Kỳ 19
CHƯƠNG IV
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH (26-4 đến 30-4-1975)
I.
Đang là mùa khô nên vừa mới sáng sớm ở khu rừng Lộc Ninh, ánh nắng đã rải xuống khắp rừng, nắng xuyên qua cây lá cao thấp của rừng cây cổ thụ, những loại cây không tên cao thấp đan xen vào nhau bạt ngàn. Gió lùa lá rừng xào xạc, lá vàng theo gió rụng đầy đất, rải đầy lối đi. Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước, nơi là Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, là nơi đặt Bộ chỉ huy Miền, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Một căn nhà rộng vách, mái lợp bằng lá dừa nước núp dưới rừng cây che phủ. Trong phòng thoáng mát kê nhiều bàn ghế bằng gỗ đơn sơ, trên bàn đặt nhiều bộ ấm trà nước. Gian giữa trên vách treo lá cờ nửa xanh nửa đó, giữa có sao vàng 5 cánh, dưới cờ có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tập lịch treo trên tường đã được bóc chỉ ngày 15 tháng 4 năm 1975. Tại đây hôm nay có cuộc họp quan trọng của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Ngồi ghế chủ tọa là Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Ngồi ghế dưới là các Phó Tư lệnh chiến dịch: Thiếu tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy Phạm Hùng, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Trung tướng Lê Quang Hòa, Quyền tham mưu trưởng Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền. Có hai nhân vật dân sự trong bộ chỉ huy là đồng chí Nguyễn Văn Linh, phụ trách phát động quần chúng nhân dân nổi dậy trong thành phố, đồng chí Võ Văn Kiệt có nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở kinh tế, kỹ thuật sau khi thành phố được giải phóng. Ngoài ra, dự họp còn có Tư lệnh các Quân đoàn là những người được giao nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị tiến hành chiến dịch. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang), Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn II, Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn III (Binh đoàn Tây Nguyên), Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Quân đoàn III, Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV (Binh đoàn Cửu Long), Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Quân đoàn IV, Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu, Tư lệnh đoàn 232 (tương đương Quân đoàn), Đại tá Trần Văn Phác, Chính ủy đoàn 232, Trung tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh cánh quân tây-nam, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng, Chính ủy cánh quân tây-nam. Tham gia chiến dịch này còn có Quân đoàn I. Thiếu tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I (Binh đoàn Quyết Thắng), Thiếu tướng Hoàng Minh Thi, Chính ủy Quân đoàn I. Tuy nhiên hai đồng chí này vắng vì Quân đoàn I đang trên đường hành quân từ Thanh Hóa vào Sài Gòn, sẽ giao nhiệm vụ cho Quân đoàn I sau.
Đại tướng Văn Tiến Dũng quan sát một lượt, bê ly nước và nói:
-Mời các đồng chí uống nước.
Mọi người nâng ly và nói:
-Kính mời Đại tướng.
Sau khi mọi người cạn ly, đặt xuống bàn, Đại tướng Văn Tiến Dũng nói:
-Các đồng chí đều biết, tình hình chiến sự diễn ra hết sức nhanh chóng, từ đầu tháng 3 đến nay quân ta đã thu được những thắng lợi to lớn. Sau khi giải phóng cao nguyên Tây Nguyên, gần như cùng thời gian, quân ta đã giải phóng từ Quảng Trị (nam sông Thạch Hãn) đến Thừa Thiên-Huế trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế, giải phóng Quảng Nam-Quảng Ngãi trong chiến dịch Nam-Ngãi, giải phóng thành phố Đà Nẵng, quân và dân ta đã nổi dậy giải phóng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đập tan cánh cửa thép Phan Rang-Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến vào giải phóng Thành phố Sài Gòn. Cuộc tấn công mùa xuân 1975 đang diễn ra đúng tinh thần của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đồng chí đã biết ngày 25-3-1975 Bộ Chính trị họp để bàn về Tổng tấn công 1975 giải phóng miền Nam, đến ngày 31-3-1975 Bộ Chính trị họp mở rộng cũng để bàn về vấn đề này. Nội dung cả hai cuộc họp quan trọng này có thể tóm tắt lại: Tận dụng thời cơ, đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến nhằm giải phóng toàn bộ miền Nam trước thời hạn dự định một ngày bằng 20 năm. Đúng như mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Muốn hoàn thành giải phóng miền Nam, trước mắt chúng ta phải giải phóng Sài Gòn, sào huyệt của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Để chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược này, thừa lệnh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã ra “Quyết định” thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Giải phóng Sài Gòn-Gia Định do tôi làm Tư lệnh trưởng. Tôi xin đọc Quyết định này.
