Phần 2: Chuyện con cọp mắc bẫy và anh dân quân bắn hết nguyên băng đạn AR15
Sau buổi chiều tìm trâu trong núi với nỗi sợ khủng khiếp đó, khi trâu về chuồng tôi còn phụ ba tôi để ông đóng thêm những “róng” cây quây quanh chuồng trâu. Ông đóng dày lắm! Từ dưới đất lên tới mái tranh được đóng bằng những cây gỗ tròn, to bằng bắp chân người lớn. Tôi đoán chắc con chó cũng chui không lọt chứ đừng nói là con cọp.
Tối muộn, tôi và ba mình mới gia cố xong cho cái chuồng trâu. Và con trâu đực đầu đàn ấy, nó là trâu của nhà khác nhưng nó cũng được nhốt chung chuồng với hai mẹ con trâu nhà tôi!
Tắm rửa xong, tôi thấy ba tôi bày cái bàn ra trước sân. Ông bê nguyên con gà luộc đặt trên cái đĩa, thêm mấy chén cháo và một dĩa xôi. Rồi ông lấy ly rót ba ly rượu, thêm ba ly nước sau đó ông thắp đèn cầy, đốt nhang và khấn vái gì đó. Ông kêu tôi ra lạy ba cái, tôi làm theo lời dạy của ông mà không dám hỏi bất cứ điều gì! Không biết mẹ tôi làm thịt gà, nấu xôi từ khi nào! Chắc lúc lùa trâu về chuồng, hai cha con đóng “róng” chuồng trâu và mẹ tôi ở trong nhà lo làm gà, nấu xôi, chuẩn bị mọi thứ!
Tôi nhớ, lúc lùa trâu về ngang qua ngõ, mẹ tôi đứng trước ngõ vừa khóc và nói: Răng con khờ kinh rứa? Răng không chạy về chờ ba con về rồi đi tìm trâu. Đi một mình lỡ…, nói tới đó mẹ tôi lặng im! Tôi thì cười và ra vẻ tự hào khi trả lời mẹ, con thấy có gì đâu mà sợ! Đúng là, bốc phét gặp thời! Nhưng, thật tình mà nói, lúc đó, tôi vẫn thấy mình có chút gì đó oai oai lắm đấy!
Cúng xong, gà xôi được dọn xuống, ông xé thịt gà bóp với rau răm và cho tôi nguyên một cái đùi gà. Sau một buổi chiều với nhiều tâm trạng khác nhau, cộng với cơn đói cồn cào tôi nhai cái đùi gà với cảm giác ngon chưa từng có.
Ba tôi vừa gặm chân gà, vừa uống ly rượu đế và nói với mẹ tôi: Hắn (ý nói tôi) một mình lội vô tuốt trong ruộng Hố Giáo để tìm trâu, cái thằng ngó rứa mà cũng lỳ. Mà tôi có lỳ lợm gì đâu, chẳng qua lúc đó đâu có nghĩ được điều gì khác hơn là phải đi tìm được trâu mà thôi!
Những ngày hôm sau, không khí làng tôi hơi ngột ngạt khi việc lên núi chặt đót bị ngưng lại. Ngay cả việc làm cỏ lúa, cỏ đậu ở những cánh đồng xa cũng phải đắn đo chứ chưa nói đến chuyện băng qua bên kia sông để vào rừng chặt đót. Bọn tôi đi học cũng được ba mẹ dặn dò đủ thứ, như phải đi chung và đi đông, vì ngày đó quê tôi đường đất đỏ những ngọn đồi rậm rạp cũng gần sát sau vườn.
Trâu thì không thả vào núi, nên phải đi cắt cỏ mang về cho nó ăn. Một công việc vất vả cho cả mấy mẹ con tôi!
Một tuần trôi qua trong sự chờ đợi của cả làng, còn phía những ngọn núi thì bông cây đót chuyển sang màu tím thẩm ngày càng nhiều! Bông đót càng già, càng mất giá. Nên mọi người rủ nhau phải tiếp tục đi lấy đót, nhưng phải đi đông và đi trễ, về sớm dù được ít hay nhiều cũng về!
Rồi mấy hôm sau, tin con cọp bị dính kẹp heo rừng của nhà ông Q ở làng Trà Sung, cách làng tôi chừng hơn cây số được truyền đi khắp xã. Nói một chút về kẹp heo rừng. Kẹp là tên gọi một dụng cụ dùng để bẫy thú, và có nhiều loại từ nhỏ đến lớn. Kẹp được làm bằng sắt pha thép, với hai thanh được uốn hình bán nguyệt, trên thanh sắt có nhiều răng nhọn như răng cá mập. Khi kẹp được gài đễ bẫy thú, hai thanh sắt được đè xuống, phía dưới là một cần nhíp có tính đàn hồi với một lực rất mạnh, và có một cái chốt để giữ. Khi con thú giẫm chân vào miếng thép mỏng giữa kẹp mà người ta gọi là lưỡi kẹp, chốt bật đi để nhíp bật lên và hai thanh sắt có răng cá mập đóng phập lại. chân con thú bị mắt giữa hai thanh sắt đó và sẽ không di chuyển được, hoặc có di chuyển được thì cũng chỉ ở những quãng ngắn và bị giết để lấy thịt.
