Trước khi các cụm rạp trên toàn quốc tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, thị trường điện ảnh Việt khá sôi động khi một số phim Việt giành thắng lợi, phủ khắp suất chiếu tại các cụm rạp, có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, gây ấn tượng với khán giả về chất lượng kịch bản, diễn viên nhập vai xuất sắc. Tuy nhiên, cũng không ít phim thua lỗ nặng. Đa phần những bộ phim này thất bại do mắc chung 1 sai lầm trong khâu phát triển kịch bản cũng như việc lựa chọn diễn viên chưa hợp lí.
Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, phòng vé phim Việt đã vô cùng sôi động với cuộc đổ bộ của hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Theo số liệu của trang Box Office Vietnam, tính đến thời điểm các rạp tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, phim “Bố già”, "Trạng Tí", "Thiên thần hộ mệnh" và "Lật mặt 48h" được thống kê có doanh thu dẫn đầu phòng vé.
Trong đó, ra mắt vào giữa tháng 3, phim "Bố già" phá kỷ lục doanh thu phòng vé với gần 400 tỷ thu về trong một tháng, trở thành phim Việt ăn khách nhất. Tiếp nối ngay sau thành công của "Bố già", phim "Lật mặt 48h" của Lý Hải cũng có doanh thu hơn 150 tỷ đồng. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đã đủ sức chinh phục khán giả.
Ấn tượng với những cảm xúc mà phim “Bố già” mang đến, bạn Ngô Linh Trang ở Đào Duy Anh, Hà Nội chia sẻ: “Phim Bố già hay ở điểm đúng theo gowin99 của người miền Nam, để một bộ phim vừa hài hước vừa cảm động mà lại vừa sâu sắc vừa ý nghĩa thì rất hiếm và đấy là yếu tố cần thiết để nền điện ảnh Việt Nam phát triển".
Cùng việc chứng kiến 2 phim có doanh thu lớn, hàng loạt phim Việt đã thua lỗ nặng nề thời gian qua. Tháng 1/2021, "Cậu Vàng" thua lỗ nặng với khoảng 30 tỉ đồng, "Võ sinh đại chiến" lỗ 24 tỉ đồng. Ngoài ra, phim “Kiều@” của đạo diễn Võ Thành An lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du khi ra mắt nhận được nhiều sự quan tâm. Thậm chí, trước khi công chiếu, tác phẩm này gây chú ý khi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục “Bộ phim điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam quay bằng kỹ thuật “one shot” - cú máy tiếp diễn có thời lượng phim trên 90 phút”.
Tuy nhiên, phim lại gây thất vọng khi ra rạp, từ lúc công chiếu đến khi rời rạp, phim chỉ đạt doanh thu chưa đến 1 tỉ đồng. Tương tự, phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền cũng bị đánh giá thấp. Kịch bản tốt nhưng diễn xuất của diễn viên còn yếu, yếu tố kỳ ảo bị lạm dụng quá đà khiến phim kém hấp dẫn. Phim chỉ đạt gần 3 tỉ đồng doanh thu trên tổng kinh phí đầu tư khoảng 30 tỉ đồng.
Ngoài yếu tố khách quan là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khán giả phần nào tâm lý ngại ra rạp thì đa phần những bộ phim này thất bại do mắc chung 1 sai lầm trong khâu phát triển kịch bản cũng như việc lựa chọn diễn viên chưa hợp lí.
Một số khán giả cho biết: “Em thấy dạo này phim Việt ra rạp cũng nhiều. Nhưng xem trailer không hấp dẫn. Thể loại phim em thích hài hước, hành động không quá lố và trailer phim Việt không hứng thú lắm vì mình như biết gần hết rồi". “Phim Việt bây giờ quanh đi quẩn lại cũng hài, hành động thì ít, không mấy phim hành động, không ấn tượng gì về nội dung mới”.
Việc dễ dàng tiếp cận với nhiều thể loại phim, chất lượng tốt trên nền tảng trực tuyến đã tạo ra cộng đồng khán giả xem phim thông thái. Lý do kéo khán giả ra rạp chỉ có thể là chất lượng, mà tiên quyết là nội dung hấp dẫn.
Nhìn lại toàn cảnh “bữa tiệc điện ảnh” nửa đầu 2021, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đánh giá: "Trước đây phim bình thường kiếm doanh thu 10 tỷ, 20 tỷ dễ dàng ở thị trường Việt Nam. Nhưng trong năm vừa rồi phim ở mức vậy ở mức thấp. Phim thất bại thảm hại tăng lên nhiều. Quá trình này tiếp tục diễn ra khi cạnh tranh của nền tảng trực tuyến càng phát triển khi khán giả họ có thể ở nhà xem phim chất lượng cao tại sao họ lại ra rạp xem phim chất lượng tồi mất thời gian, tiền bạc".
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, điện ảnh Việt có khoảng gần 10 tác phẩm ra rạp, trong đó chỉ có 2 phim là doanh thu tốt, 1 phim doanh thu đủ hòa vốn. Điều này cho thấy khán giả đang có sự sàng lọc rất kĩ càng để lựa chọn phim thưởng thức. Tuy nhiên, công tâm mà nói, điện ảnh Việt thời gian qua đã cố gắng thay đổi và có những hướng đi mới. Đáng lưu ý, nhiều nhà làm phim đã mạnh dạn đầu tư kinh phí lớn để nâng cao chất lượng, nên vẫn có thể hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, hệ thống rạp mở cửa trở lại thì phim Việt sẽ tiếp tục khởi sắc.
Thủy Tiên/VOV1
Link nội dung: //revcat.net/nhin-lai-dien-anh-viet-nua-dau-2021-a3370.html