Trong cuộc đời mỗi người, không ít lần chúng ta đã từng hỏi mẹ rằng: "Mẹ có mệt không? Mẹ có buồn không?" Và mẹ luôn trả lời bằng câu nói quen thuộc: "Mẹ ổn mà, mẹ không sao đâu con”. Nhưng mấy ai hiểu rằng, ẩn sau câu nói ấy là bao nỗi niềm mẹ cất giấu, là những lần mẹ nuốt nước mắt vào trong để con được an lòng. Mỗi bước chân của con, mẹ luôn là người âm thầm dõi theo, không quản ngày đêm. Mẹ chọn cách im lặng, gánh lấy tất cả những nhọc nhằn, đau đớn về phần mình.
Mẹ là thế, không chỉ là người chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, mà còn là bóng mát che chở khi con vấp ngã. Những câu hát trong bài "Bông hồng cài áo" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vang lên như lời ca ngợi tình mẫu tử cao quý ấy:
"Mẹ mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối …”
Những hình ảnh đó không chỉ đẹp mà còn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người về một tình yêu bao la, ấm áp mà mẹ dành cho con. Mẹ chính là ngọn đuốc soi đường, là nguồn sáng dẫn lối khi con lạc bước, là chỗ dựa tinh thần vững chắc khi con mỏi mệt trước những sóng gió cuộc đời.
Mỗi ngày trôi qua, mẹ vẫn âm thầm hy sinh, dù cuộc sống có gian khó đến đâu. Mẹ không cần ăn ngon, mặc đẹp, chỉ cần thấy con lớn lên mạnh khỏe, trưởng thành. Những đêm thức trắng vì con ốm, những lần mẹ âm thầm lau nước mắt khi con gặp khó khăn, tất cả những điều đó mẹ không bao giờ kể ra, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được từ ánh mắt, từ nụ cười hiền từ của mẹ.
Tình mẹ là thứ tình cảm không bao giờ có thể đong đếm được. Đó là sự hi sinh vô điều kiện, là tấm lòng bao dung không bờ bến. Mẹ đã dành cả cuộc đời mình để lo lắng cho con, nhưng mẹ chẳng bao giờ mong cầu sự đền đáp. Những câu ca dao, tục ngữ từ xưa đã khắc sâu hình ảnh người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó:
“Dấu chân mẹ dãi dầm thân cát bụi
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời”.
Hay:
“Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời”.
Trong suốt cuộc đời mình, mẹ luôn là người cho đi mà không bao giờ đòi nhận lại. Khi con cái trưởng thành, mẹ lại thêm một lần lo lắng. Mẹ lo con có hạnh phúc không, con có đủ mạnh mẽ để đối diện với những bão giông của cuộc đời. Dẫu con đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, mẹ vẫn dành hết những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình để chăm sóc cho các cháu, để vun vén từng niềm vui nhỏ bé trong gia đình.
Khi tuổi già chạm ngõ, khi tóc mẹ đã bạc, mắt mờ, tay run... mẹ vẫn không ngừng nghĩ về con. Đến khi cuộc đời sắp khép lại, mẹ vẫn chẳng ngừng lo lắng. Có lẽ những giọt nước mắt cuối cùng của mẹ không phải vì sợ hãi, mà vì lo lắng cho con cái sẽ phải tự mình đối mặt với những khó khăn của cuộc sống này. Mẹ chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân, mà chỉ sợ rằng con sẽ gặp khó khăn mà không có mẹ bên cạnh. Đó là lý do mà ngay cả khi cuộc đời khép lại, mẹ vẫn mong rằng kiếp sau có thể lại được làm mẹ của những đứa con yêu thương ấy.
Trong bài "Bông hồng cài áo" có một đoạn hát lên như một lời tự vấn đầy xúc động:
“Rồi một chiều nào đó anh về
Nhìn mẹ yêu nhìn thật lâu
Rồi nói nói với mẹ rằng
Mẹ ơi mẹ ơi mẹ có biết hay không
Biết gì biết là biết là con thương mẹ không …”
Lời ca ấy như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, đừng chờ đến lúc quá muộn mới nói với mẹ rằng ta yêu mẹ. Đừng chờ đến khi mất mẹ rồi mới nhận ra rằng, không có gì trên đời này quý giá bằng tình yêu của mẹ.
Tháng Vu lan này, khi nhìn lên những bông hồng đỏ thắm trên ngực áo, hãy nhớ rằng mình còn mẹ, còn được yêu thương và chở che. Hãy về bên mẹ, nắm lấy đôi tay đã chai sạn theo thời gian, nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, mẹ đã vất vả cả đời vì chúng con. Mẹ không cần phải mạnh mẽ nữa, con ở đây rồi”. Bởi vì, mẹ đã cho đi quá nhiều, và mẹ xứng đáng được nhận lại tình yêu thương từ chính những đứa con mà mẹ đã hi sinh cả cuộc đời dài rộng này để dưỡng dục “chúng” nên người.
Bình An
Link nội dung: //revcat.net/me-on-ma-a26049.html