Kỳ 1
I
Trời đã sang xuân. Biển phương Nam vẫn ngày đêm gầm gào sóng gió, sóng xô mạnh suốt ngày đêm vào mạn tàu của đoàn quân viễn chinh Pháp, bọt sóng tung trắng xóa, những con tàu lắc lư nghiêng ngửa. Những con tàu sắt vẫn hung hãn đè sóng biển tiến tới phương Nam.
Đơgiơnuli đứng trên đài chỉ huy, bên cạnh có đại tá Râyno, đại tá Tây ban Nha Ladarốt, thiếu tá Giberi. Tất cả hạm tàu đã sẵn sàng chiến đấu. Râyno hỏi Đơgiơnuli:
-Thưa Đô đốc, chúng ta đang ở vùng biển nào rồi ạ?
Đơgiơnuli liếc vào hải đồ rồi nói:
-Chúng đang hành trình trên vùng biển Vũng Tàu, Bà Rịa.
Đại tá Râyno lại hỏi:
-Thưa Đô đốc, còn cách cửa biển Cần Giờ bao xa?
Đơgiơnuli đáp:
-Khoảng 20 hải lý nữa.
-Vậy sắp đến rồi. Theo tôi, Đô đốc nên cho bắn vài loạt đại bác vào bờ để thử lại súng đạn, để sẵn sàng chiến đấu và để thị uy, dọa nạt quân dân Gia Định một phen.
-Đại tá nói phải lắm.
Rồi từ đài chỉ huy, Đơgiơnuli ra lệnh:
-Chú ý, tám pháo hạm đồng loạt nổ một loạt đại bác vào Vũng Tàu-Bà Rịa.
-Rõ, nổ một loạt đại bác vào Vũng Tàu-Bà Rịa.
Tám pháo hạm đồng loạt nổ vang như sấm, đạn sáng rực như những tia chớp bay vào làng mạc ven bờ biển Vũng Tàu-Bà Rịa. một vùng ven biển đang yên lặng thanh bình bị một cơn bão lửa ập xuống. Một số nóc nhà bốc cháy. Các sĩ quan và binh lính pháp trông thấy những bóng người hoảng loạn chạy tới, chạy lui. Bọn sĩ quan và binh lính nhìn thấy cảnh đó chúng khoái chí cười lên man rợ:
-Ha!Ha!Ha!...
-Ha!Ha! Ha!...
Đơgiơnuli ra lệnh tiếp:
-Chuẩn bị sãn sàng chiến đấu, đánh tan hạm đội của Đại Nam nếu chúng đón ta ở cửa biển Cần Giờ, cản đường chúng ta vào thành Gia Định.
Trời biển phương Nam vẫn một màu nắng gió và nước mênh mông. Đơgiơnuli ra lệnh cho hạm tàu rẽ về hướng Tây, la bàn chỉ mũi tàu đi 90 độ. Làng mạc ven biển đã hiện ra xanh ngát. Sáclơ Đơgiơnuli dự đoán hạm đội Đại Nam sẽ đón đầu và chặn đánh đoàn tàu Pháp ở cửa biển để bảo vệ thành Gia Định. Nhưng cửa biển Cần Giờ vắng lặng, không một chiếc tàu thuyền. Đơgiơnuli chột dạ lo lắng. Hay là Tổng đốc Gia Định Võ Duy Ninh chờ cho tàu của Pháp vào sâu rồi mới đánh hỏa công. Nếu như vậy thì đoàn tàu Pháp sẽ lâm nguy. Nghĩ vậy Đơgiơnuli ra lệnh:
-Bốn chiến hạm đi trước dò đường xem có mai phục không, vừa đi vừa dọn đường bắn phá các đồn hai bên sông Cần Giờ, nếu gặp vật liệu chuẩn bị đánh hỏa công thì dừng lại, bắn cháy bè hỏa công, gió từ phía đông thổi vào sẽ đưa bè lửa ngược lại vào thành Gia Định, quân Đại Nam sẽ tự thiêu đốt mình.
Râyno hỏi:
-Thưa Đô đốc, nếu gặp bè lửa phía sau lưng ta thì làm thế nào ạ?