Tùy theo loại kẹp lớn hay nhỏ để bẫy thú như: chồn, cheo, nhím hay nai, heo rừng…, và ở quê tôi kẹp heo rừng là loại lớn nhất!
Như đã nói ở phần 1, con sông Bông Miêu quê tôi bắt nguồn từ những rặng núi cao của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) và huyện Bắc Trà My rồi chảy qua làng tôi. Sau đó chảy dọc theo làng Trà Sung cũng thuộc xã Tam Lãnh để hòa với sông Tiên (Tiên Phước) rồi đổ ra sông Tranh trước khi nhập vào sông Thu Bồn.
Làng Trà Sung với đầu làng ở bên phải con sông theo hướng dòng chảy, còn cuối làng lại ở phía bên trái. Phía trái con sông là những bãi nà mà quê tôi gọi là bãi bồi. Bãi nà đất rất tốt, nhiều phù sa nên người dân thường trồng khoai, trồng đậu, trồng bắp…, và đó là nguồn thức ăn mà lũ heo rừng rất khoái nên đêm xuống chúng hay kéo về phá hoại. Trong nhiều cách để đuổi heo rừng thì đặt kẹp là cách hay nhất! Lý do, khi một con heo rừng bị dính bẫy, cả đàn sẽ bỏ đi nơi khác một thời gian dài. Chúng có khả năng ghi dấu vị trí đã bị con người đặt bẫy để tránh, cũng như chiếc mũi phát hiện ra mùi kim loại từ rất xa nên bỏ chạy ngay khi phát hiện ra điều bất thường.
Cũng như những gia đình khác, nhà người nông dân có tên Q ấy cũng gài kẹp heo, vừa bảo vệ rẫy khoai và hy vọng có con heo rừng dính bẫy là có thịt, có tiền mà người ta hay gọi là “lộc rừng”. Và, “lộc rừng” của nhà ông ấy lần này không phải là heo rừng, mà là con cọp.
Bị mắc kẹp, con cọp trở nên điên loạn, vừa di chuyển và gầm rú phía bên kia sông, dọc theo bãi nà có tên Gò Thai. Tiếng gầm của nó khiến lũ chó chạy trốn dưới gầm giường, đủ làm cho nhà nhà cửa đóng, then cài khi mặt trời sắp lặn. Và người ta bàn nhau phải đi tìm và diệt con cọp đã bị dính bẫy ấy!
Lúc đó, quê tôi súng nhiều lắm! Mấy anh dân quân tự vệ (du kích xã) gần như ai cũng có một cây tiểu liên AR15. Vì ngày đó, chuyện quản lý vũ khí không nghiêm ngặt như bây giờ.
À còn nữa, chuyện đặt bẫy bắt thú rừng, kể cả cọp cũng không phải sợ gì hết ngoài nỗi sợ bị nó phản đồn, tấn công lại con người. Và cũng đã xảy ra nhiều vụ người đi săn bị heo rừng dính bẫy tấn công phải nhập viện cấp cứu.
Chuyện bắn hạ con cọp
Đây là chuyện mà tôi chỉ được nghe kể lại, chứ không phải chứng kiến. Và người kể lại chính là người đã bắn hạ con cọp đó trong một nỗi sợ đến thất thần.
Anh kể: Sau khi cọp mắc kẹp heo rừng, anh và một nhóm người nữa vác theo mấy khẩu súng AR15, được nạp đạn đầy đủ và lần theo dấu vết được khoanh vùng qua tiếng gầm đêm hôm trước. Ngày hôm đó, từ sáng đến hơn 2 giờ chiều mọi người lùng sục trên mấy ngọn đồi thấp nhưng không tìm ra con thú dữ. Ban đầu, có mấy con chó săn đi theo. Nhưng khi băng qua sông, lên trên đồi thì lũ chó ào chạy về làng, chắc đánh hơi được mùi cọp.
Ai cũng biết con cọp luẩn quẩn đâu đó trên mấy ngọn đồi thấp chứ không thể đi ngược vào rừng già với cái chân dính kẹp. Nhưng nó ở đâu thì chưa tìm được.
Hơn hai giờ chiều, sợ bóng tối xuống nhanh nên mọi người kéo nhau về, để đó ngày mai huy động nhiều người, nhiều súng để tiếp tục đi lùng con cọp.
Khi cả nhóm ra gần tới bìa rừng, chỉ cần xuống hết con dốc là ra bãi nà ven sông nên mọi người dừng chân nghỉ ngơi, hút thuốc, uống nước. Vì ra bãi nà là nắng, nên phía bìa rừng có bóng mát nên mọi người chọn chỗ đó để ngồi nghỉ. Chỗ họ ngồi cũng là nơi mà người dân đi chặt bông đót mang ra đó ngồi tước bẹ, lột lá rồi cắt đều, tỉa gọn và bó chặt để mang về phơi nên lá đốt khô rất nhiều, trải dài con dốc.
