Kỳ 16
CHƯƠNG III
CHIẾN DỊCH PHAN RANG - XUÂN LỘC (9-4-1975 đến 22-4-1975)
I
Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1975, nắng chan hòa rải xuống khắp thành phố Sài Gòn. Nắng đẹp trời xanh nhưng thành phố không yên tĩnh. Tin tức Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại rút chạy khỏi Tây Nguyên, rút chạy khỏi Quân khu I và Đà Nẵng lan nhanh như cơn lốc, gây hoang mang lo sợ tràn ngập đường phố. Những đơn vị lính Cộng hòa thua trận chạy về Sài Gòn tơi tả, những nhân viên dân sự của bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ Tây Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng đến Nam- Ngãi di tản về gây cho đô thị này bội phần khiếp sợ. Trong Dinh Độc Lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu suốt một tháng nay đứng ngồi không yên. Mắt không tin vào điện báo về và cả văn bản bằng giấy mà văn phòng Tổng thống đưa sang. Ông đọc đi đọc lại bản báo cáo đại lược là chỉ trong tháng 3 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa đã mất Tây Nguyên, mất Quân khu I và Quân khu II. Quân lực Việt Nam Cộng hòa tan rã và phần lớn bị tiêu diệt 2 Quân đoàn mạnh là Quân đoàn Tây Nguyên và Quân đoàn I. Trên 35 % bộ binh bị tiêu diệt, tan rã, 43% cơ sở vật chất kỹ thuật bị phá hủy hay rơi vào tay Cộng quân. Cộng quân đã chiếm được 12 tỉnh từ Tây Nguyên xuống Quảng Trị đến Khánh Hòa. Tính đến ngày 18 tháng 4 năm 1975, Cộng quân đã khiểm soát 16 tỉnh thuộc Quân khu I và toàn bộ Quân khu II, tỉnh Phước Long ở Quân khu III, ngoài ra còn các vùng giải phóng đan xen kiểu da báo ở Quân khu IV (đồng bằng Nam Bộ). Dư luận miền Nam và Mỹ đều đổ trách nhiệm lên đầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, là kết quả khi ra lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú rút chạy khỏi Tây Nguyên và cũng ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng rút khỏi Quân khu I để về phòng thủ ở khu vực đông dân và giàu có của Việt Nam Cộng hòa khi quá hoảng loạn về việc Mỹ rút quân và Mỹ cắt viện trợ. Tổng thống Garald Ford nói trong tuyên bố rằng: "Quyết định đơn phương về việc rút quân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tạo ra hậu quả là một tấn thảm kịch không thể tưởng tượng được”. Để đáp lại, Tổng thống Thiệu đã tuyên bố rằng "Chính quyền Hoa Kỳ đã đem con bỏ chợ, rằng ông đã bị Henry Kissinger viết chung vào bản hóa đơn và bán đứng cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Hiệp định Pari rồi”.
Trong bản báo cáo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, khoảng 1 triệu lính đã bị tiêu diệt và bị bắt, 1/2 tan rã, 6 Sư đoàn mất khả năng chiến đấu. Ngoài đổ lỗi cho Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu còn đổ lỗi cho các tướng lĩnh. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, nhân danh Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam 3 sĩ quan cao cấp của Quân lực: Thiếu tướng Phạm Văn Phú vì để mất toàn bộ Tây Nguyên, Tướng Phạm Quốc Thuần tội bất tuân thượng lệnh, không chịu tổ chức phòng thủ Bình Định-Nha Trang, Tướng Dư Quốc Đống về tội để mất Phước Long. Nguyễn Văn Thiệu còn định bắt cả Tướng Ngô Quang Trưởng nhưng vị tướng này đang nằm bệnh viện.
Tuy vậy, giới quân sự Sài Gòn vẫn cho là Nguyễn Văn Thiệu bất tài và muốn thay thế, muốn Thiệu từ chức. Ngay từ ngày 23 tháng 1 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã bị một sĩ quan ám sát hụt, thủ phạm bị bắt và bị đưa ra Tòa án binh xét xử. Ngày 4 tháng 4, một quả bom đã đặt ở Dinh Độc Lập, nơi Thiệu làm việc nhưng bị phát hiện kịp. Ngày 8 tháng 4 phi công Nguyễn Thành Trung đã dùng máy bay F5E ném bom Dinh Độc Lập.
Nguyễn Văn Thiệu không đọc bản báo cáo toàn là thất bại, ông gạt sang một bên và tập trung suy nghĩ về một kế hoạch để giữ vững phần lãnh thổ còn lại, chặn bước tiến như vũ bão của Cộng quân để bảo vệ Sài Gòn và Quân khu IV.
Sớm ngày 3 tháng 4 năm 1975, tại Dinh Độc Lập có cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Thiệu với Phó Đại sứ Hoa Kỳ Lehman và tướng Frecerick C.Weyand. Trên chiếc bàn sang trọng ba ly rượu vang hảo hạng đã được rót ra. Tổng thống Thiệu cầm ly lên và nói:
-Mời hai ngài.
-Cảm ơn Tổng thống, xin mời.
