Những triền ruộng bậc thang vụ chiêm phơi lưng hứng cái rét co đá .Day dứt như kẻ mắc tội. Giữa bếp, mẹ cặm cụi thổi lửa , những hòn than lặng lẽ hổng lên. Bóng mẹ nhỏ nhoi co ro như chùm hổng mi thắt thẻo.
Bàn tay mẹ bao giờ được nghỉ? Gió mùa hàng đêm thốc vào gian bếp nhỏ như đòi nợ.
Mẹ nợ những mùa trăng cả thanh xuân, nợ mùa mận tam hoa nụ cười như hạt nếp đầu mùa , nợ các con những đêm dài chen chúc nhau nằm trên tấm nệm sực nức mùi cỏ mật.
Mỗi sáng khi mây đang ngủ, khi gió mỏi miệng, trăng thờ ơ lăn lóc trên ngọn Tống quá, Mẹ đã tẽ đầy quẩy tấu ngô. Hai quẩy tấu là được một nồi rượu. Mẹ chẳng cân, cứ ước vậy
Những hạt vàng nức nở ấy đổ vào tấm phên bằng tre đan dày đặt trên miệng chảo nhờ hơi nước trong lành của núi đá được mẹ dậy sớm đi gùi tận Hang Dế mang về.
Con không biết mẹ ngủ vào lúc nào, chỉ thấy hương ngô bay lên từ miệng chảo loe loe ấy chừng hai ngày đêm. Con mải chơi, thỉnh thoảng chạy về đưa bản tay bé xíu đỏ lựng lên vì lạnh hơ sát vào chấm than hổng rực có ngọn lửa khắc khoải bò dưới đáy chảo .
Khi những hạt ngô nở mềm và màu vàng nhạt đi đôi phần mẹ tản cho nguội bớt.
Hồng Mi, Cái cây làm ra thứ men ủ những hạt ngọc thực này có cái tên đẹp như cô giáo người Kinh. Lạ thế!
Bản mình vẫn gọi là “ Láu xiêu xà “ .
Cây hồng mi thương Mẹ nên bông trĩu nặng những hạt chắc mẩy nằm chen chúc nhau hệt như chị em con những đêm trở mùa thông thốc gió.
Gió cứa vào đá, gió chém vào sương. Con cứ ước lúc ấy mặc một chiếc áo mỏng cũng ấm .
Mẹ phơi những hạt cây hiền lành ấy trên đá dưới cái nắng hanh hao mùa đông chưa kịp ấm. Những hạt lép được loại ra, hạt chắc được giã mịn thành một thứ bột nâu nhạt. Mỗi lần giã thứ hạt ấy, Mẹ thường chọn lúc không có người để làm .
Mẹ coi đó là một việc thiêng liêng , chỉ trời biết đất biết và thức hạt hiền lành ấy biết nó quan trọng và được nâng niu biết bao nhiêu.
Mỗi lần nấu rượu,Mẹ thường cất một chai rượu đầu. Đó là để trộn lẫn với bột hạt cây hồng mi, bàn tay khéo léo làm sao để bột men, rượu đầu và một chút nước nguồn hoà vào nhau vừa vặn, cho ra những quả men chẳng cần cân đo đong đếm mà vẫn bằng nhau như những cặp sinh đôi tròn mẫm đáng yêu.Những quả men ấy được Mẹ để trong trời râm, khô từ từ, khi màu trắng đều là đã dùng được.
Thương những thứ hạt hiền lành ấy nhiều lắm , sợ cả cái nắng gay gắt của mùa hè.
Hai quẩy tấu ngô đồ lên được trộn với khoảng hơn một kg men, ủ trong chum từ năm đến sáu ngày. Khi mùi thơm ngọt lừ như nắng dậy lên, những hạt ngô nổi mềm và nhẹ mới được một lần chưng cất để cho ra cái tinh tuý trong veo của đất, của trời, của cả thảo thơm để đền đáp sự cần cù cho Mẹ, cho chị, cho những người đàn bà Bản Phố mưu sinh bằng nghề nấu rượu ngô.
