“Một năm 12 tháng, tháng nào chả có trăng, chả có rằm, chả có trăng tròn nhưng sao chỉ có mỗi tháng 8 mùa thu mới được gọi là mùa trăng? Một năm có nhiều ngày Tết, Tết Cơm mới, Đoan ngọ, Nguyên đán… trong đó có Tết Trung thu - Tết trăng tròn. Xuân Hạ Thu Đông, bốn mùa thay đổi, “Sen tàn cúc lại nở hoa”. Tháng 7 là chớm thu, tháng 9 là cuối thu, tháng 8 là giữa thu, là tháng âm kim, kim nhất, thu nhất. Đêm rằm trung thu, trăng tròn giữa thu là vậy. Trăng là thời gian, là ánh sáng, là hy vọng, cá chép ngắm trăng, lưỡng ngư vọng nguyệt, đèn cá, cá chép vượt vũ môn đều là hy vọng, là mơ ước về những điều tốt lành, gửi gắm vào trăng, tròn đầy vẹn toàn” - (Trích lời Giám tuyển Lê Thiết Cương).
Hình ảnh các em chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa sư tử… thật đẹp, gợi nhiều ý cho tạo hình, tạo mầu, tạo khối, tạo sắc. Hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân, của đèn cá đều là ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ khởi từ cái ý lưỡng ngư vọng nguyệt, hoặc cá chép vượt vũ môn. Hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy mầu là mong muốn cho trẻ nhỏ học giỏi, thi cử, đỗ đạt…
Mỗi nghệ sĩ bằng năm tháng, ký ức và ước vọng vẽ nên “Mùa trăng” riêng - chung của chính mình. Đó có thể là mùa thanh âm, như họa sĩ Đỗ Dũng gợi khúc giao duyên làn quan họ, như tượng “Diệu âm” nhà điêu khắc Lê Minh Trí phủ đèn, mây, sen. Đó là mùa của ánh sáng như “Nắng thu” - Nguyễn Thanh Quang, “Ánh trăng” - Trần Hồng Đức. Là mùa mừng, mùa đợi: “Đón trăng”, “Đợi trăng” - Vương Linh, “Mừng trăng” - Nguyễn Quốc Thắng, mùa trông “Trông trăng” - Tào Linh. Mùa của “Múa trăng” - Bình Nhi, mùa của “Sen vàng” - Trần Gia Tùng, cá quẫy “Cá mùa trăng” - Hoàng Phương Liên. Mùa của “Kỷ niệm” - Trần Giang Nam…
Những sắc màu trong tượng, trong tranh tràn ngập âm thanh, ánh sáng, đủ dìu dặt, trong sáng, đủ vui tươi; đưa người xem trở lại với lễ hội tuổi thơ, sống lại thời hoa niên mê mải. Mặt nước - mặt trăng - nối liền mặt đất, con người hòa cùng thiên nhiên hát lên khúc ca cảm tạ đời sống.
Người nghệ sĩ vẽ tranh, làm tượng là một cách lưu lại những “Mùa trăng”, để khoảnh khắc đẹp, ký ức đẹp trong đời sống được mãi lâu bền.
Tranh trên đèn Dó cùng các bạn họa sỹ nhí lớp vẽ Sắc Xuân. Dịp Tết Trung thu năm nào cũng vậy, được vẽ, được vui chơi là tết của trẻ nhỏ.
Năm nay đặc biệt hơn, nhóm họa sỹ g39 trưng bày triển lãm "Mùa Trăng" bày tranh và các tác phẩm điêu khắc của các họa sỹ, thầy cô và các bạn nhỏ lớp vẽ Sắc Xuân tham gia vẽ vui trên đèn trung thu được làm bằng giấy Dó khung tre đan, sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh.
Sắc màu và nội dung các bạn vẽ nào là hồng, nõn chuối, tím, đỏ, cam... màu của tranh dân gian với những câu chuyện của múa rồng, múa lân, rước đèn, gà lợn, bánh trung thu, đèn ông sao, cá chép... với nhưng ước mơ đẹp đẽ của một mùa trăng tròn. Đèn treo cao trông trăng, trông mong 1 mùa an vui và tốt lành trong cuộc sống. Trẻ em ước mong được vui vẻ, trong sáng hồn nhiên và tràn đầy những giấc mơ đẹp đẽ.
Thông tin triển lãm:
- Các họa sĩ tham gia: Vương Linh, Đỗ Dũng, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Thanh Huyền, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thanh Quang, Trần Gia Tùng, Trần Hồng Đức, Trần Giang Nam, Chu Hồng Tiến, Bình Nhi, Lê Thiết Cương.
Cùng các tác phẩm Đèn tranh vẽ trên giấy dó của các bạn học viên Câu lạc bộ Sắc xuân và đèn ốc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh.
- Số tranh, tượng và đèn trưng bày: 65 tác phẩm và 01 sắp đặt Tháp Ánh Sáng.
Thời gian và địa điểm:
Triển lãm khai mạc: 17h, Thứ 6, 6/9/2024
Thời gian: Từ 6/9 - 20/9/2024
Địa điểm: Trung tâm gowin99 Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thuý Hằng
Link nội dung: //revcat.net/trien-lam-thuong-nien-nam-thu-9-voi-ten-goi-mua-trang-a26643.html