Sau khi ba người cạn, đặt ly xuống bàn, Nguyễn Văn Thiệu giở sổ tay, chỉ vào bản đồ Quân khu III và nói:
-Tôi trình bày với hai ngài kế hoạch “Nỗ lực tối đa” để bảo vệ Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ. Kế hoạch này tôi lấy Xuân Lộc làm trung tâm phòng ngự, trở thành cánh cửa “thép”, cánh cửa chính để bảo vệ Sài Gòn. Xuân Lộc thất thủ thì Sài Gòn thất thủ. Hai bên sườn của Xuân Lộc là Tây Ninh và Phan Rang. Tây Ninh-Xuân Lộc-Phan Rang tạo nên tuyến phòng thủ phía đông vững chắc cho Sài Gòn.
Tướng C.Weyand hỏi:
-Thưa Tổng thống, ngài sẽ dùng lực lượng như thế nào để tử thủ ở đây?
Nguyễn Văn Thiệu đáp:
-Thưa hai ngài, phòng thủ Phan Rang có hai Trung đoàn của Sư đoàn 2, phòng thủ Xuân Lộc là Sư đoàn 18 do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy cùng các lực lượng dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, tăng thiết giáp và không quân còn lại. Cụ thể là Phi đoàn 18 còn nguyên vẹn Trung đoàn 43, 48 và 52, Thiết đoàn 3 kỵ binh thiết giáp, bốn Tiểu đoàn bảo an 340, 342, 343, 367, hai Tiểu đoàn pháo binh 181, 182 với 42 khẩu pháo các loại trong đó có hai khẩu M107, 175mm, hai Lữ đoàn dân vệ. Tổng số binh lực của Quân lực tại phòng tuyến Phan Rang-Xuân Lộc là trên 25.000 quân, chiếm 30% lực lượng bộ binh của Quân đoàn III, 57% % số lượng xe tăng, 40% pháo binh.
Tổng thống Thiệu nói xong, hỏi hai người Mỹ:
-Tôi đã trình bày xong, hai ngài có ý kiến gì không?
Phó đại sứ Hoa Kỳ Lehman nói:
-Phòng tuyến và binh lực như vậy là hợp lý nhưng tôi lo ngại về tinh thần binh sĩ sau những cuộc thoái lui ở Tây Nguyên, Quân khu I và Quân khu II.
Nguyễn Văn Thiệu đáp:
-Không thể không ảnh hưởng về tinh thần sau những cuộc thoái lui trên, nhưng trên phòng tuyến này Quân lực Việt Nam Cộng hòa hiểu rằng không còn đường thoái lui, nơi đây quyết định hoặc là còn Việt Nam Cộng hòa hoặc là mất. Cho nên tôi tin tinh thần của binh sĩ và tướng lĩnh ở đây là quyết tử thủ. Tuy nhiên chắc chắn nhất về tinh thần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là sự can thiệp giúp đỡ lần nữa của Hoa Kỳ.
Tổng thống Thiệu lấy ra một tờ giấy và nói:
-Đây là thư của cựu Tổng thống Hoa Kỳ RiChard Nixon hứa sẽ can thiệp trở lại nếu Việt Nam Cộng hòa bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công. Không biết các ngài và Chính quyền của Tổng thống Gerald Ford có nhớ và thực hiện lời hứa này hay không?
Phó Đại sứ Hoa Kỳ Lehman đáp:
-Thưa Tổng thống, tôi sẽ trình Tổng thống Ford và sẽ phúc đáp với ngài sau. Nhưng tôi cho ngài biết rằng rất khó khăn khi vấn đề này phải thông qua Quốc hội Mỹ, nhìn vấn đề thông qua ngân sách viện trợ cho các ngài hiện nay khó khăn và bế tắc thì cũng đã có câu trả lời cho vấn đề có can thiệp lại hay không.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tức giận:
-Vậy là Hoa Kỳ đã đem con bỏ chợ rồi, các đồng minh còn ai tin tưởng các ngài được nữa?
Lehman nói mềm mỏng:
-Trước mắt, chúc ngài Tổng thống bảo vệ được phòng tuyến Phan Rang-Xuân Lộc, bảo vệ được Sài Gòn, bảo vệ được Việt Nam Cộng hòa.
Nguyễn Văn Thiệu đứng lên, cổ họng nghẹn lại không nói được câu phải nói cảm ơn sau lời chúc, cũng không bắt tay hai người Mỹ. Ba người ra khỏi phòng trong không khí căng thẳng. Họp xong, Thiệu gọi cho Chuẩn tướng Lê Minh Đảo và Đại tá Nguyễn Văn Phúc, chỉ huy mặt trận Xuân Lộc. Lê Minh Đảo họp báo cũng là để trả lời Tổng thống Thiệu: “Tôi thề sẽ giữ vững Xuân Lộc. Bất chấp Cộng sản tập trung bao nhiêu quân đoàn, tôi cũng đánh gục họ. Tôi sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết sức mạnh và tài ba của Quân lực Việt Nam Cộng hòa”.
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, tại Sở chỉ huy Quân đoàn IV, có cuộc họp quan trọng. Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch Xuân Lộc- Phan Rang ngồi ghế chủ tọa. Nắng bên ngoài rải khắp không gian, cây lá gió đưa xào xạc vi vu, những áng mây trời trôi lang thang vô định. Dự họp còn có Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II, Thượng tướng Trần Văn Trà, phó Tư lệnh lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Quân đoàn II.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/xuan-1975-bai-ca-non-song-thong-nhat-tieu-thuyet-lich-su-ky-16-a24149.html