Rét này lớp trẻ hay đùa gọi là rét nhá hàng cho các đợt rét đậm, rét hại. Thứ rét mới nghe thôi đã thấy sợ và mường tượng ra nó rét thế nào. Tháng chạp là tháng khoe sắc của rau và quả. Màu vàng thanh mát của hoa cải ngồng, cải ngọt, màu tím ngăn ngắt của hoa cà, đỏ tươi mơn mởn của trái ớt, xanh ngắt nồng nàn của hành hoa, trắng tinh thuần khiết, trầm mặc của mùi già…
Bao nhiêu hương vị hình như đều dồn nén để dành cho tháng Chạp. Sớm mai, mẹ quẩy gánh nào su hào, bắp cải, cà chua, thêm nải chuối chín già trứng cuốc sang chợ. Trưa về, trong gánh của mẹ là áo, là quần còn nguyên mùi mới, mùi vải, mùi hồ… Cái mùi ngửi thôi là thấy mùi của tháng Chạp. Mùi Tết. Mùi Tết tưởng xa và lạ, nhưng không, nó là mùi đặc trưng, gắn chặt trong tâm khảm với từng người Việt từ nhỏ tới già. Nhất là với những người xa quê.
Mùi Tết là nỗi nhớ quặn thắt không thể diễn tả bằng lời, chỉ bằng nước mắt. Với mỗi người đều có cách thể hiện riêng biệt để nguôi ngoai nỗi nhớ. Có người viết ra để được nguôi ngoai. Có người dùng lời để trải cùng nỗi nhớ. Nhưng có nhiều người chỉ bằng nước mắt mà vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi nhớ của mình. Đó là những người Việt xa quê sống ở trời Tây. Tháng Chạp về trong nỗi nhớ thương. Tháng chạp với họ là sự canh cánh nhớ thương cha mẹ. Dù xa hay gần, trẻ thơ hay tóc bạc, nỗi nhớ cha
mẹ không thể gọi thành lời. Chỉ có nước mắt mới gạt đi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ. Nó là sự khắc khoải nhớ mong, là sự yêu thương xa cách bởi địa lý, là sự thiếu vắng trong vòng tay của mẹ, là nụ cười trong ánh mắt của cha… khi tháng Chạp lại về.
Tháng Chạp về là mùi của bao nhiêu loại bánh. Mà bánh chưng là hồn cốt của mỗi gia đình không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Những ngày cuối Tháng Chạp, bên nồi bánh chưng, mẹ bắc nồi rượu. Lũ con quây quần chờ từng xô nước nóng được đun từ lá mùi già của mẹ để tắm cuối năm. Trong cái lạnh thun thút, hương thơm nồng ấm của lá mùi già như xoá tan cái lạnh. Dội nước tới đâu cảm giác thư thái nhẹ nhõm ùa về, thật là khoan khoái.
Bánh chưng đã xong, rồi là bánh lá, bánh xèo, bánh mật, chè lam… Chao ôi là nhiều, là thích. Mỗi loại bánh trong lời kể của bà của mẹ là gương mặt khi là cô tiên, cô gái thảo hiền hoặc là con vật có tình có nghĩa. Em gái tôi khi nghe mẹ kể về nguồn gốc bánh lá (có nơi gọi là bánh răng bừa vì nó rất giống những cái răng bừa) thì em đã kiên quyết không ăn và cầm luôn chiếc bánh thiếp vào giấc ngủ. Tôi tin trong giấc mơ của em sẽ là cờ quạt, vua quân, tưng bừng khai lễ vào hội xuống đồng.
Mỗi loại bánh mang theo mùi vị riêng và đều cõng theo giấc mơ rất riêng của con trẻ. Nên dù Tháng Chạp bộn bề với bao lo toan bận rộn, người lớn vẫn dành thời gian làm bánh để con trẻ kết nối giấc mơ. Đất nước chuyển mình, đời sống được nâng cao. Hàng hoá phong phú, đa dạng. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, chỉ cần một “cú nhấp chuột”, vài hôm sau, bạn đã có ngay sản phẩm mình cần, dù là đặc sản của vùng quê nào trên đất nước hình chữ S.
Khoảng cách địa lý được rút ngắn nhờ sự phát triển của ngành giao thông, dù là hàng không hay các phương tiện giao thông khác đều phát huy và vận hành khai thác hiệu quả nhất phục vụ người dân. Sau rằm Tháng Chạp, các sân bay rộn ràng tấp nập đón người thân về ăn Tết. Xưa, Tháng Chạp về là nhớ thương day dứt, xa cách không nguôi. Nay, chỉ chờ tới
Tháng Chạp để sum họp đoàn viên.
Hằng Trịnh
Link nội dung: //revcat.net/thang-chap-1-a23047.html