Cảm thức cùng "nàng"!
(Đọc Trường ca” Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” của Phạm Thị Phương Thảo- Hội viên HNVVN)
Xuyên suốt tập trường ca là nhân vật "nàng". Nàng là người dẫn dụ ta về với Đà Lạt trong một chuyến bay đêm. Nàng dìu ta vào những giấc mơ cao nguyên, nâng tâm hồn ta bay bổng cùng thi ca…
36 khúc trong bản Trường ca cho ta thấy một bức tranh về Đà Lạt. Quá khứ, hiện tại đan xen cùng nhiều chiêm nghiệm.
Nhà thơ không đơn thuần chỉ là viết, mà chị còn là nữ họa sĩ tự minh họa cho tác phẩm của mình bằng những bức tranh phụ bản.
Cũng như tôi, Phương Thảo yêu sen và đã từng viết rất nhiều thơ về sen.
Và trong trường ca này, ngay ở khúc một, mở đầu cùng với mây trắng và thông ngàn còn thoảng cả hương sen tinh khiết: "Đà Lạt /dưới bầu trời ngàn thông/ mây trắng tự trăm năm/ hồn cốt sen thơm và rừng xanh không tuổi/ Đêm lộng lẫy/ Một biển sao đang trôi/ Gương mặt thời gian/ lặng lẽ không lời"…
Mỗi người đến với Đà Lạt với một tâm trạng và cảm thức khác nhau. "Con người ta sẽ thích ngẫm ngợi nhiều hơn khi tuổi hơi cao và cao dần. Đôi khi người ta thích được ngồi một mình trước thiên nhiên xanh. Rồi người ta thích được tự do thở sâu hay ngồi thiền trong những không gian tĩnh lặng. Đà Lạt đó. Hiểu theo cách ấy thì ai chẳng từng có giấc mơ Đà Lạt cho riêng mình! Mỗi người sẽ tự biết cách tìm đến Đà Lạt của riêng mình".
Vài năm trước, vợ chồng tôi cũng có chuyến du lịch về Đà Lạt. Đà Lạt ngọt ngào giữa rừng thông lao xao, giữa phố núi hanh hao màu nhớ. Ngồi trên xe ngựa chỉ có hai người, chạy vài vòng quanh hồ Xuân Hương, ngỡ như mở đầu cho câu chuyện tình yêu, bằng những ngón tay vụng về tìm nhau, vụng về đan cài, vụng về xiết chặt. Một thứ tình già tự huyễn hoặc lại thấy an nhiên và thanh thản lạ thường...
Và hôm nay, tôi lại cùng “Nàng”. Nàng là Phương Thảo và Phương Thảo chính là Nàng, người đàn bà thơ bước ra từ bức tranh Đà Lạt. Hãy theo chân Nàng về: "Nơi Đà Lạt mù sương yên lành nghe thời gian trôi chảy. Nơi người ta đến để được hâm nóng những mối tình đã trở nên cũ mòn, hay đến để ôn lại một thời son trẻ? Khoảng cách ấy, ở một nơi khác trên thế giới đầy biến động, đang có chiến tranh và bạo động xảy ra, có đổ máu và chết người. Kiếp người mong manh. Mong ước đến để chữa lành những nỗi đau trước thời gian là cần thiết và ý nghĩa hơn cả.
Dẫu có thế nào, Đà Lạt đều bao dung và chở che tất cả".
Vâng, sau tất cả những nỗi đau người ta thường tìm về an trú cùng thiên nhiên. Mẹ thiên nhiên sẽ xoa dịu nỗi đau và khởi nguyện cho họ những giấc mơ của riêng mình.
Và: "Mỗi giấc mơ là một và duy nhất. Không có những giấc mơ giống hệt nhau..."
Cuộc sống này sẽ tẻ nhạt biết bao nếu không có những ước mơ, những khát khao, những cái đích để mình vươn tới.
36 khúc trong tập trường ca là ba mươi sáu nốt nhạc bổng trầm theo cung bậc mùa. Nào ta hãy theo chân nàng để cùng chiêm ngưỡng mưa cao nguyên:"dưới vòm trời đẫm ướt, bầu trời kia như tối sẫm hơn. Nhìn những vòm cây loa kèn vàng đang cong mình trong mưa. Từng bông hoa nhẫn nại chúc xuống như muôn vàn dấu hỏi đang đẫm nước... Nước lấp đầy mọi trống vắng và u buồn. Trào dâng và tuôn chảy. Nước mềm mại mà bướng bỉnh đến thế. Không mở đầu cũng không kết thúc, trôi chảy và réo vang. Có mà như không. Không mà như có! mưa cao nguyên thoắt đến và thoắt đi..."
Cũng không biết tự khi nào, những giọt mưa mang hình trái lê lúc lỉu, hay những giọt mưa chấm than màu lam nhạt lại làm tôi xuyến xao đến thế. Tất cả như trùng xuống, không gian, thời gian lắng lại để tôi mơ về miền thức đã xa xưa...
Có lẽ chính vì sự đồng cảm này mà tôi như thấy mình đang du ngoạn ngắm mưa phố núi cùng Nàng. Tôi từng viết: "... Ta ngồi ghen với cơn mưa/lật nghiêng nỗi nhớ mà chưa sũng chiều/ lời yêu ai thả mỹ miều/rớt vào phượng tím những điều rổng rông..."
Và khi nói tới phượng tím, ta lại cùng nàng phiêu vào thế giới ngàn hoa, bằng những câu lục bát ngắt nhịp: "người mang xuân tới ngọt lành/giang tay vén gió/hoa thành/giấc/say".
Một tập trường ca ghi dấu chân của nhà thơ đến tất cả các địa danh của Đà Lạt. Lúc tản mạn mơ màng, khi lặng trầm triết lý. Là sự đan xen giữa những áng thơ văn xuôi thanh thoát, dịu dàng. Thơ 1-2-3 sâu lắng và Lục bát ngắt nhịp rất độc đáo. Tôi đọc chậm để cảm thức và mơ về những giấc ngàn hoa, ngàn mưa ngàn thông... Để cùng Nàng - Phạm Phương Thảo mơ về những điều tốt đẹp. Để thấy yêu thêm cuộc sống này, sống có trách nhiệm hơn với ta, với thiên nhiên và với cả cộng đồng.
Nàng, người thơ bước ra từ bức tranh Đà Lạt, thanh cao và thánh thiện.
Lê Phương Liên
Link nội dung: //revcat.net/cam-thuc-cung-nang-nguoi-buoc-ra-tu-buc-tranh-da-lat-a22907.html