Ngày ấy, trong một bức thư gửi Hội Nông dân Quốc tế, Bác Hồ đã ví phong trào nông dân Hưng Dũng vùng lên bất khuất như một làng Đỏ. Tại đây đã xuất hiện nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa. Nối tiếp truyền thống yêu nước, nhiều gia đình nông thôn Hưng Dũng đã động viên cho con em ra đi chống giặc ngoại xâm. Trong số đó, có ông Nguyễn Khắc Linh. Năm 1952, tròn 17 tuổi, ông Linh vui vẻ tòng quân để được tham gia cầm súng chống Pháp. Ông được bổ sung vào đơn vị A3-B1-C60-D418-E57-F30T. Đại đội trưởng là Đặng Đình Hồ (sau này, ông Hồ trở thảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang trong chiến dịch Điện Biên Phủ).
Do vóc dáng ông Linh nhỏ gọn, linh hoạt như con sóc nên anh em thường gọi là “Linh con”.
“Linh con” được ông Hồ cho làm liên lạc đại đội. Thời gian huấn luyện rất gấp rút ở Hà Trung và Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bên dòng sông Mã, những người dân vùng đóng quân đã để lại trong ông vô vàn những kỷ niệm êm đẹp. Tại đây, ông đã cứu sống hai em nhỏ tên Hoàng và Liên khỏi chết đuối do sẩy chân xuống sông thuộc xã Vĩnh Lộc. Sau đó, bố mẹ các em đã đến cảm ơn và ông được đại đội biểu dương. Lúc mới bước vào huấn luyện, quân trang cấp phát chưa đủ, ông phải mặc áo nâu sòng từ nhà mang đi. Chiếc áo bị rách được mẹ Cúc (người mẹ kết nghĩa) mang đi giặt sạch rồi vá lại. Mãi đến ngày nay, ông vẫn còn xúc động: ông nói: “Thời nào cũng là bộ đội Cụ Hồ nhưng sao ngày ấy, dân thương bộ đội lắm! Thấy bộ đội áo bị rách, các mẹ, các chị, các em gái nhìn các chiến sỹ, tỏ ý thương thương rồi nhận kết nghĩa (con, em, anh) để được giúp đỡ vá cho. Các anh đi tập ở thao trường về, đã có nước chè nấu sẵn; có khi còn có khoai, sắn, chuối, mía, cam, bưởi nữa. Bộ đội về ở trong làng, người dân như thấy ấm áp, không khí từng gia đình vui rộn hẳn lên. Các cháu nhỏ, cứ ríu rít quanh các chú bộ đội với lòng cảm phục yêu quý rộn ràng tin cậy. Bộ đội bị ốm đau, dân làng chăm sóc thuốc thang như người ruột thịt.
Rồi có lệnh rời hậu phương, hành quân trèo đèo lội suối, ngày đêm không nghỉ lên Lai Châu. Nguyễn Khắc Linh phấn khởi được tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, với mật danh là Trần Đình, bao vây Hồng Cúm, Mường Thanh. Có những ngày, đơn vị D418 khẩn trương kéo 12 khẩu đại bác 105 ly vào trận địa (bằng sức người) đã thức trắng những đêm thâu, đói khát, gian khổ, nhọc nhằn “máu trộn bùn non”. Vừa ngụy trang xong lại có lệnh, khẩn trương kéo pháo ra. Ngày đó ông Linh không hiểu tại sao lại phải như thế để mất công sức của bộ đội. Cho mãi đến ngày nay ông Linh mới hiểu được mục đích của cấp trên là để đánh chắc thắng, nếu chưa chắc thắng thì chưa đánh.
Tiếp đó, ông Linh được tham gia nhiều trận đánh đầy mưa bom bão đạn. Có trận tiến lên rồi lại phải rút lui theo lệnh để giành chiến thắng lớn hơn và một phần do quân số bị thương vong nhiều: Một lần, khi tạm thời rút lui, có hai tên lính Âu Phi bám đuổi ông Linh và Đại đội trưởng Hồ. Có lẽ chúng định bắt sống. Nguyễn Khắc Linh đã khéo nép vào một góc hào, rồi ném lựu đạn vào hai tên giặc ấy. Khi tụ họp đơn vị trong chiến hào ông Linh được Trung đoàn biểu dương.
Ác liệt nhất là khi đơn vị được lệnh đào hào chia cắt sân bay Hồng Cúm. Địch phản công mãnh liệt bằng bom pháo, rồi thiết giáp và bộ binh, lực lượng địch gấp nhiều lần. Nhưng đại đội vẫn quyết tâm bám trụ, đánh gần, tiêu hao địch, giữ vững trận địa. Một số đồng chí anh dũng hy sinh như xạ thủ Thạch, B trưởng Hưng. Anh Đỗ Bá Thắng trước lúc trút hơi thở cuối cùng còn liên tục ném hàng chục quả lựu đạn vào quân giặc, làm chúng khiếp sợ kinh hồn.
Để quyết tâm giữ vững từng khúc chiến hào, giành giật từng tấc đất, tùng đợt phản công, nhiều đồng đội đã ngã xuống , Linh con và đơn vị vẫn chiến đấu liên tục cho đến ngày 07/5/1954, ngày Điện Biên Phủ toàn thắng.
