨ CỦA TRIỆU VŨ ĐẾ
Sở, Tần cường bạo cũng diệt vong,
Phương Nam hùng cứ chỉ một ông !
Vui đùa thừa sức xưng Hoàng đế,
Thích yên lành, đâu khuất kẻ ngông ?
Lĩnh Biểu đài cao nay đã đổ,
Phiên Ngung giờ chẳng thấy mộ ông.
Thương thay hưng phế bao triều đại,
Ai sánh Man Di một Lão ông !
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là bài thơ Nguyễn Du (1776-1820) viết trên đường đi sứ sang Tàu, ở đời nhà Thanh, được chép trong tập thơ BẮC HÀNH TẠP LỤC. Trên đường đi sứ sang Tàu (1813), Nguyễn Du, với tư cách là chánh sứ, tức trưởng phái đoàn ngoại giao của triều đình phong kiến nhà Nguyễn Việt Nam. BẮC HÀNH TẠP LỤC là ghi chép những chuyện linh tinh, những chuyện lặt vặt trên đường đi sứ lên phương Bắc, vào năm Quý Dậu (1813).
Bài thơ THĂM CẢNH CŨ CỦA TRIỆU VŨ ĐẾ (Triệu Đà), thể hiện rất rõ cảm quan lịch sử, nhận thức lịch sử và đồng thời là cảm xúc chân thành của Nguyễn Du khi tác giả đi qua Phiên Ngung (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc), kinh đô cũ của nhà Triệu nước Nam Việt xưa (207 -111tr. Cn) của các tộc người Bách Việt xưa, vốn tồn tại rực rỡ hàng trăm năm, cường thịnh chả thua kém gì nhà Hán của người Hoa-Hán.
Nhưng nước Nam Việt vĩ đại của chúng ta dưới triều Triệu Vũ Đế, tiếp nối sự nghiệp của các vua Hùng như chính sử nước ta đã khẳng định, đã không còn nữa. Năm 40 sau công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn dòng dõi vua Hùng, nổi dậy đánh đuổi Thái thú Tô Định, giải phóng 65 thành trì, giành lại toàn bộ đất đai của nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế, tương đương các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đến bán đảo Hải Nam Trung Quốc ngày nay, đóng đô ở Mê Linh (Hà Nội ngày nay). Nhưng cũng chỉ được 3 năm, nước Nam Việt lại bị Mã Viện tướng nhà Hán đem đại binh sang cướp mất.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Du viết:
Sở và Tần là hai nước cường bạo đã nối nhau diệt vong,
Ông cứ ung dung nhún nhường làm bá chủ phương Nam.
Trong cuộc tranh hùng tranh bá ở thời Chiến quốc, Hạng Vũ nước Sở binh hùng tướng mạnh, đã tiến vào kinh đô Hàm Dương của nước Tần (221 tr. Cn-207 tr.Cn), tiêu diệt quân Tần và đốt cháy toàn bộ cung điện của nước Tần. Nhưng Lưu Bang có nhiều mưu sĩ giỏi, đã đánh bại Sở Bá Vương, thống nhất thiên hạ, lập ra nhà Hán (206 tr.Cn-220 sau.Cn). Như vậy, cả một giai đoạn lịch sử kéo dài, biết bao biến cố thăng trầm, Nguyễn Du chỉ gói gọn vào một câu thơ “Sở và Tần là hai nước cường bạo đã nối nhau diệt vong”. Câu thơ thứ hai là viết về Triệu Đà (Triệu Vũ Đế), nhân vật lịch sử và đồng thời là nhân vật trữ tình của bài thơ này, rằng “Ông cứ ung dung nhún nhường làm bá chủ phương Nam”.
Hai câu thơ mở đầu, đã khái quát được đầy đủ biến cố quan trọng của lịch sử một thời, khẳng định và ca ngợi phong thái ung dung ngạo nghễ của Triệu Vũ Đế, vua nước Nam Việt. Tuy nhiên, đáng chú ý đặc biệt ở chữ “ung dung ấp tốn” (ung dung nhún nhường). Đây là cả một câu chuyện dài, xin tóm tắt để bạn đọc hiểu cho rõ ngọn nguồn.
