Theo đó, tại Văn bản số 4680/SYT-TCCB ngày 18/12, do Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái ký, gửi đến Trung tâm Pháp y tỉnh, ngoài việc nêu một số căn cứ pháp lý, thì có thêm “Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc thực hiện thu hồi Quyết định và điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ (người được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Pháp y, khi chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y-PV) sang vị trí khác”.
Theo đó, để đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Trung tâm Pháp Y; Sở Y tế tạm thời giao ông Nghị Hồng Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp Y thực hiện việc quản lý, điều hành Trung tâm Pháp Y cho đến khi bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Pháp Y.
Ông Nghị Hồng Triều chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế và pháp luật về tất cả các hoạt động của Trung tâm Pháp Y theo quy định.
Trong sự việc này, ngoài vấn đề thu hồi Quyết định bổ nhiệm chưa đúng quy định, nên chăng, các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan khi trình ký và ký điều động, bổ nhiệm một Giám đốc Trung tâm Pháp y nhưng không có chứng chỉ giám định viên theo quy định của pháp luật?.
Trước đó, liên quan đến việc điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ làm Giám đốc Trung tâm pháp y chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y tại Quyết định số 739/QĐ-SYT ngày 25/9/2023 của Sở Y tế, Tạp chí điện tử Văn Hóa và Phát triển đã có tin, bài phản ánh cụ thể về vấn đề này.
Điều mà dư luận quan tâm là tại sao ông Nghị Hồng Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp Y tỉnh Gia Lai có đầy đủ các “ căn cứ”, đặc biệt là đã có chứng chỉ giám định viên pháp y…lại không được đề bạt bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Pháp y, mà lại điều động bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ (Bác sĩ chuyên khoa I Răng-Hàm-Mặt, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ- Gia Lai), làm Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, khi ông này chưa có giám định viên pháp y?
Điều này có đang “đi ngược” lại các quy định của pháp luật hay không. Bởi, tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và Biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp thể hiện rõ, Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp.
Bản thân Phó Giám đốc Sở Y tế ông Lý Minh Thái xác định, vì nhu cầu công tác cán bộ, của ngành Y tế nên buộc phải có người đứng đầu để làm việc (lãnh đạo). Về tiêu chuẩn giám định viên thì sẽ nhanh chóng củng cố để ông Chỉ đủ điều kiện.
Còn ông Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, việc thiếu chứng chỉ pháp y, đúng ra khi bổ nhiệm, Sở Y tế phải lường trước được chuyện này. Đây là quy định của bên ngành Y tế, Sở Nội vụ chỉ kiểm tra các vấn đề bằng cấp, về chính trị... Bản thân ông Tiến cũng biết việc ông Chỉ thiếu chứng chỉ pháp y, nhưng khi trao đổi với Sở Y tế thì nhận được câu “trước mắt thì cũng có thể bổ nhiệm được”.
Luật sư Ngô Thanh Quảng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phát, Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai), cũng cho rằng:
Theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp và Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013, thì Giám định viên tư pháp do Chủ tich UBND tỉnh bổ nhiệm và Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp.
Trong hoạt động chuyên môn về công tác giám định, thì các Kết luận giám định phải được Giám đốc, Phó Giám đốc trung tâm giám định ký tên và đóng dấu của Trung tâm, mới có giá trị pháp lý. Hoạt động giám định pháp y có liên quan và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.
LÊ QUANG HỒI
Link nội dung: //revcat.net/gia-lai-thu-hoi-quyet-dinh-bo-nhiem-giam-doc-trung-tam-phap-y-tinh-a22342.html