Những bản hùng ca giúp khán giả nhiều thế hệ hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc. Khán giả ấn tượng về những câu chuyện của các ca khúc trong kháng chiến chống Pháp.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi với nhiều ca khúc đã đi vào lịch sử được dàn dựng công phu như: “Quê hương anh bộ đội”, “Tình đồng chí”, “Bộ đội về làng”, “Tiểu đoàn 307”, “Đường lên Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “Tiếng đàn”, “Áo mùa đông”, “Giải phóng Điện Biên”, liên khúc: “Cảm xúc tháng Mười - Tiến về Hà Nội”, khí nhạc “Qua miền Tây Bắc - Hành quân xa”…
Ngoài các tiết mục được đầu tư hoành tráng, chương trình có những thước phim tài liệu xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Ngọc Long (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam),... về một thời kì chiến đấu hào hùng, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Tham dự chương trình có Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Đây là hoạt động không chỉ để giới âm nhạc và công chúng ôn lại những sáng tác nổi bật về Điện Biên năm xưa với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn thôi thúc thêm nhiều sáng tác mới ra đời. Những ca khúc hôm nay về Điện Biên đều vang tinh thần chiến thắng, đậm hơi thở cuộc sống nên rất giá trị và gần gũi.
Điểm cộng cho chương trình bởi không gian âm nhạc tạo nên bằng nhiều các tác phẩm đi cùng năm tháng được đầu tư dàn dựng công phu, thể hiện bối cảnh sống, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Với mỗi khán giả có mặt trong đêm nhạc đều xúc động trào dâng khi cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ, truyền thống lịch sử yêu nước, qua đó phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dù sinh ra ở thế hệ nào chúng ta cần làm gì để noi gương các thế hệ đi trước và những tấm gương anh hùng trẻ tuổi.
Thật khó kể hết được những sáng tạo của những con người đã dành tâm huyết cho đề tài âm nhạc chính luận này.
Những khoảng khắc ấn tượng của người trong cuộc
Mỗi thời kỳ cách mạng phát triển và đầy biến động các nhạc sĩ đều thể hiện tính công dân sâu sắc qua những giai điệu linh thiêng và thể hiện lòng tự hào dân tộc. Nhất là mỗi khi đất nước gặp khó khăn nguy biến, các nhạc sĩ đã trở thành chiến sĩ, họ vừa cầm súng vừa cầm đàn.
Âm nhạc đã trở thành vũ khí tinh thần, nồng nhiệt và giàu sức chiến đấu
“Ký giả người Úc Wilfed Burchett đến Việt Nam vào đầu năm 1953. Ông gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc, đúng vào thời điểm ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong buổi phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ trong rừng Thái Nguyên tháng 11/1953, khi hỏi: "Tôi có nghe thấy một địa danh tên là Điện Biên Phủ qua nhiều đài phát thanh, ông có thể tiết lộ về nó được không?" Hồ Chủ tịch đã lấy cái mũ đội đầu, ngửa ra và đặt lên chiếc bàn tre. Vừa chỉ tay vào đó Bác nói: "Đây chính là Điện Biên Phủ, nó là một thung lũng, bao quanh là núi rừng. Phía dưới quân đội Pháp đồn trú, còn chúng tôi ở trên. Người Pháp sẽ không bao giờ thoát ra được!”. Lịch sử đã khéo sắp đặt cuộc đối đầu giữa Việt Minh và quân đội Pháp tại lòng chảo Điện Biên. Đó là cả một quá trình đấu trí, đấu lực, khi công khai, lúc thầm lặng giữa một bên là Navarre, Cogny, De Catries cùng đạo quân viễn chinh hùng hậu Pháp, phía bên kia là Tướng Giáp cùng cả một dân tộc đang khát khao độc lập. Sự thành bại sẽ quyết định vận mệnh của một đất nước, Việt Nam! Chương trình Chính luận nghệ thuật "Từ mùa Hè Điện Biên tới mùa Thu Hà Nội" do Đài PT- TH Hà Nội tổ chức với mong muốn đưa khán giả sống lại những thời khắc lịch sử hào hùng của cuộc trường chinh 3000 ngày đánh giặc, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên với thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tôi mong rằng: các bạn đoàn viên, thanh niên, các em thiếu nhi nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong tiếp nối, phát huy truyền thống của dân tộc. Thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình để giành lại mùa xuân cho đất nước, thế hệ trẻ thời đại mới sẽ tiếp tục kế thừa, giữ trọn lời hứa, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”. Đạo diễn - Nhà báo Ngô Thanh chia sẻ.