Triệu Vũ Đế (256-136 tr.Cn) nhân loạn nhà Tần, đã đứng lên làm bá chủ phương Nam, nghĩa là toàn bộ đất Lĩnh Biểu, hay Lĩnh Ngoại, tức ngoài dãy núi Ngũ Lĩnh (của Trung Quốc bây giờ), xưng Đế. Đế, tức là làm chủ một quốc gia độc lập. Nước ấy, được ông đặt tên (Quốc hiệu) là NAM VIỆT, đối lập, ngang hàng với nhà Hán của Trung Quốc. Lưu Bang nhà Hán xưng Đế, ông cũng xưng Đế, tại sao không? Nhà thơ Nguyễn Du viết tiếp:
Tự ngu tận khả xưng Hoàng Đế,
Lạc thiện hoàn năng khuất thụ nhu.
(Tự vui đùa thừa sức xưng Hoàng Đế / Ưa thích yên lành đâu có thể chịu khuất anh nhà Nho ngu?).
Được biết, thời Hán Cao Đế, nhà Hán cử viên sứ thần rất giỏi biện luận thuyết khách là Lục Giả sang nước Nam Việt. Triệu Đà vừa ngạo mạn tự tin, vừa suồng sã, búi tóc củ hành, ngồi xổm, bó gối, theo phong tục của người Bách Việt ở phương Nam mà tiếp hắn. Trong cuộc tiếp sứ ấy, Triệu Đà tỏ ý muốn so sánh mình với Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông nói: “Ta không nổi lên ở Trung Quốc, cho nên làm vua ở đây. Nếu ta sống ở Trung Quốc, có lẽ nào không bằng Hán Cao Tổ?”. Lục Giả nghe vậy ngồi im, sắc mặt tiu nghỉu. Đấy là ghi chép của sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (ĐVSKTT), do Ngô Sĩ Liên đời vua Lê Thánh Tông chủ biên. Đến thời Hán Văn Đế, Lục Giả lại sang, Triệu Đà dùng ngôn ngữ mềm mỏng hơn, nhưng thái độ thì vẫn ngạo mạn như trước, nói rằng: “Lưỡng hùng bất câu lập, lưỡng hiền bất tịnh thế”. Nghĩa là, “Hai kẻ mạnh không cùng đứng, hai người tài không cùng thời”. Sau đó, Triệu Đà gửi thư cho vua Hán Văn Đế, xưng là “Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà”, có ý nói khiêm nhường rằng, tôi đây chỉ là một ông già Man Di, tức không phải, không còn là người Hoa-Hán. Để đảm bảo tinh thần hòa hiếu, giữ gìn hòa bình là trên hết, nên Triệu Vũ Đế hứa sẽ bỏ nghi thức Hoàng đế, xưng Vương, nhưng cũng chỉ là để vừa lòng vua Hán, hạ mức căng thẳng trong bang giao mà thôi, chứ thực ra không phải vậy. Về ngoại giao, Triệu Đà xưng vương, thấp hơn một bậc, nhưng trong nước thì ông vẫn xưng Đế như cũ. Sách lược “Nội cương ngoại nhu” là thế. Đấy là sách HÁN THƯ của nhà Hán chép một cách vô tư như vậy ! Còn như câu “Lạc thiện hoàn năng khuất thụ nhu” (Tự vui đùa thừa sức xưng Hoàng Đế, đâu chịu khuất phục trước nhà Nho ngu), thì cũng là một câu chuyện cần giải cho rõ ở đây. Câu ấy, vốn là lời Triệu Đà, khi ông gửi thư cho vua Hán là Hiếu Văn Đế mà sách SỬ KÝ của nước Tàu đã ghi, rằng “Ở phía đông, nước Mân Việt chỉ vẻn vẹn ngàn người, cũng xưng hiệu là vương; ở phía tây, nước Âu Lạc là nước cởi trần, cũng xưng là vương (An Dương Vương-VBL), lão thần trộm dùng danh hiệu chỉ để tự vui đùa, chứ đâu dám để nói đến tai bệ hạ” ! Còn chữ “Nhà Nho ngu”, Nguyễn Du dùng để chỉ tên sứ giả nhà Hán Là Lục Giả đấy thôi! Lục giả từng là thuyết khách của Hán Cao Tổ, đến Hán Văn Đế, được nhà Hán cử sang chiêu dụ Triệu Đà vậy. Chao ôi ! Chỉ có mấy chữ mà phải “giải trình” cả một đoạn văn dài, âu cũng chỉ là để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một quá khứ đã xa lắm rồi, để hiểu thêm một nhân cách, một bản lĩnh mạnh mẽ mà khôn khéo, cao ngạo mà tự tin của Triệu Vũ Đế, được các cụ ta xem là ông vua tài lược, dựng nước đầu tiên của nước ta, tiếp nối sự nghiệp các vua Hùng… Thái độ của Nguyễn Du, qua mấy câu thơ, cũng đủ sáng tỏ rồi chăng ?
