Kỳ 11.
Tổng cộng các đạo quân của Pháp chỉ có 1.000 lính Pháp và Tây Ban Nha, ưu thế của quân Pháp là đại bác đặt trên các tàu chiến có hỏa lực rất mạnh.
Ngày 14-2-1861, tiền quân Pháp là đạo quân của thiếu tá Comtơ đã chiếm được Gò Công Trảo Trảo[1]. Ngày hôm sau, đội quân này đã phối hợp với quân của trung tá Đômenếch Diegô tấn công đồn Mỹ Hòa trên bờ sông Đồng Nai. Hai bên bắn nhau kịch liệt, tiếng nổ dữ dội. Quân Đại Nam núng thế, bỏ đồn rút qua sông.
Trong khi đó đoàn tàu chiến do trung tá Haren chỉ huy theo sông Đồng Nai tấn công thành. Trên đài chỉ huy, Haren dùng ống nhòm quan sát thấy một bức tường gỗ cản trên sông. Haren ra lệnh:
-Bắn Đại bác phá cản.
-Tuân lệnh.
Từ trên các boong của các tàu chiến, các khẩu đại bác khạc ra lửa trong tiếng nổ vang rền. Những quả đạn rơi vào cản gỗ. Cản gỗ bốc cháy và bị phá tan. Đoàn tàu chiến Pháp tiến tiếp và gặp con đập lớn xây bằng đá ong. Haren lại ra lệnh dùng đại bác bắn vào đập, rồi bắn vào các thuyền có thuốc nổ của quân Việt, đập bị phá tan hoang, cả một dải sông chìm trong đạn lửa. Chờ nửa ngày sau khi khói lửa đã tắt, Haren ra lệnh:
-Tiến vào bắn thẳng vào trước mặt thành Biên Hòa, phối hợp với ba cánh quân khác của quân ta.
-Tuân lệnh.
Đoàn tàu chiến Pháp hung hăng rẽ sóng sông Đồng Nai tiến vào, khi đã vừa tầm bắn liền nã đại bác dữ dội vào thành Biên Hòa, bên ngoài, ba đạo quân Pháp bao vây thành. Quân Đại Nam trên mặt thành chống cự quyết liệt, nã đại bác vào quân Pháp. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn, Án sát Lê Khắc Cần lên mặt thành đốc chiến. Đại bác Pháp làm quân Việt thương vong vô kể, máu chảy, thịt nát, xương tan. Lại đang lúc nước sông lên cao, tàu chiến Pháp được nâng lên nã đạn vào thành càng hiệu quả, khói lửa mù mịt. Quân Việt gan dạ cầm cự được một ngày, khi thấy thành vỡ và thương vong quá lớn, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn ra lệnh:
-Rút quân về đồn Hồ Nhĩ.
-Tuân lệnh.
Ngày 17-2-1861 thành Biên Hòa lọt vào tay quân Pháp.
Sau khi Biên Hòa thất thủ, Trương Bá Nghi đem quân về Bình Thuận. Từ Huế, Nguyễn Tri Phương đem vài nghìn quân vào cứu thành Biên Hòa nhưng gần đến nơi thì thành đã mất. Nguyễn Tri Phương và Trương Bá Nghi đóng quân ở Bình Thuận, án binh bất động, không một kế sách gì đánh Pháp, cũng không tiến quân giúp các đội quân ứng nghĩa của nhân dân đang đánh Pháp kịch liệt. Hành động của Phương và Nghi đã làm cho Pháp rảnh tay và ngày 28-12-1861 Pháp chiếm Long Thành, ngày 7-1-1862 theo sông Đồng Nai, Pháp đánh chiếm Bà Rịa-Vũng Tàu. Ba tỉnh miền Đông hoàn toàn rơi vào tay Pháp.
Tháng 3 năm 1862, miền Tây và cả Nam Bộ đang là mùa xuân, một màu xanh bao phủ thôn ấp miệt vườn. Sông Tiền, sông Hậu vẫn cuồn cuộn đưa nước về Đông. Màu xanh vẫn như xưa nhưng toàn miền Nam không yên bình bởi khói lửa chiến tranh do bọn xâm lược Pháp mang tới đang cháy khắp nơi. Quan quân triều đình thua trận, mất thành tháo chạy, ba tỉnh miền Đông đã mất vào tay Pháp. Lòng dân như lửa đốt lo cho vận mệnh nước nhà. Các đội quân ứng nghĩa ngày càng nhiều và nổi dậy chống Pháp khắp nơi.
