Thuở thiếu thời
Từ khi còn rất nhỏ, khoảng 7 - 8 tuổi, cô gái Phạm Trà My đã bị cuốn hút bởi cây đàn Tranh khi xem TV. Ngay cả khi chưa có bất cứ khái niệm gì về cây đàn mình yêu thích, thì cô đã mê mẩn với dáng ngồi chơi đàn mềm mại, nữ tính; người tạo ấn tượng đầu tiên với cô, không ai khác, đó chính là NSND đàn Tranh Phương Bảo.
Vì cái thích đó mà bố mẹ đã “chiều lòng” cho con gái Trà My theo học chuyên nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bền bỉ theo học từ sơ cấp, trung cấp cho đến đại học, năm 1994, Phạm Trà My tốt nghiệp hệ cử nhân bộ môn đàn Tranh, khoa Âm nhạc truyền thống và được giữ lại làm giảng viên. Sau đó, cô tiếp tục theo đuổi con đường giảng dạy, biểu diễn và vinh dự được trao tặng chính thức danh hiệu NSƯT (2012) và NSND (2024).
Từ con nhà KHÔNG NÒI cho đến Nhà giáo, NSND
NSND Phạm Trà My sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, mẹ cô làm giáo viên dạy tiểu học, cha cô làm thợ tiện. Sống trong căn nhà cổ được chia thành 4 hộ, sàn nhà làm bằng gỗ nên mỗi lần chơi đàn là tầng dưới sẽ nghe thấy rõ! NSND Phạm Trà My chia sẻ: “Tôi phải chờ lúc bố mẹ đi ngủ mới tập đàn, mà còn không dám đeo móng đàn vì sợ âm thanh kêu to ảnh hưởng tới mọi người”. Không có đủ không gian luyện tập; những lời xì xào, quan niệm cho rằng “không phải con nhà nòi mà học nhạc thì hơi có chút đua đòi..”; cùng xu hướng thị trường âm nhạc những năm 80 đang chưa thực sự chú tâm đến âm nhạc truyền thống; các bạn đồng trang lứa chuyển hướng sang nhạc nhẹ,… nghệ sĩ trẻ Trà My lúc bấy giờ mang trên đôi vai nhỏ biết bao gánh nặng. Khó khăn chồng chất khó khăn, NSND Trà My không dấu nổi sự bồi hồi: “Được đi học cùng với những bạn con nhà nòi, đôi khi cảm thấy tủi thân vì các bạn không biết sẽ về hỏi bố mẹ, còn mình không biết thì hỏi ai? Vì vậy mà mình phải nỗ lực, chăm chỉ hơn các bạn rất nhiều!”
Là thành viên của Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam và Dàn nhạc Dân tộc Châu Á, có cơ hội diễn với rất nhiều bạn bè Quốc tế nhưng Trà My quan niệm rằng: Mình luôn tồn tại hai nghề Nghệ sĩ và Giảng viên. Tại buổi trao đổi với phóng viên, TS.NSND Phạm Trà My cho biết: “Đến khi có tuổi, khi đã hiểu sâu sắc và thấm nhuần về cây đàn dân tộc, tôi muốn quay về nghiên cứu để có thể hướng dẫn cho các thế hệ sau này, chứ không chỉ thích “lăn lộn” trên sân khấu giống như lúc trẻ. Viết lách với người nghệ sĩ là một điều vô cùng khó khăn. Để hoàn thiện được Luận án tiến sĩ 150 trang với tôi là một thử thách. Thời điểm làm Luận án Tiến sĩ, một con của tôi có giấy mời nhập học hệ Đại học, một con có giấy gọi học hệ Thạc sĩ, người mẹ mang vai trò trụ cột gia đình như tôi từng rất muốn bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ vì một thế hệ trẻ đang đợi những người thầy như chúng tôi, nên tôi lại cố gắng tiếp”.
Cùng với đó, trên cương vị là một giảng viên, NSND Phạm Trà My mong muốn lan toả nhiều hơn nữa tình yêu âm nhạc dân tộc đến với các học trò.
Con đường âm nhạc
Tiến sĩ, NSND Phạm Trà My được biết đến là Trưởng bộ môn đàn Tranh tại Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô đồng thời là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Dàn nhạc Truyền thống Việt Nam, thành viên Dàn nhạc Truyền thống Châu Á.