Bốn câu thơ còn lại chính là lời cảm thán của tác giả, về một triều đại oai hùng của nước Nam Việt, đồng thời là sự tiếc thương một vị Hoàng Đế kiêu dũng, anh hùng tài lược, khẳng định sự bất tử của ông trong lịch sử các triều đại phong kiến.
Đài cao trăm thước bên ngoài Lĩnh Biểu đã đổ,
Ngôi mộ cổ ở Phiên Ngung không còn.
Thương thay các triều đại cứ lần lượt thay đổi,
Xem ra không ai bằng được ông già Man Di !
Chữ Man, Di, là chữ mà bọn người tự xưng là Đại Hán dùng để chỉ các dân tộc ngoài Trung Hoa (Đông: Di; Nam: Man; Tây: Nhung; Bắc: Địch), với nghĩa mỉa mai khinh miệt. Thiết nghĩ, chả cần bình luận gì thêm nữa, cũng đủ thấy tâm sự hoài cổ, đủ thấy thái độ và tình cảm của Nguyễn Du trước di tích hoang tàn của kinh đô cũ nước Nam Việt ta thời Triệu Vũ Đế. Có Triệu Vũ Đế thì có Nam Việt, rồi đến Đại Cồ Việt, đến Đại Việt, đến Việt Nam hùng cường như ngày nay. Công lao dựng nước vĩ đại của Triệu Vũ Đế, ai dám tự tiện bác bỏ được, cũng ví như ai dám liều lĩnh thay chữ TRIỆU, đối lập chữ HÁN trong bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của Nguyến Trãi? Tuy nhiên, ngôi mộ của Triệu Đà, Triệu Văn Đế, cháu của Triệu Vũ Đế, gần đây đã được các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy ở Quảng Châu, cùng với rất nhiều bảo vật quý báu, đủ chứng minh sự huy hoàng của một triều đại phong kiến Bách Việt, cách nay đã mấy ngàn năm. Triệu Văn Đế, cháu nội Triệu Vũ Đế, đồng thời cũng là người kế tục xuất sắc sự nghiệp oai hùng của Triệu Vũ Đế. Một số nhà nghiên cứu nước ta ngày nay, lại đã chứng minh rằng Triệu Đà chính là cháu nội của Hùng Duệ Vương. Mộ Triệu Vũ Đế có thể nằm trên đất Việt Nam, vùng Sơn Tây cũ. Đền thờ Mạc Ngọc Liễn ở mạn Sơn Tây, có liên quan đến Tể tướng Lữ Gia của nhà Triệu.
Quá khứ xa xăm, hiện lên trong tâm tư tình cảm của Nguyễn Du, xao xuyến, tự hào, khiến người đời sau như chúng ta cũng rưng rưng cảm động !
Hà Nội, thứ 7, ngày 25/5/2019
V.B.L
BÀI TRÍCH TRONG SÁCH "GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG" (TK 15-NỬA ĐẦU TK 19) SẮP XUẤT BẢN.
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: //revcat.net/nguyen-du-va-bai-tho-trieu-vu-de-co-canh-a3840.html