Khi mọi người chia nhau điếu thuốc, anh ngồi phía dưới cùng còn khẩu súng dựng gốc cây sát bên. Anh bảo với một người đi cùng: Tui hết thuốc rồi. Ai còn thuốc cho tui điếu. Một người trong nhóm móc gói thuốc lá Dalat ra và tung qua cho anh. Do bị bắt trượt, gói thuốc rơi xuống đất và trượt dài trên thảm lá đót khô rơi về phía cuối con dốc.
Theo quán tính, anh đứng dậy tay cầm cây súng và định đi xuống để nhặt gói thuốc. Và trước mắt anh, phía dưới gói thuốc chừng chục mét, núp sau một bụi cây là một sắc màu vằn vện đang bị ánh nắng chiều chiếu vào.
Anh chỉ kịp ú ớ… hai tay giương khẩu súng và mở khóa. Chắc lúc đó bị hoảng, nên ngón tay cái đẩy mạnh khiến khóa nòng tiểu liên AR15 bị đẩy về phía trước, bật chế độ liên thanh. Anh siết có, một loạt đạn vang lên khiến mọi người giật mình, con cọp bị trúng đạn, toàn thân nó nhảy dựng lên không trung mấy mét rồi rơi xuống đất, chết ngủm.
Anh đứng im, tay cầm súng và nóng hướng về phía trước, toàn thân bất động. Mọi người cầm súng, bước dò về phía trước và bắn bồi thêm vài phát, đảm bảo con thú đã chết. Khi chắc chắn con cọp đã trúng đạn, và không còn nguy hiểm mọi người xuống kiểm tra rồi họ bắt tay làm loa trên miệng để hú, bắn kêu 3 phát để báo tin thắng lợi.
Người làng hò nhau lên núi để khiêng con cọp về. Khi kiểm tra, tất cả hú hồn khi chỉ một viên đạn duy nhất trúng vào đầu con cọp. Vết đạn đi vào phía dưới hốc mắt phải, xuyên qua hộp sọ ra đi ra sau gáy phá nát phía sau. Còn mấy viên bắn bồi, không biết đã bắn đi đâu…!
Anh bảo: Lúc đó mà bắt dính gói thuốc, rồi không ai để ý mà đi ngang qua chỗ con cọp rình để phục kích mọi người, thì không biết mọi chuyện sẽ như thế nào! Còn viên đạn đầu tiên mà không trúng, chắc hắn (ý chỉ con cọp) sẽ nhảy lên tấn công đó em nghe. Nghe anh kể mà cũng ớn lạnh!
Rất nhiều người ở trong xã tôi kéo nhau xuống làng Trà Sung xem cọp. Họ đi thành từng đoàn, cười nói rôm rả như đi xem lễ hội.
Anh rễ tôi cũng đi xem, anh còn xẻo cục thịt mang về rồi xào với ớt xanh cho tôi ăn. Cả nhà chẳng ai ăn ngoài tôi với anh rễ, còn con chó Lu nhà tôi thì nó trốn tự lúc nào không biết! Mấy ngày sau nó mới về nhà.
Chưa hết, anh rễ tôi còn bỏ ra hai chỉ vàng để cùng một người khác mua bộ da đem ra Đà Nẵng bán kiếm lời. Khổ thân, dân quê ra phố bị bọn lưu manh giả thuế vụ hù cho chạy mất dép. Bỏ bộ da lại cho bọn lưu manh, tốn mấy chỉ vàng mua bộ da cộng với tiền đi xe, tiền ăn đủ thứ!
Tóm lại, chuyện con cọp về làng bắt bò, ngoài hai gia đình có bò bị cọp bắt thì anh rễ tôi là người thứ ba bị thiệt hại không kém gì hai gia đình kia!
"Nhắc lại một chút, nhiều người khi đọc xong câu chuyện này sẽ hỏi: lý do sao bắn cọp mà không bị xử lý hình sự?
Xin thưa với quý vị, câu chuyện xảy ra năm 1987, và (BLHS) năm 1985, đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD chỉ được quy định chung với hành vi bảo vệ rừng. Còn Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành ngày 19/8/1991; Nghị định 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Chính phủ về việc quy định danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ; Chỉ thị 130/TTg ngày 27/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm.
Năm 1999, Điều 190 của BLHS quy định xử lý hình sự đối với hành vi Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm với mức án cao nhất đến 7 năm tù giam.
Sau nhiều lần sửa đổi, Luật bảo vệ động vật hoang dã đến nay đã được nâng lên mức nghiêm ngặt, và người vi phạm có thể bị xử lý đến mức án rất cao là 27 năm tù giam."
Ký của Nguyễn Đặng Hà Anh
Link nội dung: //revcat.net/chuyen-cop-ve-lang-va-thang-be-con-nha-ngheo-di-tim-trau-trong-nui-a23419.html