-Ồ, quá dễ trong trường hợp này, ngài hãy cho tàu chạy thẳng vào thành Gia Định, bắn phá thành và nhảy lên bờ mà đánh chiếm thành, chúng tôi sẽ tiếp viện phía sau.
-Rõ, tuân lệnh Đô đốc.
Râyno dẫn đầu tám pháo hạm đi tiên phong, hai tàu một cặp đi song song, vừa đi vừa bắn phá những chướng ngại vật quân Việt đặt trên sông. Từ đài chỉ huy qua vô tuyến điện, Đơgiơnuli nhận được báo cáo của Râyno:
-Báo cáo Đô đốc, quân ta đã triệt phá được 12 đồn của quân Việt hai bên bờ sông mà không thấy có bè chuẩn bị đánh hỏa công.
-Vậy thì tốt, tiến thẳng vào thành Gia Định.
-Rõ, tuân lệnh Đô đốc.
Chiều 15 -2-1859, bốn tàu của Râyno gặp ụ Hữu Bình, đồn Vàm Cỏ tả ngạn sông và đồn Giác Ngư, hữu ngạn sông bảo vệ cho thành Gia Định. Thấy thuyền nhỏ và chất cháy của quân Việt nhằm đánh hỏa công, Râyno ra lệnh:
-Bắn vào thuyền chất cháy của quân Việt.
-Rõ, thưa đại tá.
Đại bác pháp nã đạn vào, dàn hỏa công của quân Việt bốc cháy dữ dội như bão lửa nhưng lại trôi về thành Gia Định theo hướng gió đông thổi vào, phía trước tàu của quân pháp. Đồn Vàm Cỏ và đồn Giác Ngư bắn đại bác vào tàu Pháp nhưng đạn chỉ như những hòn đá rơi xuống sông mà không nổ. Tàu chiến Pháp không hề hấn gì, nã đại bác cấp tập vào hai đồn. Đồn Vàm Cỏ và đồn Giác Ngư bốc cháy. Đồn tan nát và hàng trăm binh lính Việt hy sinh. Lửa các bè hỏa công trôi dạt vào gần thành Gia Định cháy suốt đêm, sáng hôm sau mới tắt.
Đêm 15 tháng 2 năm 1859, Tổng đốc Gia Định Võ Duy Ninh cùng thuộc cấp và binh lính thức suốt đêm để lo phòng thủ Gia Định, chống đỡ quân Pháp. Võ Duy Ninh quê quán Quảng Ngãi, đỗ cử nhân. Vua Tự đức thấy có tài năng nên bổ nhiệm Tham tri Bộ lễ, cùng tham gia phòng thủ Đà Nẳng với Nguyễn Tri Phương, mới nhậm chức Tổng đốc Gia Định-Biên Hòa được hai hôm thì quân Pháp đánh Gia Định. Võ Duy Ninh đã chỉ huy quân tác chiến với quân pháp suốt một chiều. Đêm xuống dần, bóng đêm bao phủ mịt mùng. Thành Gia Định cũng chìm trong bóng tối. Trong dinh Tổng đốc, Võ Duy Ninh ngồi ghế chủ, bàn kê dọc dưới ngồi hai hàng ghế là Án sát Lê Từ, cử nhân Trần Trí, Lãnh binh Tôn Thất Năng. Bốn người đã cạn nhiều ấm trà nóng. Những ngọn đèn dầu lạc cắm trên những chiếc lư đồng trên tường tỏa ánh sáng vàng vọt. Cả bốn người còn đang đăm chiêu nghĩ kế chống Pháp, giữ thành. Chợt có lính vào báo:
-Dạ cấp báo Tổng đốc, sau khi triệt hạ đồn Vàm Cỏ và đồn Giác Ngư là hai đồn then chốt bảo vệ thành Gia Định, tám tàu quân pháp đã tiến vào sông gần thành, các bè hỏa công của ta đã bị giặc bắn cháy đang trôi dạt và cháy âm ỉ ở sông hào ngoài thành của ta.
-Võ Duy Ninh nói:
-Rồi cho ngươi lui, có gì phải nhanh chóng cấp báo.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a24929.html