Đến với hội thi
Hòa trong không khí vui tươi cùng cán bộ, công nhân, người lao động Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: “Trong quá trình sản xuất, trình độ tay nghề của công nhân, người lao động thu hoạch mủ cao su là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng, chất lượng vườn cây, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của Binh đoàn. Hội thi là điều kiện tốt nhất để người thợ thể hiện ứng dụng phương pháp mới, tác phong nhanh nhẹn, chính xác và kỹ thuật điêu luyện trong quy trình khai tác thu hoạch mủ cao su; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để làm chủ vườn cây với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững”.
Sau ngày hội này, “những bàn tay vàng” sẽ trở về với các bản làng vùng biên giới với những cánh rừng cao su bạt ngàn của tỉnh Gia Lai, Kon Tum… để hướng dẫn cho bà con dân tộc thiểu số, người lao động từng đường cạo, thu hoạch mủ cao su chính xác, hiệu quả, giúp người dân thực sự làm chủ vườn cây, khai thác dòng nhựa trắng tốt nhất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên làng quê của mình…”.
Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su” được Binh đoàn 15 tổ chức không chỉ là ngày hội của công nhân, người lao động nơi biên giới, mà còn là dịp để đánh giá những thành quả đạt được, tuyên dương gần 10.000 thợ khai thác mủ cao su, 54 thợ giỏi, tuyển thủ về dự hội thi, đồng thời tôn vinh 458 thợ cạo mủ cao su tiêu biểu nhất của các đơn vị, trong đó có nhiều tuyển thủ đã giành giải “Bàn tay vàng” tại các đơn vị. Họ là những người thợ ngày đêm bám vườn cây, chắt chiu từng đường cạo để đem về dòng nhựa trắng góp sức xây dựng vùng biên giới giàu đẹp.
Trong quá trình sản xuất, kỹ thuật khai thác mủ cao su là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo các đơn vị hướng về cơ sở, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ khai thác, cho công nhân, người lao động, để họ làm chủ vườn cây, chia sẻ khó khăn và gắn bó với đơn vị.
Một trong số người dân địa phương đến xem Hội thi “Bàn tay vàng” sớm nhất, bà Rơ Châm H’Lâm (68 tuổi, người dân tộc Jrai) ở Đức Cơ chia sẻ: Tôi cùng gia đình sinh ra và lớn lên ở đây từ bao đời nay. Đây là lần đầu tiên được đi xem hội, được nghe các chú bộ đội hát, múa, rồi đua tài cạo mủ trên thân cây cao su…Khắp các nẻo đường làng, vườn cây cờ phướn nhiều màu sắc rất đẹp, không khí ngày hội của công nhân, người lao động trên vùng biên giới tưng bừng phấn khởi quá!
Niềm vui của các tuyển thủ
Tham gia hội thi là dịp để hàng nghìn công nhân, người lao động, nhất là đội ngũ thợ cạo mủ cao su chia sẻ những tâm tư, tình cảm cũng như những trăn trở, tâm huyết với nghề.
Đến với Hội thi “Bàn tay vàng” năm nay, chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi), công nhân của Công ty 72, đạt giải nhất cấp công ty năm 2024.
Không giấu được niềm vui tuyển thủ Thảo tâm sự: “Thời gian đầu vào làm công nhân cao su của Công ty 72 gia đình còn vất vả nhiều lắm, bây giờ thì tốt hơn rồi, thu nhập hằng tháng ổn định. Có tiền, mình đã xây nhà, mua xe máy đi làm”. Đặt quyết tâm rất cao với hy vọng sẽ đạt giải cấp Binh đoàn lần này để truyền thêm cảm hứng và tinh thần phấn đấu cho công nhân, người lao động trong đơn vị.
Đến với hội thi năm nay, tuyển thủ Rơ Mah Kíu (27 tuổi, dân tộc JRai) công nhân Công ty 74, nhà ở làng Nú 1, xã Ia Chía, Ia Grai, Gia Lai, đem theo một thành tích đáng khâm phục. Vào làm công nhân được 5 năm, nhưng Rơ Mah Kíu đã trồng và nhận khoán hơn 3ha cao su, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Lần đầu tham gia hội thi, Rơ Mah Kíu đã giành giải nhất “Bàn tay vàng” cấp công ty. Đặc biệt, năm 2020 Kius được nhận danh hiệu bàn tay vàng cấp binh đoàn.