Trong suốt quá trình giảng dạy và biểu diễn đàn Tranh, Trà My đã dành được nhiều huy chương cũng như giải thưởng tại các kỳ hội diễn, các chương trình liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế.
Khi nhắc đến những giải thưởng ấn tượng, tự hào nhất của mình, NSND Phạm Trà My không thể quên được thời điểm năm 1992, khi đó, cô còn là sinh viên năm nhất Đại học, cô xuất sắc đạt giải huy chương bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (năm đó không có giải vàng dành cho đàn Tranh). Giải thưởng như một cột mốc, mang tính khích lệ cho một cô sinh viên gặp nhiều khó khăn có đủ động lực tiếp tục theo đuổi cây đàn. Tiếp đó phải kể đến năm 2017, khi đó cô đã trở thành NSƯT nhưng vẫn quyết định đăng ký tham gia dự thi và đạt huy chương vàng toàn quốc với tác phẩm “Bến Đợi” của NSND Huỳnh Tú. Năm 2023 cũng được coi là một năm rất ấn tượng khi Phạm Trà My bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Âm nhạc học về cây đàn Tranh; đồng thời cô được ký quyết định trao tặng danh hiệu NSND - Lễ trao tặng chính thức diễn ra ngày 6/3/2024.
Để đạt được những thành tựu đáng kể đó, NSND Phạm Trà My cho rằng với bất cứ nghệ sĩ nào cần có sự đam mê, tình yêu với nghề và tính kiên trì. Công việc tập đàn không chỉ diễn ra ngày một, ngày hai, mà đó là cả đời, cả quá trình.
Ấn tượng để đời
Trải qua những thành tựu đáng tự hào và một chặng đường không trải hoa hồng như vậy nhưng TS.NSND Phạm Trà My lại có những chia sẻ, những góc nhìn hết sức đáng yêu, thú vị trong quá trình làm nghề.
Phạm Trà My không dấu nổi nụ cười hồn nhiên, vui tươi khi nhắc tới thời điểm mình còn nhỏ: “Khi đó My chỉ mới 10 tuổi, lần đầu tiên được biểu diễn ở Cung Thiếu nhi, cát-xê đủ tiền để ăn bát phở trên phố Tràng Tiền mà sao vui đến vậy!” Hay cả những niềm vui thời thanh xuân rực cháy, từng “xuất ngoại” hàng chục quốc gia và số buổi biểu diễn lên đến hàng nghìn!
Mặc dù cảm thấy vui mừng và tràn ngập năng lượng mỗi khi được thăng hoa trên sân khấu, đặc biệt là những dịp được biểu diễn cùng bạn bè quốc tế nhưng NSND Phạm Trà My cũng không ngần ngại chia sẻ cô từng suýt từ chối tham dự buổi biểu diễn tại xứ sở Kim Chi năm 2008 vì lịch trình bận rộn.
Năm 2010 cũng được coi là một năm đầy điểm nhấn trong sự nghiệp của Phạm Trà My, khi cô là khách mời đặc biệt đại diện Việt Nam tham dự Fesival đàn Tranh Châu Á và biểu diễn cùng dàn nhạc NCO (National Chinise Orchestra Taiwan) tại Lễ đường Tôn Trung Sơn (Đài Loan). Chương trình có sự góp mặt của các loại nhạc cụ mang màu sắc Châu Á như: đàn Guzheng (Trung Quốc), đàn Koto (Nhật Bản), đàn Gayageum (Hàn Quốc) và đàn Tranh (Việt Nam). Trong đó, các nhạc sĩ đã hết sức “ưu ái” khi để tiếng đàn Tranh của TS.NSND Phạm Trà My (đại diện Việt Nam) được diễn tấu ở một trường đoạn khá dài. Giải thích về điều này, NSND Trà My cho biết: “Mỗi loại nhạc cụ dân tộc đều mang một màu sắc, âm sắc độc đáo và hay riêng, tuy nhiên, đàn Guzheng, Koto hay Gayageum đều mang âm trầm, trong khi đàn Tranh Việt Nam lại có âm sắc trong trẻo, réo rắt vô cùng đặc trưng. Có thể vì sự khác biệt này mà các nhạc sĩ đã để cho khán giả thưởng thức sự khác biệt âm thanh loại nhạc cụ dân tộc của chúng ta lâu hơn một chút”.
