Đi chơi, thăm thú, tắm biển được 2 ngày thì có cô bạn trong nhóm đi thăm người bà con cách nơi chúng tôi nghỉ vài chục cây số. Cô bạn chỉ đi một buổi chiều, rồi nghỉ đêm tại nhà bà con ấy, sáng hôm sau thì về lại với chúng tôi.
Sáng hôm ấy tôi bất chợt vào nhà vệ sinh, thì bắt gặp cô bạn đang khóc nức nở. Tôi hỏi có chuyện gì, ai đã xúc phạm bạn chăng ? Bình thường, tính bạn hiền lành, hài hước.
Vậy mà, hôm đó bạn khóc nấc lên. Thậm chí thấy tôi, bạn vẫn khóc. Như thể, khi đã đè nén và được buông xả, người ta đã quên béng cái ngại ngùng xấu hổ, cả cái vỏ bọc thô ráp của mình.
- Bạn ổn chứ?
Tôi hỏi như thế. Bạn bảo rằng mình ổn. Tôi hỏi lý do khiến bạn buồn.
- Mình không buồn. Cũng không chắc. Chỉ là mình thấy bị xúc động mạnh thôi.
Tôi hỏi chuyện gì, nhưng bạn không trả lời được, cứ nấc mãi. Chờ bạn qua cơn xúc động, tôi đưa khăn giấy cho bạn lau rồi kéo bạn ra ngoài phòng khách nghe bạn kể chuyện.
Bạn nói, bạn đi thăm người bà con nhưng quên ví ở nhà, trong túi áo khoác nắng chỉ có vài trăm nghìn tiền lẻ, sau khi đã trả tiền tacxi. Nhà bà con của bạn có người con khuyết tật, mình dự định đến thăm cháu sẽ cho cháu ít tiền, nhưng sờ ví thì mới biết đã để quên ở nhà. Mình chỉ cho cháu được 200 nghìn, còn giữ lại ít chục để lúc về trả tiền tacxi. Mẹ cháu bé nhất định không lấy, nói rằng cô đường xá xa xôi, vào thăm gia đình chị và cháu là quý lắm rồi. Đêm ấy bạn ngủ lại gia đình người bà con, sáng hôm sau mới về lại nơi nghỉ ở nhà cô bạn. Khi về đến nhà bạn, móc túi lấy tiền trả tacxi thì thấy có 3 tờ 200 rơi ra, bạn ngạc nhiên, nghĩ mãi, cuối cùng phát hiện chính mẹ của cháu bé đã gửi tiền lại cho mình, mình gọi điện cho người bà con thì được chị ấy nói, "đưa trực tiếp dì không lấy, nên chị bỏ vào túi cho dì, vì nghĩ chị không có tiền đi về". Kể lại câu chuyện mà bạn lại ôm mặt khóc nức nở, "chị ấy khó khăn, nuôi con bệnh tật mà vẫn nghĩ cho mình, mình thật đáng trách.Thương cháu quá ! hu hu...". Tôi động viên, bạn đừng nghĩ nhiều nữa sẽ còn nhiều dịp để bạn trả nghĩa mà.
Chuyện của bạn làm tôi nghĩ đến chuyện của người hàng xóm cùng chung cư với tôi.
Hôm ấy tôi đi chợ về thấy em hàng xóm đang mở khoá nhà, nhưng vừa mở khóa nhà vừa khóc nức nở. Tôi hỏi là chuyện gì. Em chỉ bảo, là do anh grab mới chở em về...
Tôi đã nghĩ những viễn cảnh tăm tối. Em ấy bị xúc phạm? Hay anh grab đó là người yêu cũ? Không, chẳng có gì kịch tính cả.
- Đó là anh grab khá trẻ. Thấy em xách nặng, anh bưng hộ em, còn xách đến tận cửa nhà em. Thấy em mặc váy hơi ngắn, anh ấy cởi cái áo grab của mình, bảo em che lại khỏi cháy chân. Tụi em nói chuyện vu vơ. Anh grab bảo, mùa này nóng, em nhớ giữ sức khỏe, đi làm nhớ mặc áo chống nắng dài tay và dài thân, che chắn tay chân khỏi bị nắng cháy da. Kết thúc chuyến xe, anh ấy cho em vài viên kẹo gừng. Chỉ vậy thôi.
- Chỉ vậy thôi?
Tôi hỏi lại.
- Vậy sao em khóc?
- Em chỉ nhận ra đã lâu chưa ai quan tâm mình như thế. Chị biết đó, bố mẹ em ở quê, chẳng biết gì về thành phố. Đồng nghiệp em vui vẻ, gần gũi nhưng tan sở là mạnh ai nấy sống. Em cũng không có người yêu, vì nghĩ mình xấu lại nghèo nữa, nên mặc cảm...
"Cái cảm giác đó lạ lắm. Như thể chỉ cần ai đối tốt với em, cho em một chỗ dựa thoáng chốc, em phải chộp lấy nó. Và trời ơi, em thèm được quan tâm như thế. Thậm chí, em thấy mình thất bại vì đã để bản thân thiếu thốn yêu thương như thế."
Tôi à lên, rằng đó là điều mà thời nay ai cũng trải qua. Ta có ngàn người bạn. Kết nối bủa vây bốn phương tám hướng. Quá trời thứ giải trí. Nhưng yêu thương, thì không có.
Đó là cảm giác thiếu thốn, bẽ bàng, Khi mà ta đứng giữa vạn người, ta lại ngã khuỵu bởi một sự quan tâm nho nhỏ. Lúc đó, ta biết mình chẳng mạnh mẽ. Ta thèm yêu. Và ta yêu ta chưa đủ.
Tôi chỉ bảo. "Nếu không ai nói, không hỏi han hay quan tâm một chút thì em phải nói nhiều lời yêu với bản thân nhé ! Đó là cách tốt nhất". Và điều quan trọng là em phải luôn tự tin với bản thân, đừng mặc cảm. Em gật đầu, lau nước mắt và lẩm nhẩm : "Đúng rồi, ta phải tự tin, ta phải yêu ta đủ đã, rồi mới có thể yêu người"
ĐTHY.
Chuyện làng quê
Đinh Thị Hải Yến.
Link nội dung: //revcat.net/hanh-phuc-la-se-chia-a23913.html