Rơ Mah Kíu cho biết: “Mình cũng như bao nhiêu người dân của làng, khi nghe nói san đất để trồng cây cao su, đi khai thác mủ cao su từ 2-3 giờ sáng... thì sợ lắm! Truyền thống người Jrai mình đi làm khi mặt trời gần ngang bằng với ngọn cây, chiều về khi mặt trời chưa xuống núi. Nhưng khi nghe bộ đội hướng dẫn, tuyên truyền... thấy đúng, thế là mọi người nghe theo. Bây giờ thì tốt hơn rồi, thu nhập hằng tháng của anh, chị em ổn định từ 7 đến 10 triệu đồng”.
Một hồi còi dài cất lên, báo hiệu thời gian thực hành của Hội thi thu hoạch mủ cao su giỏi năm 2024 bắt đầu. 54 tuyển thủ là những “bàn tay vàng” được các đơn vị “chắt lọc” tham gia đã hoàn tất phần thi lý thuyết, đang tập trung toàn bộ sức lực và kinh nghiệm vào từng đường dao cạo.
Như những con sóc, họ nghiêng đầu “thao tác” hết cây này sang cây khác và 22 phút là thời gian được Ban tổ chức đưa ra cho một tuyển thủ dự thi phải cạo đạt chất lượng tốt nhất trên 100 cây cao su.
Có mặt tại hội thi, chúng tôi thấy nhiều tuyển thủ về đích khi mới hết 16-17 phút, một sự cố gắng rất lớn của những người thợ cạo mủ cao su Binh đoàn 15 trên vùng biên giới Tây Nguyên. Khi cuộc đua tài kết thúc, các tuyển thủ vui vẻ bên nhau cùng trao đổi kinh nghiệm bởi ai về đây dự thi cũng đã là người chiến thắng. Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho Công ty 74, nhì Công ty 72, ba thuộc về Công ty 75. Giải “Bàn tay vàng” được trao cho tuyển thủ Nguyễn Văn Nam (Công ty 74).
Kết thúc hội thi, Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 cho biết: “Hội thi đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm của công nhân, người lao động trong việc phát huy tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, để tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động.
Năm nay, số lượng các tuyển thủ là người dân tộc thiểu số khá cao, 18/54 tuyển thủ, đạt 33,3%. Đây là con số đáng mừng, cho thấy nhận thức và chất lượng, kỹ thuật cạo mủ cao su của người lao động địa phương được nâng lên rõ rệt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum.
Trong những năm qua đơn vị luôn mở rộng diện tích cây trồng, đến nay diện tích cao su của Binh đoàn lên đến 40.000ha, thu hút và giải quyết việc làm cho gần 10.000 công nhân, người lao động, trong đó có 8.664 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 60%. Bên cạnh đó, đơn vị đầu tư và vận dụng tốt khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, trong đó kỹ thuật khai thác mủ được chú trọng và quán triệt tới từng người công nhân, nhằm tăng năng suất, hiệu quả, bảo đảm tốt đời sống cho bà con...".
Là trưởng đoàn tuyển thủ của Công ty 72 tham gia hội thi, Trung tá Phạm Xuân Tri, Giám đốc, tâm sự: “Năm nay đơn vị có 6 tuyển thủ dự thi, đại cho 2.026 cán bộ, công nhân, người lao động, đang khai thác trên 6.021 ha cao su, với thu nhập 7,4 triệu đồng/người/tháng.
Mục đích của hội thi là để nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ năng cạo mủ, nâng cao công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý vườn cây, động viên khuyến khích người lao động tích cực luyện kỹ năng tay nghề, rèn luyện kỹ năng lao động mới để trở thành người thợ giỏi thực thụ, làm chủ vườn cây, tăng thu nhập để phát triển kinh tế. Hội thi thực sự là ngày hội của công nhân, người lao động trên vùng biên giới Tây Nguyên”.
Link nội dung: //revcat.net/ngay-hoi-cua-cong-nhan-tren-vung-bien-gioi-a27221.html