Trong dinh Tổng đốc Vĩnh Long, Tổng đốc Trương Văn Uyển đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng, chợt có người lính hốt hoảng chạy vào báo:
-Dạ bẩm Tổng đốc, hơn chục tàu chiến Pháp đang từ Định Tường kéo sang bắn phá Vĩnh Long chúng ta.
Trương Văn Uyển hốt hoảng:
-Chúng bắn phá ở đâu?
-Dạ chúng đang bắn phá đồn Vĩnh Tùng do Lãnh binh Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Thái, Lê Đình Cửu chỉ huy. Chúng cũng bắn phá đồn Thanh Mỹ do Lãnh binh Hà Lực, Ngô Thành, Trương Văn Thành trấn giữ. Quân ta và quân Pháp đang bắn nhau kịch liệt.
Trương Văn Uyển nói:
-Theo dõi chặt tình hình, có gì nhanh chóng báo cho ta nghe.
-Dạ, tuân lệnh Tổng đốc.
Hai ngày sau, thám mã lại về báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, hai đồn Vĩnh Tùng và Thanh Mỹ đã mất, toàn bộ các Lãnh binh và binh sĩ ở hai đồn đã hy sinh.
Trương Văn Uyển ra lệnh:
-Phát lệnh cho tướng sĩ trong thành chuẩn bị chiến đấu.
-Dạ, tuân lệnh.
Ngày 20-3-1862, Trương Văn Uyển nghe đại bác nổ ầm bên ngoài, thuộc hạ chạy vào báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, nguy cấp rồi, tàu chiến quân Pháp đã áp sát và đang nã pháo tấn công thành Vĩnh Long.
Trương Văn Uyển cùng các tùy thuộc lên mặt thành đốc chiến. Tổng đốc ra lệnh:
-Bắn vào tàu Pháp.
-Tuân lệnh.
Đại bác trên mặt thành đồng loạt nã đạn xuống tàu Pháp. Quân Đại Nam chống cự kịch liệt trên các kênh rạch và trên mặt thành. Tới sáng 23-3-1862 các ụ đại bác trên thành bị đại bác Pháp tiêu diệt, sức đề kháng của quân Việt yếu dần. Tổng đốc Trương Văn Uyển ra lệnh:
-Đốt tất cả dinh thự, kho tàng, không để lọt vào tay quân giặc.
-Tuân lệnh.
Sau Thành Gia Định, Đại Đồn, Định Tường, Biên Hòa, đến lượt thành Vĩnh Long bốc cháy ngùn ngụt, dinh thự, kho tàng quân lương, doanh trại bị lửa thiêu trụi, lửa khói sáng rực suốt một vùng rộng lớn Tiền Giang và cả Hậu Giang. Nhìn thành trì chìm trong lửa, nhân dân miền Tây kêu lên đau xót:
-Vĩnh Long thất thủ rồi, than ôi!!!
Tổng đốc Trương Văn Uyển cùng tùy thuộc sau đó chạy về Duy Minh. Quân Pháp tràn vào thành vẫn còn thu được 68 đại bác chưa cháy hết. Đó là tháng 6 năm 1861. Đất phương Nam không có mùa đông, chỉ có hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, mùa nào thì nắng cũng rực rỡ nhưng mùa khô thì chói chang hơn. Nắng rải chan hòa trên vùng đất miền Đông và miền Tây. Những đồng lúa mênh mông bát ngát thẳng cánh cò bay, những miệt vườn ấp thôn màu cây xanh trùm kín không gian rộng lớn. Trời xanh cao vòi vọi. Những làn mây trắng bay nhởn nhơ trên trời biến đổi thành những hình thù kỳ quái. Lửa khói cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp đã bao trùm khắp lục tỉnh Nam Kỳ.
(Còn nữa)
CVL
---------------------
[1] . Nay thuộc Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-11-a25119.html