Để chuẩn bị cho chương trình chính luận nghệ sĩ đã tập luyện gần 1 tháng trước khi chương trình diễn ra. Khoảng 20 tổ khúc, tác phẩm được giám đốc âm nhạc Thành Vương hòa âm phối khí một cách hoàn toàn mới như tổ khúc “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây là một trong những lí do các nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian tập luyện.
Tổ khúc "Hồi tưởng" của nhạc sĩ Hoàng Vân là một tác phẩm nổi tiếng nhưng ít có chương trình nào hát lại, đây là lần thứ 2 tôi hát bài bài hát này tại Đài Hà Nội. Chương trình lần này do giám đốc âm nhạc Thành Vương chỉ đạo. Anh là một nhạc sĩ trẻ, đã từng làm việc với nhiều chương trình âm nhạc lớn nhỏ nổi tiếng. Nhạc sĩ trẻ Thành Vương cũng là người sẽ phối lại các tác phẩm đã đi cùng năm tháng nhưng vẫn biết cách làm sao để có thể giao thoa giữa cái mới mẻ, sắc sảo, hiện đại của người trẻ và cái cổ kính, hồn cốt của những tác phẩm âm nhạc lịch sử", NSƯT Đăng Dương chia sẻ.
Vinh dự là một trong những nghệ sĩ được mời tham gia chương trình này tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của một người trẻ đối với ý nghĩa của chương trình.
Tôi tự hào là một công dân, một người trẻ của đất nước có những con người bất khuất, kiên cường, anh dũng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cảm ơn lãnh đạo Đài PT- TH Hà Nội, ê kip sản xuất đã tâm huyết. ngày đêm trăn trở để xây dựng nội dung làm nên một chương trình có nhiều dấu ấn và ý nghĩa như vậy.
“Lắng đọng", "hùng tráng" và "tự hào" là những cảm xúc đọng lại trong tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ khác khi nhắc về chương trình chính luận nghệ thuật 'Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”, nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh nói.
“Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội” đúng hơn là câu chuyện lịch sử được viết nên bằng âm nhạc. Đến với chương trình, khán giả được sống lại không khí của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, để hiểu hơn về những đóng góp của lực lượng Quân đội, Công an trong “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, để càng thấy yêu tổ quốc Việt Nam hơn và trân trọng những giá trị của độc lập, tự do, hòa bình mà ông cha ta đã phải đánh đổi bằng xương máu.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khuôn khổ bài viết này tôi mong rằng Đảng và Nhà nước ta cũng như các đơn vị làm chương trình nghệ thuật tổ chức ngày kỷ niệm như một sự biết ơn và trân trọng lịch sử. Và cứ đến ngày 7/5, lòng người Việt Nam triệu người như một lại tự hào, hãnh diện. Dù đi giữa phố phường rực rỡ cờ hoa, hay trên cánh đồng lúa, nương khoai bao la bát ngát; dù biên thùy hay nơi đảo xa; núi cao, rừng sâu, hay đồng bằng, thôn bản, những ca từ “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về” vẫn vang vọng mãi...
Thuý Hằng
Link nội dung: //revcat.net/tu-mua-he-dien-bien-den-mua-thu-ha-noi-a24633.html