Mọi người chăm chú lắng nghe. Sau khi đọc xong Quyết định và danh sách Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại tướng nói tiếp:
-Chúng ta đã đề nghị Bộ Chính trị đổi tên chiến dịch Giải phóng Sài Gòn-Gia Định thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14 tháng 4 năm 1975 Bộ Chính trị đã gửi bức điện số 37/TK cho chúng ta: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh” (Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam).
Đại tướng uống một ly nước và nói tiếp:
-Về tình hình mặt trận Sài Gòn, sau chiến dịch Phan Rang-Xuân Lộc và cuộc tấn công của quân ta ở đồng bằng sông Cửu Long, cho đến nay Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất tất cả các vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ Sài Gòn, thành phố này đã bị quân ta bao vây như một ốc đảo chỉ còn giao lưu với bên ngoài bằng đường hàng không, nhiều hãng hàng không nước ngoài cũng đã không bay đến Sài Gòn nữa, các Đại sứ quán các nước cũng đã hạ cờ đóng cửa và rút về nước. Trong chiến dịch này chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và đầy đủ. Mời đồng chí Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm hậu cần báo cáo việc chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch này.
Thiếu tướng Đinh Đức Thiện liếc nhìn sổ tay và nói:
-Kính thưa đồng chí Đại tướng, thưa các đồng chí, trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động 7.064 xe ô tô, 3.364 xe của Tổng cục hậu cần và Bộ tư lệnh Trường Sơn, 32 tàu của hải quân, 31 toa tàu hỏa, điều thêm 1 vạn người, 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng điều trị cho 1 vạn thương binh, thành lập 8 Tiểu đoàn cơ động bốc xếp, làm đường, gom được 20.000 tấn vật chất bổ sung, 5.100 tấn đạn dược, 6.000 tấn xăng dầu. Các đơn vị hậu cần khi hành quân mang theo 5.000 tấn đạn, 1.500 tấn xăng dầu, đã có dự trữ 55.000 tấn vật chất các loại, đạt 90 % nhu cầu tác chiến.
Đại tướng Văn Tiến Dũng nói:
-Về các Quân đoàn hiện nay đã tập kết vào vị trí chiến đấu. Riêng Quân đoàn I đang từ miền Bắc hành quân vào tham gia chiến dịch nhưng chỉ nổ súng chậm hơn các Quân đoàn khác khoảng một ngày. Xin mời đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Quyền tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch báo cáo lực lượng quân ta huy động trong chiến dịch này.
Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền nhìn sổ tay và nói:
-Kính thưa đồng chí Đại tướng, thưa các đồng chí, về quân số các Quân đoàn, Tư lệnh các Quân đoàn đã nắm, tôi chỉ nêu tổng số quân trong chiến dịch: Ta huy động 250.000 quân chủ lực, 200.000 quân địa phương và du kích, trang bị 265 xe tăng, 127 xe thiết giáp, 241 pháo kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ. Tôi cũng thay mặt Bộ Chỉ huy chiến dịch đọc việc phân bố hướng tập kết và nhiệm vụ tấn công của các Quân đoàn vào thành phố. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền cầm cây gậy nhỏ chỉ vào tấm bản đồ Sài Gòn cỡ lớn treo trên tường. Bản đồ in những mũi tên đỏ to đậm chằng chịt bốn hướng, tất cả các mũi tên từ các hướng quy tụ vào Dinh Độc Lập. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền vừa chỉ vừa nói:
1, Hướng đông-nam: Do Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) đảm nhiệm, tổng số quân là 40.000 người, do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, đồng chí Thiếu tướng Lê Linh làm Phó Chính ủy. Quân đoàn II có nhiệm vụ đánh căn cứ Nước Trong, Long Thành, đánh chiếm Chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, cảng và bến phà Cát Lái, Chi khu Đức Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, tiêu diệt Sư đoàn 322 ngụy quân, đánh chiếm Trường huấn luyện thiết giáp, tiêu diệt căn cứ Long Tân, Chi khu quân sự Đức Thạnh. Sư đoàn phối thuộc là Sư đoàn Sao Vàng đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa. Trong nội đô, Quân đoàn II đánh chiếm quận 1 và 3, cùng đánh và hợp điểm tại Dinh Độc Lập với các Quân đoàn khác.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/xuan-1975-bai-ca-non-song-thong-nhat-tieu-thuyet-lich-su-ky-19-a24203.html