Nước nấu rượu là nước được những đôi vai cần mẫn cõng từ khe đá trong những sớm tinh khôi ,không qua lọc mà vẫn trong veo như tấm lòng chân thật của con người nơi đây.
Ngọn lửa len lén bò dưới đáy chảo ấm sực trong lò đắp đất. Trên là chõ to làm bằng gỗ thông hoặc pơ mu, được chít kín bằng bột Ngô trộn sền sệt không cho hơi bay ra ngoài .
Khoảng nửa tiếng, những giọt rượu bắt đầu chảy. Lửa lúc này được giữ ở mức nhất định. Lửa to, rượu bị khê; lửa nhỏ sẽ không đủ nhiệt để chảy.
Những giọt tinh tuý ấy chảy qua một ống làm từ tay tre chặt sau vườn nhà.
Khoảng hai giờ sau, một mẻ rượu hoàn thành.
Rượu càng để lâu càng dịu, càng êm.
Ngày chợ phiên các bà, các mẹ cho vào quẩy tấu một can rượu mang xuống chợ bán. Trẻ con được mua dép mới, được ăn phở chua thịt gà đen đến no căng bụng.Những đôi má bắt nắng ửng hồng, ánh mắt biết cười, đôi chân líu ríu.
Tuổi thơ con.
Hàng rượu được ngồi riêng một dãy,ai mua cũng được nếm thử .
Mới nhấp vào miệng mà hương thơm của ngô ngọt như mật đã lan ra.Rượu qua cuống họng ấm nồng lịm vào dạ dày đậm đà râm ran , nhè nhẹ toả ra chứ không gắt không sốc, nuốt rồi vẫn không mang đi dư vị ngọt ngọt quyến luyến trong miệng .
Rượu Bản Phố . Dịu dàng và ngọt ngào như đứa gái Mông đang bẽn lẽn nghe tiếng khèn của thằng trai dành riêng cho mình.
Cũng là ngô, là nước, là men ấy nhưng chỉ ở Bản Phố mới nấu được thứ rượu làm thực khách lưu luyến khó quên đến vậy .
Rượu uống với thắng cố trong buổi chợ phiên, uống với thịt sấy gác bếp trong những ngày lạnh. Rượu có trong mâm lễ cúng và các lễ quan trọng trong năm.
Người lạ uống hai bát thành quen, người quen uống một bát thành thân. Trời rưng rưng lạnh, bát rượu thơm bên chảo thắng cố nghi ngút khói quện hương thảo quả, hoa hồi làm thơm nức cả buổi chợ phiên . Nhịp váy xoè, vòng bạc rung rung, trắng ngần hoa mận, tiếng khèn lí lơi, ánh mắt nghiêng nghiêng, cái cười bừng như lửa đốt mắt ai. Em gùi nắng xuống chợ vương cả bụi thời gian. Nhưng xin em đừng phủi để tan chợ rồi chân váy còn thơm.
Mũ nồi đội lệch, áo tà phủ mới, khèn khoác vai, ngựa hí vang móng gõ vỡ giọt nắng đang đốt ánh mắt ai.
Xuống chợ, xuống chợ ăn thắng cố
Xuống chợ, xuống chợ uống rượu ngô
Uống cho mày này, uống cho tao
Uống cho tiếng khèn vút lên cao
Nào hãy lại đây trời đất cuồng quay…*
Uổng cho lúa đầy sàn,ngô đầy cót. Uống cho dê đầy núi. Uống cho sức khỏe về nhiều. Uống cho đá say nắng say gió say, mắt em say say, đất trời cùng say…
Lên Bản Phố rồi anh có thử một lần say?
Anh về xuôi hay ở lại cướp dâu?
(*trích lời bài hát: Người Vùng Cao Là Thế. Sáng tác: Văn Hạnh)
D.P
Chuyện làng quê
Bài và ảnh: Duyên Phùng
Link nội dung: //revcat.net/rung-rung-ban-pho-tan-van-a23696.html