Một cột mốc khó phai nữa trong sự nghiệp của NSND Phạm Trà My là khi cô nhận được lời mời tham dự Fesival đàn Dây thế giới, với sự hiện diện của hơn 250 nghệ sĩ đến từ các quốc gia, được tổ chức tại Philippines năm 2017.
Có thể nói, TS.NSND Phạm Trà My xứng đáng được gọi với danh xưng “của hiếm”, “tay chơi” có hạng của làng Tranh Việt Nam. Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa là nhà giáo, nhà nghiên cứu tài ba và ở mỗi lĩnh vực đều đạt được thành tựu xuất sắc, đó không phải đều dễ gặp ở mỗi nghệ sĩ. Với vai trò là nghệ sĩ biểu diễn, NSND Phạm Trà My tự hào, tự tin vì âm nhạc truyền thống hay những tác phẩm, bản phối mới mang âm hưởng dân gian, âm nhạc điện tử đã xuất hiện ngày một nhiều nhưng không làm “biến chứng” lòng bản. Với vai trò là giảng viên, TS Âm nhạc học Phạm Trà My thành công khi nghiên cứu “Nghệ thuật diễn tấu đàn Tranh chính thức được đưa vào giảng dạy (1956-2020)”, trong khi trước đó, đàn Tranh được chơi theo kỹ thuật truyền thừa từ các nghệ nhân; đồng thời, cô cũng đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc đưa đàn Tranh vào môi trường học đường, nhằm ươm mầm rộng rãi hơn các tài năng nước nhà.
Cùng điểm lại những cột mốc quan trọng của TS.NSND Phạm Trà My
- Năm 1992: Huy chương Bạc tiết mục độc tấu đàn Tranh tại Hội diễn Ca Múa Nhạc dân tộc toàn quốc.
- Năm 1994: Nhận bằng khen và Giải thưởng mùng 9 tháng Giêng của Hội sinh viên Việt Nam.
- Năm 1999: Giải thưởng đặc biệt cho âm nhạc hay nhất tại Liên hoan âm nhạc Quốc tế tại Ý; Giải thưởng Âm nhạc hay nhất tại Liên hoan âm nhạc quốc tế tại Confolens Pháp.
- Năm 2006: Là đại diện Việt Nam duy nhất được mời tham dự Liên hoan đàn Tranh châu Á tại Kimhea Hàn Quốc.
- Năm 2008: Là đại diện duy nhất của miền Bắc được mời tham dự Liên hoan đàn Tranh châu Á tại Việt Nam.
- Năm 2010: Là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Festival đàn Tranh Châu Á, biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Đài Loan (NCO) tại Đài Loan - Trung Quốc
- Năm 2011: Giải Nhất dành cho chương trình biểu diễn hay nhất của năm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
- Năm 2012: Nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú do Nhà nước trao tặng.
- Năm 2014: Nhận Bằng khen Sứ giả Hòa bình do Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc.
- Năm 2016: Nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao tặng.
- Năm 2017: Huy chương vàng độc tấu toàn quốc với tác phẩm “Bến Đợi” của nhạc sĩ, NSND Huỳnh Tú.
- Năm 2018: Nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng.
- Năm 2020: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao tặng cho cá nhân có những cống hiến xuất sắc cho các chương trình biểu diễn của Đảng và Nhà nước.
- Năm 2023: Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và trở thành Tiến sĩ Âm nhạc học đàn Tranh đầu tiên.
- Năm 2024: Chính thức nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do Nhà nước trao tặng.
NSND Phạm Trà My được mời đi biểu diễn nhiều chương trình lớn ở Việt Nam và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như: Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Mỹ, Ý, Nga, Đan Mạch, Nhật bản, Hàn Quốc, Đài loan, Trung Quốc, Thái Lan... Cô đã xuất bản CD độc tấu đàn Tranh "Cầm khúc" và tham gia ghi âm, thu hình nhiều CD, VCD, DVD...
Đồng thời, cô là Khách mời nhiều chương trình Talkshow, giới thiệu chân dung nghệ sĩ của Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều Đài phát thanh và truyền hình trên cả nước. Ngoài ra, NSND Phạm Trà My còn tham gia dàn dựng và đạo diễn nhiều chương trình Nghệ thuật biểu diễn phục vụ cho Quốc hội và Chính phủ.
Mạc Anh Vân
Link nội dung: //revcat.net/nsnd-pham-tra-my-tien-si-am-nhac-hoc-dau-tien-tai-viet-nam-tac-ve-cay-dan-tranh-a23605.html