Kỳ 15.
Palanca chỉ huy quân Pháp và Tây Ban Nha đã mô tả: ”Ở Gò Công có hai chiến lũy quan trọng nhất là rạch Gò Công và Rạch Lá gồm các hầm hào tự nhiên...Có pháo đài và lũy khắp nơi đều có cầu nối bắc qua hai bờ sông bùn lầy cây cối rậm rạp”. Viên sĩ quan người Nga trong quân đội Pháp thì viết: “Gò Công là một đồn trại lớn được xây dựng trên đồi, chung quanh có hào và đài chỉ huy có 300 m bề mặt đất, có 85 lỗ châu mai, trong đồn có 40 doanh trại và hầm”.
Nhược điểm của căn cứ Gò Công là có sông rạch, địa thế bằng phẳng, thuận lợi cho Pháp sử dụng những phương tiện cơ động tiến quân đàn áp. Phía bắc và nam đều có sông, phía đông và đông bắc đều có biển để cho quân Pháp bao vây, cắt đứt đường tiếp tế, dùng tàu chiến có đặt đại bác tấn công từ nhiều phía. Quân pháp phát huy được lợi thế của vũ khí hiện đại. Diện tích của Gò Công nhỏ hẹp, thiếu bề rộng bề sâu để phòng thủ, rút lui. Pháp dễ tập trung binh lực để công phá. Gò Công gần Mỹ Tho, Gia Định là những nơi Pháp có lực lượng mạnh, có đường thủy đường bộ thuận tiện cho Pháp hành quân tấn công.
Tại căn cứ lực lượng nghĩa quân có 6.000 người chia thành 18 cơ có chỉ huy cơ, chia thành 24 liên đội, có chỉ huy liên đội, mỗi liên đội có 400 người.
Đã tháng 12, khắp vùng phương nam và Gò Công ngập chìm trong nắng, gió rung muôn cây lá xào xạc, nắng rơi loang lổ trong rừng lá cao thấp của căn cứ Gò Công như rải ngọc lung linh. Trong gian nhà rộng lớn mái lợp lá dừa nước, vách chắn cũng bằng lá dừa nước nên căn nhà thoáng mát. Trương Công Định và các tướng lĩnh đang ngồi cạnh những chiếc bàn uống nước. Các tướng lĩnh ngồi ghế có bàn kê dọc, Trương Định ngồi ghế có bàn kê ngang chủ tọa cuộc họp bàn về tổ chức nghĩa quân và kế hoạch hành động để bước vào cuộc chiến đấu mới. Ngồi hàng ghế dưới là khuôn mặt những tướng lính quen thuộc. Các mưu sĩ như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị. Các tướng chỉ huy chiến đấu như Võ Duy Dương, Lê Quang Quyền (bát phẩm thư lại), Hồ Huân Nghiệp (thân sĩ), Nguyễn Trung Trực (Tân An), Nguyễn Hữu Huân (Ba Giồng), Trần Xuân Hòa (Ba Giồng) Võ Duy Quang (Ba Giồng), Nguyễn Thành Ý (Tri phủ Phước Tuy-Bà Rịa), Huỳnh Công Tấn, Nguyễn Nhựt Chi (Phó tướng của Trương Công Định), tướng Trình Viết Bàng, con là Trình Văn Diễn, Trương Điền Canh, anh trai của Trương Công Định, Đặng Khánh Tình, Võ Đăng Được, Mạc Bảo Đường, ông Tổ, ông Kiểu. Tham gia đánh Pháp còn có trí thức khoa bảng cử nhân Bùi Tấn, Cù Khắc Kiệm, Lý Duy Phiên, Hà Mậu Đức, Tú tài Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Văn Đạt, Bùi Văn Lý, Mai Phương Mỹ, Nguyễn Duy Thận. Các vị nguyên là quan lại triều đình như Đỗ Quang, Lưu Tấn Thiện (Tri huyện), Lê Quang Quyền, Đặng Văn Duy, Phạm Tiến. Các tướng lĩnh là bình dân như Đốc Binh Là (Bùi Quang Diệu), Phó đốc binh Chung ở làng Vĩnh Hựu (Gò Công), các ông Hòa, ông Quới ở Tân Niên Trung (nay là Gò Công Đông), đốc binh Chấn ở Giồng Tháp, Tân Niên Tây [1]. Bốn đầu lĩnh của Trương Công Định là Phan Văn Dũng, Phạm Văn Tiết, La Văn Bản, Tạ Văn Thái. Phụ nữ cũng tham gia nghĩa quân như bà Lưu, bà Viết làm nhiệm vụ thu gom lương thực cho nghĩa quân.
Trương Công Định nhìn bao quát một lượt các tướng lĩnh. Nắng bên ngoài lấp lánh chan hòa, nghe bên ngoài có tiếng gió khua xào xạc. Trương Công Định bê ly nước và nói:
-Kính mời các đại nhân dùng nước.
Các tướng lĩnh đáp gần như đồng thanh:
-Đa tạ, kính mời tướng quân.
Mọi người uống xong đặt ly xuống. Trương Công Định đứng dậy nói:
-Kính thưa các đại nhân, chúng ta đều biết tình thế đất nước ta mà trước hết là Lục tỉnh Nam kỳ đang đứng trước nguy cơ bị Pháp xâm lược. Năm 1859 chúng đã tấn công thành Gia Định, thành Gia Định thất thủ, Tổng đốc Võ Duy Ninh bị thương và tự sát ngày 17 tháng 12 năm 1859. Tiếp theo trận thành Gia Định, ngày 24-2-1861, quân Pháp đã dùng 5.000 quân, 50 tàu chiến tấn công Đại Đồn Chí Hòa, một thành lũy kiên cố với 12.000 quân do Tổng Thống Quân vụ Nguyễn Tri Phương chỉ huy. 25-2-1861 Đại Đồn thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, Lang Trung Nguyễn Duy, em của Nguyễn Tri Phương, Tham tán Phạm Thế Hiển, Tán tương Tôn Thất Trị và 1.000 binh sĩ hi sinh. Quân Triều đình rút về Biên Hòa. Tiếp đó ngày 26-3-1861 Pháp tấn công thành Định Tường. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành bỏ chạy. Ngày 14-4-1861 thành Định Tường thất thủ. Ngày 14-12-1861 pháp đánh thành Biên Hòa. Tuần Phủ Nguyễn Đức Hoàn và Án sát Lê Khắc Cẩn cho lui quân và thành Biên Hòa thất thủ.
(Còn nữa)
CVL
[1] .Nay là Gò Công Đông.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-15-a25184.html