Niềm vui sướng vô hạn của cán bộ, chiến sỹ đang trào dâng thì đơn vị lại được lệnh về tiếp quản Thủ đô, đoạn qua Hà Tây rồi Hà Đông. Kẻ địch nghe nói đến bộ đội Điện Biên Phủ chiến thắng trở về, chúng hốt hoảng bỏ chạy để lại đồn bốt, xe cộ chơ vơ, ngồn ngang. Nhân dân ào ra đường đón bộ với niềm vui sung sướng.
Công việc tiếp theo của Nguyễn Khắc Linh là tiếp tục cùng đơn vị vận động nhân dân miền Bắc không nghe theo địch di cư vào Nam ồ ạt. Rồi công tác cải cách ruộng đất và sửa sai sau cải cách của Đảng.
Hoàn thành nhiệm vụ theo từng giai đoạn cách mạng, năm 1960 Nguyễn Khắc Linh ra quân, chuyển thành công nhân cơ khí thuộc Bộ Công nghiệp. Năm 1962 ông xây dựng tổ ấm gia đình cùng bà Nguyễn Thị Mười, là giáo viên, cùng quê làng Đỏ. Năm 1964, tàu Ma Đốc của Mỹ gây chiến ở Vịnh Bắc Bộ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc căm thù giặc Mỹ đã trút bom đạn xuống làng Đỏ quê hương, làm cháy kho xăng, gây nhiều tội ác; tháng 5 năm 1965 ông được lệnh tái ngũ, ông phấn khởi lên đường mặc dù vợ ông mới có thai 3 tháng. Ông được biên chế vào Bộ Tư lệnh Hải quân làm lính đặc công nước. Ông đưa vợ ra thị xã Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh và xin cho bà dạy tại trường cấp I vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Năm 1972, đơn vị 126 của Nguyễn Khắc Linh được điều vào đánh cầu Quảng Trị. Tại đây ông bị thương, mất 40% sức khỏe. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông về hưu tại quê hương làng Đỏ của mình.
Hiện Nguyễn Khắc Linh còn lưu giữ vô số kỷ vật chủ yếu từ chiến dịch Điện Biên Phủ nơi ông cống hiến nhiều sức lực tuổi 20. Ông đã hiến tặng bảo tàng, Phòng Lịch sử Quân khu 4 một chiếc xẻng ông từng đào công sự ở Điện Biên, một mũ tre nan và một mảnh dù hoa ông đã khoác, ngụy trang ở Điện Biên được cất giữ mấy chục năm.Ông hiến tặng bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam một chiếc nồi thường dùng để nấu bép Hoàng Cầm … Kỷ vật ông trân trọng yêu quý nhất là chiếc Huy hiệu Điện Biên Phủ, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng, ông cũng đeo lên ngực áo mình nhiều năm nay. Sáng nào, dù mệt mỏi hay bình thường, ông vẫn thức dậy sớm thành thói quen để nghe cho được nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài nhạc “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ông coi như là thánh ca của mình, cũng là tâm tư, tình cảm, thái độ và là niềm tự hào trong máu thịt của ông, ông nói : “Nghe nhạc bài đó, ông thấy trẻ lại, vui tươi để thực hiện mọi công việc trong một ngày mới đầy biến động”. Hàng năm, cứ đến dịp đầu tháng năm, các phương tiện thông tin đại chúng lại nhắc đến ngày chiến thắng Điện Biên. Đồng đội thông tin cho cùng nhau gặp mặt. Vui mừng đeo chiếc Huy hiệu Điện Biên Phủ trên ngực và đeo thêm huy chương của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông cưỡi lên chiếc xe đạp Thống Nhất mà anh tự đại tu, hồ hởi đi gặp mặt đồng đội. Hiện nay ông là hội viên Hội Chiến sỹ Điện Biên Phủ của tỉnh Nghệ An.
Ở những cuộc gặp mặt ấy, thật cảm động biết bao, các mái đầu đã bạc ôm chầm lấy nhau khóc rồi cười vang. Họ kể cho nhau về quá khứ bằng thơ văn, hò, vè; kể chuyện gia đình con cháu; đọc danh sách nhũng liệt sỹ nằm lại ở Điệp Biên không về. Ông Nguyễn Khắc Linh năm nay đã 88 tuổi, tóc bạc trắng, trong người hiện vẫn còn mảnh vũ khí của chiến tranh, đi lại khó khăn. Khổ nhất là khi trái gió trở trời. Nhung nhờ bà vợ và con cháu động viên, giúp đỡ nên ông vẫn cố gắng vượt qua.
Một buổi chiều, tôi đến nhà ông chơi vừa lúc ông đang cắt chiếc vỏ đạn đại bác 130 ly bằng đồng, lấy chiều cao chừng gang rưỡi, ông chùi sáng bóng, dùng búa và đinh cơ khí khắc hình chiếc Huy hiệu Điện Biên phía ngoài rất đẹp. Ông nói: “Làm lư hương để kỷ niệm và nhắc nhở con cháu mãi mãi đừng quên Điện Biên Phủ”.
Đ.S.N
Trái tim người lính
Link nội dung: //revcat.net/ong-linh-voi-ky-uc-dien-bien-a23891.html