Chùa Nhẫm Dương nằm tựa vào dãy núi cùng tên. Quần thể núi non trùng điệp cùng hệ thống hang động nơi đây chạy dài tựa thế “rồng uốn, voi phục” tiếp nối hài hòa tới tận Mạo Khê, Đông Triều, thông với dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh). Điều đặc biệt là dường như tất cả các dãy núi đá vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi ngôi chùa tọa lạc.
Không chỉ được biết đến là ngôi chùa nằm dưới chân núi đá với hệ thống hang động độc đáo bao quanh, chùa Nhẫm Dương còn từng là di tích lịch sử cách mạng gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Động Thánh Hóa, Tĩnh Niệm phía sau chùa đã có nhiều đơn vị về đóng quân, cất giấu vũ khí, lương thực.
Hiện nay, chùa có quy mô khá bề thế với kiến trúc chữ công gồm năm gian tiền đường, hai gian ống muống, ba gian hậu cung. Ngoài ngôi chính điện, trong khuôn viên chùa Nhẫm Dương còn có vườn tháp, nhà thờ tổ.
Tại nhà thờ tổ đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài liên tục suốt thời hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Ni sư Thích Diệu Mơ - Trụ trì chùa Nhẫm Dương cho biết: “Từ năm 1999-2000, trong quá trình đào động Tĩnh Niệm để tìm tượng phục vụ việc trùng tu, tôn tạo chùa theo lời căn dặn của sư trụ trì đi trước, tôi thấy có nhiều răng to, nhỏ bám chi chít vào vách đá. Tôi nghĩ đây là răng bộ đội nên thu gom định làm lễ cầu siêu. Lúc cuốc đất vườn cũng phát hiện nhiều tiền cổ, đồ gốm, dụng cụ thời xưa…”.
Cũng theo Ni sư Thích Diệu Mơ, hang Tĩnh Niệm dài khoảng hơn 100m. Tại đây cũng đã tìm thấy một số hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng... Các loại vò, lọ, vòng đá cuội, bàn nghiền, chày nghiền thời tiền sử; các loại tiền cổ từ đồng xu Ngũ thù thời Hán đến tiền thời Nguyễn; đồ đồng thuộc gowin99 Đông Sơn…
Bên cạnh đó, hang Thánh Hóa có diện tích khoảng 100m, từ cửa hang đến cuối hang theo hướng nhỏ dần năm. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được di cốt hoá thạch của gần 30 loài động vật như voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím... và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng Pôn-gô (đười ươi), răng của người cổ đại (Homosapien)... ước đoán niên đại của các hoá thạch ở đây thuộc hậu kỳ Cánh Tân, có khoảng từ 3 - 5 vạn năm trước.
Với những giá trị đặc biệt to lớn về khảo cổ học, ngày 29/10/2003, chùa được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Ngày 22/12/2016, cùng với quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh, địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Trong đó, cụm di tích Nhẫm Dương sau khi quy hoạch có diện tích 344,6 ha.
“Tại cụm di tích này, theo dự kiến quy hoạch một khu giảng đường Phật học phía trước bên hữu nội tự phục vụ việc nghiên cứu, thuyết pháp Phật phái Tào Động. Đồng thời, xây dựng một bảo tàng khảo cổ học tại phía tây và tây bắc núi Nhẫm Dương làm nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật khảo cổ học. Bảo tàng này sẽ liên thông, đan xen với không gian bên ngoài giúp nhân dân, du khách có thể dễ dàng tham quan, nghiên cứu”, ông Dương nói.
Chùa Nhẫm Dương được coi như một bảo tàng sinh động lưu giữ các giá trị văn hoá của một vùng quê, ở đó chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước vọng và những nét văn hoá đặc sắc, tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng làng xã.
Lê Văn Vui
Link nội dung: //revcat.net/ngoi-chua-luu-giu-kho-co-vat-a25431.html