Các sứ đoàn nước ta sang Trung Quốc và ngược lại, các sứ đoàn Trung Quốc sang ta, cũng phải đi qua Cửa Quỷ. Với sứ thần Trung Quốc, thường thì họ sang với nhiệm vụ truyền đạt sắc chỉ của “Thiên triều”. Có khi họ báo tin vua mới của họ đăng quang là ai. Có khi là họ mang chiếu thư sách phong tước hiệu cho vua mới nước ta, hoặc là yêu sách vấn đề gì đó. Đôi khi, họ sang dự tang lễ vua cũ v.v…
Với sứ đoàn nước ta, cũng vậy. Tuy nhiên, phần nhiều là việc mang sản vật châu báu quý hiếm sang triều cống. Có thời kỳ năm nào cũng phải sang, gọi là “tuế cống”. Vất vả vô cùng. Sau nhiều lần đấu tranh ngoại giao, “Thiên triều cũng tỏ lòng “thương xót”, giảm xuống 2 năm, hoặc 3 năm 1 lần sang triều cống. Thêm nữa, đội quân xâm lược của Trung Quốc qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh khi tiến quân xuống phương Nam, thế nào cũng có một mũi tiến công chủ lực đi qua Cửa Quỷ. Ví như binh đoàn tăng viện của Liễu Thăng bị quân ta chặn đánh ở Chi Lăng thời kỳ chống giặc Minh chẳng hạn. Địa danh QUỶ MÔN QUAN ấy thuộc địa phận huyện Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn ngày nay vậy!
Nhưng còn có một QUỶ MÔN QUAN, từng đi vào lịch sử quân sự, lịch sử văn chương của người Tàu, đó chính là một cái CỬA QUỶ ở huyện Bắc Lưu (cách huyện 30 dặm) có hai tảng đá đối diện nhau, thuộc châu Tân Yên (nay là Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh nước ta). Đời Tấn, ai sang Giao Chỉ đều phải đi qua đây. Bấy giờ, phía nam CỬA QUỶ này lam chướng rất ghê sợ, cho nên mới có câu ngạn ngữ “Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, cửu bất hoàn” (Quỷ môn Quan! Quỷ Môn Quan! Mười người đi, chín người không về). Sau có người làm thơ viết “Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan! Mười người đi, một người về” (Nhất nhân hoàn).
Đời Hán, năm 43 Sau Cn, danh tướng Mã Viện tiến quân xuống phương nam cướp nước Nam Việt do Triệu Vũ Đế dựng lên. Hai Bà Trưng dòng dõi vua Hùng trước đó đã khởi binh đánh đuổi Thái thú Tô Định, giành lại quyền tự chủ từ năm 40 Sau Cn. Sau khi chiếm được đất đai Lưỡng Quảng và thành Phiên Ngung, thuộc Quảng Đông (Kinh đô nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế), Mã Viện tiếp tục tiến quân truy kích theo đường ven biển, gặp núi thì đẵn cây làm đường, hơn ngàn dặm mà dấu chân chưa thấy tới Lạng Sơn. Lê Quý Đôn, trong sách VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ, trích theo sách HOÀN VŨ KÝ của Trung Quốc, viết như vậy. Tác giả ngờ rằng cái tên QUỶ MÔN QUAN tương truyền ở làng Quang Lang, thuộc châu Ôn, trấn Lạng Sơn có thể là một sự nhầm lẫn. Con đường mà Cao Biền người đời Đường sang Giao Châu (nước Đại Việt sau này) đến nay đã lấp mất không đi được nữa. Con đường này, cũng gần huyện Bắc Lưu. Theo sách TRUNG QUỐC DANH THẮNG TỪ ĐIỂN thì tấm bia đá do Mã Viện dựng lên ở đây, gọi là “tàn kệ” thì hiện vẫn còn. Niên hiệu Hồng Vũ (1368-1403), nhà Minh cho đổi QUỶ MÔN QUAN thành ra QUẾ MÔN QUAN. Khoảng niên hiệu Tuyên Đức (1426-1436)), lại đổi là THIÊN MÔN QUAN. Tuyên Đức nhà Minh, chính là vị vua mà Nguyễn Trãi từng chửi mắng trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, rằng “Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng”…đấy!
Lê Quý Đôn đi sứ sang Tàu, từ bến sông Lô (Nhĩ Hà) lên cửa ải Nam Quan, biên giới nước ta với Tàu ở đời nhà Thanh, tới đâu ông cũng làm thơ, như những ghi chép “nhật trình”. Riêng CỬA QUỶ (Quỷ Môn Quan), ông có hẳn ba bài thơ viết về Cửa Quỷ. Theo miêu tả, thì rõ là Lê Quý Đôn đi lên Quỷ Môn Quan thuộc châu Ôn, nay là huyện Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn. Các ông Vũ Huy Tấn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích thời Tây Sơn cũng qua lại đây nhiều lần. Sau này, Nguyễn Du, Phan Huy Vịnh đi sứ qua đây, đều có làm thơ.
QUỶ MÔN QUAN ở huyện Bắc Lưu không còn mấy ai nhắc đến. Chỉ còn có QUỶ MÔN QUAN ở Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn này thôi. Lê Quý Đôn viết sách VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ sau khi ông đi sứ 10 năm. Có thể Lê Quý Đôn đã căn cứ vào sách vở bên Tàu mà ông cho rằng đó là một sự nhầm lẫn.
Trên thực tế, có hai cái QUỶ MÔN QUAN. Nhưng chỉ còn được lưu danh cái CỬA QUỶ ở Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn mà thôi! “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” ! Người Tàu rất sợ QUỶ MÔN QUAN, nên họ đã mấy lần cho đổi tên cửa ải ghê sợ này !
"BỈ CHỨC" CŨNG TỪNG ĐI QUA ĐÂY, NGẪM NGHĨ, ĐỀ THƠ
Trời xanh phờ phạc mây trôi
Nhấp nhô đá đứng đá ngồi thở than
Ngàn năm, vẫn Quỷ Môn Quan
Việc đời bồi lở muôn vàn, sợ thay !
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: //revcat.net/co-may-quy-mon-quan-a3526.html