Những gốc vải to bằng vòng tay ôm của hai người lớn. Rặng vải như bức tường thành che chắn cho làng mỗi khi sông Chu trái nết. Có những năm lũ lớn, nước mấp mé tràn đê, rặng vải vẫn hiên ngang, kiên cường chống đỡ. Đứng trên bờ đê, dân quân canh gác đê thúc trống, tù và liên tục báo mực nước lên. Các hộ gia đình lũ lượt lên đê tránh lũ. Sông gào thét ầm ầm, cuồn cuộn chảy hung dữ tung bọt đỏ ngầu. Nhưng khi gặp rặng vải bất ngờ nó chựng lại thảng thốt.
Vẫn là nó nhưng mất hẳn sự dữ tợn, nó luồn lách, xuyên qua từng gốc vải, leo dần tới bờ đê. Nó leo dần mấp mé mặt đê, tiếng trống, tiếng tù và dồn dập. Dân làng căng thẳng lo âu, chỉ các cụ già vẫn giữ được sự trầm tư của mình. Không khí vô cùng khẩn trương, náo nhiệt, từng tốp thanh niên khiêng vác đá, cát, con lăn sẵn sàng cho những đoạn đê sung yếu. Lũ trẻ con chúng tôi không biết sợ gì, cứ thấy tập trung đông người mà không phải chăn bò chăn trâu, cắt cỏ, hốt phân thì thích lắm. Vì tha hồ được bắt u, đánh chuyền; chơi khăng, đánh đáo.
Gần sáng, nước lũ dần chựng lại. Tới trưa nước bắt đầu rút. Qua ngày hôm sau, nước rút hẳn, để lại một lớp bùn đỏ dày cả mét bám quanh từng gốc vải. Đúng như điển tích “Tái ông mất ngựa” các cụ vẫn thường kể. Mùa vải năm đó, cây nào cũng sai trĩu qủa. Không những vậy, trái còn to, mỏng vỏ, cơm dày mọng nước. Nhà nhà bội thu, được mùa vải. Ngày thu hoạch, trai làng thi nhau đối đáp hò thi với gái làng bên. Có những đoạn gặp người đối đáp quá hay không kịp trả lời phải cầu cứu các cụ cao niên. Rằng: “Hò ơi, ớ hò, Long Linh lắm vải nhiều dừa/ Có cô yếm thắm… ăn dừa… nói hay/ Anh nghe em hứa tối ngày/ Hứa đi hứa lại… cho anh leo... leo dừa... là hò ơ.../Bây giờ em tính sao đây…”.
Và được các cụ dạy rằng: Hò ơi là hò! Anh ơi xin với mẹ cha/Qua sông thử thách trèo cây hái dừa/ Hái sao dừa ngọt buổi trưa/ Dừa thơm buổi tối là... bưa với lòng là hò ơi hò… . Cuộc sống yên bình đi qua rặng vải, hội đình, hội đám tưng bừng, náo nhiệt. Cả làng gần 2000 hộ gia đình nhưng chưa từng xảy ra vụ nào xô xát, trộm cắp, lừa đảo. Vì hương ước của làng, và vì lẽ nữa nhìn lên, nhìn xuống nếu không anh em, họ mạc thì cũng là hàng xóm. Nên dù là cộng đồng dân cư đông đúc, vẫn giữ được những quan hệ, cư xử “rất làng”, rất tình cảm, nhân văn.
Nếu như dân phố xa lạ với từ hàng xóm hoặc mối quan hệ với hàng xóm là cụm từ xa xỉ, thậm chí với họ khái niệm hàng xóm chưa bao giờ tồn tại. Và nếu có nó cũng rất lạc lõng vì họ chẳng bao giờ dùng. Ngược lại, ở làng, quan hệ hàng xóm được phát huy tối đa. Rất đúng với câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Có lẽ làng đựơc xây dựng dựa trên các quan hệ đó nên nó tồn tại, phát triển cùng lịch sử đất nước.Tôi không nhớ rõ mình đã từng đọc bài viết của một nhà văn hoá nổi tiếng viết về làng, rằng: nước có thể mất nhưng làng không bao giờ mất. Làng còn, nước còn. Văn hoá làng còn sẽ chấn hưng đất nước. Ở khía cạnh nào đó rất đúng và sâu sắc.
Những tưởng rặng vải sẽ đi cùng cư dân làng Ngoại trong mối quan hệ cộng sinh vô cùng thân ái. Nhưng không, vào những năm 1980, không rõ vì lý do gì, chủ nhiệm Hợp tác xã đã ban hành quyết định phải đốn chặt rặng vải, nhà nào không chấp hành sẽ bị xử lý. Cây vải lâu nay gắn bó bền chặt với làng từ đời ông sơ, đến đời ông cố, rồi đời ông nội và đến đời con. Tính sơ sơ, có nhiều “cụ vải “ đã hơn trăm tuổi. Vậy mà phải đốn, phải chặt. Khác gì lấy dao chém vào tay mình.
Các cụ đã đi qua bao trận bom B52 tàn phá, nhiều đận lũ lụt kinh hoàng, vẫn trung trinh tồn tại. Vì đâu ra nỗi… Làng trên, xóm dưới buồn so, rũ rượi. Từ cụ cao niên tới trẻ chăn bò. Tiếng cưa, tiếng chặt như cứa vào tim. Thanh niên trai tráng trong làng đành đứng ra làm nhiệm vụ. Ngày “cụ vải “ đầu tiên bị hạ xuống, đám thanh niên hoảng hốt giật mình khi thấy lưỡi cưa không chạy, nó cứ rít lại và rỉ xuống những giọt nhựa màu nâu đỏ thẫm. Các bà, các cụ cao niên chắp tay niệm Phật, xin “cụ yên lòng ra đi”. Cả một vùng xanh um, trù phú, sau một ngày trống hoác, trống hơ. Những giọt nhựa vương dày gốc vải, đi trên đê mà như bỏng rát cả người.
“Cụ vải” cuối cùng bị đốn hạ cũng là ngày ông chủ nhiệm bị kỷ luật. Cũng may, trong lũ trẻ chăn bò năm xưa có vài người bây giờ là kỹ sư nông nghiệp. Đau đáu với quê hương, họ đã góp phần thay đổi diện mạo xóm làng. Rặng vải xưa nay được thay bằng những bụi tre ngà. Những bụi tre vươn thẳng, rễ cắm sâu vào đất, tạo thành bức tường tre. Và chúng lại giữ đất, giữ làng như rặng vải thủa xưa.
Hằng Trịnh
Link nội dung: //revcat.net/lang-toi-a23192.html